Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Tranh Chăn Trâu 7 8 9 10

Tranh Số 7: 

Quên Trâu Còn Người




Dẫn
Pháp không hai pháp, trâu gọi là tâm. Dụ tên khác của thỏ bẫy, bày sai biệt của cá tôm. Như vàng ra khỏi khoáng, tợ trăng không mây. Một đường quang sáng, ngoài kiếp oai âm.
Giảng Giải
Pháp không hai pháp, trâu gọi là tâm: Tâm thể chân thật không hình tướng, vượt ra ngoài đối đãi hai bên, nên gọi là pháp không hai. Trâu chỉ cho tâm hay gọi là Thiền. Dụ tên khác của thỏ bẫy, bày sai biệt của cá tôm: Người bẫy thỏ làm cái bẫy để bắt thỏ, con thỏ và cái bẫy là hai loại khác nhau. khi làm cái bẫy gài thỏ thì được gọi là bẫy thỏ. Nghĩa là cái bẫy là cái bẫy, con thỏ là con thỏ, nhưng vì cái bẫy để gài thỏ nên được gọi là bẫy thỏ. Cũng như cái nôm dùng để bắt cá, gọi là cá nôm, thật thì cái nôm không phải là con cá. Cũng vậy, con trâu tượng trưng cho tâm (thể), tâm không phải là trâu. Ở dây, mượn ngôn từ con trâu nói na ná cho người hiểu, nương theo đó để mà tu tập. Như vàng ra khỏi khoáng, tợ trăng không mây: Vàng đã lọc rồi, thì thuần là vàng, không còn có cát sạn lẫn lộn. Như mặt trăng trong trời không mây sáng rỡ. Người tu đến đây, tâm thanh tịnh sáng suốt không bị vẫn đục bởi tình thức loạn tưởng, giống như vàng ròng, hay mặt trăng sáng đêm không mây. Một đường quang sáng, ngoài kiếp oai âm: Chỉ còn một tâm thể thanh tịnh sáng suốt, không chút vọng thức xen tạp, nên xuyên suốt cả không gian và thời gian, đối với không gian thì không thấy có giới hạn, với thời gian thì thấy không có thủy, không có chung. Người tu tới đây thường lầm cho là đã thành Phật vì tâm thể thật thanh tịnh sáng suốt.
Tụng 
Kỵ ngưu dĩ đắc đáo gian san
Ngưu dã không hề nhân dã nhàn
Hồng nhật tam can du tác mộng
Tiên thằng không đốn thảo đường gian
Dịch 
Cỡi trâu về thẳng đến gian san
Trâu đã không rồi, người cũng nhàn
Mặt nhật ba sào vẫn say mộng
Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng
Giảng Giải
Chú mục đồng đã cỡi trâu về đến nhà rồi, chú không còn bận lòng nghĩ đến trâu để chăn giữ nữa, nên nói trâu đã không còn, chú được rảnh rang nhàn rỗi nên sáng ngày, mặt trời lên ba sào mà chú vẫn còn ngủ say. Khi ấy, dụng cụ chăn trâu như roi dây không cần, quăng hết vô nhà cỏ.
Cũng vậy, khi tâm vọng tưởng không còn dấy khởi nữa, hoàn toàn lặng lẽ, tức là tâm đã trở lại chỗ ban sơ thanh tịnh sáng suốt thì hành giả không còn dụng công tu tập nữa, đối với mọi vật không bận lòng, tùy thời đói ăn mệt ngủ.

Tranh Số 8: 

Người Trâu Ðều Quên




Dẫn
Tình phàm rơi rớt, ý thành đều không, chỗ có Phật chẳng cần ngao du, chỗ không Phật phải chạy qua gấp. Hai đầu không dính, ngàn mắt khó xem. Trăm chim ngậm hoa, một trường bối rối.
Giảng Giải
Tình phàm rơi rớt, ý thành đều không: Chúng sanh còn mê cho nên là phàm, thấy mình mê, biết Phật giác gọi đó là Thánh. Khi không còn thấy phàm thánh đối đãi nữa, nên nói phàm thánh đều không. Do đó trong nhà Thiền hay nói chỗ có Phật chẳng cần ngao du, chỗ không Phật phải chạy qua gấp. Chỗ không Phật phải chạy qua gấp thì hợp lý, nhưng chỗ có Phật sao không cần ngao du? Vì: "Có Phật", "Không Phật" là ngôn ngữ hai bên đối đãi, giả lập không thật nên phải vượt qua. Qua hết đối đãi là không còn trâu, không còn người chăn. Hai đầu không dính, ngàn mắt khó xem: Khi tâm không còn dính mắc hai bên đối đãi, tranh chỉ là vòng tròn trắng tượng trưng tánh Viên Giác. Tánh Viên Giác thì không có một vật, không hình, không tướng thì thấy cái gì ? Cho nên nói ngàn mắt khó xem.Trăm chim ngậm hoa, một trường bối rối: Ðây dẫn chuyện của ngài Ngưu Ðầu Pháp Dung. Trước khi gặp Tứ Tổ Ðạo Tín, Ngài quán từ bi nên được chim thương mến đem hoa trái đến cúng dường. Khi gặp Tứ Tổ Ðạo Tín dạy buông hết cả kiến chấp hai bên, ngài tu một thời gian sạch hết vọng niệm hai bên, thì từ đó chim không cúng dường hoa trái nữa. Ðói với người chưa thấu lý Thiền, thì cho rằng trước Ngài tu cao có nhiều phước, nên được chim cúng dường, sau ngài tu dở ít phước, nên chim không cúng dường nữa. Lý đó không đúng, vì tu đến chỗ không còn thấy hai bên, không còn khởi niệm để quán, nên chim không thấy không biết và không đem hoa trái đến cúng dường. Nếu người tu còn để chư Thiên hay chim đem hoa trái đến cúng dường là còn niệm, còn quán, nên nói rằng còn bối rối, chưa ra khỏi hai bên.
Tụng 
Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không
Bích thiên lưu quách tín nan thông
Hồng lô diệm thượng tranh dung tuyết
Ðáo thử phương năng hiệp Tổ Tông
Dịch 
Roi gậy người trâu thảy đều không
Trời xanh thăm thẳm tín chẳng thông
Lò hồng hừng hực nào dung tuyết
Ðến đó mới hay hiệp Tổ Tông
Giảng Giải
Trâu đã không nên roi gậy cũng bỏ, người chăn cũng không nốt. Trời xanh thênh thang không có một gợn mây, thì lúc đó trông thấy cái gì? Cho nên tin tức không thông được. Lò lửa đỏ hừng đâu còn một mảnh tuyết. Chừng đó mới hiệp với con đường Phật Tổ đi.
Người khi đã vượt qua kiến chấp đối đãi hai bên thì không còn ngã và pháp. Ngã pháp không còn thì trí tuệ viên mãn, nên tượng trưng bằng vòng tròn Viên giác, chỗ mà Lục Tổ nói: "Bản lai vô nhất vật" đó vậy.

Tranh Số 9: Trở Về Nguồn Cội




Dẫn
Xưa nay thanh tịnh, chẳng nhận mảy trần. Xem có tướng phải chịu tươi khô, ở vô vi thì ngưng lặng. Chẳng đồng huyễn hóa đâu nhờ tu hành. Nước biếc non xanh ngồi xem thành bại.
Giảng Giải
Xưa nay thanh tịnh, chẳng nhận mảy trần: Bản nguyên chân thật của mỗi người xưa nay vốn là thanh tịnh, không có một vật thì bụi trần làm sao dính được. Xem có tướng phải chịu tươi khô, ở vô vi thì ngưng lặng: Nếu vật có hình tướng thì bị vô thường chi phối, có tươi, có khô, có sanh có diệt, luôn luôn biến đổi. Nếu là vô vi không hình tướng thì chìm trong vắng lặng. Vậy, pháp có tướng thì sanh diệt, không tướng thì chìm trong trống lặng nên phải vượt qua. Chẳng đồng huyễn hóa đâu nhờ tu hành: Bản nguyên chân thật của mỗi người không phải là pháp hư dối huyễn hóa thì đâu nhờ dụng công tu hành mà được. Vì nó vốn sẵn có như vậy. Nước biếc non xanh ngồi xem thành bại: Người mà sống với bản nguyên của mình, thì đối với các pháp thì thấy rõ bản vị của nó, tâm không mê muội, dao động dính mắc. Thiền sư Duy Tín nói: (1) Chưa gặp thiện tri thức, thấy núi sông là núi sông. (2) Gặp thiện tri thức chỉ dạy, thấy núi sông không phải là núi sông. (3) Bây giờ ba mươi năm, thấy núi sông là núi sông. Giai đoạn (3) thấy núi sông là núi sông đó là" "Nước biếc non xanh ngồi xem thành bại". Ðó là trở về nguồn, là phản bổn hoàn nguyên.
Tụng 
Phản bổ hoàn nguyên dĩ phí công
Tranh như trực hạ nhược manh lung
Am trung bất kiến am tiền vật
Thủy tự mang mang hoa tự hồng
Dịch 
Phản bổn hoàn nguyên đã phí công
Ðâu bằng thẳng đó tợ mù câm
Trong am chẳng thấy ngoài vật khác
Nước tự mênh mông hoa tự hồng
Giảng Giải
Cội nguồn là tâm thể chân thật, nó vốn sẵn như vậy, không cần phí công để tìm, không cần phí sức để trở lại. Chỉ cần mắt thấy sắc không phân biệt đẹp xấu. Tai nghe tiếng không phân biệt hay dở. Thấy nghe mà không phân biệt tốt xấu, hay dở, cũng giống như mù như điếc nên nói mù câm. Trong am là chỉ cho tâm thể thênh thang trùm khắp không có một vật gì ngoài nó. Chừng đó mới thấy tự tại, thấy nước mênh mông, thấy hoa tự nở hồng nở tía mà không bận tâm không vướng mắc, đó là phản bổn hoàn nguyên, gọi là vào cảnh giới Phật.

Tranh Số 10:

Thõng Tay Vào Chợ




Dẫn
Ðóng cánh cửa gỗ ngàn Thánh chẳng biết. Vùi phong quang chính mình, phụ lối mòn của bậc hiền trước. Mang bầu vào chợ, mang gậy vào nhà. Quán rượu hàng cá chuyển thành Phật Ðạo.
Giảng Giải
Ðóng cánh cửa gỗ ngàn Thánh chẳng biết: Sau khi vào Phật giới, hành giả sửa soạn để vào ma giới là đóng cửa am, xuống núi đi vào xóm làng chợ búa. Việc làm này, chỉ tự biết chớ không ai biết được, cho tới Thánh cũng không biết nữa. Vùi phong quang chính mình, phụ lối mòn của bậc hiền trước: Tuy đã giác ngộ sáng suốt mà tự ẩn mình, không để cho người biết mình là người tu đã ngộ đạo. Xưa, các bậc Hiền đã ngộ đạo rồi thì làm mẫu mực để giáo hóa chỉ dậy tín đồ, tăng ni. Ngược lại, ở đây Thiền Sư lại bỏ hình tướng của người tu thanh tịnh mà đi vào xóm làng làm con người rất tầm thường, không theo gương người xưa làm mẫu mực cho đời, để mang bầu vào chợ, mang gậy vào nhà. Quán rượu hàng cá chuyển thành Phật Ðạo: Bấy giờ Thiền Sư vào quán rượu không phải để uống rượu, lại hàng cá không phải để mua cá, mà để gần gũi giúp đỡ, hướng dẫn người uống rượu, người bán cá về với Ðạo. Chấp nhận hình ảnh xấu xa tầm thường để đưa người đến với Ðạo là hành động tích cực của người tu Thiền. Tinh thần tích cực của Phật Giáo là không riêng nhận sự an lạc cho bản thân, mà tự che khuất mình bằng cách giả dạng con người rất tầm thường, đi vào chỗ tầm thường, để gần gũi người tầm thường thiếu đạo đức, chuyển họ về với Ðạo.
Tụng 
Lộ hung tiễn túc nhập trần lai
Phù thổ đồ khôi tiếu mãn tai
Bất dụng thần tiên chơn bí quyết
Trực giao khô mộc phóng hoa khai
Dịch 
Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Cây khô cũng khiến nở hoa lành
Giảng Giải

Thiền Sư mặc áo bày ngực, chân không dày dép đi vào chợ để làm những việc rất tầm thường như người đời. Miệng cười hỉ hạ tới mép tai, không cần gìn giữ giới hạnh mẫu mực của người tu, không thuyết giảng giáo lý cao sâu mầu nhiệm, chỉ làm con người rất bình thường để dạy cho những người bán cá, bán thịt ở ngoài chợ, ở quán rượu, là những con người không có chút đạo đức, khiến cho họ có chút đạo đức biết tu hành. Ðó là trọng trách giáo hóa của người tu đã đến chỗ viên mãn. Chỗ này là chỗ thiết yếu, hành giả cần phải hiểu cho rõ, người tu sau khi vào cảnh giới Phật tức là đã triệt ngộ, rồi mới vào cảnh giới ma để lăn xả vào đời, làm lợi ích cho đời. 

Nếu chưa ngộ, chưa vào cảnh giới Phật mà vào cảnh giới ma, tự mình đã không tu tiến mà cũng không làm lợi ích cho người được, thì chắc chắn sớm muộn gì thì cũng thành ma. Ðừng nghe loáng thoáng, hiểu lờ mờ rằng mỗi người ai cũng có Phật Tánh, cho rằng mình cũng có ông Phật rồi tùy ý phóng đãng, ăn nhậu, chơi bời làm chuyện tội lỗi, thì sẽ rơi vào địa ngục như tên bắn. Vì vậy, học là phải hiểu cho chính chắn, cho thấu suốt để tu tập không sai lầm, và tu đến nơi đến chốn.

Tranh Chăn Trâu 4 5 6

Tranh Số 4: Ðược Trâu


Dẫn
Vùi lấp ngoài đồng hoang đã lâu, ngày nay gặp được y. Do cảnh đẹp nên khó đuổi, mến cỏ non chẳng chịu thôi. Tâm ngang ngạnh khá mạnh, tánh hoang dã vẫn còn. Muốn được thuần hòa cần phải roi vọt.
Giảng Giải
Vùi lấp ngoài đồng hoang đã lâu, ngày nay gặp được y: Mỗi người chúng ta có tâm thể chân thật, mà bị vọng tình phủ che nhiều đời nhiều kiếp. Giống con trâu bị cỏ cây vùi lấp ngoài đồng hoang. Nay tuy đã nhận ra được tâm thể chân thật của chính mình, vậy mà khi nghe nói trái tai thì sân si liền dấy khởi ... chỉ nghe toàn tiếng hơn thua phải quấy, chớ không nhớ mình có sẵn Tánh nghe là tâm thể chân thật đang hiện hữu, cho nên nói vùi lấp ở ngoài đồng hoang. Do cảnh đẹp nên khó đuổi, mến cỏ non chẳng chịu thôi vì trâu còn mê cảnh đẹp, đuổi nó không chịu về, nó thích cỏ non cứ mải mê ăn chẳng chịu thôi. Chú mục đồng xỏ mũi kéo nó, nó không chịu quay đầu. Tánh thấy, tánh nghe tự nó không có đuổi theo ngoại cảnh, chỉ vì vọng tình, vọng thức che làm mờ đi. Chúng ta muốn cho nó luôn luôn hiển lộ mà ngược lại tình thức cứ phủ che làm cho nó khuất mờ. Tâm ngang ngạnh khá mạnh, tánh hoang dã vẫn còn : Tuy nhận ra tánh giác rồi, nhưng chưa phải xong việc mà còn phải gìn giữ nó luôn hiện hữu, song gìn giữ không phải dễ dàng. Vì thói quen lâu đời như mắt thấy sắc liền phân biệt tốt xấu, tai nghe tiếng liền phân biệt hay dở, mà không nhớ mình có tánh thấy, không nhớ mình có tánh nghe, chỉ rong ruổi theo hình thức, ngông cuồng chạy ngược chạy xuôi, kềm giữ thật là khó khăn. Muốn được thuần hòa cần phải roi vọt : muốn cho tâm được an tịnh, không chạy theo trần cảnh, thì khi vừa thấy vọng niệm dấy khởi phải rầy: Vọng, không thật! Nếu quở mà vọng không lặng, cứ giấy khởi hoài thì la: Mày là vọng tưởng đã dẫn tao đi mãi trong luân hồi sanh tử, hôm nay muốn dẫn tao xuống địa ngục nữa sao? Rầy la đó gọi là roi vọt trừng trị tâm thức ngông cuồng. Ðó là hình ảnh diễn tả tâm thức cuồng loạn chạy ngược chạy xuôi. Nhưng cách diễn tả này có chỗ không hợp nhất, con trâu chỉ cho tánh giác chân thật, mà cái chân thật thì không chạy. Bởi tình thức vọng động ngăn che làm cho tánh giác khuất đi, tình thức vọng động lặng rồi thì tâm thể hiển lộ. Ðây mượn hình ảnh con trâu ngông cuồng nói lên sự gìn giữ tâm chân thật luôn luôn hiển lộ thật là khó.
Tụng 
Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ
Tâm cường lực tráng tốt nan trừ
Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng
Hựu nhập yên vân thâm xứ cư
Dịch 
Dùng hết thần thông bắt được y
Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì
Có khi vừa hướng cao nguyên tiến
Lại xuống khói mây mãi nằm ỳ
Giảng Giải
Chú mục đồng tận dụng hết sức lực mới bắt được trâu, xỏ mũi cột vàm. Tuy bắt được nó rồi, nhưng tâm nó cang cường, sức nó mạnh nên khó chế ngự điều phục, lại có khi nó vừa đến cao nguyên lại chui vào mây khói ở sâu trong đó.
Hành giả đã tận lực huân tu mới nhận được thể tánh chân thật của chính mình. Tuy đã nhận ra, nhưng nó không thường hiển lộ, vì tập khí lâu đời nên mỗi khi căn tiếp xúc trần liền phân biệt tốt xấu hay dở, chớ không nhớ mình có cái biết không phân biệt, và cứ như thế chạy theo trần cảnh khởi vô số vọng niệm khó mà điều phục. Cao nguyên là dụ cho tâm thể chơn thật đang hiển hiện, mây khói là dụ cho thức tình vọng tưởng. Có khi tâm thể chơn thật mới vừa hiện ra chưa dược ba phút, nó lại ẩn trong đám mây mờ vọng tưởng đang dấy khởi. Bị vọng tưởng che phủ, nó không hiện hữu giống như trâu lên cao nguyên đứng thì dễ thấy, nếu nó lủi vô đám sương mù thì mất hút. Tâm chúng ta cũng vậy, mới vừa an lặng rõ ràng hiện tại, bất chợt vọng niệm dấy khởi liền che mất, thật lâu mới hiện lại, hiện trong phút chốc rồi lại bởi vọng tưởng nữa. Hình ảnh này diễn tả thật cụ thể sự tư tập rất khó khăn ở giai đoạn đầu.

Tranh Số 5: Chăn Trâu


Dẫn
Nghĩ trước vừa dấy, niệm sau liền theo. Do giác nên được thành chơn, bởi mê lầm nên làm thành vọng. Chẳng phải do cảnh có, chỉ tự tâm sanh. Dây mũi nắm chắc không cho toan tính.
Giảng Giải
Nghĩ trước vừa dấy, niệm sau liền theo: Vừa khởi nghĩ về cảnh về người liền có ý niệm về cảnh về người hiện ra, niệm này vừa dứt, niệm khác tiếp theo dấy khởi liên tục. Do giác nên được thành chơn, bởi mê lầm nên làm thành vọng Niệm vừa khởi liền biết nó là vọng tưởng không theo, vọng tưởng lặng thì thành chơn. Nếu mê, niệm khởi chạy theo niệm, niệm này tiếp niệm khác nên làm thành vọng. Chỗ này diễn đạt đầy đủ ý nghĩa của sự tu hành: niệm khởi, ngay đó liền giác thì thành chơn, nếu mê chạy theo niệm thì thành vọng. Lục Tổ nói: "Không sợ niệm khởi mà sợ giác chậm" là đây vậy. Chẳng phải do cảnh có, chỉ tự tâm sanh: Khi lên bồ đoàn ngồi thiền, tâm hành giả không có cảnh vật gì cả. Vậy mà ngồi một chút nhớ chuyện năm xưa, nghĩ chuyện năm tới, đủ mọi cảnh vật hiện ra. Ðó là không đợi có cảnh mới dấy niệm, mà chính nơi tâm sanh khởi niệm và sanh khởi hoài. Vậy nên phải Dây mũi nắm chắc không cho toan tính : Tuy con trâu đã theo chú mục đồng, nhưng chú không dám buông dây mũi sợ nó chạy bậy vào lúa mạ người. Cũng vậy, chúng ta tuy biết rõ ràng ý niệm là vọng tưởng, không phải là tánh giác chân thật của chính mình, song nếu chúng ta lơi lỏng, tỉnh giác yếu thì vọng niệm dấy khởi liền chạy theo. Vì vậy mà phải tỉnh giác miên mật, lâu ngày mới thuần thục.
Ai tới mục này ? - Ai tiến tới mục này là đã đi được nửa đường tu rồi đó!!

Tụng 
Tiên sách thời thời bất ly thân
Khủng y túng bộ nhập ai trần
Tương tương mục đắc thuần hòa dã
Cơ tỏa vô ức tự trục nhân
Dịch 
Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân
Ngại y chạy sổng vào bụi trần
Chăm chăm chăn giữ thuần hòa dã
Dây mũi buông rồi vẫn theo gần
Giảng Giải
Roi và dây chú mục đồng luôn luôn nắm trong tay không bao giờ rời. Chú sợ trâu nhảy vọt vào lùm bụi, nên phải luôn luôn chăn thật kỹ. Bao giờ trâu được thuần rồi, thì chừng đó mới buông dây mũi không kềm chế nữa, trâu tự nó đi theo chú.
Tuy đã nhận ra thể tánh chân thật rồi nhưng vọng niệm vẫn còn dấy khởi, nên hành giả phải luôn luôn phản tỉnh, niệm dấy lên liền biết không theo, và thường xuyên tỉnh giác. Như thế thì lâu ngày tâm sẽ thuần, chừng dó muốn khởi niệm thì niệm khởi, không muốn niệm khởi thì tâm lặng lẽ thanh tịnh.

Tranh Số 6: Cỡi Trâu Về Nhà


Dẫn
Can qua đã hết, được mất về không. Hát khúc ca ông tiều, thổi bản nhạc của chú mục đồng. Ngồi ngang trên lưng trâu mắt ngắm trời mây. Kêu gọi không xoay đầu, kéo lôi chẳng đứng.
Giảng Giải
Can qua đã hết, được mất về không: Trâu đã thuần rồi, không còn đánh đập hay ghì kéo nó nữa. Lúc đó được mất không còn quan tâm, vì thấy được, mất, phải, quấy đều không thật, chỉ là giả lập, thì có cái gì phải bận lòng. Hát khúc ca ông tiều, thổi bản nhạc của chú mục đồng. Ngồi ngang trên lưng trâu mắt ngắm trời mây: Mọi việc thịnh suy của cuộc đời, hành giả không bận lòng. Do đó tâm được thư thả nhàn hạ, nên mới thổi nhạc của kẻ chăn trâu, hát bài ca của người đốn củi, tâm bình thản ngắm nhìn trời mây, không bị ngoại cảnh chi phối, thường được thanh bình an vui. Kêu gọi không xoay đầu, kéo lôi chẳng đứng: Khi tâm được thanh tịnh bình an thì dù cho ngoại duyên có quyến rũ lôi cuốn, lòng vẫn không vướng bận, hoặc ngoại duyên có làm xúc não cũng không buồn giận, vẫn bình thản vô tư mà sống với Ðạo.
Tụng 
Kỵ ngưu đà lê dục hoàn gia
Khương địch thanh thanh tống vãn hà
Nhất phách nhất ca vô hạn ý
Tri âm hà tất cổ thần nha
Dịch 
Cỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vi tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à
Giảng Giải
Chú mục đồng cỡi trâu đi bên vệ đường để trở về quê nhà. Tiễn biệt trời chiều, miệng chú thổi sáo vi vu, tay chú gõ nhịp, chú ca câu ca tuyệt vời. Bấy giờ trâu đã trở thành bạn tri âm của chú, chú đâu nó đó, chú không còn rầy la đánh đập nó nữa.
Người tu thiền điều phục tâm đến chỗ thị phi gác bỏ ngoài tai, được mất không bận lòng, sống trọn ngày chỉ biết cười vui, tự mình cũng không còn nhọc nhằn dụng công. Người hướng dẫn tu cũng vui cười, không còn bận lòng nhắc nhở hoặc la rầy.

Tranh Chăn Trâu 1 2 3

TRANH CHĂN TRÂU

(Thập Mục Ngưu Đồ)
Thầy Thích Thanh Từ dịch và giảng

Tranh Số 1: Tìm Trâu





Dẫn 
Từ lâu chẳng mất đâu cần kiếm tìm. Do trái tánh giác trở thành xa cách. Bởi theo vọng trần bèn thành khuất lấp. Quê nhà dần xa lối tẻ chợt lầm. Ðược mất dấy lên phải quấy đua khởi.
Giảng Giải
Từ lâu chẳng mất đâu cần kiếm tìm: Con trâu tượng trưng cho Tánh Giác sẵn có nơi mỗi người, lúc nào cũng hiển lộ nơi sáu căn, đâu có mất, thì cần gì kiếm tìm.
Do trái tánh giác trở thành xa cách: Học kinh luận thấy Phật nói mỗi chúng sanh có sẵn Tánh Giác, nên muốn tìm, nhưng không biết nó ở đâu mà tìm. Sở dĩ không biết là vì sống chạy theo bên ngoài, trái với Tánh Giác, nên thành xa cách.
Bởi theo vọng trần bèn thành khuất lấp: Hằng ngày chúng ta sống, sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chạy theo trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt, khiến Tánh Giác bị che mờ nên gọi là khuất lấp.
Quê nhà dần xa lối tẻ chợt lầm: Ví như có một quê hương rất thanh bình, người người sống hòa vui hạnh phúc bỗng dưng có người phóng đãng rời bỏ quê hương đi phiêu lưu lang bạt nơi này nơi kia, trải qua nhiều năm, đi mãi, càng đi càng xa cách quê hương. Bỗng một phút giây chợt thức tỉnh, họ muốn trở về quê hương, nhưng về đường xa diệu vợi, có nhiều đường mòn, lối tẻ quanh co, họ không biết phải đi lối nào.
Ðược mất dấy lên phải quấy đua khởi: Sở dĩ có Tánh Giác mà không nhận ra được là vì khi căn tiếp xúc với trần cảnh, tâm liền khởi phân biệt cái này đẹp, cái kia xấu. Cái đẹp thì ưa thích tìm cách tạo sắm cho được, khi được rồi thì lo bảo quản gìn giữ. Một thời gian cái đẹp đó mất đi thì buồn rầu khổ sở, kiếm tìm... Hoặc khi tiếp xúc với người, ai tử tế thì cho đó là phải, ai tệ bạc thì cho đó là quấy. Và cứ tiếp xúc là có phải, quấy, được, mất, dấy khởi không ngừng...Chúng ta học Phật ai cũng biết mình có Chơn Tâm, nhưng không sống được với Chơn Tâm là tại vì đối duyên xúc cảnh cứ thấy được, mất, phải, quấy, hơn, thua, tốt, xấu... mà không thấy cái chân thật.

Tụng 
Mang mang bát thảo khứ truy tầm
Thuỷ hoạt sơn diêu lộ cánh thâm
Lực tận thần bì vô mịch xứ
Ðản văn phong thụ vãn thiền ngâm
Dịch 
Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Chỉ nghe véo vắt giọng ve sầu
Giảng Giải
Chú mục đồng lòng nao nao bồn chồn vạch cỏ bụi để tìm kiếm trâu. Chú lội qua suối sâu, chú trào lên núi cao, chú vượt đường dài xa thẳm. Sức chú đã kiệt, tinh thần chú đã mỏi mệt, nhưng chú vẫn chẳng biết trâu ở đâu mà tìm. Trời chiều, giữa cảnh rừng rậm, chú chỉ nghe trên cây tiếng ve ngâm.
Người mới tu với tất cả ý chí dõng mãnh thiết tha, muốn tu cho thành Ðạo quả, nên hết đến Ðạo tràng này, lại đến Pháp hội kia để học hỏi tìm tòi. Càng đi tìm tòi học hỏi thì càng nhọc sức, vẫn không nắm bắt được cái mà mình muốn kiếm tìm. Nhìn lại, chỉ thấy sinh hoạt cũ kỹ của ngày tháng qua.

Tranh Số 2: Thấy Dấu


Dẫn
Nương kinh để hiểu nghĩa, xem giáo lý tìm dấu vết. Biết rõ vòng, xuyến... đều là vàng, cả thảy muôn vật là chính mình. Chánh tà chẳng cần biện biệt, chơn ngụy đâu cần phân chia. Chưa vào cửa này tạm gọi là thấy dấu.
Giảng Giải
Nương kinh để hiểu nghĩa, xem giáo lý tìm dấu vết: Người tu nhờ xem Kinh học giáo lý, mà biết mình sẵn có Tánh Giác; chỉ biết xuông, tin xuông chứ tự mình chưa tận mặt nhận ra. Biết rõ vòng, xuyến...đều là vàng, cả thảy muôn vật là chính mình: Tất cả đồ trang sức như vòng, xoa, xuyến, nhẫn, hoa tai...tuy hình dạng có sai khác, nhưng thể của nó vẫn là vàng. Tâm thể tròn sáng sẵn có nơi chính mình là nguồn cội sanh ra muôn pháp muôn vật, nên nói cả thảy muôn vật là chính mình. Chánh tà chẳng cần biện biệt, chơn ngụy đâu cần phân chia: Tâm thể chơn thật không hình không tướng, nên ý nghĩa lời nói không đến được. Người tu hằng sống được với tâm thể chân thật của mình rồi, khi đối duyên xúc cảnh không cần phân biệt đây là chánh kia là tà, không còn phân chia đây là chơn kia là ngụy. Vì tất cả các pháp đều là dụng của tâm. Chưa vào cửa này tạm gọi là thấy dấu: Người chưa tự nhận ra tâm thể chơn thật của mình mà nhờ lời Phật Tổ dạy trong Kinh Luận, tin rằng mình sẵn có tâm thể ấy, nên tạm gọi là thấy dấu.

Tụng 
Thủy biên lâm hạ tích thiên đa
Phương thảo ly phi kiến dã ma
Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ
Liêu thiên tỉ khổng tạc tàng tha
Dịch 
Ven rừng bến nước dấu liên hồi
Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
Ví phải non sông lại sâu thẳm
Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi
 
Giảng Giải
Bến bờ sông, trên bờ suối, dưới mé rừng dấu chân trâu rất nhiều. Nên chú mục đồng vạch cỏ cây lùm bụi để tìm trâu, chú cho rằng trâu sẽ ở đâu đây. Dầu cho là núi sâu lại ở chỗ sâu thẳm, nhưng mà lỡ mũi cao ngất trời dấu đâu được nữa. Tức là tìm kiếm mà thấy dấu rồi nhất định sẽ thấy trâu không nghi ngờ.
Lời Phật dạy trong Kinh, lời Tổ dạy trong Luận, trong ngữ lục, là mỗi chúng sanh đều có sẵn Tánh Giác. Hành giả tin Phật, Tổ không nói dối nên ráng sức tu tập theo lời Phật Tổ dạy, không sớm thì muộn chắc chắn sẽ được thành Phật

Tranh Số 3: Thấy Trâu




Dẫn
Từ tiếng được vào, chỗ thấy liền đúng. Cửa sáu căn rành rõ không sai, trong động dụng rành rành hiển lộ. Chất muối trong nước, sắc xanh trong keo. Vén chân mày lên chẳng phải vật khác.
Giảng Giải
Trâu chỉ cho Tánh Giác không sanh không diệt sẵn có nơi mỗi người.
Từ tiếng được vào, chỗ thấy liền đúng: Khi nghe tiếng không chạy theo tiếng để phân biệt hay dở, nhân khi nghe tiếng nhận ra nơi mình có Tánh nghe, đó là cửa từ Quan Âm vào. Ở nơi mắt sẵn có Tánh thấy là cái chân thật, ở nơi mũi, nơi lưỡi cũng có cái chân thật nên nói: Cửa sáu căn rành rõ không sai. Nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý lúc nào cũng có Tánh Giác chân thật hiện tiền không mất.
Trong động dụng rành rành hiển lộ: Tánh giác hiển hiện nơi mọi động dụng của con người đâu có lúc nào thiếu vắng. Nhưng vừa động dụng là có vọng thức xen tạp, nên người không sáng là không nhận ra được. Ðây dùng ví dụ Chất muối trong nước, sắc xanh trong keo: Ngay trong nước biển có muối mà ít người biết, phải chờ đem nước lên ruộng, nước bốc hơi, muối đọng lại, thấy muối mới có tin trong nước biển có muối. Sắc xanh hòa với adao, trong hợp chất đó có lẫn trong nhau mà chúng ta không phân biệt được. Cũng vậy khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chúng ta không nhận ra Tánh thấy, Tánh nghe... là cái chân thật đang hiện hữu mà chỉ biết có nhãn thức hoặc nhĩ thức... phân biệt đẹp xấu hay dở. Nếu ngay nơi sáu căn sẵn có Tánh thấy, Tánh nghe chân thật mà nhận được thể tánh chân thật ấy đó là thấy trâu. Nên nói: Vén chân mày lên chẳng phải vật khác. Vén lông mày lên thì mắt thấy rõ chứ gì! Phải không??? Thấy trâu là nhận nơi mình có thể tánh chân thật lúc nào cũng hiển lộ nơi sáu căn.

Tụng 
Hoàng Li chi thượng nhất thanh thanh
Nhật noãn phong hòa ngạn liễu thanh
Chỉ thử cánh vô hồi tị xứ
Sân sân đầu giác họa nan thành
Dịch 
Hoàng anh cất tiếng hót trên cành
Nắng ấm gió hòa bờ liễu xanh
Chỉ thế, không nơi xoay trở lại
Ðầu sừng rành rõ vẽ khôn thành
Giảng Giải
Trên cành cây, chim hoàng anh hót từng tiếng, từng tiếng. Trời ấm, gió mát, trên bờ có rặng liễu xanh. Chỉ ở đây, không có chỗ xoay lại được nữa. Rõ ràng trâu hiện đầu sừng ra rồi mà vẽ không được.
Ngay khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, không khởi thức phân biệt đẹp xấu, hay dở, thấy chỉ thấy, nghe chỉ nghe...ngay khi đó Tánh thấy, Tánh nghe đang hiện hữu rõ ràng. Thể Tánh chân thật hiển hiện rõ ràng mà không diễn tả được.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH_BsĐỗHồngNgọc

THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH
BS. Đỗ Hồng Ngọc
meditation-breathNgày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng
Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó, bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948, ông phải chịu mổ bảy lần, cắt bỏ tám cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái. Các bác sĩ Pháp bảo, ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình. Và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, hoạt động tích cực, năng nổ trong nhiều lĩnh vực. Chuyện khó tin nhưng có thật!
Tôi may mắn được quen biết ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy. Ông là bác sĩ, đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Ông là cố vấn của bộ môn tâm lý – xã hội học do tôi phụ trách tại trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, (nay là đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989). Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.
blankDưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!
Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lạc trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh mạnh vào bụng ông xem sao. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ông cười “tiết lộ” với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt. Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ, mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông.
thoTrước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khoẻ tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ… dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.
“Thót bụng thở ra” được nói đến đầu tiên vì thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện thì thở ra.
Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé “tung mình” ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên. Tiếng khóc chào đời lúc đó chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được “lắp đặt” xong, đã khởi động tốt, sẽ “bảo hành” cho đến khi… tắt thở, miễn là trong quá trình sử dụng biết “bảo trì”! Cách bảo trì tốt nhất vẫn là đừng đưa bụi, khói… (thuốc lá) vào lấp các đường hô hấp lớn nhỏ khiến ta phải thở khò khè, thở cà giựt, thở cà hước về sau… là được.
“Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại”
Sự hô hấp xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm khí vào ra “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về “cơ chế” của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn píttông (piston) chính là cơ hoành – một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bể lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Vậy mà cơ hoành có thể nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí. Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất. Cho nên trong bài vè tập thở ta thấy nói “thót bụng”, “phình bụng” – mà không hề nói đến ngực chút nào là vậy! Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết. Nó thở bằng bụng chớ không phải thở bằng ngực. Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống, đều đều, nhẹ nhàng mà thôi.
Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for reversing heart disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.
Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.
BS Đỗ Hồng Ngọc (Báo SGTT)

THỞ VÀ THIỀN (2)_Bs ĐỗHồngNgọc

THỞ và THIỀN
BS. Đỗ Hồng Ngọc

thovathienCó một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy hướng dẫn kỹ năng thiền định của Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm ( Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là thở: Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn… Tóm lại, đó là luôn bắt đầu bằng sự quán sát hơi thở, đặt niệm (nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Mà vô vàn. Mà “nói không được” (bất khả thuyết)! Bản dịch Vịệt nào cũng viết: “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây nhầm lẫn ở đây chăng? Thở thì ai mà chả biết thở kia chứ! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, biết cách thở mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận đựơc (perceive) cái sự thở, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra kia kìa, đó mới là điều cốt lõi!
Dù gọi là Thiền (Việt) hay Chan (Hoa), Zen ( Nhật)… thì cũng đều có nguồn gốc từ Dhyana (Sankrist) hay Jhanas (Pali). Theo ngữ nguyên thì Jha là nhìn, là quán sát, là theo dõi và Ana là thở, hơi thở, là khí. Vậy, jhanas hay dhyana chính là quán sát hơi thở, nhận thức hơi thở. Đơn giản vậy mà thực ra không giản đơn chút nào! Nó như là một chìa khóa căn bản. Phải mở cái cửa này đã rồi các cửa khác mới mở tiếp được.Vấn đề là tại sao và cách nào để chỉ từ một việc có vẻ rất giản đơn là quán sát hơi thở lại có thể dẫn tới tuệ giác, một sự chuyển hóa từ “khí” mà thành “trí”?
Câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Quán sát hơi thở thì có gì hay? Sao lại không các đối tượng khác để quán sát? Thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tất cả đều là pháp- nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp- nhưng quán sát hơi thở thì có điều kiện để thấy “ngũ uẩn giai không” hơn, tức thấy vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái. Để thấy “vô ngã” thì tốt nhất là quán sát từ “ngã”, từ hơi thở chẳng hạn, một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. Tim đập cũng lúc nhanh lúc chậm, nhưng khó theo dõi, hoàn toàn ngòai ý muốn, khó can thiệp. Dạ dày thì làm vịệc âm thầm, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khóai ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp, khi mệt, ta “bỡ hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”!
meditation-breathMỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy đựơc sự sinh diệt. Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta, chuyển hóa cảm xúc ta, cả hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thấy nó phập phều kỳ cục, tức cười, bèn quên giận mà hơi thở được điều hoà trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng quán sát hơi thở để kiểm sóat cảm xúc và hành vi. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại tức khắc- không còn đắm mình trong dĩ vãng hay tương lai. Mà hiện tại thì không có thời gian!
Ta biết sự hô hấp thật sự không phải xảy ra ở phổi mà ở trong từng tế bào. Đây cũng có thể gọi là “thâm hô hấp”. Ở các sinh vật đơn bào, khí trao đổi trực tiếp qua da, tức qua màng tế bào, một cách đơn giản. Ở con cá đa bào, sống dưới nước, thì khí trao đổi qua mang. Con người do kết hợp đa bào, phức tạp hơn nhiều nên phải thở qua phổi nhưng vẫn trao đổi khí trực tiếp ở từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch. Do vậy mà khi ta có cách nào đó điều chỉnh được lượng khí ra vào, hiệu ứng sẽ tác động đến từng tế bào riêng lẻ. Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Người lao động nặng cần năng lượng gấp ba bốn lần người bình thường, trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm hết gần một nửa. Riêng não bộ, với trọng lựơng rất nhỏ bé, chỉ khoảng 2% thể trọng mà đã tiêu dùng đến 30% khối lượng oxy đưa vào cơ thể. Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời là vậy! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc!.Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khóai đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, phải chăng đó chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt?).
Phổi ta như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không, “zéro”, thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như cánh chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “prana”. Pra có nghĩa là trước và ana là thở vào ( cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga của Ấn Độ, khí công của Trung quốc, cũng như y học Đông phương nói chung đã nói đến từ cổ đại. Trong yoga có pranayama, kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn phải là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở tự kiểm sóat! Đến một lúc nào đó hành giả không cảm nhận mình thở nữa. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp thiền tập- mà tôi tạm gọi là “Pranasati”, tức là đặt niệm vào quãng lặng – ở đây chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết họ có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng của họ ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó họ đã không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người… Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra sâu trong các tế bào (thâm hô hấp), nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, tiêu thụ năng lượng tối thiểu và do vậy nhu cằu sản xuất năng lượng không còn đòi hỏi cao nữa!
Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm – tức là khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất- thì cũng chẳng khác biệt! Với người anh em đơn bào đó thì ta cũng đang cùng hút chung một bầu khí, cùng bú chung một “núm vú” vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa! Các sinh vật cùng chia sẻ một cách…bình đẳng, không phân biệt và theo nhu cầu như vậy. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra carbonic; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương… cũng phình ra xẹp vào như ta vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt. Nhưng chính con người có thể làm hại môi trường sống của mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự sống của thiên nhiên và muôn loài trên hành tinh xanh này!
Khi nói đến thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi: ngồi thiền. Rồi nào kiết già, nào bán già, hết sức phức tạp và bí hiểm như chỉ dành riêng cho một giới nào đó. Thiền thực ra không nhất thiết phải ngồi, không nhất thiết phải kiết già bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được cả. Người Nhật, người Tây Tạng đều có cách “ngồi” thiền riêng của mình, người Tây phương còn khác hơn nữa, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu, buông xả toàn thân là được. Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi thế hơn cả. Tại sao? Tại vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đỡ cả thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân ta đã làm cho các bắp cơ đổi chiều. Đây là phương pháp “đối chứng trị liệu”. Khi nào đi bộ lâu, mỏi chân, ta ngồi xuống, xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân bớt mỏi nhanh hơn. Cơ nào đã duỗi lâu thì được co lại, cơ nào đã co lâu thì được duỗi ra! Thiền hay yoga do vậy khai thác kỹ thuật này để trị liệu rất có hiệu quả sự mỏi mệt, không kể ngồi theo cách này cũng giúp làm giảm sự tiêu thụ oxy!
Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thiền. Ta dễ có khuynh hướng chìu theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực- và nhất là tuổi tác- do đó dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Đó là những cơn đau cấp tính, nếu nghỉ ngơi và uống thuốc đùng cách chừng mươi ngày, nửa tháng sẽ khỏi, nhưng không khỏi hẳn, dễ tái phát do tư thế chưa được điều chỉnh. Nhưng nguồn gốc sâu xa hơn lại là do cách sống căng thẳng, chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”!. Một người cúi gầm suốt ngày trước máy vi tính hay TV để chơi games online thì sớm muộn cũng bị những hội chứng về cột sống. Một người quen đi chùa lạy Phật mà với tư thế không đúng thì lâu ngày cũng bị đau cột sống như vậy! Nhất là khi đã có tuổi, cột sống có khuynh hướng cứng lại, mất đàn hồi, các lớp sụn độn giữa hai đốt sống dễ bị bẹp, có khi “xì” ra một bên, chèn ép gây đau, nhiều khi phải phẫu thuật để chữa. Giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dụng bụng, có nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm tiến trình lão hóa.
Trong thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước. Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Có thể nói cơ thể ta như chỉ gồm có hai phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lòng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó- mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là xả hơi! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì nghỉ xả hơi! Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ ( tonus musculaire) và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn.
Cơ thể ta có hơn mười ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một cái túi, một lọai “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ oxy- kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là oxyt hóa- để tạo ra năng lượng. Nhưng oxyt hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, già nua!. Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt hóa thành rỉ sét. Khi cơ thể có cách nào làm giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết thì các tế bào cũng sẽ được nghỉ ngơi.
Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn như glucid, lipid, protid… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thì sẽ sống lâu hơn và trẻ hơn. Do vậy mà các thiền giả không có nhiều nhu cầu về các chất dinh dưỡng được cung cấp bởi thức ăn! Ta thấy giới, định và tuệ gắn bó chặt chẽ với nhau như một tam giác cân, tác động hai chiều là vậy!
Đừng tìm đâu cho mất công. Hãy quay về nương tựa chính mình. Quả đúng như vậy. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?
(Bài nói chuyện tại CLB Trà Đạo, 11.9.2009) (Tạp chí Phụ Nữ)

Nói thêm về “Thở để chữa bệnh”
Nhiều độc giả viết thư, gởi email, điện thọai hỏi thêm về Thở để chũa bệnh. Có người bảo sau 2 tháng “tập luyện” đã thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn; có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v.. Một độc giả ở tận Hà Tiên, 47 tuổi, nói nhờ có người bạn cắt gởi cho bài báo trên PN nên đã thử tập thở 2 tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ 5 phút mới hết…
Trước hết cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải giờ giấc, tư thế nọ kia? Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả! Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết: Nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và… thở bằng cái bụng! Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên không chỉ của người mà của…mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con cắc kè., con ễnh ương… thì biết. Nó thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi. Tóm lại, nhớ rằng thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả! “Ở đâu cũng đựơc/ Lúc nào cũng đựơc” là vậy.
Thứ hai là không nên ráng sức, gắng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen tốt thế thôi. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì sẽ dẫn đến … thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần… Tại sao vậy? Tại vì đã ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối lọan sự điều hoà tự nhiên của cơ thể. Cho nên người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”! Ta thở bụng là để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn nhân” của một phái võ nào đâu. Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng. Nhưng phải kiên trì, như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó ( tăng huyết áp, tiểu đừơng…) thì vẫn phải dùng thúôc theo chỉ định của bác sĩ.. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.
Thứ ba, luôn nhớ mình đang thở. Theo dõi luồng hơi thở ra, hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình nhích lên nhích xúông theo từng nhịp thở là đựọc. Lâu nay ta thở một cách phản xạ, vô thức, Nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, theo dõi sát nó thì sẽ giúp ta… quên mọi thứ chuyện khác. Nhờ vậy, tâm ta đựơc tĩnh lặng. Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ… sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi”!
Đằng sau chuyện thở bụng còn nhiều điều hay. Có dịp ta lại bàn tiếp vậy.
BS Đỗ Hồng Ngọc
(Phụ Nữ)
Nguồn : http://thuvienhoasen.org/p36a6822/tho-va-thien

THỞ VÀ THIỀN (1)_Bs ĐỗHồngNgọc

THỞ VÀ THIỀN 
BS. Đỗ Hồng Ngọc


mtđm: Với cách viết nhẹ nhàng duyên dáng và nhất là rất chân thực, anh ĐHN đã chiếm trọn cảm tình của những người yêu Thiền, yêu cuộc sống bằng những tác phẩm ngắn rất giá trị : Gươm Báu Trao tay, Nghĩ Về Trái Tim, Gió Heo May Đã Về, Già Ơi Xin Chào Mi,....Mình giới thiệu lại ở đây 3 bài viết về Hơi Thở của Anh . Các bạn có thể đọc thêm về Thiền Hơi thở ở link này:
http://thuvienhoasen.org/p36/thien-va-tho

thovathien-1Một hôm, nhạc sĩ Dương Thụ mời tôi đến Cà phê Thứ 7 của anh trò chuyện một bữa cho vui. Được thôi. Tôi vẫn thỉnh thoảng đến chỗ anh để uống cà phê và nghe chuyện trò mà. Đề tài gì? Thiền và sức khỏe. Vấn đề đang rất được giới trí thức quan tâm. Căn phòng nhỏ xíu, nhưng trang nhã, ấm cúng. Một chỗ chơi nhạc thính phòng, họp mặt bạn bè kiểu salon thế kỷ 18- chỉ thiếu một nữ bá tước- để chuyện trò thân mật, cách biệt với ồn ào nhộn nhịp ngoài kia.
Đã thấy có các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, học giả, nhà vật lý, kiến trúc sư, luật gia… và khá nhiều bạn trẻ. Cũng như mọi lần, câu hỏi đặt ra là vì sao bệnh viện mở ra ngày càng nhiều mà lúc nào cũng “quá tải”? Vì sao con người bây giờ tiện nghi dồi dào mà đau ốm triền miên? Vì sao bệnh nhiễm gia tăng trở lại và bệnh do hành vi lối sống ngày một phát triển trong khi khoa học y học tiến như vũ bão? Rõ ràng sức khỏe không phải là chuyện của y tế. Y tế chỉ làm mỗi việc “cứu tế về y khoa” khi ta đau ốm quặt quẹo. Sức khỏe lại là chuyện của mỗi người, của mọi người. Khi melamine ở trong sữa, kích thích tố sinh dục ở trong thịt, thuốc trừ sâu ở trong rau… thì bác sĩ làm sao? Khi bụi khói đầy đường, tiếng ồn đinh tai nhức óc thì bác sĩ làm sao? Tại sao nhiều diễn viên tài tử gìàu có xinh đẹp bỗng một hôm thắt cổ hoặc uống thuốc độc tự tử? Tại sau lâu lâu một tỷ phú đại gia nhảy lầu? Thì ra đời sống càng tiện nghi, nhu cầu vật chất càng được thõa mãn thì con người càng xa lạ với tự nhiên, với chính mình. Stress chính là nguyên nhân sâu xa của 60-90% bệnh lý đưa người ta đến bác sĩ. Mà bác sĩ thì chữa được cái đau chứ không chữa được cái khổ, chữa được cái bệnh, chứ không chữa được cái hoạn. Cho nên cứ xà quần như vậy. Có cách nào không?
. Thiền. Thiền có thể góp phần giải quyết căn cơ. Thiền giúp ta biết “dừng lại”, thôi đi. Thiền giúp ta nhận ra những “điên đảo mộng tưởng”. Nhưng thiền là gì? Cách nào? Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất mà cốt lõi nhất. Đó là Thở. Thở bụng. Ô hay, thở phải bằng ngực chứ, phổi nằm ở ngực kia mà? Phổi nằm ở ngực, nhưng thở nằm ở bụng. Cứ nhìn một em bé đang ngủ say mà xem? Cứ nhìn một người bình thường đang ngủ yên mà xem? Chỉ có cái bụng là phình lên xẹp xuống, còn cái ngực thì… im re. Thật vậy, khi cái ngực mà khò khè, mà cò cử thì nó đã bị bệnh rồi, đã suyễn hoặc viêm phổi tắt nghẽn mạn tính rồi. Nói khác đi, cách thở sinh lý, thở thiên nhiên, thở bình thường chính là thở bụng. Người khỏe thì luôn thở bụng nên thở bụng làm cho ta khỏe. Chỉ có vậy. “Bí quyết” nằm ở chỗ đơn giản nhất đó. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền… đều bắt đầu bằng tập thở bụng. Tại sao phải tập? Bởi không biết tự lúc nào con người lại xa rời cái nguồn gốc tự nhiên của mình, bày ra trò thở ngực, cũng như thay vì ăn những thức ăn lành mạnh sẵn có trong thiên nhiên thì con người chế biến đủ kiểu cho nó hư đi. Do vậy, thở phải được rèn tập trở lại. Về sinh lý, cơ hô hấp chính của ta là cơ hoành, vắt ngang giữa bụng và ngực chớ không phải cơ gian sườn hay cơ cổ. Khi các cơ gian sườn, cơ cổ mà ráng sức phì phò thì đã bệnh rồi. Nhắc lại phương pháp thở bụng của Nguyễn Khắc Viện, của Dean Ornish, của Deepak Chopra và cả kinh nghiệm bản thân. Phương pháp đơn giản, không tốn kém này hiện nay ngày càng được phổ biến ở các Trung tâm y khoa lớn trên thế giới đễ chữa stress, căn nguyên các bệnh dịch không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, gout…
thien-thovao
thien-thora
Nhưng, thiền không dừng ở đó. Sau thở bụng, bước tiếp theo là “dõi theo” và “suy tưởng” về cái hơi thở đó. Nó vào nó ra nó lên nó xuống nó phồng nó xẹp. “Dõi theo” khác với “theo dõi”. Theo dõi mệt lắm. Dõi theo thì ung dung hơn. Cứ thả cho nó sao thì sao, chỉ cần dõi theo và ghi nhận, không bình luận, không phê phán. Trí thức vốn hay bình luận, hay phê phán… nên trí thức thường thất bại trong thiền. Một người hàng thịt buông dao thành Phật. Trí thức còn lâu! Nhưng trí thức lại có cái hay của nó. Nó không dễ tin. Nó ngờ. Nhưng, đại nghi đại ngộ. Càng nghi càng ngộ. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, một nhà minh triết – Dức Phật- bảo đừng vội tin tôi, cứ đến nếm thử đi rồi biết. Đến và nếm thử. Đến là thực hành. Làm đi, đừng nói nữa. Vụ này nói không được, “bất khả thuyết”! Nếm thử là cảm nhận. Phải tự mình cảm nhận, tự mình thể nghiệm để riêng mình cảm nhận, không thể nhờ ai khác. Thở mà cũng phải nhờ người khác thở giùm hay sao? Tôi ngạc nhiên thấy các ông thầy dạy “thở” bắt người ta làm theo ý mình. Làm theo sao được! Mỗi người có cái sinh lý, thể chất, tâm lý riêng của mình chứ. Nắm lấy nguyên tắc thôi, rồi thực hành theo kiểu của mình. Bắt chước người khác, tẩu hỏa nhập ma như chơi! Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn có lần nói với tôi là ông đi máy bay từ Hà Nội vào Saigon chỉ thở 60 lần là tới nơi, nghĩa là mỗi hơi thở của ông dài 2 phút. Máy bay bay 2 giờ, ông thở 60 lần. Còn ta, bắt chước ông sao được. Ông có cái sinh lý của ông, lại rèn tập từ thuở nhỏ.
Cái hay thứ hai của trí thức là “suy tưởng”. Thiền cần suy tưởng. Không phải suy tưởng chuyện tranh bá đồ vương, gồm thâu lục quốc, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị gì đâu! Trước hết là suy tưởng về cái hơi thở đang vào đang ra kia! Tưởng nó là của ta mà chẳng phải của ta. Tưởng nó ở trong ta mà hóa ra ở ngoài ta. Tưởng ta điều khiển nó mà thật ra nó cóc cần ta. Lợi ích bất ngờ là sự dõi theo và suy tưởng “hồn nhiên” đó ai dè giúp ta cắt đứt dòng “tâm viên ý mã” linh tinh khác, gom thân tâm ta về một mối là hơi thở của chính mình, ở đây và bây giờ, dứt bặt những âu lo phiền muộn. Nói khác đi, nó làm ta được “thảnh thơi”, nó giải stress, nghĩa là mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc.
Thiền có thể làm ta được thảnh thơi, giải stress, mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc ư? Tin được không? Có cơ sở khoa học nào không? Trí thức sẽ hỏi. Đâu dễ tin. Và câu trả lời là có. It ra là về mặt sinh học. Thở chẳng phải trước hết là chuyện sinh học ư? Ta cần lấy Oxy từ bầu khí quyên đưa vào phổi, rồi máu mang Oxy đó đến từng tế bào trong cơ thể để tạo ra nặng lương cho sự sinh tồn và hoạt động của ta. Một người chạy đua 100m phải nín thở để chạy, đến nơi anh ta thở hào hễn vì phải trả “nợ Oxy” đã vay mượn trong lúc nín thở. Cơ thể ta lúc nào cũng ở trong tình trạng căng cứng để đi đứng nằm ngồi. Các cơ bắp luôn luôn co duỗi để giữ cho ta có một tư thế theo ý muốn. Sự căng cứng cơ bắp (tonus musculaire) đó tiêu thụ khoảng 40% năng lượng. Nếu có cách nào làm giảm sự căng cứng cơ ta sẽ tích lũy năng lượng đáng kể, cơ thể nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn. Riêng não bộ tuy chỉ chiếm có 2% thể trọng mà tiêu tốn đến 30% năng lượng. Nếu có cách nào đó làm cho não bộ được nghỉ ngơi, tích lũy thêm một khối năng lượng đáng kể nữa, các tế bào nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn! Sự sảng khoái đó trong thiền gọi là “thiền duyệt”. Câu hỏi đặt ra là tại sao não bộ lại xài phí tiêu hoang năng lượng nhiều đến vậy? Thì ra não lúc nào cũng ở trong trạng thái “điên cái đầu”, lúc nào cũng nghĩ ngợi lung tung, tâm viên ý mã! Trí thức- hoạt động trí não nhiều- càng dễ bãi hoãi, kiệt sức, quên trước quên sau, đến bác sĩ, bác sĩ chẩn đoán “mệt mỏi kinh niên không rõ nguyên nhân”, nghĩa là bí… Lúc say mê làm việc trí thức thường quên thở để sau đó lại hào hễn, trả nợ Oxy. Thiền vừa làm giãn cơ, vừa làm lắng dịu các hoạt động lăng xăng của não, nhờ đó mà giúp cơ thể thảnh thơi, an lạc. Hoạt động thể chất sau đó sẽ bền bĩ hơn, suy tưởng sau đó sẽ tập trung hơn, sáng suốt hơn.
Trong lúc tập trung dõi theo hơi thở như thế, những câu hỏi sẽ gợi lên: Tại sao phải thở? Không thở được không? Tại sao ta cần Oxy (O2) – khí thải của cây xanh- trong khi cây xanh cần Carbonic (CO2) – khí thải của ta? Có sinh vật nào sống mà không cần Oxy không?… Câu trả lời sẽ liên quan đến khí quyển, đến môi trường, đến cây xanh, đến sinh vật hiếm khí, vi khuẩn sống trong núi lửa, trong băng tuyết… Rồi nhìn ra mênh mông, thấy không chỉ một vũ trụ (universe) mà là đa vũ trụ (multiverse), tam thiên đại thiên thế giới, với trùng trùng duyên khởi … từ đó, có hôm nào nhận ra thực tướng vô tướng, cái mà bây giờ người ta gọi là “Theory of Everything” (?)… hay như Stephen W. Hawking giật mình nhận ra cái The Grand Design, “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ” (?). Thiệt ngộ, chỉ với C, H và O quấn quít lấy nhau, khi cần ngọt ngào thì có đường, khi cần chua chát thì có dấm, khi cần đắng cay lại có chút rượu mềm môi?
Khi bản đồ gen người được thiết lập, các nhà sinh học giật mình thấy cái cây cổ thụ ngoài sân chứa đến 70% gen người, ai dám bảo không có chuyện “thạch nữ giá bồ lang”? Cái cọng cải non xanh kia có đến 26% gen người, rồi ruồi giấm, chuột bọ… Chuột có đến 97.5% gen người nên mới có đám cưới chuột, mới có “chuột kêu chút chít trong rương / anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay”! Ểnh ương, tắc kè, thằn lằn, rắn mối… con nào cũng phì phò xì xụp, cũng phình phình xẹp xẹp đó thôi…
Thiền còn giúp ta thấy sinh trụ dị diệt, thấy mỗi hơi thở là một kiếp người. Bé sơ sinh hít mạnh hơi vào thì cụ già thở hắt hơi ra. Giữa hai lần thở đó là những làn sóng lăn tăn, dài ngắn. Đừng tìm kiếm thần thông phép lạ. Thần thông phép lạ đầy rẫy quanh ta.
Buổi trò chuyện chuyển sang phần hỏi đáp. Chỉ xin ghi lại vài câu.
1) Kiếm hiệp hay nói “đưa hơi xuống huyệt đan điền” là sao? Đó chính là cách thở bụng. Khi hít vào, đẩy cơ hoành xuống càng sâu càng tốt, xuống tận huyệt “đan điền”. Huyệt đan điền nằm dưới rún ba lóng tay, khoảng 4cm. Đan là thuốc, điền là ruộng. Đan điền là ruộng thuốc. “Linh đan diệu dược”. Người xưa coi thở bụng là phương pháp luyện công tốt nhất, được sử dụng trong võ thuật và phép tu tiên để trường sinh bất lão. Thực ra cơ hoành chỉ di chuyển được khoảng 7 cm thôi, chưa quá rún, cũng đã đưa vào hơn 1,5 lít không khí rồi. Nhưng, cần để ý, ráng sức thở sâu quá sẽ dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”.
2) Dùng ý dẫn khí đến những nơi mình muốn có được không? Chẳng hạn đến tận ngón tay, ngón chân, các khớp đang đau nhức? Được. Ý dẫn các pháp mà! Về sinh học, hệ thống mao mạch dài đến 100.000 km (hai vòng rưởi xích đạo quả đất chớ ít gì!) dẫn khí đến tận từng tế bào trong cơ thể con người. Mỗi tế bào thực chất là một… sinh vật, chúng hấp thu Oxy để tạo năng lượng. Dùng ý dẫn khí là một cách nói, nhấn mạnh khả năng đưa khí lưu chuyển toàn thân, đến từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch này. Hiện tượng viêm trong y học – sưng, nóng, đỏ, đau- chính là đưa máu dồn về nơi có bệnh để chữa trị, tập trung Oxy nhiều đến đó để tăng cường năng lượng.
3) Tôi học cách thở âm và thở dương? Thở dương là đưa hơi qua mũi, theo nhâm mạch xuống đan điền, hậu môn, rồi nhíu hậu môn lại; thở âm là đưa hơi lên đỉnh đầu, theo đốc mạch đến hậu môn, nhíu hậu môn lại… để chữa trị các trạng thái âm và dương của thân tâm đúng không?Đúng. Bí quyết nằm ở chỗ “nhíu hậu môn”. Những thứ khác thực chất vẫn là thở bụng, thở sâu. Khi vỏ não tập trung vào điều này thì không thể cùng lúc tập trung vào điều khác. Hai người sắp đánh nhau mà nghe động đất sợ quá bỏ chạy quên đánh nhau. Cái “sợ” đã thay chỗ cho cái “giận” ở vỏ não. Một người ở trạng thái buồn bã (âm) hay trạng thái kích động (dương) mà biết tập trung vào hơi thở sâu, tập trung vào chuyện “nhíu hậu môn” thì “công tắc” đã chuyển sang hướng khác ở vỏ não.
4) Nghi ung thư, làm xét nghiệm không có gì, chỉ bị cao huyết áp (HA). Mua máy đo HA về đo mỗi ngày cả chục lần, lúc nào cũng cao, chỉ khi uống vài ly thì HA mới xuống? Một tỷ phú Mỹ thường đọc báo y học nghi mình bị ung thư. Khám bác sĩ, bình thường. Không tin, đến bác sĩ khác. Cuối cùng gặp một bác sĩ giỏi, biết ngay là ung thư. Mừng vì mình chẩn đoán bệnh giỏi hơn các bác sĩ, tỷ phú hiến hết tài sản rồi đi chu du khắp thế giới trước khi chết, mời cả cô y tá xinh đẹp của bác sĩ cùng đi. Sáu tháng sau, dẫn vợ -cô y tá bấy giờ đã là vợ- về thăm bác sĩ, hoàn toàn khỏe mạnh. Bác sĩ cười: ông chỉ “bệnh tưởng”! Vụ HA thì chính cái máy đo là thủ phạm. Mỗi lần đo là mỗi lần lo lắng, căng thằng nên HA tăng cao. Khi có vài ly vào thì hết lo, hết căng thẳng.
* *
*
Nhưng thiền không dừng lại ở đó. Nó mở ra những khoảng mênh mông bất khả tư nghì!
BS Đỗ Hồng Ngọc