KHÁM PHÁ KHÔNG GIAN BÊN TRONG (1)
Eckhart Tolle
(Thức tỉnh mục đích sống, Chương 8)
Theo một câu chuyện Sufi cổ, ngày xưa ở Trung đông có vị vua
luôn cảm thấy khổ sở vì những cảm xúc vui buồn thất thường trong lòng. Một điều
nhỏ nhặt nhất cũng làm cho nhà vua cảm thấy quá thất vọng hoặc tạo nên những
kích động, những phản ứng mạnh mẽ ở nơi đông và vì thế niềm vui mà nhà vua đang
có trước đó bỗng biến thành cảm xúc buồn chán, thất vọng. Một ngày kia, khi đã
quá mệt mỏi với chính mình và với cuộc sống, nhà vua cố gắng tìm cách thoát khỏi
tình trạng đó. Vua cho mời một nhà thông thái có tiếng là một bậc giác ngộ đến.
Nhà vua nói với ông: “Ta muốn được giống như ông. Ông có thể cho ta điều gì đó
có khả năng mang lại sự quân bình, yên tĩnh và sáng suốt cho cuộc sống của ta
không? Ta sẽ trả cho ông với bất cứ giá nào”.
Nhà thông thái trả lời: “Thần có thể giúp bệ hạ, nhưng giá cả
thì chắc cả vương quốc của ngài cũng không thể trả nổi. Thần sẽ tặng cho bệ hạ
nếu ngài hứa là sẽ tôn trọng nó”. Nhà thông thái ra đi sau khi nhà vua hứa sẽ
làm theo lời ông dặn.
Vài tuần lễ sau, ông ta quay trở lại và trao cho nhà vua một
chiếc hộp lộng lẫy, trên mặt có khảm ngọc bích. Nhà vua mở chiếc hộp ra và thấy
bên trong chỉ vỏn vẹn một chiếc vòng bằng vàng nhỏ. Chiếc vòng có khắc dòng chữ:
“Chuyện này rồi cũng sẽ qua”. Nhà vua thắc mắc hỏi: “Điều đó có nghĩa là gì?”.
Nhà thông thái không trả lời, mà chỉ bảo: “Ngài nhớ luôn mang chiếc vòng này,
dù có chuyện gì xảy ra, trước khi ngài cho rằng chuyện đó là tốt hay xấu, hãy
nhớ đưa tay chạm vào chiếc vòng và đọc lên những chữ này. Ngài sẽ luôn được
bình yên”.
“Chuyện này rồi cũng sẽ qua”, câu nói đơn giản này là gì mà
có sức mạnh đến như vậy? Mới nhìn thoáng thì câu nói ấy có vẻ như tạo cho ta sự
thoải mái, nếu ta vừa gặp phải một tình huống xấu, hoặc nó làm cho ta không quá
mừng vui khi gặp một điều nào đó mà ta cho là tốt lành trong đời sống.
Nhưng ý nghĩa của câu nói này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi ta
nhìn lại bối cảnh của hai câu chuyện trước đây. Câu chuyện thứ nhất về vị thiền
sư luôn trả lời về những điều mà người ta vu khống cho ngài bằng câu nói giản dị:
“Thật thế ư?”, thể hiện thái độ bất phản kháng trong nội tâm của ngài trước mọi
tình huống, tức là chấp nhận tất cả những gì đang xảy ra. Câu chuyện thứ hai về
người đàn ông luôn trả lời gọn lỏn “Có lẽ thế” cho thấy cái khôn ngoan, thông
thái khi trong lòng không hề có sự phán xét. Còn câu nói “Chuyện này rồi cũng sẽ
qua” khắc trên chiếc vòng trong câu chuyện này đề cập đến tính chất tạm thời của
mọi chuyện xảy đến cho bạn trong đời sống, để giúp bạn có thái độ không tham đắm,
không vướng mắc. Không chống đối, không phán xét và không tham đắm (hoặc vướng
mắc) là ba khía cạnh của thứ tự do chân thật của một lối sống tỉnh thức.
Những chữ khắc trên chiếc vòng này không hẳn là khuyên ta
không nên vui mừng về những điều tốt lành xảy đến cho ta trong đời sống, chúng
cũng không cố ý tạo ra niềm an ủi cho bạn trong những lúc bạn lâm vào một tình
huống khó khăn. Chúng có một mục đích sâu hơn: giúp bạn nhận thức được tính chất
ngắn ngủi, tạm thời của mọi tình huống, bởi mỗi tình huống (tốt cũng như xấu) đều
có tính chất nhất thời; khi nhận ra được tính nhất thời của mọi tình huống, bạn
sẽ bớt vướng mắc hơn và tránh được thói quen tự đồng nhất mình với những biểu
hiện tạm bợ đó. Không vướng mắc không có nghĩa là bạn không còn tìm thấy niềm
vui với những điều tốt lành trên thế gian này; mà thật ra thái độ không vướng mắc
làm cho chúng ta cảm nhận được niềm vui của mỗi sự việc sâu sắc hơn. Khi đã thấy
được và chấp nhận tính chất tạm thời của mọi sự vật và những đổi thay không thể
tránh khỏi trong cuộc sống thì lúc đó ta có thể tận hưởng niềm vui khi niềm vui
ấy thể hiện mà không lo sợ bị mất mát hay cảm thấy âu lo về tương lai khi niềm
vui ấy không còn. Khi đã tách mình ra khỏi sự vướng mắc đó, bạn tự nhiên ở một
chỗ đứng cao hơn, từ đó mà quan sát các sự kiện trong đời sống, thay vì mắc kẹt
vào đó. Bạn giống như một nhà du hành nhìn quả đất được bao bọc bởi không gian
bao la và bạn chợt nhận ra một chân lý ngược đời: trái đất vừa rất quý giá mà đồng
thời lại chẳng có ý nghĩa gì. Bạn bỗng nhận thức rằng “những thứ này rồi cũng sẽ
qua đi”, điều này mang lại cho bạn sự thoát ly và cùng với sự thoát ly là một
chiều không gian khác đi vào đời sống của bạn: Đó là chiều không gian bên
trong. Qua thái độ thoát ly, không phán xét và không phản ứng, bạn mở ra cho
mình một lối đi vào chiều không gian đó.
Khi không còn hoàn toàn đồng nhất mình với hình tướng nữa
thì nhận thức về bản chất chân thật của bạn được thoát ly khỏi sự tù túng của
hình tướng. Đây là lúc trỗi dậy của khoảng không gian bên trong, như một niềm
đan bình, tĩnh lặng ở sâu bên trong, ngay cả khi bạn gặp phải điều gì có vẻ như
là một điều bất hạnh. Nhưng “chuyện này rồi cũng sẽ qua”, làm cho bạn cảm thấy
bỗng dưng như có một khoảng không gian rộng thoáng bao bọc quanh các sự kiện. Bạn
cũng cảm thấy có không gian quanh những nỗi thăng trầm của đời sống, ngay cả
trong niềm đau của bạn. Nhưng trên hết là bạn có một khoảng không giữa các ý
nghĩ. Từ khoảng không gian này, có một sự im lắng “không thuộc về thế giới
này”, vì thế giới là sự biểu hiện của hình tướng, trong khi sự im lắng là biểu
hiện của không gian. Đây là niềm an bình của Thượng Đế.
Bây giờ thì bạn có thể thưởng thức và trân trọng mọi thứ
trên thế gian này mà không gán cho nó một vẻ quan trọng hoặc gán cho nó những ý
nghĩa mà tự nó không hề có. Bạn có thể tham dự vào điệu múa của Sáng tạo và
tích cực hoạt động mà không bị vướng mắc với thành quả của những việc bạn làm
và không có những đòi hỏi bất hợp lý với đời sống như là: “Hãy làm cho tôi cảm
thấy toàn vẹn, vui tươi, an toàn, hãy cho biết bản chất chân thật của tôi là
gì”. Đời sống không thể cho bạn những thứ đó, và như thế bạn chẳng còn trông đợi
gì ở đời sống, và khi bạn không còn trông chờ thì tất cả nỗi khổ mà bạn tự tạo
ra sẽ biến mất. Tất cả những khổ đau như thế đều do bạn quá chú trọng đến những
thứ bên ngoài mà không nhận thức được chiều không gian bên trong. Khi chiều
không gian đó hiện diện trong đời sống của bạn, bạn có thể thưởng thức mọi thứ,
mọi khoái cảm mà không đánh mất mình trong đó, không bị vướng mắc với những thứ
đó, tức là bạn không trở nên “nghiện” thế giới này.
Câu nói “chuyện này rồi cũng sẽ qua” là ngọn hải đăng đưa bạn
đến với thực tại bằng cách chỉ ra tính vô thường, không bền vững của mọi sự vật,
nhưng đồng thời nó cũng ngụ ý nhắc chúng ta về cái Bất Động, cái Vĩnh Hằng. Vì
chỉ có cái Bất Động ở trong bạn mới có thể nhận ra được cái chuyển động, cái đổi
thay, cái vô thường trong đời sống.
Khi chiều không gian ở bên trong bạn đã biến mất thì mọi
chuyện trên thế gian này thường tỏ ra quá nghiêm trọng, một vẻ nghiêm trọng, nặng
nề mà thật sự chúng không hề có. Khi thế giới không được nhìn từ cái nhìn của
Vô Tướng thì đời sống trở thành một nơi đầy hiểm nguy, tuyệt vọng. Những tông đồ
viết kinh Cựu Ước chắc đã cảm nhận được điều này khi họ viết “Mọi thứ trong đời
sống đều đầy vẻ đọa đày đến độ con người không thể thốt nên thành lời”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét