Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

KINH PALI_Nên đọc thế nào

LÀM BẠN VỚI KINH PALI (3)



Nên đọc kinh như thế nào?

Để học kinh hiệu quả, bạn nên xem xét một số nguyên tắc chung trước khi thực sự bắt đầu đọc. Một khi đã bắt đầu đọc, bạn nên có sẵn một số câu hỏi.


Một số nguyên tắc chung

Không có bản dịch “hoàn hảo”.

Đừng quên rằng các kinh điển Pali đã được ghi lại bằng tiếng Pali, chứ không phải bằng tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Hán. Chưa từng một lần Phật dùng những từ ngữ như “đau khổ” hay “giác ngộ”, Ngài dùng những từ như dukkha hay nibbana. Hãy nhớ, rằng tất cả các bản dịch tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Hán đều đã được chọn lọc và nghiên cứu bởi một người phiên dịch – điều không thể tránh khỏi là bản dịch sẽ chịu sự ảnh hưởng của văn hóa tại thời điểm đó, của kinh nghiệm và sự thấu hiểu kinh điển của người dịch(1). Bản dịch tiếng Anh của những bài kinh trong khoảng cuối thế kỷ 19 và 20 đối với chúng ta ngày nay có vẻ nặng về và khó hiểu, nhưng chắc chắn một trăm năm sau kể từ lúc dịch, các bản dịch bây giờ cũng sẽ trở nên nặng nề và khó hiểu như vậy. Dịch thuật, cũng như việc cố gắng vẽ một hình cầu như Trái đất vào một tờ mặt phẳng bản đồ, là một nghệ thuật không hoàn hảo.
Vì vậy, chúng ta không nên cố chấp vào văn tự trong bất cứ bản dịch nào, cho dù đó là một từ hay một bài kinh. Chẳng hạn, một khi từ dukkha được người dịch chuyển ngữ là “đau khổ” hay từ Nibbana là “giải thoát”, không có nghĩa rằng bạn nên chấp nhận những từ chuyển ngữ đó như là chân lý tuyệt đối. Hãy hiểu nghĩa chúng theo cách áp dụng những định nghĩa đó vào cuộc sống của bạn, và theo hiệu lực của chúng đối với cuộc đời bạn. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu những bản dịch khác. Hãy để sự hiểu biết của bạn được tự do và trưởng thành, và tu tập thái độ cởi mở trong việc xem xét các bản dịch khác. Có lẽ, theo thời gian, sở thích riêng của bạn sẽ thay đổi (ví dụ, bạn có thể thích cách chuyển ngữ dukkha và nibbana thành “phiền não” và “sự dập tắt của phiền não” hơn). Hãy nhớ rằng bất kỳ bản dịch nào là cũng chỉ là phương tiện tạm thời cho việc tu tập cho đến lúc bạn chứng đắc được những gì mà chúng mô tả.
Nếu bạn thật sự nghiêm túc hiểu rõ kinh muốn nói gì, bạn sẽ phải bỏ công học một ít tiếng Pali. Nhưng có cách tốt hơn nữa: đọc nhiều bản dịch khác nhau và thực hành chúng, cho đến khi bạn đạt được những gì Phật giảng trong kinh. Lịch sử chứng minh sự thật hiển nhiên là bạn không cần phải biết tiếng Pali để giác ngộ.

Không một bài kinh nào bao gồm toàn bộ giáo lý.

Để học kinh có hiệu quả tốt nhất, hãy tìm hiểu nhiều bài kinh khác nhau chứ không nên đọc chỉ một “tuyển chọn” nào đó. Chẳng hạn như, giáo lý về chánh niệm, tuy rất quan trọng, nhưng cũng chỉ là một mảnh nhỏ của toàn bộ Giáo Pháp. Nguyên tắc chính ở đây là: bất cứ khi nào bạn nghĩ rằng bạn đã hiểu được toàn bộ giáo pháp có những gì, hãy xem đó là dấu hiệu cho việc cần phải đào sâu nghiên cứu kinh tạng hơn nữa.

Đừng lo lắng về việc những từ này thực sự là do Phật giảng hay không.

Không có cách nào để chứng minh thực sự một kinh nào đó là do chính Đức Phật thuyết giảng. Nhưng, chỉ cần đọc, cố gắng áp dụng giáo pháp vào thực tiễn, và hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. (2)

Nếu bạn thích một kinh nào đó, hãy đọc nó lần nữa.

Đôi khi bạn tìm thấy một bài kinh khiến bạn hoan hỷ ngay lần đầu tiên đọc. Hãy tin vào cảm giác này và, đọc lại vài lần nữa. Cảm giác này nghĩa là bài kinh có bài học quan trọng nào đó cho bạn và cơ duyên của bạn đã chín muồi để tu tập bài kinh đó. Ngay cả khi nhiều lần đọc lại, có lẽ sau một vài năm tháng, bạn sẽ nhận ra ở bài kinh quen thuộc đó một điều nào đó mà bạn bỏ lỡ.

Nếu bạn không thích một bài kinh, đọc nó một lần nữa.

Đôi khi bạn gặp một bài kinh chỉ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Đừng lờ cảm giác này đi, nó cũng có nghĩa là bài kinh có một điều quan trọng nào đó dạy cho bạn nhưng, khác với lần trước, lần này ba la mật của bạn chưa chín muồi để hiểu bài kinh đó. Hãy đánh dấu bài kinh đó và,tạm thời đặt nó qua một bên. Sau vài tuần, vài tháng, hay đôi lúc, vài năm sau, hãy thử thâm nhập bài kinh một lần nữa. Có lẽ, lúc đó, khi cơ duyên đã đủ, bài kinh sẽ mang đến cho bạn những kinh nghiệm quý báu.

Nếu bạn cảm thấy bài kinh nhàm chán, khó hiểu, không giúp gì cho bạn, hãy đặt nó sang một bên.

Tùy thuộc vào nhu cầu, căn cơ và trình độ thiền định, bạn có thể thấy một bài kinh nào đó tối nghĩa hoặc hoàn toàn tẻ nhạt và nhàm chán. Bây giờ, hãy đặt kinh đó sang một bên cho và thử một kinh khác. Hãy tiếp tục, chăm chỉ tìm đọc cho đến khi nào bạn tìm được một bài kinh nào đó mà bạn cảm thấy bài kinh đó dường như hoàn toàn chỉ dành cho bạn.

Một bài kinh phù hợp với bạn là một bài kinh thôi thúc bạn dừng đọc

Toàn bộ ý nghĩa việc đọc kinh là việc khuyến khích bạn tu tập chánh kiến, chánh mạng , và chánh định. Vì vậy, khi đang đọc, nếu cảm thấy sự thôi thúc đặt quyển sách xuống, tìm một nơi yên tĩnh, ngồi xuống và nhắm mắt lại, sự thôi thúc bạn tập thiền, hãy tập thiền ! Bạn có thể đọc lại kinh vào một lúc sau, kinh vẫn ở đó khi bạn trở lại.

Đọc toàn bộ kinh lớn tiếng

Điều này có một số lợi ích: nó khuyến khích bạn đọc từng từ một trong các bài kinh, rèn luyện bạn sử dụng chánh ngữ, tập cho bạn làm quen với việc nghe pháp.

Nghe giáo pháp ở các cấp độ khác nhau

Nhiều bài kinh giảng ý Phật nhiều cấp độ khác nhau cùng một lúc, hãy tập thói quen chiêm nghiệm chúng. Ví dụ như, khi Đức Phật giải thích cho một đệ tử những điểm tốt của chánh ngữ, hãy chú ý xem cách mà Đức Phật sử dụng chánh ngữ [MN 58]. Hãy xem xem liệu Đức Phật có “thực hành những gì người dạy” không? Bạn có thực hành những lời dạy đó không?

Đừng bỏ qua các lần lặp lại.

Nhiều bài kinh có chứa các đoạn lặp đi lặp lại. Hãy đọc như khi bạn nghe một bài nhạc: khi hát, hoặc nghe hát, không ai bỏ qua đoạn điệp khúc, tương tự như vậy, khi bạn đọc một bài kinh, đừng bỏ qua các điệp khúc. Cũng như trong âm nhạc, các điệp khúc trong bài kinh thường bao gồm những biến thể bất ngờ và quan trọng mà bạn sẽ không muốn bỏ lỡ.

Thảo luận kinh với một hai người bạn.

Bằng cách chia sẻ những quan sát và kinh nghiệm tu tập với một người bạn, cả hai có thể giúp nhau hiểu sâu bài kinh hơn. Hãy xem xét việc thành lập một nhóm tu học kinh (có thể không cần chính thức hóa). Nếu bạn có thắc mắc về kinh khiến bạn không an tâm , hãy hỏi một vị thầy có kinh nghiệm và đáng tin cậy để được hướng dẫn. Tham khảo vấn những vị trưởng lão, thường thì những quan điểm độc đáo về giáo lý của họ có thể giúp bạn giải đáp thắc mắc và tránh được nhầm lẫn.

Tìm hiểu một ít tiếng Pali

Một khi bạn đã đọc vài kinh hoặc vài bản dịch khác nhau của cùng một bài kinh, bạn có thể cảm thấy bối rối bởi việc chọn từ nào đó. Ví dụ, tại sao bản dịch này sử dụng từ ” Nền tảng của Chánh Niệm “, trong khi đó bản dịch khác sử dụng “Tứ niệm xứ” cho từ satipatthana? Thực sự, nghĩa của các cụm từ này là gì? Việc tra từ điển Pali từ satipatthana (và các thành phần của nó) có thể giúp bạn hiểu thêm về từ này, một hiểu biết ở mức cao hơn về từ này có thể giúp bạn đọc kinh hiệu quả hơn rất nhiều.

Đọc những gì người khác nói về các bài kinh.

Luôn luôn hữu ích khi đọc những lời bình luận – cả từ lúc xưa và bây giờ – giảng về các bài kinh. Một số người thấy các bài Luận tạng(Abhidhamma Pitaka), đặc biệt là của ngài Buddhaghosa – rất dễ hiểu và hữu ích. (3).Một số người thích những nhà bình luận đương thời hơn(4). Nhiều tài liệu và tiểu luận nổi bật đã được viết bởi những tác giả như các ngài Bodhi, Khantipalo, Ñanamoli, Narada, Nyanaponika, Soma, và Thanissaro(5). Ngoài ra hãy đọc các tác phẩm của những bậc thầy trong truyền thống ẩn tu trong rừng Thái Lan, những quan điểm mới mẻ và độc đáo về các bài kinh của họ được dựa trên kinh nghiệm thiền định rất sâu.

Hãy để thời gian cho kinh thấm vào bạn.

Bất cứ thông điệp hữu ích nào mà bạn tìm thấy trong kinh, bất cứ niềm vui nào còn lại sau khi đọc, hãy nuôi dưỡng chúng, để chúng phát triển trong quá trình thực hành thiền định và trong cuộc sống của bạn. Theo thời gian, các ý tưởng, ấn tượng, và thái độ được mô tả trong bài kinh sẽ dần dần thấm vào tâm thức của bạn, làm mới lại cách bạn nhìn thế giới. Có thể một ngày bình thường, bình thường như mọi ngày khác, giữa lúc bạn lo toan bề bộn cuộc sống, chợt một lời dạy nào đó của Phật mà bạn đã đọc lâu về trước bỗng hiện lên trong tâm trí bạn, mang theo một bài pháp vô cùng hữu dụng và thiết thực cho đúng thời điểm này.
Để thúc đẩy quá trình kinh “thấm” vào, hãy để vào tâm trí bạn nhiều kinh khác nhau. Đừng để việc đọc kinh bị các hoạt động khác phiền nhiễu . Đừng đọc quá nhiều bài kinh cùng một lúc. Hãy khiến cho việc đọc kinh thành một trải nghiệm đặc biệt và thiêng liêng. Đó nên là một trải nghiệm đầy hoan hỷ. Nếu trải nghiệm đó trở nên khô khan và khó chịu, đặt mọi kinh điển sang một bên và sau vài ngày, vài tuần hay vài tháng, hãy cố đọc lại một lần nữa. Tu tập theo kinh đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đơn giản là đọc một hai lần và tự nhủ “Bây giờ tôi đã đọc xong kinh Tứ Niệm Xứ. Tiếp theo nên đọc cái nào?” Sau khi bạn đọc xong một bài kinh, hãy dành thời gian thực hành thiền niệm hơi thở để tạo nhân duyên cho bài kinh đó thâm nhập vào tâm thức và con người bạn.

Ghi chú 
(1) bằng việc sử dụng từ ngữ, cách đặt câu, đặt vần, v.v….
(2) Như phần 1, giáo pháp đã được thực hành trong 2600 năm bởi vô số Phật tử (và rất nhiều người đạt giải thoát)
Những câu không phù hợp với điều kiện Việt Nam
(3) Một vài trong số này là có sẵn trong bản dịch tiếng Anh từ tiếng Pali Text Society và Hội Xuất bản Phật giáo- Buddhist Publication Society.
(4) chẳng hạn như những người viết trong Wheel Publications của Hội Xuất bản Phật giáo.
(5) Bạn cũng có thể thích thú khi đọc những lời giới thiệu và ghi chú tuyệt vời của Tỳ khưu Bodhi: The Middle Length Discourses of the Buddha (Boston: Wisdom Publications, 1995) and Maurice Walshe’s The Long Discourses of the Buddha (Boston: Wisdom Publications, 1987)

Không có nhận xét nào: