Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Tranh Chăn Trâu 7 8 9 10

Tranh Số 7: 

Quên Trâu Còn Người




Dẫn
Pháp không hai pháp, trâu gọi là tâm. Dụ tên khác của thỏ bẫy, bày sai biệt của cá tôm. Như vàng ra khỏi khoáng, tợ trăng không mây. Một đường quang sáng, ngoài kiếp oai âm.
Giảng Giải
Pháp không hai pháp, trâu gọi là tâm: Tâm thể chân thật không hình tướng, vượt ra ngoài đối đãi hai bên, nên gọi là pháp không hai. Trâu chỉ cho tâm hay gọi là Thiền. Dụ tên khác của thỏ bẫy, bày sai biệt của cá tôm: Người bẫy thỏ làm cái bẫy để bắt thỏ, con thỏ và cái bẫy là hai loại khác nhau. khi làm cái bẫy gài thỏ thì được gọi là bẫy thỏ. Nghĩa là cái bẫy là cái bẫy, con thỏ là con thỏ, nhưng vì cái bẫy để gài thỏ nên được gọi là bẫy thỏ. Cũng như cái nôm dùng để bắt cá, gọi là cá nôm, thật thì cái nôm không phải là con cá. Cũng vậy, con trâu tượng trưng cho tâm (thể), tâm không phải là trâu. Ở dây, mượn ngôn từ con trâu nói na ná cho người hiểu, nương theo đó để mà tu tập. Như vàng ra khỏi khoáng, tợ trăng không mây: Vàng đã lọc rồi, thì thuần là vàng, không còn có cát sạn lẫn lộn. Như mặt trăng trong trời không mây sáng rỡ. Người tu đến đây, tâm thanh tịnh sáng suốt không bị vẫn đục bởi tình thức loạn tưởng, giống như vàng ròng, hay mặt trăng sáng đêm không mây. Một đường quang sáng, ngoài kiếp oai âm: Chỉ còn một tâm thể thanh tịnh sáng suốt, không chút vọng thức xen tạp, nên xuyên suốt cả không gian và thời gian, đối với không gian thì không thấy có giới hạn, với thời gian thì thấy không có thủy, không có chung. Người tu tới đây thường lầm cho là đã thành Phật vì tâm thể thật thanh tịnh sáng suốt.
Tụng 
Kỵ ngưu dĩ đắc đáo gian san
Ngưu dã không hề nhân dã nhàn
Hồng nhật tam can du tác mộng
Tiên thằng không đốn thảo đường gian
Dịch 
Cỡi trâu về thẳng đến gian san
Trâu đã không rồi, người cũng nhàn
Mặt nhật ba sào vẫn say mộng
Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng
Giảng Giải
Chú mục đồng đã cỡi trâu về đến nhà rồi, chú không còn bận lòng nghĩ đến trâu để chăn giữ nữa, nên nói trâu đã không còn, chú được rảnh rang nhàn rỗi nên sáng ngày, mặt trời lên ba sào mà chú vẫn còn ngủ say. Khi ấy, dụng cụ chăn trâu như roi dây không cần, quăng hết vô nhà cỏ.
Cũng vậy, khi tâm vọng tưởng không còn dấy khởi nữa, hoàn toàn lặng lẽ, tức là tâm đã trở lại chỗ ban sơ thanh tịnh sáng suốt thì hành giả không còn dụng công tu tập nữa, đối với mọi vật không bận lòng, tùy thời đói ăn mệt ngủ.

Tranh Số 8: 

Người Trâu Ðều Quên




Dẫn
Tình phàm rơi rớt, ý thành đều không, chỗ có Phật chẳng cần ngao du, chỗ không Phật phải chạy qua gấp. Hai đầu không dính, ngàn mắt khó xem. Trăm chim ngậm hoa, một trường bối rối.
Giảng Giải
Tình phàm rơi rớt, ý thành đều không: Chúng sanh còn mê cho nên là phàm, thấy mình mê, biết Phật giác gọi đó là Thánh. Khi không còn thấy phàm thánh đối đãi nữa, nên nói phàm thánh đều không. Do đó trong nhà Thiền hay nói chỗ có Phật chẳng cần ngao du, chỗ không Phật phải chạy qua gấp. Chỗ không Phật phải chạy qua gấp thì hợp lý, nhưng chỗ có Phật sao không cần ngao du? Vì: "Có Phật", "Không Phật" là ngôn ngữ hai bên đối đãi, giả lập không thật nên phải vượt qua. Qua hết đối đãi là không còn trâu, không còn người chăn. Hai đầu không dính, ngàn mắt khó xem: Khi tâm không còn dính mắc hai bên đối đãi, tranh chỉ là vòng tròn trắng tượng trưng tánh Viên Giác. Tánh Viên Giác thì không có một vật, không hình, không tướng thì thấy cái gì ? Cho nên nói ngàn mắt khó xem.Trăm chim ngậm hoa, một trường bối rối: Ðây dẫn chuyện của ngài Ngưu Ðầu Pháp Dung. Trước khi gặp Tứ Tổ Ðạo Tín, Ngài quán từ bi nên được chim thương mến đem hoa trái đến cúng dường. Khi gặp Tứ Tổ Ðạo Tín dạy buông hết cả kiến chấp hai bên, ngài tu một thời gian sạch hết vọng niệm hai bên, thì từ đó chim không cúng dường hoa trái nữa. Ðói với người chưa thấu lý Thiền, thì cho rằng trước Ngài tu cao có nhiều phước, nên được chim cúng dường, sau ngài tu dở ít phước, nên chim không cúng dường nữa. Lý đó không đúng, vì tu đến chỗ không còn thấy hai bên, không còn khởi niệm để quán, nên chim không thấy không biết và không đem hoa trái đến cúng dường. Nếu người tu còn để chư Thiên hay chim đem hoa trái đến cúng dường là còn niệm, còn quán, nên nói rằng còn bối rối, chưa ra khỏi hai bên.
Tụng 
Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không
Bích thiên lưu quách tín nan thông
Hồng lô diệm thượng tranh dung tuyết
Ðáo thử phương năng hiệp Tổ Tông
Dịch 
Roi gậy người trâu thảy đều không
Trời xanh thăm thẳm tín chẳng thông
Lò hồng hừng hực nào dung tuyết
Ðến đó mới hay hiệp Tổ Tông
Giảng Giải
Trâu đã không nên roi gậy cũng bỏ, người chăn cũng không nốt. Trời xanh thênh thang không có một gợn mây, thì lúc đó trông thấy cái gì? Cho nên tin tức không thông được. Lò lửa đỏ hừng đâu còn một mảnh tuyết. Chừng đó mới hiệp với con đường Phật Tổ đi.
Người khi đã vượt qua kiến chấp đối đãi hai bên thì không còn ngã và pháp. Ngã pháp không còn thì trí tuệ viên mãn, nên tượng trưng bằng vòng tròn Viên giác, chỗ mà Lục Tổ nói: "Bản lai vô nhất vật" đó vậy.

Tranh Số 9: Trở Về Nguồn Cội




Dẫn
Xưa nay thanh tịnh, chẳng nhận mảy trần. Xem có tướng phải chịu tươi khô, ở vô vi thì ngưng lặng. Chẳng đồng huyễn hóa đâu nhờ tu hành. Nước biếc non xanh ngồi xem thành bại.
Giảng Giải
Xưa nay thanh tịnh, chẳng nhận mảy trần: Bản nguyên chân thật của mỗi người xưa nay vốn là thanh tịnh, không có một vật thì bụi trần làm sao dính được. Xem có tướng phải chịu tươi khô, ở vô vi thì ngưng lặng: Nếu vật có hình tướng thì bị vô thường chi phối, có tươi, có khô, có sanh có diệt, luôn luôn biến đổi. Nếu là vô vi không hình tướng thì chìm trong vắng lặng. Vậy, pháp có tướng thì sanh diệt, không tướng thì chìm trong trống lặng nên phải vượt qua. Chẳng đồng huyễn hóa đâu nhờ tu hành: Bản nguyên chân thật của mỗi người không phải là pháp hư dối huyễn hóa thì đâu nhờ dụng công tu hành mà được. Vì nó vốn sẵn có như vậy. Nước biếc non xanh ngồi xem thành bại: Người mà sống với bản nguyên của mình, thì đối với các pháp thì thấy rõ bản vị của nó, tâm không mê muội, dao động dính mắc. Thiền sư Duy Tín nói: (1) Chưa gặp thiện tri thức, thấy núi sông là núi sông. (2) Gặp thiện tri thức chỉ dạy, thấy núi sông không phải là núi sông. (3) Bây giờ ba mươi năm, thấy núi sông là núi sông. Giai đoạn (3) thấy núi sông là núi sông đó là" "Nước biếc non xanh ngồi xem thành bại". Ðó là trở về nguồn, là phản bổn hoàn nguyên.
Tụng 
Phản bổ hoàn nguyên dĩ phí công
Tranh như trực hạ nhược manh lung
Am trung bất kiến am tiền vật
Thủy tự mang mang hoa tự hồng
Dịch 
Phản bổn hoàn nguyên đã phí công
Ðâu bằng thẳng đó tợ mù câm
Trong am chẳng thấy ngoài vật khác
Nước tự mênh mông hoa tự hồng
Giảng Giải
Cội nguồn là tâm thể chân thật, nó vốn sẵn như vậy, không cần phí công để tìm, không cần phí sức để trở lại. Chỉ cần mắt thấy sắc không phân biệt đẹp xấu. Tai nghe tiếng không phân biệt hay dở. Thấy nghe mà không phân biệt tốt xấu, hay dở, cũng giống như mù như điếc nên nói mù câm. Trong am là chỉ cho tâm thể thênh thang trùm khắp không có một vật gì ngoài nó. Chừng đó mới thấy tự tại, thấy nước mênh mông, thấy hoa tự nở hồng nở tía mà không bận tâm không vướng mắc, đó là phản bổn hoàn nguyên, gọi là vào cảnh giới Phật.

Tranh Số 10:

Thõng Tay Vào Chợ




Dẫn
Ðóng cánh cửa gỗ ngàn Thánh chẳng biết. Vùi phong quang chính mình, phụ lối mòn của bậc hiền trước. Mang bầu vào chợ, mang gậy vào nhà. Quán rượu hàng cá chuyển thành Phật Ðạo.
Giảng Giải
Ðóng cánh cửa gỗ ngàn Thánh chẳng biết: Sau khi vào Phật giới, hành giả sửa soạn để vào ma giới là đóng cửa am, xuống núi đi vào xóm làng chợ búa. Việc làm này, chỉ tự biết chớ không ai biết được, cho tới Thánh cũng không biết nữa. Vùi phong quang chính mình, phụ lối mòn của bậc hiền trước: Tuy đã giác ngộ sáng suốt mà tự ẩn mình, không để cho người biết mình là người tu đã ngộ đạo. Xưa, các bậc Hiền đã ngộ đạo rồi thì làm mẫu mực để giáo hóa chỉ dậy tín đồ, tăng ni. Ngược lại, ở đây Thiền Sư lại bỏ hình tướng của người tu thanh tịnh mà đi vào xóm làng làm con người rất tầm thường, không theo gương người xưa làm mẫu mực cho đời, để mang bầu vào chợ, mang gậy vào nhà. Quán rượu hàng cá chuyển thành Phật Ðạo: Bấy giờ Thiền Sư vào quán rượu không phải để uống rượu, lại hàng cá không phải để mua cá, mà để gần gũi giúp đỡ, hướng dẫn người uống rượu, người bán cá về với Ðạo. Chấp nhận hình ảnh xấu xa tầm thường để đưa người đến với Ðạo là hành động tích cực của người tu Thiền. Tinh thần tích cực của Phật Giáo là không riêng nhận sự an lạc cho bản thân, mà tự che khuất mình bằng cách giả dạng con người rất tầm thường, đi vào chỗ tầm thường, để gần gũi người tầm thường thiếu đạo đức, chuyển họ về với Ðạo.
Tụng 
Lộ hung tiễn túc nhập trần lai
Phù thổ đồ khôi tiếu mãn tai
Bất dụng thần tiên chơn bí quyết
Trực giao khô mộc phóng hoa khai
Dịch 
Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Cây khô cũng khiến nở hoa lành
Giảng Giải

Thiền Sư mặc áo bày ngực, chân không dày dép đi vào chợ để làm những việc rất tầm thường như người đời. Miệng cười hỉ hạ tới mép tai, không cần gìn giữ giới hạnh mẫu mực của người tu, không thuyết giảng giáo lý cao sâu mầu nhiệm, chỉ làm con người rất bình thường để dạy cho những người bán cá, bán thịt ở ngoài chợ, ở quán rượu, là những con người không có chút đạo đức, khiến cho họ có chút đạo đức biết tu hành. Ðó là trọng trách giáo hóa của người tu đã đến chỗ viên mãn. Chỗ này là chỗ thiết yếu, hành giả cần phải hiểu cho rõ, người tu sau khi vào cảnh giới Phật tức là đã triệt ngộ, rồi mới vào cảnh giới ma để lăn xả vào đời, làm lợi ích cho đời. 

Nếu chưa ngộ, chưa vào cảnh giới Phật mà vào cảnh giới ma, tự mình đã không tu tiến mà cũng không làm lợi ích cho người được, thì chắc chắn sớm muộn gì thì cũng thành ma. Ðừng nghe loáng thoáng, hiểu lờ mờ rằng mỗi người ai cũng có Phật Tánh, cho rằng mình cũng có ông Phật rồi tùy ý phóng đãng, ăn nhậu, chơi bời làm chuyện tội lỗi, thì sẽ rơi vào địa ngục như tên bắn. Vì vậy, học là phải hiểu cho chính chắn, cho thấu suốt để tu tập không sai lầm, và tu đến nơi đến chốn.

Không có nhận xét nào: