Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

TA ĐÚNG NGƯỜI SAI

CHÂN LÝ: 
TƯƠNG ĐỐI HAY TUYỆT ĐỐI?

ECKHART TOLLE
A NEW EARTH, CHAPTER THREE
CHÂN LÝ MÀ BẠN TIN VÀ BÁM DÍNH CỨNG VÀO LÀM TÂM BẠN KHÉP LẠI KHÔNG THỂ NGHE THÊM NHỮNG ĐIỀU MỚI LẠ.

Ngoại trừ những dữ kiện đơn giản và có thể dễ dàng được xác minh, thì thái độ quá chắc chắn rằng “Tôi đúng, anh sai” là một điều rất nguy hại trong quan hệ cá nhân, cũng như trong quan hệ giữa các nước, các dân tộc, các tôn giáo,…thái độ “Tôi đúng, anh sai” chỉ là một trong những phương cách mà bản ngã thường dùng để tự củng cố, xác minh chính nó. Cho rằng mình đúng, biến người khác thành sai là một sự tha hóa về mặt tinh thần, luôn luôn gây ra sự phân cách và mâu thuẫn giữa con người với con người. Nhưng như thế thì không có chuyện gì hoàn toàn đúng – hay sai – hay sao? lịch sử chiến tranh về tôn giáo là một ví dụ tiêu biểu về sự nguy hại của thái độ cho rằng chỉ có tôn giáo của mình là sở hữu chân lý, là đúng đắn,… vì thái độ này sẽ làm cho hành vi và cách suy nghĩ của chúng ta trở nên băng hoại. Trong nhiều thế kỷ qua, những chuyện như thiêu sống người khác, hoặc tra tấn nếu họ biểu lộ thái độ không đồng ý với giáo lý hay những suy diễn mà một giáo phái cho là Chân lý vẫn diễn ra, vì những tín đồ của giáo phái ấy luôn tự cho là mình đúng và người khác là “Sai”. Sai đến độ họ phải bị hành hình. Chân lý được coi như quan trọng hơn sinh mạng của một con người. Vậy cái được cho là Chân lý đó thực ra là cái gì? Đó chỉ là một câu chuyện chúng ta tự thêu dệt nên và tin vào, đó chỉ là một mớ của những suy tư ở trong đầu chúng ta.
Một số giáo phái rất đúng khi cho rằng không một tôn giáo nào có thể sở hữu Chân lý một cách tuyệt đối. Và Chân lý tuyệt đối cũng không thể được tìm ra ở nơi mà chân lý không thể được tìm ra: tức là ở trong các giáo điều, các học thuyết, hệ tư tưởng hay ở các hệ thống luật lệ nào đó. Vì những thứ này có một đặc điểm giống nhau là chúng hoàn toàn do suy nghĩ mà ra. Giỏi lắm thì suy tư có thể chỉ cho chúng ta nhìn về hướng của chân lý, nhưng tự thân chúng không bao giờ có thể là chân lý cả, như Đức phật đã nói: “Ngón tay của ta chỉ về phía mặt trăng, chứ ngón tay ta không phải là mặt trăng”. Tôn giáo nào cũng có mặt tốt và mặt xấu, tùy theo cách tiếp xử của chúng ta. Bạn có thể dùng tôn giáo để phục vụ cho bản ngã của riêng mình, hay dùng tôn giáo để phục vụ cho Chân lý. Nếu bạn cho rằng chỉ có tôn giáo của bạn mới là chân lý duy nhất, thì lúc đó bạn đang dùng tôn giáo để phục vụ cho bản ngã của bạn. Như thế, tôn giáo sẽ trở thành những giáo điều chết cứng và bạn sẽ có ảo giác rằng tôn giáo của mình cao siêu hơn những tôn giáo khác, và bạn sẽ tạo thêm sự phân ly và mâu thuẫn. Để phục vụ cho chân lý, tôn giáo phải là những tấm bảng chỉ đường hoặc những chiếc bản đồ mà các bậc đã khai sáng đã để lại giúp cho bạn có sự thức tỉnh về tâm linh, thoát ra khỏi sự đồng nhất một cách vô thức với hình tướng.
Chỉ có một Chân lý Tuyệt đối, còn những chân lý khác đều từ đó mà ra. Khi bạn tìm ra được Chân lý Tuyệt đối đó thì những gì bạn làm sẽ phù hợp với chân lý đó. Hành vi của con người là sự phản ảnh của Chân lý hay chỉ là phản đảnh của sự mê lầm. Vậy Chân lý có thể được diễn tả bằng lời không? Có thể, nhưng ngôn từ không phải là Chân lý. Ngôn từ chỉ có thể giúp chúng ta hướng về Chân lý như ngón tay chỉ trăng.

Nhưng Chân lý Tuyệt đối không tách rời với bản chất chân thật của bạn. Đúng vậy, bạn chính là Chân lý. Nên khi bạn phóng tâm đi tìm Chân lý ở đâu khác bên ngoài bạn, thì bạn sẽ đi vào sự lầm lạc. Hiện Hữu thâm sâu nhất của bạn chính là Chân lý. Chúa Jesus muốn nói lên điều quan trọng này khi ngài nói “Ta là con đường, là chân lý và là sự sống”. Những lời Chúa Jesus đã thốt lên là một trong những tấm bảng chỉ đường mạnh mẽ và trực tiếp nhất hướng về Chân lý. Nếu bạn hiểu sai thì chúng lại là những trở ngại lớn nhất. Chúa Jesus muốn nói về hiện Hữu thâm sâu nhất của bạn, là bản tánh căn bản của mỗi người, mỗi thể sống. Ngài nói bạn chính là Sự sống đang diễn ra khắp mọi nơi trong vũ trụ. Người Cơ đốc gọi đây là bản thể của Chúa, còn đạo Phật gọi đó là phật tánh. Đạo Hindu gọi là Atman, là Thượng Đế vĩnh hằng. Khi bạn có thể tiếp xúc với chiều không gian này ở trong mình – như là một việc bình thường, mà không phải là một thành tựu có tính chất kỳ diệu nào – thì tất cả những quan hệ hay hành vi của bạn đều phản ảnh tính Nhất Thể với đời sống mà bạn cảm nhận rất sâu sắc ở trong mình. Đây chính là tình yêu chân chính. Luật pháp, mệnh lệnh, nguyên tắc,… chỉ cần thiết khi con người đã bị tách biệt với bản chất chân thật của họ, tức là tách biệt với Chân lý ở trong họ. Những luật lệ mà chúng ta đề ra với mục đích ngăn ngừa sự tha hóa của bản ngã, nhưng thực ra thì luật lệ thường cũng không làm được như điều mà chúng ta mong muốn. “Hãy để cho lòng yêu thương mọi người được dâng trào một cách tự nhiên ở trong con và làm những gì con cần làm”, Thánh Augustine đã từng nói như vậy và không còn ngôn từ nào có thể nói hay hơn câu nói này.

Không có nhận xét nào: