SAI LẦM LỚN NHẤT CỦA CON NGƯỜI
Viên Minh
Tính chất của Pháp nơi mỗi người chúng ta là giống nhau. Nhưng trên hiện tướng mỗi người đều khác. Tất cả vật chất (28 sắc pháp) cuối cùng chỉ còn là yếu tố đất, nước, lửa, gió và hư không (trong kết cấu của đất, nước, lửa, gió luôn có khoảng không). Do đó, hư không là môi trường để đất, nước, lửa, gió có sự cấu tạo.
Còn tính chất cái Tâm (danh pháp) của chúng ta thì có hai phần: Phần thể tánh và phần tướng dụng. Thể tánh của tâm là biết tất cả pháp nên gọi là tánh biết. Tướng dụng của tâm thì có đến 121 loại tâm và 52 tâm sở. Tâm có rất nhiều loại: Thiện, bất thiện, hữu nhân, vô nhân, duy tác v.v... Mỗi tâm lại bao gồm một số tâm sở.
Tánh biết không sinh diệt có thể thấy được sắc pháp, tâm pháp, tâm sở pháp và Niết-bàn, còn sáu thức sinh diệt thì biết các đối tượng sinh diệt của chúng.
Duyên khởi sắc pháp nơi mỗi người khác nhau trên hiện tướng... nhưng bản chất sắc pháp của mọi người lại giống nhau nơi yếu tố đất, nước, lửa, gió, hư không. Cũng vậy, duyên khởi của tâm và tâm sở của mỗi người đều khác biệt nơi 121 loại tâm cũng như 52 tâm sở nhưng lại đồng quy về Tánh Biết.
Theo Dịch lý, tất cả trời đất thiên biến vạn hóa gom lại có 64 quẻ, hình thức gồm có kiền, khôn, bỉ, thái, vinh, hư, tiêu, trưởng…, 64 quẻ rút lại còn 8 gọi là bát quái, bát quái rút lại 4 gọi là tứ tượng, 4 còn lại 2 gọi là âm dương hay lưỡng nghi mà cái hai xuất phát từ cái một, đó là Thái Cực.
Ban đầu từ thái cực (một) sinh lưỡng nghi tức 1 hào âm và 1 hào dương, sau đó hai hào này kết hợp lại thành cặp 2 hào mà thành tứ tượng. Tứ tượng lại thêm 1 hào âm hoặc 1 hào dương nữa thành 3 hào, có 8 lần 3 hào thành bát quái, rồi tiếp tục 3 hào này duyên khởi với 3 khác mà thành 64 lần 6 hào, từ đó cứ duyên nhau mà “sinh sinh chi vị dịch” thành ra thế giới trùng trùng duyên khởi. Tuy nhiên, dù đang ở dưới hiện tượng nào thì ngay đó vẫn là Thái Cực.
Vì vậy, mỗi hiện hữu nên trở về với chính mình dù mình là người, cây cỏ hay bất cứ loại gì. Nếu mỗi người mỗi vật biết trở về trọn vẹn với chính mình thì dù là người, vật, hay cây cỏ gì... thì xét cho cùng vẫn là thái cực, không ai hơn ai cả. Vì vậy, đạo Phật nói rằng trở về thấy ra bản chất thật của mình đó chính là giác ngộ.
Kinh Dịch nói rằng "thời bỉ tắc bĩ, thời hanh tắc hanh" nghĩa là mình đang ở hiện tượng nào thì cứ trọn vẹn với hiện tượng ấy, vì khi đến tận cùng của hanh thông thì bế tắc trở lại... và đến khi bế tắc cùng cực thì hanh thông trở lại... cứ vậy mà xoay vần mãi, chỉ trở về với Thái Cực nơi chính mình mới không sinh diệt.
Chính vì tất cả các pháp đều trở về Tánh Biết cũng như tất cả hiện tượng biến dịch đều trở về Thái Cực nên lúc Bồ Tát Sĩ-đạt-ta mới sinh ra đi bảy bước đã nói:
"Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn"
Nguyên văn là:
“Aggo ahaṃ asmi lokassa,
Jeṭṭho ahaṃ asmi lokassa,
Seṭṭho ahaṃ asmi lokassa,
Ayaṃ antima jāti,
Natthi dāni punabbhavo.”
(Ta là tối thượng của thế gian,
Ta là tối tôn của thế gian,
Ta là tối thắng của thế gian.
Đây là lần sinh cuối cùng,
từ nay không còn sinh nữa)
Chữ "Ta" ở đây chính là Tánh Biết hay Tánh Giác nơi bổn tâm thanh tịnh trong sáng (pabhassara citta) sẵn có ở mỗi người. Nếu mỗi người tự biết trở về với Tánh Biết “không sinh, không hữu, không tác, không thành” (Tiểu Bộ Kinh), chứ không phải là cái Ngã luôn có tham vọng nỗ lực tạo tác để trở thành một con người lý tưởng hay bậc Thánh khác...Vì vậy, mỗi người chỉ cần trở về với chính mình, không nên bắt chước Pháp của bất kỳ ai khác. Trước khi Đức Phật ra đời, hầu như tất cả tôn giáo thời bấy giờ đều có lý tưởng sở đắc ở bên ngoài mà Thiền Tông gọi là “hướng ngoại cầu huyền” nên tuyên ngôn đầu tiên của Ngài là hãy trở về chính mình vì tất cả chân lý đều ở đó. Và sau khi đắc Chánh Quả, một lần nữa Ngài tuyên bố:
“Attāhi attano nātho
Ko hi nātho parosiyā
Attanā va sudantena
Nāthaṃ labhati dullabhaṃ” (Dhammāpda 160)
(Ta là nơi nương nhờ của Ta,
không ai khác là nơi nương nhờ được,
trở về với cái Ta thuần tịnh,
chính là nơi nương nhờ hy hữu)
Nguyên lý giác ngộ của đạo Phật rõ ràng là, “Tự mình là hòn đảo của chính mình” (giữa bể khổ trầm luân) hay “Tự mình thắp đuốc lên mà đi” (giữa nẻo vô minh tăm tối), vì vậy, bổn phận của người tu chính là chấm dứt sự tìm kiếm bên ngoài, chỉ trở về thấy ra Bản Tâm Thanh Tịnh hay Tánh Biết Trong Sáng (Pabhassara Citta) là ngay đó giác ngộ giải thoát mà thôi. Tham vọng hay ý chí của bản ngã luôn lăng xăng tạo tác để trở thành... chính là vô minh ái dục, đưa đến phiền não khổ đau. Cho nên, sai lầm lớn nhất của con người là cố gắng tạo tác để trở thành cái khác ngoài chính mình để rồi mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử! Luân hồi được ví như câu chuyện "Anh thợ đục đá". Chuyện kể rằng:
"Có một người thợ đục đá vì làm việc cực nhọc nên luôn không bằng lòng với bản thân mình. Một ngày kia, anh thấy một ông vua ngồi kiệu đi qua, được người hầu kẻ hạ rất oai phong và nhàn nhã. Quả là một người đầy quyền lực mà ai ai cũng đều phủ phục kính nể. Anh ta nghĩ, “Ồ ước gì mình được làm vua thì sung sướng biết bao!”
Thật kỳ lạ, anh ta vừa nghĩ xong thì lập tức được biến thành ông vua. Được làm vua anh ta mặc sức ngao du sơn thủy để hưởng lạc thú trên đời, nhưng rồi mùa hè oi bức đến, mặt trời chiếu nóng nực không chịu nổi. “Thì ra vua cũng không bằng uy lực của mặt trời, ước gì mình được làm mặt trời nhỉ!” Thế là anh lại được làm mặt trời như mơ ước của mình.
Thành mặt trời, anh thể hiện uy lực của mình, chiếu ra vô vàn tia nắng trên muôn loài vạn vật với niềm kiêu hãnh, tự cao. Nhưng chính vì chiếu nắng nhiều quá nên hơi nước bốc lên thành mây che khuất cả mặt trời. Thế là anh ta lại ước thành là mây và cũng được như nguyện. Mây cố che hết mặt trời nên không khí thay đổi không điều hòa đã tạo ra gió, và chính gió thổi mây bay tan tác.
Anh lại ước mình làm gió, và khi đã được làm gió anh ra sức hô phong hoán vũ để thể hiện sức mạnh vô địch của mình. Anh hả hê thấy mình thổi gì cũng được, nhưng khi thổi vào núi đá hết sức bình sinh núi đã vẫn trơ trơ bất động. Anh nghĩ, “Chà, làm núi đá mới là uy dũng”, thế là anh biến thành núi đá. Mặc gió mưa nắng rét anh đứng thật oai phong, kiên cố…
Nhưng chẳng bao lâu anh nghe dưới chân đau nhói, nhìn xuống thì anh thấy người thợ đục đá đang giáng những quả búa tạ vào chân mình đau buốt mà anh chẳng làm được gì, chỉ trân mình chịu trận. “Thợ đục đá lợi hại thật, phải chi mình là anh ta nhỉ” - anh vừa nghĩ xong thì liền thấy mình trở về làm người thợ đục đá năm xưa."
Luân hồi là vậy đó! Chúng ta thường cho là có một cái gì cao quý hơn để đạt tới... nhưng chỉ vì không nhận ra rằng tất cả mọi hiện hữu đều cao quý như nhau nếu biết trở về trọn vẹn với thực tánh của chính mình, đó mới là thật sự giác ngộ giải thoát. Giá trị cuộc sống không phải cái mình cho là tốt nhất để lựa chọn, mà là thấy ra sự hoàn hảo vốn có sẵn trong thực tánh của tất cả mọi sự mọi vật bất toàn.
Tại sao Đức Phật dạy chúng ta chỉ nên trở về với thân, thọ, tâm, pháp? Pháp như thế nào thì thấy biết nó như nó là... như đơn giản đi thì biết đi, đau thì biết đau, sân thì biết sân... cảm nhận nó như nó là với tánh biết hoàn toàn rỗng lặng trong sáng như tấm gương phản ánh sự vật trung thực. Đó chính là tuệ tri. Thật ra, người giác ngộ chính là người thấy ra bản chất đích thực của đời sống chứ không có thái độ nhị nguyên tham ưu, thủ xả (ưa ghét, lấy bỏ). Hay nói cho dễ hiểu là không loại ra khỏi đời sống cái mình ghét bỏ để thay vào đó cái lý tưởng mà mình ưa thích, cũng không hướng ngoại kiếm tìm ảo ảnh do bản ngã và tư tưởng vọng cầu.
Trong Dịch Lý có câu: “Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỷ, thiên hạ chi lý đắc nhi thành vị hồ kỳ trung hỷ”- giản dị đến tận cùng thì mới thấy được nguyên lý của trời đất, mà có thấy nguyên lý của trời đất thì thời vị mới trung chính. Thời trung vị chính nghĩa là trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại ngay đây và bây giờ. Dị giản cũng có nghĩa là dừng cái biết lại chỗ không biết (tri chỉ kỳ sở bất tri) thì ngay đó liền khai mở con mắt tuệ giác, không phải là cái thấy biết của lý trí vọng thức. Đó là lý do tại sao Đức Phật, Lão Tử và đức Chúa đều khuyên chúng ta trở về với chính mình trong cái tâm thấy biết hồn nhiên trong sáng của một hài nhi...
(Như Tuệ trích ghi chép từ Pháp Thoại: “Pháp nơi mỗi người - Trọn vẹn với thực tại" - Những bài Pháp ngắn ở Sydney/2013 của Thầy Viên Minh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét