ĐƯỜNG CHIM BAY KHÔNG DẤU
LỜI NÓI ĐẦU
‘Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe’, ‘khi
mắt thấy sắc, khi tai nghe tiếng, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng
riêng …’ Những lời Phật dạy cực kỳ đơn sơ này, hầu như ai tu cũng biết, muốn
đưa chúng ta về sự hồn nhiên của tâm thức nhưng nghe sao ‘bí hiểm’ lạ thường. Biết
bao người thực sự tu đã từng ‘đấm nát cửa cuộc đời’ tìm câu giải đáp nhưng ‘cửa
vẫn đóng và đời im ỉm khóa’. Có ai ngờ chìa khóa nằm ngay trước mặt chúng ta,
cánh cửa kho báu nằm ‘gần hơn hơi thở’.
Kính thưa bạn đọc,
Bây giờ mời bạn đặt sách xuống. Hãy đưa mắt
nhìn quanh. Đừng hướng đến bất cứ đối tượng gì cụ thể. Bạn có thể ghi nhận được
khoảng không gian giữa các vật thể không?, giống như công việc của người họa sĩ
quan sát cảnh quan trước khi vẽ vậy. Không gian vô hình đang hiện diện trong
căn phòng của bạn? Khoảng cách giữa bạn và đồ vật? Không khí bao bọc chung
quanh người bạn? Hãy chú ý lắng nghe. Không phải nghe tiếng động cụ thể như tiếng
xe, tiếng người, . . mà là nghe sự yên tĩnh đang trùm phủ khắp không gian trong
tầm cảm nhận của bạn. Không khó để ghi nhận sự im lặng phải không? Bạn có thấy
mình rất tỉnh thức không? Nhẹ nhàng? Thư thái? Tâm bạn có rỗng không rộng
thoáng? Chẳng có gì hay dở tốt xấu ở đây phải không? … Bạn có ít nhiều rung động
với lời kinh ‘thấy chỉ là thấy….’ khi xưa Phật dạy cho Tôn giả Bahiya và vua A
Xà Thế mà chúng tôi có nói đến lúc đầu không? Nếu nhiều câu trả lời ‘Yes’ thì
có thể bạn chính là ‘đất lành’ mà ‘Đường chim bay không dấu’ đang tìm đến làm
quen và muốn kết thân với bạn đấy. Một chút nữa khi đọc đến phần nhắm mắt, có lẽ
bạn sẽ đồng cảm thêm với câu nói cánh cửa kho báu nằm gần hơn hơi thở . Và chắc
bạn không ngạc nhiên nhiều khi chúng tôi
gọi tên của chìa khóa ấy là Không Vô Tướng.
Tập sách này gồm những bài kinh Đức Phật
thuyết giảng về Không Vô Tướng trong kinh tạng Pali và tầm quan trọng của
yoniso manasikara, như lý tác ý hay hướng tâm về cội nguồn được dịch Việt qua
bàn tay tài hoa của Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu. Ngoài lời Phật như một nền tảng
lý thuyết tuyệt đối không thể thiếu đối với người tu Thiền, đọc giả còn thấy
trong ‘Đường chim bay không dấu’ những bài pháp về kinh nghiệm thực chứng của
các vị thiền sư lỗi lạc đương thời cùng
những kỹ thuật thực hành đặt tâm hướng về Vô tướng ấy. Tất cả tài liệu ở đây đều
có dẫn nguồn, người đọc muốn đi sâu vào pháp hành dễ dàng tìm được trên mạng
internet. Người soạn, với công việc
khiêm tốn của người ‘xâu chuỗi’ và giải thích một vài từ trong kinh Đại Niệm xứ, chỉ mong được giới thiệu với bạn lành một
cách thiện xảo vào Trung đạo bằng một ‘chương trình Dhamma nghệ thuật’ vừa cổ
điển vừa hiện đại với chủ đề Không Vô Tướng xuyên suốt từ cuối lên đầu.
Không
gian, sắc hư không akasarupa hay không giới akasadhatu, cửa vào của đạo lộ được
đề cập trong ba bài kinh Trung bộ 62, 115 và 140 ở phần I. Kinh 62, Đại kinh giáo giới Rahula, hơi thở
phải được quán sát và ‘cảm nghiệm toàn thân’, đất nước lửa hòa trộn với gió ra,
gió vào, chuyển động sinh diệt trên nền trống rỗng của ‘nội hư không giới’.
Kinh 115 và 140, Kinh Đa giới và Phân biệt giới, người ‘hiền trí biết suy tư
tìm hiểu’, ‘không buông lung trí tuệ’, phải là người ‘thiện xảo’ về 6 giới : địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong
giới, không giới và thức giới. Như vậy, hiểu biết về 6 giới rất căn bản như bảng cửu
chương cho người học toán, nếu bị khiếm khuyết, tầm nhìn sẽ khập khiểng, lối
vào cửa đạo chắc chắn gặp khó khăn. Còn trong Kinh Niệm xứ, Đức Phật ngày xưa
giảng ở Kammasaddhamma, tại sao không dạy về không giới trong phần quán thân mà
chỉ nói rằng ‘ Tỷ kheo quán sát trong thân này về vị trí các giới và sự sắp đặt
các giới. Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại’? Câu trả lời
là với người Kuru, một tộc dân có trí tuệ cao sâu về tu tập, Ngài không cần phải
giảng điều căn bản này như khi dạy cho vị sa di Rahula trẻ tuổi. Hội chúng Kuru
đương nhiên hiểu rằng vị trí tứ đại nằm trong không giới, được sắp đặt giữa hư
không trong tấm thân vật lý này.
Chỉ riêng với không giới này thôi, chưa nói đến sự vắng
lặng, cao siêu của tâm thức sáng chói rỗng không, chúng ta cũng hiểu được một
phần giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng
ngộ khó nhận thức, khó lãnh hội như thế nào. Không giới, giới cốt tủy nhất và cũng là giới thường bị bỏ quên nhất. Bỏ
quên không giới là bỏ quên phần quan trọng
nhất của bức tranh hai chiều Có-Không hoàn hảo của thực tại. Có phải đây là lý do tại sao ‘ít người giữa nhân loại,
đến được bờ bên kia’?
Thực tại hai tầng, twofold reality, gồm Vô
tướng và Hữu tướng. Vô tướng là hư mà thực,
hư vì không thể nhận biết bằng giác quan, thực vì không có tuổi thọ nên không già
không chết, không diệt không sinh. Hữu tướng là thực mà hư, thực vì có thể nhận
biết bằng giác quan, hư vì có tuổi thọ nên phải chịu sự chi phối của qui luật
vô thường sinh diệt. Về sắc pháp, Vô tướng bên ngoài thân là chân không, là cội
nguồn dung chứa Hữu tướng gồm ngũ trần, Sắc Thinh Khí Vị Xúc. Vô tướng bên
trong thân cũng là hư không, là cội nguồn dung chứa Hữu tướng gồm ngũ căn, Nhãn
Nhĩ Tỷ Thiệt Thân. Về danh pháp, Vô tướng là Tâm biết cội nguồn, thuần khiết. Hữu
tướng là suy nghĩ, cảm xúc, hình ảnh ,… khởi sinh trên bề mặt của nền tâm cội
nguồn, cốt lõi ấy. Hai chiều của Thực tại này - Thực tại tuyệt đối, vô vi giới, hay Không giới
và thực tại tương đối, hữu vi giới hay Tứ đại giới – cũng đã được Phật giảng rõ
ràng, trên trái đất này cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, trong kinh Trung bộ
115 :’Này, Ananda, có hai giới này: hữu vi giới và vô vi giới. Này Ananda, cho
đến khi biết được, thấy được hai giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda,
là vừa đủ để nói: ‘Tỷ kheo thiện xảo về giới’. Như vậy, một người ‘khéo tu’ muốn
thành tựu được pháp cao thượng chắc chắn phải có cái nhìn chính xác và toàn diện
cả hai thực tại này, phân biệt đúng đâu là thực, đâu là hư để không phải đi lòng
vòng ‘loanh quanh mỏi mệt’.
Phải chăng không giới là chuẩn mực đầu tiên để xác định
một người có trí hay không có trí ? Phải chăng người có tâm đặt theo hướng vô
tướng này chính là người biết như lý tác ý ? Trong phần II của tuyển tập này,
ngoài nguồn kinh điển trong tạng được chọn lọc về như lý tác ý, chúng tôi sẽ
trình bày ý nghĩa gốc của cụm từ này theo nghĩa đen của từ ‘yoni’, cội nguồn
(source, origin, foundation), dựa theo một số tài liệu của các vị thiền sư và học
giả đáng tin cậy như Ajahn Brahm, Ajahn
Sumedho và Rhys Davids and Steve. Nghĩa
đen đơn giản của yoniso manasikara là hướng tâm về cội nguồn. Như vậy, trong
pháp hành thiền quán, cội nguồn cần hướng về phải là không gian dung chứa sắc
pháp sinh diệt bên ngoài và không gian dung chứa sắc pháp sinh diệt bên trong được kết nối bằng hơi thở, sau đó là cội nguồn
trống rỗng chói sáng của tâm thức vô biên, dung chứa sự diệt sinh của danh
pháp.
Nếu chiều vô biên vô lượng của vô tướng vi tế này không được ‘thấy biết’ bằng pháp
nhãn, nếu chỉ thấy biết chiều hạn lượng hữu biên của hình tướng không thôi thì
bức tranh tròn đầy hoàn hảo vốn sẵn có của
thực tại sẽ không được cảm nhận đầy đủ khi tâm với nhục nhãn, nhục nhĩ, … thật
giới hạn, chỉ biết hướng về những đối tượng thô thiển của giác quan. Phải chăng
đây chính là phi như lý tác ý? là không chơn chánh hướng tâm?
Nơi khởi sinh tham sân, phiền não, nơi Ác ma sáng mắt, thì chúng ta biết quá nhiều và quá rành,
nhưng nơi ngược lại vẫn còn bí ẩn đối với phần đông. Khi tâm chỉ biết quán sát
đối tượng, chúng ta có thể kinh nghiệm được tiến trinh lý duyên khởi theo chiều
thuận hay chiều sinh, xúc sinh thọ sinh, thọ sinh ái sinh, . . . nhưng nếu
không thấy được chiều nghịch hay chiều diệt, xúc diệt thọ diệt, thọ diệt ái diệt,
. . thì không thể nói là ‘thấy Pháp’. Chiều diệt của lý nhân duyên chỉ khởi
phát khi tâm cảm nhận được thêm sự trống rỗng, nơi rỗng không không có đối tượng.
Vô tướng không thể có hai cực đoan, nơi không có gì để tham sân sanh khởi, nên
hướng của vô tướng ‘không dấu chân’ trống rỗng chính là hướng ngược dòng, hướng
trung đạo, hướng xuôi về viễn ly buông bỏ, hướng không có vết tích để Ác ma có
thể dõi mắt tìm theo.Tựa ‘Đường mù mắt Mara’ được chọn nằm trong ý nghĩa này.
Không gian vô hình vô tướng không dễ để ghi nhận,
nhưng khi có thể ‘cảm’ được chiều kích ‘ẩn tàng’, chìm sâu’ và ‘tĩnh lặng’ này,
chúng ta sẽ có được một góc nhìn quân bình, thuần tịnh từ một nơi không có tướng.
Cách nhìn này giống như cách nhìn của loài chim khi bay trên cao hay cách vận
hành của vệ tinh khi quan sát thời tiết khí tượng trên trái đất. Tâm không trú
trên bất cứ ‘tướng chung, tướng riêng’ nào khi quan sát toàn diện tiến trình
sinh diệt vô thường của danh sắc hữu vi : chuyển động của thân, rung động của
thọ, dao động của tâm và vận hành của pháp. Chánh niệm an trú theo cách này là
chánh niệm mang hình ảnh của mặt trời , vừa sinh động vừa bất động, vừa tỏa
sáng vừa đứng yên. Đó cũng là tinh thần của câu kinh ‘Vị ấy không nương tựa,
không chấp trước bất cứ vật (tướng) gì ở trên đời’, được lập lại 15 lần trong
kinh Đại niệm xứ. Và khi quán pháp, hành thiền với góc nhìn khách quan không
dính mắc này, tiến trình buông bỏ, nhàm chán, ly tham sẽ tự động xảy ra.
Hư không vô biên lúc nào cũng có mặt, sẵn sàng chờ đón
để ‘ hội ngộ’ với chúng ta. Chỉ cần hướng tâm vào ‘hòn đảo vô sắc vô thanh’ đó,
nhắc tâm một câu ‘ Những gì đang rung động giữa không gian ?’, rồi ‘gởi’ tâm về
đó, chúng ta sẽ cảm nhận ngay được thế nào là sự diệu tuyệt của’Thiền quán vô
chiêu’, không cần dùng chiêu thức của sức mạnh ‘cơ bắp’, chỉ cần tỉnh táo và
khéo léo xử dụng ‘Trung đạo Vô tự chân kinh’ để
‘cách ly đối phương’, không phí sức, không mệt nhọc. Đó cũng là nghệ thuật
cao nhất trong chiến tranh, không đánh mà thắng, bất chiến tự nhiên thành.
Tâm thiền quán phải là tâm mở rộng, không phải mở rộng
đối tượng mà là mở rộng ‘bầu trời’ bao trùm tất cả các đối tượng đang xảy ra
trong giây phút hiện tại. Đây chính là Chánh niệm, là tuệ tri, vì cái biết
không có khái niệm chen vào để bóp méo thực tại, không bị pha tạp bởi sắc màu rối
ren của vọng tưởng, hý luận. Tâm được đặt đúng theo hướng này rất dễ dàng nhận
ra ‘bộ mặt thật’ của các pháp hữu vi.
Làm sao vào được sâu hơn Vô tướng Không
môn? Chìa khóa đã được trao trong Kinh Đại Niệm xứ, ‘an trú chánh niệm trước mặt’,
parimukham satim upatthapetva , đơn
giản và rõ ràng. Đức Phật của chúng ta bao giờ cũng giản đơn với nghĩa đen,
sáng trong, dung dị ! Trước mặt là ‘mặt tiền’, là gương mặt vật lý, cũng là
gương tâm. Khi mắt khép lại, đặt trọn niềm tin vào tấm gương như ‘giao diện màn
hình’ phản chiếu bóng hình của danh sắc hữu vi, như ‘đài kiểm soát trung ương’
tiếp nhận toàn bộ tín hiệu sinh diệt vô thường của thân thọ tâm pháp, ta sẽ hiểu
được tức thời đây chính là đường trở về cội nguồn tâm, mái nhà thực sự có sẵn
trong mỗi chúng ta. Một không gian vô biên. Một bầu trời vô tận. Một vầng trăng
đang sáng dần, trong dần rộng mở . Không gian và vật thể. Bầu trời và mây xám
mây đen. Khi khởi động, dùng hơi thở để an tịnh thân hành, cảm giác, cảm thọ của
gương mặt vật lý sẽ ít nhiều rung động, gương tâm thức sẽ có khoảng tối khoảng
mờ vì cảm xúc cảm nghĩ như mây chuyển ám che trăng. Chúng ta nhận ra đồng thời
vừa có trăng vừa có mây, hiểu rằng trăng không sáng là vì mây nhiều vần vũ. Từ
đó, sẽ hiểu tầm quan trọng của ‘giữ gìn giới bổn’, ‘thu thúc lục căn’, ‘tiết độ
ăn uống’, ‘ tri túc thiểu dục’… mà Đức Phật khuyên dạy người tu muốn thành công
phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều này. ‘Tàu vũ trụ tâm’ mang tên Giới Định
Tuệ có rời khỏi mặt đất được hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sự chắc chắn của
‘bệ phóng’ ban đầu. ‘ Đầu xuôi đuôi lọt’, dù vẫn còn đó mây màu của nhân duyên
quá khứ, nhưng đã chớm lấp lánh, thấp thoáng ánh sáng hy vọng về tương lai
trong veo của vầng trăng cội nguồn nguyên thủy. Mờ đục giảm dần, sáng trong từ
từ rõ, không chóng thì chày sẽ ‘đầu ngõ sương tan, cuối trời mây vén’.
Với tinh tấn thực hành, phiền não càng lúc càng suy yếu,
ngôn từ, khái niệm càng ngày càng thưa,
lòng tịnh tín về con đường sẽ tăng dần với hỷ lạc, trí tuệ, khinh an,
khi trăng bắt đầu thoát khỏi mây là lúc Bát chánh đạo bắt đầu hiển lộ, đặc biệt
là chi phần Chánh định, samma samadhi. Nếu an trú chánh niệm trước mặt xuất hiện
ở đầu kinh Đại Niệm xứ thì Chánh định nằm ở gần cuối bài, đoạn cuối cùng của đạo
lộ giải thoát. ‘Này các Tỷ kheo, thế
nào là Chánh định? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp,
chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với
tứ. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ
lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú
xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm
lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã
cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh
tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định.’ Chánh định luôn luôn được
Đức Phật định nghĩa như thế này trong suốt tạng kinh, chỉ riêng Trung bộ 152
bài thì có 49 bài đều nói về Tứ thiền như vậy
Có
gì khác biệt giữa phàm định và thánh định?
Theo sự hiểu biết giới hạn của chúng tôi thì phàm định hay Tứ thiền hiệp
thế, lấy đề mục hữu tướng làm đối tượng, còn Thánh định,Tứ thiền siêu thế, có đối
tượng là Không gian vô tướng vô lượng của tâm thức vô biên. Phải chăng Thánh định
chính là sự khám phá đặc biệt, khoáng hậu
vô tiền, của một Vị Chánh Đẳng giác khi
xuất hiện giữa thế gian? Nếu Thiền hiệp
thế, mà Ngài học với hai vị thầy trước khi thành đạo, như ‘lấy đá đè cỏ’ thì
Thiền siêu thế, do Ngài tự mình chứng ngộ, không thày chỉ dạy như mở rộng
không gian , cỏ cứ tự mọc tự rơi theo nhân duyên biến hiện giữa ‘vườn
không’, cỏ đến cỏ đi, dần dần hết cỏ. Tâm vừa vắng lặng, vừa thuần tịnh, sáng
trong,
Khi tâm không gian được tu tập, sẽ rất khó để thất niệm, vì bất cứ
ở đâu, bất cứ khi nào, không khí, không gian cũng như hình với bóng cùng mỗi
chúng ta và luôn luôn tâm có một chỗ trú rất an toàn. Hư không có thể là nơi
tâm ‘ở’ được không? Nếu trả lời ‘có thể’ cũng không phải là không có lý. Tâm
chúng sanh cõi vô sắc có phải nằm trong hư không? Hơn nữa, thuở xưa khi ‘trả lời’
câu hỏi ‘tâm ở đâu?’, bộ Patthana, tạng Vi diệu pháp, có ‘đáp’ rằng ‘Yam
rupamnissaya’ (cứ nương theo sắc ấy mà tâm sanh khởi, mind occurs depending on
that rupa). Hư không cũng là sắc pháp. nên dù chỉ với trí văn và trí tư , chưa
cần trí tu để thực sự chứng nghiệm, chúng ta cũng ‘suy ra’ được rằng khi nương vào hư không, cả bên trong lẫn bên
ngoài, tâm có thể sinh khởi và an trú ở đó. Về điểm này, nếu có cộm lên điều gì
lấn cấn, xin người đọc cho qua, không vội tin cũng đừng vội bỏ vì chúng ta đang
nói về điều ‘không thể nói’, vượt ngoài phạm vi của lý luận ngôn từ. Mọi chuyện
thuộc ‘siêu hình’ chỉ có thể ‘giải mả’ bằng cách tu thôi, không cách nào khác
hơn. Và khi ‘thiền nhãn’ được mở theo cách nhìn toàn cảnh này thôi, một ngày thấy
pháp sinh diệt theo cách này thôi, hành giả sẽ thấy rằng kiếp sống này có ý
nghĩa biết bao nhiêu.
Ngày nay, chiều sâu này của thực tại hai tầng – Không Có, Tĩnh Động,
Ẩn hiện, Nổi chìm – đã được nhiều vị thầy kinh nghiệm, người mất người còn, nhưng
những kinh nghiệm đó vẫn tiếp tục được truyền tải qua những trang sách, bài giảng có giá trị
tâm linh rất cao. Chính trí tuệ hợp lời
Phật dạy của họ đã khơi nguồn cảm hứng cho chúng ta trở về rung động với sự thù
diệu nguyên thủy của kinh xưa. Phần III
là phần trích tuyển những bài pháp luận ngắn về không gian và cái biết thuần
khiết cội nguồn của các Thiền sư Achan Chah, Achan Maha Boowa, Ajahn Sumedho,
Ajahn Brahm, Eckhart Tolle, là năm trong số các vị thầy nói trên. Bốn vị Ajahns
thì tên tuổi không lạ đối với những hành giả thiền quán, nhưng Eckhart Tolle
thì rất đặc biệt, một người bình thường ngoài Phật giáo, hiện đang có ảnh hưởng
rất rộng và sâu trong đời sống tâm linh của cộng đồng nhân loại. Có một điều rất
lý thú mà chúng tôi nghe được trên internet : rất nhiều hành giả tu Phật khắp
năm châu đã và dang có thể hiểu sâu hơn lời Phật qua sự thông thái rất gần Phật
của Eckhart. Những vị thầy này có mặt trên đời, thắp sáng lại con đường đi theo
dấu chân những bàn chân không dấu, giúp chúng ta trở về nguồn cội của tâm. Khi
tâm ‘còn mãi ra đi’ rời xa cội nguồn thì thấy ‘không ai giống ai’, nhưng khi về
lại được cội nguồn thì nhìn đời mắt không cách gì không thương được vì ‘ai cũng
như ai’, ‘người nào cũng như người nấy’.
Dù tập sách
này chỉ giới hạn trong ‘ngón tay’ kinh Pali nhưng đọc giả sẽ rất dễ nhận ra điểm
tương đồng của nhiều truyền thống : bất lập văn tự, bản lai diện mục, đạo khả đạo
phi thường đạo, ưng vô sở trụ, ngọc sáng hoa sen, chân lý ở khắp mọi nơi, . . .
và Không Vô tướng chính là nơi gặp gỡ chung của những ai cầu đạo, muốn tìm sự
thật tối cao. Với người Phật tử chúng ta, niềm hãnh diện nhất vẫn là sự thừa hưởng trực tiếp giáo pháp rực sáng như mặt trời có một không
hai của Đức Thé Tôn, lớn rộng như ‘dấu chân voi’, bao trùm tất cả dấu chân của
các loài thú khác.
Con đường giải
thoát bắt đầu từ ‘không có gì’ của hư không, dần dần rụng buông ngôn từ, khái
niệm tục đế đậm đầy Ngã Chấp, lột bỏ chữ nghĩa che kín cội nguồn Vô Ngã thuần
khiết nguyên sơ và kết thúc bằng ‘không còn gì’ của vô vi tịch diệt. ‘Đường
chim bay không dấu, Đường mù mắt Mara’ như một món quà pháp cảm hứng về con đường
này, xin trân trọng gởi đến những người bạn lành thiện trí khát khao với ‘vị mặn’
của diệu pháp và nhiệt tâm đi về hướng thoát khỏi bộc lưu.
Xin dâng phước
báu này lên Tam Bảo, những người Thầy, Cha Mẹ, gia đình nội ngoại hai bên, thân
bằng quyến thuộc, bạn hữu đạo đời đã dạy dỗ, dìu dắt và hổ trợ chúng tôi trên
đường tu thoát khổ.
Chúng tôi rất
mong nhận được sự khích lệ và chỉ giáo chân tình từ những bậc tiền bối cao
minh.
Xin hồi hướng
phước báu này đến Chư Thiên Hộ Trì Chánh Pháp. Cầu cho tất cả chúng sanh trên
dưới gần xa, ba giới bốn loài, mười phương tám hướng cảm hội được lời vàng của
Đấng Thiện Thệ Như Lai.
Đồng Nai, Việt Nam , tháng 11 . 2014
Cư sĩ
Minh Tuệ Đỗ Minh
Email : dominhvn@yahoo.com, minhtuedominh@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét