Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

GHI NHẬN KHÔNG GIAN (2)

GHI NHẬN KHÔNG GIAN (2)
Ajahn Sumedho
(Tâm và Đạo)
TÂM VÔ BIÊN



Khi chúng ta ghi nhận được không gian bao phủ chung quanh con người và các đồ vật trong phòng, cái nhìn của chúng ta về cuộc đời nầy sẽ đổi khác và mở rộng cái nhìn về không gian vô biên nầy là một cách tu tập để mở rộng tâm thức của chúng ta. Khi tâm trở thành vô biên, nó sẽ có khả năng chứa đựng được tất cả sự vật. Khi tâm thu hẹp, sức chứa của nó cũng bị thu hẹp lại. Lúc đó, nó phải tìm cách dàn xếp, toan tính và kiểm soát mọi sự vật và đẩy ra ngoài những gì không cần thiết.
Với một cái nhìn chật hẹp, cuộc đời của chúng ta sẽ bị đè nén, dồn ép và giới hạn; nó sẽ trở thành một cuộc đấu tranh và vật lộn không ngừng. Nó sẽ luôn luôn bị căng thẳng vì chúng ta phải luôn luôn tiêu phí rất nhiều năng lực để tổ chức và dàn xếp mọi việc theo một trật tự nào đó. Nếu bạn có một cái nhìn hạn hẹp về cuộc đời, bạn sẽ tìm cách làm cho cuộc đời đầy hỗn loạn nầy thành trật tự và ngăn nắp, và vì thế, đầu óc của bạn sẽ luôn bận bịu, lo toan, tìm cách nắm giữ những gì bạn yêu thích và chối bỏ những gì bạn chống ghét. Đây chính là sự đau khổ (dukkha) xuất phát từ tâm si mê. Nó bắt nguồn từ sự kiện là chúng ta không thể hiểu được bản chất tự nhiên của các pháp thế gian.
Trong khi đó, tâm vô biên chứa đựng tất cả. Nó giống như không gian trong căn phòng, cho dù chúng ta đem chất vào hoặc vứt bỏ đi các đồ vật trong phòng, nó vẫn cứ như thế và không bao giờ bị hư hại. Thông thường chúng ta nói "có không gian trong căn phòng nầy", nhưng thật ra, chúng ta phải nói là căn phòng nầy đang nằm trong không gian hay cả tòa nhà nầy nằm trong không gian mới đúng. Khi tòa nhà sụp đổ và biến mất đi, không gian vẫn ở đó. Không gian bao bọc chung quanh tòa nhà, và ngay bây giờ, chúng ta đang dùng căn phòng nầy để chứa đựng không gian trong đó. Với cái nhìn nầy, chúng ta sẽ có một cái nhìn mới về cuộc đời. Chúng ta sẽ thấy là có những bức tường tạo nên hình thể của căn phòng, và có không gian. Theo một cách nhìn nào đó thì những bức tường giới hạn phần không gian trong căn phòng. Nhưng nhìn theo một cách khác thì chúng ta sẽ thấy không gian quả là vô tận.
Không gian là cái gì mà bạn thường không để ý đến vì nó không thu hút sự chú ý của bạn. Nó không phải là một bông hoa tuyệt đẹp hay một tai họa khủng khiếp; nó cũng không phải là cái gì thật đẹp hay thật xấu xa để có thể thu hút sự chú ý của bạn. Bạn có thể bị chìm đắm trong một giây phút nào đó bởi một cái gì đó đầy sôi nổi kích động hay khủng khiếp đáng sợ; nhưng bạn đâu có bao giờ bị không gian làm say đắm hoặc mê lầm phải không các bạn? Để ghi nhận được khoảng không gian, tâm bạn phải lắng xuống; bạn phải quán tưởng về nó. Lý do là vì không gian không có những tính chất cực đoan thái quá; nó chỉ mênh mông, bao la và trùm phủ lên tất cả mà thôi.
Những bông hoa có thể rất đẹp, với những màu đỏ rực rỡ, vàng cam và tím thẫm, với những hình thể đẹp mắt làm cho chúng ta mê đắm. Những cặn bả và rác rến hôi thối thì thật xấu xí và làm chúng ta ghê tởm. Ngược lại, không gian không đẹp, và nó cũng không làm chúng ta ghê tởm xa lánh. Nó là cái gì đó rất khó ghi nhận, nhưng nếu không có không gian, sẽ không có bất cứ cái gì khác. Chúng ta sẽ không thể thấy được cái gì hết.

Nếu chúng ta chất đầy ấp đồ vật, hay dùng xi măng để trám đầy căn phòng nầy, thì căn phòng sẽ mất đi không gian. Và rồi, dĩ nhiên, chúng ta sẽ không còn bình hoa đẹp hay bất cứ vật gì khác để ngắm, cả gian phòng sẽ trở thành một khối đồ vật hoặc một khối xi măng lớn và cứng nhắc. Nó sẽ trở nên vô dụng phải không các bạn? Chính vì thế chúng ta cần cả hai, chúng ta vừa cần đồ vật, vừa cần không gian trong phòng; chúng ta cần nhận rõ giá trị của cả hai: các sắc pháp và không gian chứa đựng các sắc pháp. Cả hai cũng giống như một cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa, một cuộc hôn nhân hoàn hảo, một sự hòa hợp hoàn thiện. Chúng ta phát triển trí tuệ bằng cách quán tưởng cả hai: các sắc pháp và không gian chứa đựng các sắc pháp ấy.


Không có nhận xét nào: