Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

ƯNG VÔ SỞ TRỤ

Ưng vô sở trú và thiền định
Thích nữ Trí Hải


mtđm: Sư Cô mất lâu rồi, để lại nhiều điều quý giá cho đời. Đây là một bài của Sư Cô làm mình quá bất ngờ. Đệ tử xin đảnh lễ Phật, đảnh lễ Trí Tuệ của Sư Cô.

Ưng vô sở trú

Câu kinh mà Lục Tổ Huệ Năng vừa nghe liền hoát nhiên đại ngộ là “Ưng vô sở trú nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cương. Nay ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu kinh có tác dụng lớn lao ấy.

Bản dịch Pháp văn “Eveiller votre mental sans le fixer sur aucune chose” (Đánh thức tâm linh của ngươi dậy, mà đừng để nó bám vào một đối tượng nào cả.) Bản dịch tiếng Anh: “The mind must operate without abiding anywhere” (Tâm thức phải vận hành không trú vào đâu cả). Cả hai câu Anh và Pháp ấy đã làm sáng tỏ nghĩa câu chữ Hán. “Sinh kỳ tâm” có nghĩa là một sự thức tỉnh của tâm trí[1], tức là một sự chú ý toàn triệt mà không có đối tượng chú ý: không chú tâm trên một sự vật nào[2], không trú vào đâu cả[3]. Nghe qua thật mâu thuẫn khi bảo rằng phải chú ý mà không có đối tượng để chú ý. Ta nhớ lại lời dạy của Lục Tổ trong Đàn Kinh , rằng phép thiền quán của Ngài không quán tâm, không quán không, cũng không quán tịnh. Đúng là tinh thần “ưng vô sở trú”: vì quán không hay quán tịnh thì không và tịnh đó đã trở thành đối tượng để chú ý. Có lẽ ví dụ sau đây giúp ta dễ hiểu vì sao muốn chú ý triệt để thì phải không có đối tượng. Như khi thầy giáo đứng trên bục cao nhìn khắp cả lớp để xem tình hình học sinh, muốn sự quan sát được toàn diện thì ông không được có thành kiến chú ý riêng một vài trò, cũng không riêng để ý tìm nơi họ một thói tật nào mà ông ghét, ví dụ ngủ gật, cóp bài hoặc nói chuyện. Khi ấy có lẽ ông sẽ khám phá nhiều chuyện hơn là nếu ông chỉ lưu tâm vụ ngủ gật, hoặc tệ hơn, chỉ canh xem trò A, trò B, có ngủ gật không. Nhưng đa số chúng ta đều thường làm như vậy. Mỗi khi chú ý ta đều có đối tượng sẵn, hoặc có thành kiến sẵn, như vậy nghĩa là không chú ý gì cả.


Krishnamurti còn đi xa hơn, bảo rằng: “Thiền định mà có đối tượng thì không phải thiền định gì ráo[4]”. Một người chú tâm vào một đối tượng thiền quán đến nỗi quên hết ngoại giới, với một đứa trẻ chăm chú vào món đồ chơi mà nó ưa thích, cả hai giống nhau ở chỗ đều có một đối tượng để chú ý, để quên đi mọi sự khác. Krishmamurti gọi đó là sự “giải trí”, chứ không phải chú ý.


Thiền định chân thực phải là “vô sở trú”: không trú sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp, tức là những ý tưởng. Nếu tâm còn để vào bất cứ một đối tượng nào thì không phải là an trú trong thiền định[5]. Thiền định như vậy là một sự tỉnh giác, sáng suốt, bén nhạy tột độ để có thể thấy rõ cội nguồn của mọi sự. “Tỉnh giác” ở đây chính là “sanh tâm” trong kinh văn. Nhờ không trú vào đâu cả mà tâm mới tỉnh giác để thấy được mọi sự[6]. Ngược lại, cũng nhờ tỉnh giác mới có thể “vô trú”. Người tọa thiền khi đến một mức độ an tịnh cao, có thể nghe cả tiếng tàn hương rơi mặc dù không chú ý: đó là nhờ tâm trạng tỉnh giác bén nhạy khi nó không trú vào đâu cả. Đây là nhờ “vô trú” mà “sanh tâm”. Vô trú là tịch (vắng lặng); sanh tâm là chiếu (soi sáng). Ngược lại, chiếu cũng giúp cho tịch; như có tỉnh giác mới được sự vô trú – không bám víu vào một đối tượng nào, bởi vì một khi đánh mất sự tỉnh giác thì ta rơi ngay vào trạng thái hôn trầm hoặc tán loạn. “Vô sở trú” là phương diện tiêu cực, là thể của thiền, là tịch hay tịnh chỉ; “sanh kỳ tâm” là phương diện tích cực, là dụng của thiền, là chiếu hay tuệ quán. Hai cái không rời nhau mà bổ túc cho nhau. Có vậy mới thấu suốt một cách triệt để như Lục Tổ Huệ Năng rằng“bản lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai” (xưa  nay không một vật thì bụi bám vào đâu), vì còn thấy có bụi có gương là còn chỗ trú trước, còn nhị nguyên đối đãi giữa cái thấy và cái bị thấy. Trong thiền rốt ráo, trái lại, không còn một tư tưởng (pháp) nào để mà đoạn, như câu kệ Lục Tổ trả lời Ngọa Luân thiền sư:


Huệ Năng một cự lượng


Bất đoạn bách tư tưởng


Kiến cảnh tâm sát khởi


Bồ đề tác ma trưởng


(Huệ Năng không sức mạnh


Không đoạn trăm tư tưởng


Thấy cảnh tâm thường sanh


Bồ đề lớn sao được?)


Đây là thiền đến giai đoạn “vô công dụng”, không còn cần phải nỗ lực diệt vọng tưởng mà tâm vẫn thường trú trong đại định, luôn luôn chiếu (sanh kỳ tâm) mà vẫn thường tịch (vô sở trú): đi, đứng, nói, im, làm, nghỉ đều là thiền. Bồ đề của ngài Huệ Năng như vậy đã lớn hết cỡ, nên Ngài mới dạy: “Bồ đề lớn sao được?”


Câu kệ trên còn bao hàm một nghịch lý rất thực là, con người mạnh nhất thì không cần phô trương sức mạnh và cũng không ưa tranh thắng. Phật thường dạy: “Ta không tranh chấp với thế gian, chỉ có thế gian tranh chấp với Ta.” Con người trí tuệ nhất thì trông như ngu si, con người đạo đức tột bực thì có vẻ như không tu hành gì ráo. Cái cực thiện và cái cực ác có một bề ngoài gần giống nhau: đó là cái bề ngoài tiêu cực, lặng lẽ, ngu ngơ. Chỉ khác ở chỗ “sanh kỳ tâm”: Phàm phu thì sanh những tâm gai góc, hiểm độc hại mình, hại người nên nhổ quăng đi là phải. Thánh nhân chỉ thuần sanh những tâm niệm lợi nhân, lợi vật như mảnh đất tốt đã sạch cỏ, chỉ sanh toàn hoa thơm trái ngọt thì cần gì phải nhổ, phải đoạn? Do đó mà ngài Huệ Năng không cần phải “đoạn trăm tư tưởng” và Ngài “thấy cảnh tâm thường sanh”.


Trên phương diện thực tiễn hành động, câu “ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” là phương châm lý tưởng cho tất cả mọi nghệ thuật, mọi công trình xây dựng lớn lao. Con người làm việc lớn phải quên hết danh lợi, tình cảm, tiện nghi hạnh phúc, ngay cả sinh mạng của riêng mình (vô sở trú) mới mong để hết tâm trí vào công việc (sanh kỳ tâm) để đạt kết quả mỹ mãn. Người kịch sĩ đại tài thì phải tuyệt đối không nghĩ đến “cái tôi” đang đóng kịch (vô sở trú) mới có thể “nhập vai”, diễn xuất một cách xuất thần (sanh kỳ tâm). Nhưng đây thuộc về một phạm vi khác, có lẽ nên dành cho một cuộc khảo sát những khía cạnh khác của câu kinh hàm súc trên.


Riêng khía cạnh thiền, trên đây cũng chỉ là một góp ý rất thô thiển, mong sao không sai thánh ý, khỏi đắc tội với Phật tổ mà thôi.


Sanh kỳ tâm


Triết lý hành động của Lục Tổ


Lục Tổ Huệ Năng khi nghe kinh Kim Cương đến câu “ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” thì hoát nhiên đại ngộ, mừng rỡ thốt lên: “Không ngờ bản tánh vốn tự thanh tịnh, vốn bất sinh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không lay động, vốn sanh muôn pháp.”


Với tám chữ cô đọng, đơn giản của kinh văn, Ngài đã hội ý Phật một cách thông minh, đầy sáng tạo để xây dựng một pháp thiền độc đáo sinh động chưa từng có trước cũng như sau ngài. Có thể nói lối hiểu Kinh Kim Cương của Lục Tổ đã “giải oan” cho Phật và lý Bát Nhã rất nhiều.  Thông thường nói tới Bát Nhã (mà kinh Kim Cương đại biểu) là người ta nghĩ ngay tới sự khó hiểu, cao siêu, thiên không, vô vi, hay nói trắng ra là lười biếng, không chịu làm gì cả vì chủ trương “sắc sắc không không.”


Khía cạnh tích cực của Bát Nhã “không tức thị sắc,” “sanh kỳ tâm” thì không mấy ai chú ý, do đó đạo Phật thường bị cho là yếm thế bi quan. Nhưng chính khởi từ căn bản chân không mà vạn pháp có thể xây dựng, như trên mảnh đất trống mới có thể cất nhà, trên tờ giấy trắng mới có thể ghi chép. Ngài Huệ Năng đặc biệt chú trọng điểm ấy. Chủ trương của Ngài là tâm tánh vốn tự thanh tịnh, sẵn đủ muôn pháp lành, chỉ cần vận dụngtâm ấy là thành Phật chứ không cần ngồi thiền, quán tịnh hay bất động (một pháp môn thịnh hành đương thời Lục Tổ và vẫn còn cho đến ngày nay.)


Để thống trách những người chấp vào việc ngồi, như thiền sư Trí Hoàng ngồi tới 20 năm, Ngài còn thú vị dẫn lời kinh dạy: “Nếu ai nói Như Lai hoặc ngồi, , hoặc nằm, hoặc đi hoặc đứng, kẻ ấy không hiểu Phật.” Câu kệ do Ngài dạy như sau:


Đang sống ngồi không nằm


Chết lại nằm không ngồi


Chỉ là cái xác thối


Có gì công với tội?


Cho ta thấy rằng Ngài cực lực phản đối việc ngồi Thiền, quán không quán tịnh. “Không” mà phải quán thì thành có, đâu còn là Không! Vả chăng, đạo chính nghĩa là con đường, mà con đường là để đi chứ không phải để ngồi. Hành đạo không liên quan gì đến chuyện đi, đứng, nằm, ngồi. Chấp chặt một pháp nào trong đó đều sai.


Ngồi thiền tự nó không có gì sai quấy, khi ta chỉ xem như phương tiện để tiếp sức cho ta kéo dài thời thiền định trong cuộc sống rộn ràng. Nó chỉ bắt đầu sai khi ta xem nó như một cứu cánh và chấp vào việc ngồi đến nỗi ngồi tới 20 năm thì thật quá đáng, cho nên bị Tổ quở. Có thể xem ngồi thiền như sự ăn uống. Ăn uống chỉ có ích do tác dụng của sự tiêu hóa thức ăn để bồi dưỡng cơ thể. Ngồi thiền chỉ có ích ở tác dụng phát sinh trí tuệ soi sáng cuộc đời phiền não tối tăm. Nhưng định và tuệ vốn không hai, ví như đèn và sáng: định là thể như đèn, tuệ là dụng như sáng. Nếu chấp định khác tuệ, hoặc định trước tuệ sau, thì sẽ phát sinh cái bệnh chấp tướng, trong bẩn ngoài sạch, nghĩ một đàng làm một nẻo, hoặc suốt ngày ngồi tham thiền nhập định mà mở miệng ra là nói thị phi thiện ác, tốt xấu hay dở của người (theo Đàn kinh). Bởi thế, theo Tổ Huệ Năng, định đâu tuệ đó hay tuệ đâu định đó, không thể phân rời. Hiểu theo đây thì bất luận đi đứng nằm ngồi hễ rớt định là rớt luôn cả tuệ, cho nên luôn luôn phải được định tuệ soi chiếu mới không lạc vào ma đạo. Niệm thứ nhất bị mê muội là chúng sanh, niệm thứ hai có trí tuệ là Phật, niệm thứ ba lại mê thì trở lại làm chúng sanh. Vì vậy tu hành là phải luôn luôn thắp sáng ngọn đèn tuệ giác trong tâm:


Phiền não ám trạch trung


Thường tu sanh tuệ nhật.


(Lục Tổ, Đàn kinh)


(Trong nhà phiền não tối tăm,


Thường nên phát sinh mặt trời trí tuệ.)


Nói khác đi, phải “sanh kỳ tâm” luôn luôn, nghĩa là luôn luôn tỉnh giác, sáng chiếu. Mà tỉnh giác soi chiếu thì sẽ“chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, thấy rõ năm uẩn (gồm thân tâm và cảnh ngoài) đều không phải ta hay của ta, như Tâm kinh Bát Nhã nói. Sở dĩ kinh dạy “ưng vô sở trú” (đừng bám víu cái gì cả) là vì thật sự tuyệt đối không có gì để ta có thể bám víu: “bản lai vô nhất vật”. Bám víu bất cứ gì cũng chỉ như bám víu bào ảnh, mộng tưởng, sương chớp… đặc tính của các pháp hữu vi[7], do đó dễ chuốc lấy khổ đau, tuyệt vọng. “Xưa nay không một vật, thì bụi bám vào đâu?” Tịnh vốn không có tướng, nếu quán tịnh thì bèn thành nhiễm. Do đó ngài Huệ Năng bác luôn cả chuyện quán tịnh hay khán tịnh, một pháp môn dường như Tổ Hoằng Nhẫn vẫn dùng để dạy đại chúng, được ngài Thần Tú trình bày trong bài kệ của ngài, theo đó thì cần giữ tâm cho thanh tịnh, đừng để nó bị mây mờ che lấp. Theo Lục Tổ, tâm đã vốn sẵn thanh tịnh, không cần phải thêm bớt gì cho nó: ở trong động nó không giảm, trong tịnh nó không tăng, nơi thánh nó không sáng hơn, nơi phàm nó không lu bớt. “Sanh kỳ tâm” là luôn luôn sống với cái tâm ấy trong từng hành động uy nghi. Chính vì ngài Huệ Năng sống bằng cái tâm ấy nên Ngài không thấy có gương có bụi, không thấy có phiền não phải trừ, cũng không thấy có Niết bàn phải chứng.


Chính từ căn bản “chân không” của tâm nói trên mà vô số diệu dụng của Phật pháp có thể hiện khởi, nên ngài Huệ Năng mới kinh ngạc thốt lên như khám phá được một kho tàng kỳ diệu: “Nào dè tự tính vốn tự thanh tịnh, vốn không lay động, vốn bất sinh diệt, vốn sanh muôn pháp!” Kho tàng ấy theo kinh mô tả, chính là lục độ[8]của đại thừa giáo, mà tiêu biểu là bố thí[9] và nhẫn nhục[10] được kinh nhắc đến nhiều  hơn cả.

......................
http://thuvienhoasen.org/p20a21663/duong-ve

Không có nhận xét nào: