Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

BẢN NHẠC KHÔNG NỐT 4'33''


4 PHÚT 33 GIÂY
Nguyễn Duy Nhiên

Một ngày lất phất mưa tháng tám năm 1952, tại thành phố Woodstock ở tiểu bang NewYork có một buổi hòa nhạc giới thiệu những sáng tác của nhạc sĩ, cũng là một học giả về âm nhạc, John Cage. Trong chương trình có ghi một sáng tác mới của ông với tựa là 4’33”, bốn phút ba mươi ba giây, sẽ do nhạc sĩ David Tudor độc tấu bằng piano.
Bài nhạc 4’33” gồm có ba phần (three movements). Tudor bước lên sân khấu chào khán giả. Ông ngồi xuống bên chiếc piano, lấy chiếc đồng hồ ra điều chỉnh lại và đặt trước mặt. Tudor nhẹ nhàng đóng lại nắp đàn, cẩn trọng nhìn bản nhạc, ngồi yên bất động trong 30 giây. Ông mở nắp phím đàn lên dấu hiệu phần thứ nhất chấm dứt.
Phần thứ hai. Tudor nhẹ nhàng khép lại nắp phím đàn trên chiếc piano.  Ông cẩn trọng theo dõi tờ nhạc và ngồi yên không cử động trong 2 phút và 23 giây. Bên ngoài tiếng gió lộng thổi luồn vào những cánh cửa mở rộng ở cuối khán phòng xen lẫn với tiếng mưa rơi tí tách trên mái nhà.
Phần thứ ba. Ông cẩn thận khép lại nắp đàn trên chiếc piano, chăm chú nhìn vào tờ nhạc và ngồi yên trong 1 phút và 40 giây. Thính giả bắt đầu thầm thì nói nhỏ với nhau, có người lộ vẻ khó chịu, có nhiều tiếng sột soạt vang lên trên những hàng ghế ngồi.
Tudor đứng dậy chào khán giả và bước xuống sân khấu.  Bài độc tấu piano đã chấm dứt sau 4 phút và 33 giây. Không có một nốt nhạc nào được chơi.
Sau buổi trình diễn ấy, tác phẩm 4’33” của ông John Cage đã bị các nhà phê bình âm nhạc chỉ trích khá nặng nề, họ đặt tên cho nó là “Đoản khúc thinh lặng” - The silent piece.  Nhưng thật ra bài nhạc ấy không phải để diễn tả sự thinh lặng, mà nội dung của nó là bao gồm hết tất cả những âm thanh nào đang có mặt chung quanh trong lúc bài nhạc được trình diễn. Trong bài 4’33” cả tác giả và người nhạc sĩ đều hoàn toàn không có một tác động nào đến bài nhạc.  Những âm thanh nào thính giả sẽ lắng nghe khi bài nhạc được trình diễn hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của tác giả.
Vài năm trước khi qua đời, ông Cage có chia sẻ thêm về bản nhạc này trong một bài phỏng vấn:
Cage: Tôi biết là người ta sẽ xem bài nhạc ấy như là một trò đùa, nó không được xem như là một tác phẩm thật sự… Đến bây giờ tôi vẫn ngờ là nếu có ai thật sự hiểu được nó.
Hỏi: Theo cái hiểu của đa số quần chúng thì ý định của bài nhạc là mở rộng giới hạn nghe ra, tiếp xúc với tất cả những âm thanh đang có mặt chung quanh mình và…
Cage: Và chấp nhận hết tất cả…
Hỏi:  Vâng…
Cage:  Và cho dù là mình đang dựa trên một cái gì đó làm cơ sở, nền tảng.  Cái hiểu lầm của đa số là ở chỗ ấy.
Hỏi:  Thế thì chúng ta nên hiểu nó như thế nào?
Cage:  Nó chỉ có thể mở rộng ta ra với bất cứ một tình trạng nào, nếu như ta không chấp vào một cơ sở hay nền tảng nào hết.  Nhưng theo tôi thì ít ai có thể hiểu được điều ấy… Người ta thường có một kinh nghiệm tâm linh là đôi lúc họ cảm thấy rằng không có một cái gì chung quanh mà lại không có liên hệ đến mình. Và đó cũng là kinh nghiệm của sự yên lặng.
Hỏi:  Thông điệp của bài nhạc thinh lặng này dường như là tất cả mọi sự kiện đều được cho phép.
Cage: Tất cả mọi việc đều được cho phép nếu như con số không (zero) được chọn làm nền tảng. Đó là điều mà chúng ta thường không hiểu rõ. Nếu như ta không có một ý định nào hết thì tất cả mọi việc đều có thể được. Và nếu như ta có một chủ tâm nào đó, thì sẽ không thành được...
... Đó là khi những ý định của ta trở thành con số không (zero). Và khi ấy mình sẽ đột nhiên khám phá ra rằng thế giới này kỳ diệu vô cùng.
   

4’33” và Zen
Âm nhạc là những âm thanh được sắp đặt theo một giai điệu hòa hợp nào đó. Nhưng ông John Cage cho rằng bất cứ âm thanh nào, dù tự nhiên và bất ngờ, cũng có thể là âm nhạc. Bài 4’33” của ông Cage phản ảnh tư tưởng thiền Zen mà ông đã theo học, và trong thời gian nghiên cứu thiền ông cũng đã có dịp tiếp xúc với tiến sỹ D.T. Suzuki, tác giả của Thiền Luận.
 Tôi nghĩ bài nhạc 4’33” này cũng có thể gợi ý cho chúng ta về sự thực tập trên con đường tu học của mình. Có lẽ sự tu tập của ta cũng có thể được biểu hiện bằng một sự trôi chảy tự nhiên, chấp nhận những bất ngờ, với một ý thức sáng tỏ, mà không cần phải theo một bài bản nhất định nào sẵn có hết.

Không có nhận xét nào: