KHÔNG BIẾT KHÔNG GIỚI TRÍ TUỆ BUÔNG LUNG
“Thế nào là không buông lung trí tuệ? Có sáu giới này: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới.”
Trung bộ kinh 140
Kinh Giới phân biệt
Dhàtuvibhanga sutta
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn du hành ở xứ Magadha (Ma- kiệt-đà),
đi đến Rajagaha (Vương xá), đến nhà thợ gốm Bhaggava; sau khi đến nói với thợ
gốm Bhaggava:
-- Này Bhaggava, nếu không gì phiền phức cho Ông, Ta
muốn ở tại chỗ này một đêm.
Bạch Thế Tôn không có gì phiền phức cho con. Ở đây đã
có một vị xuất gia đến ở từ trước rồi. Nếu vị ấy thỏa thuận, bạch Thế Tôn, hãy
ở lại tùy theo sở thích.
Lúc bấy giờ, Thiện gia nam tử Pukkusati, do lòng tin,
y cứ Thế Tôn đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy đã đến ở
trước tại trú xứ của thợ gốm. Rồi Thế Tôn đi đến Tôn giả Pukkusati; sau khi đến
nói với Pukkusati:
-- Này Tỷ-kheo, nếu không gì phiền phức cho Ông, Ta
muốn ở lại trú xứ này một đêm.
-- Rộng rãi, thưa Hiền giả, là trú xứ của thợ gốm. Tôn
giả có thể ở, tùy theo sở thích.
Rồi Thế Tôn sau khi bước vào trú xứ của thợ gốm, trải
thảm cỏ vào một bên, ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú niệm trước mặt. Và Thế
Tôn trải qua phần lớn đêm ấy, ngồi như vậy. Tôn giả Pukkusati trải qua phần lớn
đêm ấy cũng ngồi như vậy. Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Cử chỉ Thiện gia nam tử
này có vẻ tín thành, Ta hãy hỏi vị ấy". Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả
Pukkusati:
-- Này Tỷ-kheo, Ông xuất gia, y cứ vào ai? Ai là Ðạo
sư của Ông? Ông chấp nhận pháp của ai?
-- Thưa Hiền giả, có Sa môn Gotama là Thích tử, xuất
gia từ dòng họ Thích Ca. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn
Gotama ấy: "Ngài là bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế
Tôn". Tôi đã xuất gia, y cứ bậc Thế Tôn ấy. Ngài là bậc Ðạo sư của tôi. Và
tôi chấp thuận pháp của bậc Thế Tôn ấy.
-- Này Tỷ-kheo, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác ấy ở đâu?
-- Thưa Hiền giả, có một thành phố tên là Savatthi
giữa các quốc độ phía Bắc. Tại đấy, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hiện
nay đang ở.
-- Này Tỷ-kheo, trước đây Ông đã thấy bậc Thế Tôn ấy
chưa? Và nếu thấy, Ông có nhận ra được không?
-- Thưa Hiền giả, trước đây tôi chưa từng thấy bậc Thế
Tôn ấy. Và nếu thấy, tôi không nhận ra được.
Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Thiện gia nam tử này xuất
gia y cứ nơi Ta. Vậy Ta hãy thuyết pháp cho Thiện gia nam tử ấy". Rồi Thế
Tôn nói với Tôn giả Pukkusati:
-- Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
-- Thưa Hiền giả, vâng.
Tôn giả Pukkusati vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
-- Này Tỷ-kheo, người này có sáu giới, sáu xúc xứ,
mười tám ý hành, bốn thắng xứ, khi được an trú, vọng tưởng không có chuyển
động. Khi vọng tưởng không chuyển động,
vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh. Chớ có buông lung trí tuệ, hãy hộ
trì chân đế, hãy tăng trưởng huệ thí (caga), hãy tu học tịch tịnh. Ðây là tổng
thuyết sáu giới phân biệt.
Này Tỷ-kheo,
người này có sáu giới, sáu xúc xứ, mười tám ý hành, bốn thắng xứ, khi được an
trú, vọng tưởng không có chuyển động. Khi
vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh. Chớ có
buông lung trí tuệ, hãy hộ trì chân đế, hãy tăng trưởng huệ thí (caga), hãy tu
học tịch tịnh. Ðây là tổng thuyết sáu giới phân biệt.
Này Tỷ kheo, khi được
nói đến: “Người này có sáu giới”, do duyên gì được nói đến như vậy? Địa giới,
thủy giới, hỏa giới. phong giới, thức giới. Này Tỷ-kheo, khi được nói đến:
“Người này có sáu giới”, chính do duyên này được nói đến như vậy
Này Tỷ-kheo, khi được nói đến: "Người này có sáu
xúc xứ", do duyên gì được nói đến như vậy? Nhãn xúc xứ, nhĩ xúc xứ, tỷ xúc
xứ, thiệt xúc xứ, thân xúc xứ, ý xúc xứ. Khi được nói đến: "Người này có
sáu xúc xứ", chính do duyên này được nói đến như vậy.
Này Tỷ-kheo, khi được nói đến: "Người này có mười
tám ý hành", do duyên gì được nói đến như vậy? Khi con mắt thấy sắc, người
ấy chạy theo sắc, chỗ trú xứ của hỷ, người ấy chạy theo sắc, chỗ trú xứ của ưu,
người ấy chạy theo sắc, chỗ trú xứ của xả; khi tai nghe tiếng... mũi ngửi
hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức pháp, người ấy chạy theo
pháp, chỗ trú xứ của hỷ, người ấy chạy theo pháp, chỗ trú xứ của ưu, người ấy
chạy theo pháp, chỗ trú xứ của xả. Như vậy, có sáu hỷ hành, sáu ưu hành, sáu xả
hành. Khi được nói đến: "Người này có mười tám ý hành", chính do
duyên này được nói đến như vậy.
Này Tỷ-kheo, khi được nói đến: "Người này có bốn
thắng xứ", do duyên gì được nói đến như vậy? Tuệ thắng xứ, đế thắng xứ,
huệ thí thắng xứ, tịch tịnh thắng xứ. Khi được nói đến: "Người này có bốn
thắng xứ", chính do duyên này được nói đến như vậy.
Khi được nói đến: "Chớ có
buông lung trí tuệ, hãy hộ trì chân đế, hãy tăng trưởng huệ thí, hãy tu học tịch
tịnh", do duyên gì được nói đến như vậy?
Thế nào là không buông lung trí tuệ? Có sáu giới này: địa giới, thủy
giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới.
Này Tỷ-kheo,
thế nào là địa giới? Có nội địa giới và có ngoại địa giới. Và này Tỷ-kheo, thế
nào là nội địa giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù,
bị chấp thủ, như t tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột,
màng ruột, bao tử, phân và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân,
kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ. óc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương,
Như vậy, này
Tỷ-kheo, được gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì
thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Ðịa giới ấy phải được quán sát như
thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không
phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát
địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với địa giới, tâm từ
bỏ địa giới.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủy giới? Có nội thủy
giới, có ngoại thủy giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội thủy giới? Cái gì
thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ, như
mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước
mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc
cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ. Như vậy, này Tỷ-kheo, được
gọi là thủy giới. Những gì thuộc nội thủy giới và những gì thuộc ngoại thủy
giới đều thuộc về thủy giới. Thủy giới ấy phải được quán sát như thật với chánh
trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi,
cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát thủy giới
với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với thủy giới, tâm từ bỏ thủy
giới.
Và này Tỷ-kheo, thế nào là hỏa giới? Có nội hỏa giới,
có ngoại hỏa giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc về nội
thân, thuộc về cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ. Như cái gì
khiến cho hâm nóng, khiến cho hủy hoại, khiến cho thiêu cháy, cái gì khiến cho
những vật được ăn, uống, nhai, nếm, có thể khéo tiêu hóa, hay tất cả những vật
gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp
thủ. Này Tỷ-kheo, như vậy được gọi là nội hỏa giới. Những gì thuộc nội hỏa giới
và những gì thuộc ngoại hỏa giới đều thuộc về hỏa giới. Hỏa giới ấy phải được
quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi,
cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như
thật quán sát hỏa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với hỏa
giới, tâm từ bỏ hỏa giới.
Và này Tỷ-kheo, thế nào là phong giới? Có nội phong
giới, có ngoại phong giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội phong giới? Cái gì
thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ, như
gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong ruột, gió trong bụng dưới, gió thổi
ngang các đốt, các khớp, hơi thở vô, hơi thở ra, và bất cứ vật gì khác thuộc
nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ. Này Tỷ-kheo,
như vậy được gọi là nội phong giới. Những gì thuộc nội phong giới và những gì
thuộc ngoại phong giới đều thuộc về phong giới. Phong giới ấy phải được quán
sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái
này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như
thật quán sát phong giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với
phong giới, tâm từ bỏ phong giới.
Và này các
Tỷ-kheo, thế nào là hư không giới? Có nội hư không giới, có ngoại hư không
giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội hư không giới? Cái gì thuộc về nội thân,
thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ, như lỗ tai, lỗ
mũi, cửa miệng, do cái gì người ta nuốt, những gì được nhai, được uống, được
ăn, được nếm, và tại chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn, được nếm,
được giữ lại, và ngang qua chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn, được
nếm và được tống xuất xuống phần dưới để ra ngoài, và bất cứ vật gì khác thuộc
nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ. Này
Tỷ-kheo, như vậy được gọi là nội hư không giới. Những gì thuộc nội hư không
giới và ngoại hư không giới đều thuộc về hư không giới. Hư không giới ấy phải
được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của
tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau
khi như thật quán sát hư không giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm
ly đối với hư không giới, tâm từ bỏ hư không giới.
………………….
Khi được nói đến: "Chớ có buông lung trí tuệ, hãy
hộ trì chân đế, hãy làm cho sung mãn huệ thí, hãy tu học tịch tịnh", chính
do duyên này được nói đến như vậy.
Khi được nói đến: "Khi được an trú, vọng tưởng
không có chuyển động. Khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một
ẩn sĩ tịch tịnh", do duyên gì được nói đến như vậy?
Này Tỷ-kheo, "Tôi là", như vậy là vọng tưởng. "Tôi là cái
này", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ là", như vậy là vọng tưởng.
"Tôi sẽ không là", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ có sắc",
như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có sắc", như vậy là vọng tưởng.
"Tôi sẽ có tưởng", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có
tưởng", như vậy là vọng tưởng. "Tôi sẽ không có tưởng, không không có
tưởng", như vậy là vọng tưởng. Vọng tưởng, này
Tỷ-kheo, là bệnh, vọng tưởng là cục bướu, vọng tưởng là mũi tên.
Này Tỷ-kheo, khi vượt khỏi mọi vọng tưởng, vị ẩn sĩ được gọi là tịch tịnh.
Nhưng này Tỷ-kheo, vị ẩn sĩ tịch tịnh không sanh, không già, không có dao động,
không có hy cầu. Vì không có cái gì do đó có thể sanh, này Tỷ-kheo, không sanh
làm sao già được? Không già, làm sao chết được? Không chết làm sao dao động
được? Không dao động, làm sao hy cầu?
Khi được nói đến: "Khi được an trú, vọng tưởng
không có chuyển động; khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một
ẩn sĩ tịch tịnh", do chính duyên này được nói đến như vậy. Này Tỷ-kheo,
hãy thọ trì sự phân biệt tóm tắt của Ta về sáu giới.
Rồi Tôn giả Pukkusati nghĩ như sau: "Thật sự bậc
Ðạo sư đã đến với ta! Thật sự bậc Thiện Thệ đã đến với ta! Thật sự bậc Chánh
Ðẳng Giác đã đến với ta!" Rồi Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một
bên vai, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
-- Con đã rơi vào một lỗi lầm, bạch Thế Tôn, vì rằng,
ngu đần, si mê và không khéo léo như con, đã nghĩ rằng con có thể xưng hô với
Thế Tôn với danh từ Hiền giả. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi
lầm ấy là một lỗi lầm để con có thể ngăn ngừa trong tương lai.
-- Này Tỷ-kheo, thật vậy, Ông đã rơi vào một lỗi lầm,
vì rằng ngu đần, si mê và không khéo léo vì Ông đã nghĩ rằng Ông có thể xưng hô
với Ta với danh từ Hiền giả. Nhưng này Tỷ-kheo, nếu Ông thấy một lỗi lầm là một
lỗi lầm, và như Pháp phát lộ, thời Ta chấp nhận lỗi lầm ấy cho Ông. Vì rằng,
này Tỷ-kheo, đây là sự tăng ích trong giới luật của bậc Thánh, khi nào một ai
thấy lỗi lầm là một lỗi lầm, như Pháp phát lộ, để ngăn ngừa trong tương lai.
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cho con được thọ cụ túc
giới trước mặt Thế Tôn.
-- Này Tỷ-kheo, Ông có đủ y bát không?
-- Bạch Thế Tôn, con không có đủ y bát.
-- Này Tỷ-kheo, các Như Lai không có trao cụ túc giới
cho ai không đủ y bát.
Rồi Tôn giả Pukkusati sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế
Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi
ra đi tìm y bát. Trong khi Tôn giả Pukkusati đi tìm y bát, một con bò cuồng
chạy, đoạt mất mạng sống của Tôn giả.
Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến
đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy
bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Thiện gia nam tử Pukkusati được Thế
Tôn thuyết giảng một cách vắn tắt đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy như thế
nào, đời sống tương lai như thế nào?
-- Này Tỷ-kheo, thật là bậc Hiền giả, Thiện gia nam tử
Pukkusati, đã chấp hành Chánh pháp và tùy pháp. Và không có phiền nhiễu Ta với
những kiện tụng về Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Thiện gia nam tử Pukkusati, sau
khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh và từ chỗ ấy nhập Niết-bàn,
không phải trở lui đời ấy nữa.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ
tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Hòa
thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét