Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

KINH PALI_Khi đọc nên hỏi

LÀM BẠN VỚI KINH PALI (4)



Những câu hỏi nên nhớ khi đọc kinh

Khi đọc kinh, hãy nhớ rằng bạn đang nghe lời giảng của Đức Phật khi Ngài đang dạy người khác. Không giống các giáo chủ ngoại đạo cùng thời luôn bám chặt vào một học thuyết cố định khi trả lời mọi câu hỏi [AN 10,93], Đức Phật tùy theo căn cơ- nhu cầu của người nghe mà thuyết pháp. Do đó, hiểu được hoàn cảnh thuyết kinh rất quan trọng, ví dụ, việc nhận biết bạn với người được Phật giảng lúc đó có điểm chung nào sẽ gợi ý cho bạn về cách áp dụng lời dạy của Phật vào cuộc sống của chính bạn.
Khi đọc, việc để tâm một số câu hỏi sau đây có thể giúp ích bạn, 1) giúp hiểu bối cảnh của bài kinh và 2) chọn được mức độ phù hợp với căn cơ bản thân (kinh có nhiều mức độ hiểu khác nhau tùy vào căn cơ) . Mục đích những câu hỏi này không phải là khiến cho bạn trở thành một học giả Phật giáo, chúng chỉ đơn giản giúp kinh điển trở nên sống động và tiếp cận hơn với bạn.

Phật giảng kinh này ở đâu?

Đoạn mở đầu (thường bắt đầu bằng “Như vậy tôi nghe …”) giới thiệu bối cảnh cho bài kinh. Nó diễn ra trong một ngôi làng, trong một tu viện , hay trong rừng? Lúc đó đang là mùa nào ( mùa xuân- mùa mưa- mùa nóng)? Việc gì đang diễn ra? Việc mường tượng những chi tiết này nhắc nhở bạn rằng bài kinh này tả lại sự kiện có thật từng xảy ra với những người thật, như bạn và tôi.

Nhân duyên thuyết kinh là gì?

Một bài kinh có thể ít đề cập đến nhân duyên thuyết kinh [AN 7,6], trong khi kinh khác có thể được kể lại đầy đủ nhân duyên, đôi khi như một câu chuyện nhỏ [MV 10.2.3-20]. Những câu chuyện đó góp gì cho bài kinh?

Ai khiến Phật thuyết kinh?

Đức Phật chủ động thuyết giảng [AN 10,69], hay một người nào đó đến hỏi [DN 2]? Nếu là trường hợp sau, liệu người hỏi có thái độ hay gợi ý ngầm nào? Một người nào đó đến với ý định đánh bại Phật trong tranh luận [MN 58]? Những suy tư này khiến bạn nhận rõ hơn về mục đích của kinh, và khả năng tiếp thu của người nghe pháp lúc đó. Từ đó bạn có thể suy ra thái độ bạn nên có khi tìm hiểu kinh.

Ai thuyết pháp?

Là Phật [SN 15,3], hay một trong những môn đệ của Người [SN 22,85], hoặc cả hai [SN 22,1]? Là nhà sư [SN 35,191] hoặc cư sĩ [AN 6,16]? Trình độ của tâm linh của người giảng như thế nào ( Tư đà hoàn [AN 6,16], hay A la hán [Thig 5,4])? Biết được những điều này có thể giúp bạn hiểu thêm về bối cảnh của kinh. Nhiều bài kinh có rất ít chi tiết tả về những người nghe kinh, trong những trường hợp như vậy hãy tham khảo những bài giảng kinh, luận, hay tham vấn một học giả Phật giáo hoặc một người tu hành.

Ai là đối tượng trực tiếp của kinh?

Phật giảng dạy một vị tăng [SN 35,85], ni [AN 4,159], hay một cư sĩ [AN 7,49]? Một nhóm người mà trong đó chỉ có vài người tin tưởng[SN 35,197] ?Một đám đông [MN 118] hay một cá nhân [AN 4,184]? Hoặc là những người ngoại đạo [MN 57]? Trình độ tâm linh của họ như thế nào? Nếu người nghe pháp là những vị Tư đà hoàn đang cố gắng chứng quả A La Hán, Phật sẽ giảng thâm sâu hơn so với cho những những người vừa nhập môn [AN 3,65]. Những câu hỏi này có thể giúp bạn ước định bài kinh này thích hợp với bạn đến mức nào.

Cách thuyết kinh như thế nào?

Đó là một buổi thuyết pháp trang trọng [SN 56,11], hay một buổi vấn đáp [Sn 5,6], một buổi kể chuyện [AN 3,15], hoặc đơn giản là những câu đầy cảm hứng [Thig 1,11] ? Nội dung chính yếu của bài pháp nằm trong nội dung của kinh [SN 12,2] hay bài pháp bao gồm cả cách Phật giao tiếp với người nghe pháp [MN 57]? Sự đa dạng về phong cách giảng dạy mà Đức Phật và các đệ tử của Ngài sử dụng cho thấy rằng không có phương pháp cố định để giảng Pháp, phương pháp được sử dụng phụ thuộc vào hoàn cảnh và căn cơ của thính giả. 

Điểm chính yếu mà kinh muốn nói là gì?

Kinh nằm ở đâu trong giáo pháp Tam vô lậu học? Tập trung chủ yếu vào giữ giới [MN 61], Định [AN 5,28], hay Tuệ [MN 140]? Lời dạy của Phật có thống nhất với những bài kinh khác (ví dụ, Sn 2,14 và DN 31)? Vị trí của bài kinh này trong nhận biết của bạn về giáo pháp là như thế nào? Liệu kinh có phù hợp với hiểu biết trước đây của bạn về giáo pháp, hoặc khiến bạn phải suy tư kiểm chứng lại những nhận định, quan điểm của bản thân.

Kinh kết thúc như thế nào?

Người nghe giác ngộ ngay sau khi nghe [ SN 35,28], hoặc phải mất một thời gian ngắn sau khi nghe [MN 57]? Liệu có ai trở thành Phật tử, được minh chứng bằng câu ” Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn ! Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn ! … ” [AN 4,111] Đôi khi hành động thổi tắt một ngọn nến là đủ để cho một ai đó giác ngộ [Thig 5,10], đôi khi ngay cả chính Đức Phật không thể giúp người khác vượt qua nghiệp xấu mà họ đã tạo [DN 2]. Các kết quả khác nhau trong kinh minh họa cho sức mạnh và sự phức tạp của luật nhân quả.

Bài kinh mang đến cho tôi những gì?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất , vì nó thách thức bạn sống theo kinh, thách thức bạn biến bài kinh thành một phần của bạn. Xét cho cùng, tâm bạn là thứ được chuyển đổi, chứ không phải trí thông minh. Hãy tự hỏi: Liệu tôi có giống nhân vật nào, trong hoàn cảnh tương tự như trong kinh? Câu hỏi hay lời dạy này có thích hợp với tôi hiện giờ không? Những tôi có thể học gì từ bài kinh? Bài kinh này khiến tôi nghi ngờ về khả năng giác ngộ của mình hay giúp tôi tự tin hơn và cũng cố niềm tin vào chánh pháp?


Không có nhận xét nào: