Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Tranh Chăn Trâu 1 2 3

TRANH CHĂN TRÂU

(Thập Mục Ngưu Đồ)
Thầy Thích Thanh Từ dịch và giảng

Tranh Số 1: Tìm Trâu





Dẫn 
Từ lâu chẳng mất đâu cần kiếm tìm. Do trái tánh giác trở thành xa cách. Bởi theo vọng trần bèn thành khuất lấp. Quê nhà dần xa lối tẻ chợt lầm. Ðược mất dấy lên phải quấy đua khởi.
Giảng Giải
Từ lâu chẳng mất đâu cần kiếm tìm: Con trâu tượng trưng cho Tánh Giác sẵn có nơi mỗi người, lúc nào cũng hiển lộ nơi sáu căn, đâu có mất, thì cần gì kiếm tìm.
Do trái tánh giác trở thành xa cách: Học kinh luận thấy Phật nói mỗi chúng sanh có sẵn Tánh Giác, nên muốn tìm, nhưng không biết nó ở đâu mà tìm. Sở dĩ không biết là vì sống chạy theo bên ngoài, trái với Tánh Giác, nên thành xa cách.
Bởi theo vọng trần bèn thành khuất lấp: Hằng ngày chúng ta sống, sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chạy theo trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt, khiến Tánh Giác bị che mờ nên gọi là khuất lấp.
Quê nhà dần xa lối tẻ chợt lầm: Ví như có một quê hương rất thanh bình, người người sống hòa vui hạnh phúc bỗng dưng có người phóng đãng rời bỏ quê hương đi phiêu lưu lang bạt nơi này nơi kia, trải qua nhiều năm, đi mãi, càng đi càng xa cách quê hương. Bỗng một phút giây chợt thức tỉnh, họ muốn trở về quê hương, nhưng về đường xa diệu vợi, có nhiều đường mòn, lối tẻ quanh co, họ không biết phải đi lối nào.
Ðược mất dấy lên phải quấy đua khởi: Sở dĩ có Tánh Giác mà không nhận ra được là vì khi căn tiếp xúc với trần cảnh, tâm liền khởi phân biệt cái này đẹp, cái kia xấu. Cái đẹp thì ưa thích tìm cách tạo sắm cho được, khi được rồi thì lo bảo quản gìn giữ. Một thời gian cái đẹp đó mất đi thì buồn rầu khổ sở, kiếm tìm... Hoặc khi tiếp xúc với người, ai tử tế thì cho đó là phải, ai tệ bạc thì cho đó là quấy. Và cứ tiếp xúc là có phải, quấy, được, mất, dấy khởi không ngừng...Chúng ta học Phật ai cũng biết mình có Chơn Tâm, nhưng không sống được với Chơn Tâm là tại vì đối duyên xúc cảnh cứ thấy được, mất, phải, quấy, hơn, thua, tốt, xấu... mà không thấy cái chân thật.

Tụng 
Mang mang bát thảo khứ truy tầm
Thuỷ hoạt sơn diêu lộ cánh thâm
Lực tận thần bì vô mịch xứ
Ðản văn phong thụ vãn thiền ngâm
Dịch 
Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Chỉ nghe véo vắt giọng ve sầu
Giảng Giải
Chú mục đồng lòng nao nao bồn chồn vạch cỏ bụi để tìm kiếm trâu. Chú lội qua suối sâu, chú trào lên núi cao, chú vượt đường dài xa thẳm. Sức chú đã kiệt, tinh thần chú đã mỏi mệt, nhưng chú vẫn chẳng biết trâu ở đâu mà tìm. Trời chiều, giữa cảnh rừng rậm, chú chỉ nghe trên cây tiếng ve ngâm.
Người mới tu với tất cả ý chí dõng mãnh thiết tha, muốn tu cho thành Ðạo quả, nên hết đến Ðạo tràng này, lại đến Pháp hội kia để học hỏi tìm tòi. Càng đi tìm tòi học hỏi thì càng nhọc sức, vẫn không nắm bắt được cái mà mình muốn kiếm tìm. Nhìn lại, chỉ thấy sinh hoạt cũ kỹ của ngày tháng qua.

Tranh Số 2: Thấy Dấu


Dẫn
Nương kinh để hiểu nghĩa, xem giáo lý tìm dấu vết. Biết rõ vòng, xuyến... đều là vàng, cả thảy muôn vật là chính mình. Chánh tà chẳng cần biện biệt, chơn ngụy đâu cần phân chia. Chưa vào cửa này tạm gọi là thấy dấu.
Giảng Giải
Nương kinh để hiểu nghĩa, xem giáo lý tìm dấu vết: Người tu nhờ xem Kinh học giáo lý, mà biết mình sẵn có Tánh Giác; chỉ biết xuông, tin xuông chứ tự mình chưa tận mặt nhận ra. Biết rõ vòng, xuyến...đều là vàng, cả thảy muôn vật là chính mình: Tất cả đồ trang sức như vòng, xoa, xuyến, nhẫn, hoa tai...tuy hình dạng có sai khác, nhưng thể của nó vẫn là vàng. Tâm thể tròn sáng sẵn có nơi chính mình là nguồn cội sanh ra muôn pháp muôn vật, nên nói cả thảy muôn vật là chính mình. Chánh tà chẳng cần biện biệt, chơn ngụy đâu cần phân chia: Tâm thể chơn thật không hình không tướng, nên ý nghĩa lời nói không đến được. Người tu hằng sống được với tâm thể chân thật của mình rồi, khi đối duyên xúc cảnh không cần phân biệt đây là chánh kia là tà, không còn phân chia đây là chơn kia là ngụy. Vì tất cả các pháp đều là dụng của tâm. Chưa vào cửa này tạm gọi là thấy dấu: Người chưa tự nhận ra tâm thể chơn thật của mình mà nhờ lời Phật Tổ dạy trong Kinh Luận, tin rằng mình sẵn có tâm thể ấy, nên tạm gọi là thấy dấu.

Tụng 
Thủy biên lâm hạ tích thiên đa
Phương thảo ly phi kiến dã ma
Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ
Liêu thiên tỉ khổng tạc tàng tha
Dịch 
Ven rừng bến nước dấu liên hồi
Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
Ví phải non sông lại sâu thẳm
Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi
 
Giảng Giải
Bến bờ sông, trên bờ suối, dưới mé rừng dấu chân trâu rất nhiều. Nên chú mục đồng vạch cỏ cây lùm bụi để tìm trâu, chú cho rằng trâu sẽ ở đâu đây. Dầu cho là núi sâu lại ở chỗ sâu thẳm, nhưng mà lỡ mũi cao ngất trời dấu đâu được nữa. Tức là tìm kiếm mà thấy dấu rồi nhất định sẽ thấy trâu không nghi ngờ.
Lời Phật dạy trong Kinh, lời Tổ dạy trong Luận, trong ngữ lục, là mỗi chúng sanh đều có sẵn Tánh Giác. Hành giả tin Phật, Tổ không nói dối nên ráng sức tu tập theo lời Phật Tổ dạy, không sớm thì muộn chắc chắn sẽ được thành Phật

Tranh Số 3: Thấy Trâu




Dẫn
Từ tiếng được vào, chỗ thấy liền đúng. Cửa sáu căn rành rõ không sai, trong động dụng rành rành hiển lộ. Chất muối trong nước, sắc xanh trong keo. Vén chân mày lên chẳng phải vật khác.
Giảng Giải
Trâu chỉ cho Tánh Giác không sanh không diệt sẵn có nơi mỗi người.
Từ tiếng được vào, chỗ thấy liền đúng: Khi nghe tiếng không chạy theo tiếng để phân biệt hay dở, nhân khi nghe tiếng nhận ra nơi mình có Tánh nghe, đó là cửa từ Quan Âm vào. Ở nơi mắt sẵn có Tánh thấy là cái chân thật, ở nơi mũi, nơi lưỡi cũng có cái chân thật nên nói: Cửa sáu căn rành rõ không sai. Nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý lúc nào cũng có Tánh Giác chân thật hiện tiền không mất.
Trong động dụng rành rành hiển lộ: Tánh giác hiển hiện nơi mọi động dụng của con người đâu có lúc nào thiếu vắng. Nhưng vừa động dụng là có vọng thức xen tạp, nên người không sáng là không nhận ra được. Ðây dùng ví dụ Chất muối trong nước, sắc xanh trong keo: Ngay trong nước biển có muối mà ít người biết, phải chờ đem nước lên ruộng, nước bốc hơi, muối đọng lại, thấy muối mới có tin trong nước biển có muối. Sắc xanh hòa với adao, trong hợp chất đó có lẫn trong nhau mà chúng ta không phân biệt được. Cũng vậy khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chúng ta không nhận ra Tánh thấy, Tánh nghe... là cái chân thật đang hiện hữu mà chỉ biết có nhãn thức hoặc nhĩ thức... phân biệt đẹp xấu hay dở. Nếu ngay nơi sáu căn sẵn có Tánh thấy, Tánh nghe chân thật mà nhận được thể tánh chân thật ấy đó là thấy trâu. Nên nói: Vén chân mày lên chẳng phải vật khác. Vén lông mày lên thì mắt thấy rõ chứ gì! Phải không??? Thấy trâu là nhận nơi mình có thể tánh chân thật lúc nào cũng hiển lộ nơi sáu căn.

Tụng 
Hoàng Li chi thượng nhất thanh thanh
Nhật noãn phong hòa ngạn liễu thanh
Chỉ thử cánh vô hồi tị xứ
Sân sân đầu giác họa nan thành
Dịch 
Hoàng anh cất tiếng hót trên cành
Nắng ấm gió hòa bờ liễu xanh
Chỉ thế, không nơi xoay trở lại
Ðầu sừng rành rõ vẽ khôn thành
Giảng Giải
Trên cành cây, chim hoàng anh hót từng tiếng, từng tiếng. Trời ấm, gió mát, trên bờ có rặng liễu xanh. Chỉ ở đây, không có chỗ xoay lại được nữa. Rõ ràng trâu hiện đầu sừng ra rồi mà vẽ không được.
Ngay khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, không khởi thức phân biệt đẹp xấu, hay dở, thấy chỉ thấy, nghe chỉ nghe...ngay khi đó Tánh thấy, Tánh nghe đang hiện hữu rõ ràng. Thể Tánh chân thật hiển hiện rõ ràng mà không diễn tả được.

Không có nhận xét nào: