Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Tranh Chăn Trâu 4 5 6

Tranh Số 4: Ðược Trâu


Dẫn
Vùi lấp ngoài đồng hoang đã lâu, ngày nay gặp được y. Do cảnh đẹp nên khó đuổi, mến cỏ non chẳng chịu thôi. Tâm ngang ngạnh khá mạnh, tánh hoang dã vẫn còn. Muốn được thuần hòa cần phải roi vọt.
Giảng Giải
Vùi lấp ngoài đồng hoang đã lâu, ngày nay gặp được y: Mỗi người chúng ta có tâm thể chân thật, mà bị vọng tình phủ che nhiều đời nhiều kiếp. Giống con trâu bị cỏ cây vùi lấp ngoài đồng hoang. Nay tuy đã nhận ra được tâm thể chân thật của chính mình, vậy mà khi nghe nói trái tai thì sân si liền dấy khởi ... chỉ nghe toàn tiếng hơn thua phải quấy, chớ không nhớ mình có sẵn Tánh nghe là tâm thể chân thật đang hiện hữu, cho nên nói vùi lấp ở ngoài đồng hoang. Do cảnh đẹp nên khó đuổi, mến cỏ non chẳng chịu thôi vì trâu còn mê cảnh đẹp, đuổi nó không chịu về, nó thích cỏ non cứ mải mê ăn chẳng chịu thôi. Chú mục đồng xỏ mũi kéo nó, nó không chịu quay đầu. Tánh thấy, tánh nghe tự nó không có đuổi theo ngoại cảnh, chỉ vì vọng tình, vọng thức che làm mờ đi. Chúng ta muốn cho nó luôn luôn hiển lộ mà ngược lại tình thức cứ phủ che làm cho nó khuất mờ. Tâm ngang ngạnh khá mạnh, tánh hoang dã vẫn còn : Tuy nhận ra tánh giác rồi, nhưng chưa phải xong việc mà còn phải gìn giữ nó luôn hiện hữu, song gìn giữ không phải dễ dàng. Vì thói quen lâu đời như mắt thấy sắc liền phân biệt tốt xấu, tai nghe tiếng liền phân biệt hay dở, mà không nhớ mình có tánh thấy, không nhớ mình có tánh nghe, chỉ rong ruổi theo hình thức, ngông cuồng chạy ngược chạy xuôi, kềm giữ thật là khó khăn. Muốn được thuần hòa cần phải roi vọt : muốn cho tâm được an tịnh, không chạy theo trần cảnh, thì khi vừa thấy vọng niệm dấy khởi phải rầy: Vọng, không thật! Nếu quở mà vọng không lặng, cứ giấy khởi hoài thì la: Mày là vọng tưởng đã dẫn tao đi mãi trong luân hồi sanh tử, hôm nay muốn dẫn tao xuống địa ngục nữa sao? Rầy la đó gọi là roi vọt trừng trị tâm thức ngông cuồng. Ðó là hình ảnh diễn tả tâm thức cuồng loạn chạy ngược chạy xuôi. Nhưng cách diễn tả này có chỗ không hợp nhất, con trâu chỉ cho tánh giác chân thật, mà cái chân thật thì không chạy. Bởi tình thức vọng động ngăn che làm cho tánh giác khuất đi, tình thức vọng động lặng rồi thì tâm thể hiển lộ. Ðây mượn hình ảnh con trâu ngông cuồng nói lên sự gìn giữ tâm chân thật luôn luôn hiển lộ thật là khó.
Tụng 
Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ
Tâm cường lực tráng tốt nan trừ
Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng
Hựu nhập yên vân thâm xứ cư
Dịch 
Dùng hết thần thông bắt được y
Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì
Có khi vừa hướng cao nguyên tiến
Lại xuống khói mây mãi nằm ỳ
Giảng Giải
Chú mục đồng tận dụng hết sức lực mới bắt được trâu, xỏ mũi cột vàm. Tuy bắt được nó rồi, nhưng tâm nó cang cường, sức nó mạnh nên khó chế ngự điều phục, lại có khi nó vừa đến cao nguyên lại chui vào mây khói ở sâu trong đó.
Hành giả đã tận lực huân tu mới nhận được thể tánh chân thật của chính mình. Tuy đã nhận ra, nhưng nó không thường hiển lộ, vì tập khí lâu đời nên mỗi khi căn tiếp xúc trần liền phân biệt tốt xấu hay dở, chớ không nhớ mình có cái biết không phân biệt, và cứ như thế chạy theo trần cảnh khởi vô số vọng niệm khó mà điều phục. Cao nguyên là dụ cho tâm thể chơn thật đang hiển hiện, mây khói là dụ cho thức tình vọng tưởng. Có khi tâm thể chơn thật mới vừa hiện ra chưa dược ba phút, nó lại ẩn trong đám mây mờ vọng tưởng đang dấy khởi. Bị vọng tưởng che phủ, nó không hiện hữu giống như trâu lên cao nguyên đứng thì dễ thấy, nếu nó lủi vô đám sương mù thì mất hút. Tâm chúng ta cũng vậy, mới vừa an lặng rõ ràng hiện tại, bất chợt vọng niệm dấy khởi liền che mất, thật lâu mới hiện lại, hiện trong phút chốc rồi lại bởi vọng tưởng nữa. Hình ảnh này diễn tả thật cụ thể sự tư tập rất khó khăn ở giai đoạn đầu.

Tranh Số 5: Chăn Trâu


Dẫn
Nghĩ trước vừa dấy, niệm sau liền theo. Do giác nên được thành chơn, bởi mê lầm nên làm thành vọng. Chẳng phải do cảnh có, chỉ tự tâm sanh. Dây mũi nắm chắc không cho toan tính.
Giảng Giải
Nghĩ trước vừa dấy, niệm sau liền theo: Vừa khởi nghĩ về cảnh về người liền có ý niệm về cảnh về người hiện ra, niệm này vừa dứt, niệm khác tiếp theo dấy khởi liên tục. Do giác nên được thành chơn, bởi mê lầm nên làm thành vọng Niệm vừa khởi liền biết nó là vọng tưởng không theo, vọng tưởng lặng thì thành chơn. Nếu mê, niệm khởi chạy theo niệm, niệm này tiếp niệm khác nên làm thành vọng. Chỗ này diễn đạt đầy đủ ý nghĩa của sự tu hành: niệm khởi, ngay đó liền giác thì thành chơn, nếu mê chạy theo niệm thì thành vọng. Lục Tổ nói: "Không sợ niệm khởi mà sợ giác chậm" là đây vậy. Chẳng phải do cảnh có, chỉ tự tâm sanh: Khi lên bồ đoàn ngồi thiền, tâm hành giả không có cảnh vật gì cả. Vậy mà ngồi một chút nhớ chuyện năm xưa, nghĩ chuyện năm tới, đủ mọi cảnh vật hiện ra. Ðó là không đợi có cảnh mới dấy niệm, mà chính nơi tâm sanh khởi niệm và sanh khởi hoài. Vậy nên phải Dây mũi nắm chắc không cho toan tính : Tuy con trâu đã theo chú mục đồng, nhưng chú không dám buông dây mũi sợ nó chạy bậy vào lúa mạ người. Cũng vậy, chúng ta tuy biết rõ ràng ý niệm là vọng tưởng, không phải là tánh giác chân thật của chính mình, song nếu chúng ta lơi lỏng, tỉnh giác yếu thì vọng niệm dấy khởi liền chạy theo. Vì vậy mà phải tỉnh giác miên mật, lâu ngày mới thuần thục.
Ai tới mục này ? - Ai tiến tới mục này là đã đi được nửa đường tu rồi đó!!

Tụng 
Tiên sách thời thời bất ly thân
Khủng y túng bộ nhập ai trần
Tương tương mục đắc thuần hòa dã
Cơ tỏa vô ức tự trục nhân
Dịch 
Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân
Ngại y chạy sổng vào bụi trần
Chăm chăm chăn giữ thuần hòa dã
Dây mũi buông rồi vẫn theo gần
Giảng Giải
Roi và dây chú mục đồng luôn luôn nắm trong tay không bao giờ rời. Chú sợ trâu nhảy vọt vào lùm bụi, nên phải luôn luôn chăn thật kỹ. Bao giờ trâu được thuần rồi, thì chừng đó mới buông dây mũi không kềm chế nữa, trâu tự nó đi theo chú.
Tuy đã nhận ra thể tánh chân thật rồi nhưng vọng niệm vẫn còn dấy khởi, nên hành giả phải luôn luôn phản tỉnh, niệm dấy lên liền biết không theo, và thường xuyên tỉnh giác. Như thế thì lâu ngày tâm sẽ thuần, chừng dó muốn khởi niệm thì niệm khởi, không muốn niệm khởi thì tâm lặng lẽ thanh tịnh.

Tranh Số 6: Cỡi Trâu Về Nhà


Dẫn
Can qua đã hết, được mất về không. Hát khúc ca ông tiều, thổi bản nhạc của chú mục đồng. Ngồi ngang trên lưng trâu mắt ngắm trời mây. Kêu gọi không xoay đầu, kéo lôi chẳng đứng.
Giảng Giải
Can qua đã hết, được mất về không: Trâu đã thuần rồi, không còn đánh đập hay ghì kéo nó nữa. Lúc đó được mất không còn quan tâm, vì thấy được, mất, phải, quấy đều không thật, chỉ là giả lập, thì có cái gì phải bận lòng. Hát khúc ca ông tiều, thổi bản nhạc của chú mục đồng. Ngồi ngang trên lưng trâu mắt ngắm trời mây: Mọi việc thịnh suy của cuộc đời, hành giả không bận lòng. Do đó tâm được thư thả nhàn hạ, nên mới thổi nhạc của kẻ chăn trâu, hát bài ca của người đốn củi, tâm bình thản ngắm nhìn trời mây, không bị ngoại cảnh chi phối, thường được thanh bình an vui. Kêu gọi không xoay đầu, kéo lôi chẳng đứng: Khi tâm được thanh tịnh bình an thì dù cho ngoại duyên có quyến rũ lôi cuốn, lòng vẫn không vướng bận, hoặc ngoại duyên có làm xúc não cũng không buồn giận, vẫn bình thản vô tư mà sống với Ðạo.
Tụng 
Kỵ ngưu đà lê dục hoàn gia
Khương địch thanh thanh tống vãn hà
Nhất phách nhất ca vô hạn ý
Tri âm hà tất cổ thần nha
Dịch 
Cỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vi tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à
Giảng Giải
Chú mục đồng cỡi trâu đi bên vệ đường để trở về quê nhà. Tiễn biệt trời chiều, miệng chú thổi sáo vi vu, tay chú gõ nhịp, chú ca câu ca tuyệt vời. Bấy giờ trâu đã trở thành bạn tri âm của chú, chú đâu nó đó, chú không còn rầy la đánh đập nó nữa.
Người tu thiền điều phục tâm đến chỗ thị phi gác bỏ ngoài tai, được mất không bận lòng, sống trọn ngày chỉ biết cười vui, tự mình cũng không còn nhọc nhằn dụng công. Người hướng dẫn tu cũng vui cười, không còn bận lòng nhắc nhở hoặc la rầy.

Không có nhận xét nào: