Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

KINH PALI_Nên đọc kinh nào

LÀM BẠN VỚI KINH PALI (2)


Nên đọc kinh nào?

Trả lời: hãy đọc bất cứ kinh nào bạn thích.

Để hình dung, hãy tưởng tượng Giáo Pháp như một viên ngọc nhiều mặt, mỗi bài kinh cho bạn nhìn thoáng qua một hai mặt của viên ngọc đó. Chẳng hạn, giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo; Bố thí và Trì Giới, chánh niệm trong hơi thở [MN 118]và chánh niệm về cái chết [AN 6.19], sống theo giáo pháp khi là một cư sĩ [DN 31], hay như một vị tăng [DN 2].v.v…. Không một bài kinh nào có thể bao gồm hết thảy giáo pháp, mỗi bài đều dựa trên những bài khác để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh của giáo lý do Đức Phật giảng dạy. Càng đọc nhiều kinh, bức tranh của viên ngọc quý này càng hiện rõ hơn trong tâm trí bạn.
Khi bắt đầu, bạn nên học hỏi , suy ngẫm, và thực hành năm giới và 5 đối tượng quán hàng ngày (1). Hơn nữa, nên ghi nhớ kỹ lời dạy của Đức Phật dành cho La Hầu La [MN 61] về trách nhiệm của chúng ta với mỗi một hành động có chủ ý. Từ đó, dần dần bạn có lần theo từng bước chân Phật, hoặc nắm vững hệ thống giáo lý bao gồm bố thí, giới hạnh,luân hồi, nguy hiểm của dục,xả ly và Tứ Diệu Đế.
Nếu bạn muốn có một nền tảng vững chắc về các vấn đề cơ bản của giáo lý của Đức Phật, ba bài kinh sau được xem là cần thiết: Kinh Như Lai thuyết-Phẩm Chuyển Pháp Luân-Tương ưng bộ kinh (2), Kinh Năm vị – Phẩm Tham Luyến-Tương ưng bộ kinh (3), và Kinh Bị Bốc Cháy –Phẩm Vô Thường-Tương ưng bộ kinh (4). Những bài kinh này là ba cây đại thụ trong Tạng Kinh (Sutta Pitaka). Chúng định rõ những khái niệm căn bản của giáo lý mà vẫn thường xuất hiện dưới nhiều biến thể khác nhau trong trong tạng kinh như: Tứ Diệu Đế, bản chất của khổ, Bát Chánh Đạo, Trung Đạo, pháp luân, anatta (vô ngã) và phân tích “tự ngã” thành năm uẩn, cách từ bỏ sự gắn bó vào khoái cảm nhục dục, và vũ trụ quan Phật giáo. Bởi vì tất cả mọi kinh khác đều liên hệ đến những khái niệm cơ bản này, chúng cung cấp một nền tảng vững chắc để tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào kinh điển.
Hơn nữa, ba bài kinh này là minh chứng cho năng khả năng giảng dạy của Đức Phật như một thầy giáo: tổ chức bài giảng của mình rõ ràng, hợp lý, dễ nhớ bằng cách tạo ra những danh sách các khái niệm quan trọng (Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, ngũ uẩn, v.v…), khuyến khích người nghe tham gia đối thoại tích cực để giúp họ tự nhận ra tà kiến, giảng bài bằng cách sử dụng hình ảnh so sánh và ngụ ngôn phù hợp với người nghe , quan trọng nhất, Đức Phật luôn thấu hiểu căn cơ của thính giả và chọn phương tiện để thuyết pháp hiệu quả đến mức người nghe có thể tự nhận biết thành quả mà Ngài giảng. Việc hiểu rằng Đức Phật là một giáo viên xuất sắc càng khuyến khích chúng ta đi sâu vào nghiên cứu Tam Tạng,với lòng tin là giáo huấn của Ngài sẽ không dẫn chúng ta lạc lối.

Một số kinh điển khác cho việc bắt đầu học Phật:

– Khuddaka Nikaya (Tiểu Bộ kinh) cung cấp một kho tàng phong phú các bài kinh quan trọng được thể hiện dưới dạng thơ hay câu văn ngắn. Chẳng hạn như Dhammapada (Kinh Pháp Cú), Sutta Nipata(Kinh Tập – Tiểu Bộ kinh), Therigatha (Trưởng lão ni kệ – Tiểu Bộ kinh), và Theragatha(Trưởng lão tăng kệ – Tiểu Bộ kinh).
– Đối với các chỉ dẫn cơ bản của Đức Phật về thiền định hơi thở, xem Kinh Nhập tức Xuất tức niệm (MN 118), về hướng dẫn thực hành chánh niệm, xem kinh Đại niệm xứ (Kinh Trường Bộ -DN 22).
– Để tìm hiểu làm thế nào để rèn luyện tâm từ bi, xem Kinh Từ bi.
– Trong Kinh Devadaha (5) ngài Xá Lợi Phất giải thích làm thế nào để giới thiệu giáo lý của Đức Phật cho những người thông minh và ham học hỏi- những người như bản thân bạn.
– Làm thế nào để biết con đường tâm linh nào đáng thực hành theo, con đường nào không đáng theo? Kinh Kalama sẽ làm sáng tỏ vấn đề muôn thuở đó.
– Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (DN 31) Phật thuyết một bản “hướng dẫn chi tiết” làm cách nào cư sĩ có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và đầy đủ.
Khi bạn tìm thấy một bài kinh bạn quan tâm, hãy tìm bài kinh khác tương tự. Từ đó, hãy đọc tùy ý, hãy cho vào kho tàng tâm trí của bạn bất kỳ viên đá quý nào bạn thích dọc chuyến hành trình.

Ghi chú

(1) AN 5.57 Kinh Sự kiện cần phải quan sát- Tăng chi bộ kinh
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi05-0106.htm

Thế Tôn lời dạy tỏ tường
Năm điều quán tưởng phải thường xét ra:
Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn
Ta đây bịnh hoạn phải mang
Thế nào tránh thoát đặng an mạnh lành
Ta đây sự chết sẵn dành
Thế nào tránh khỏi tử sanh đến kỳ
Ta đây phải chịu phân ly
Nhân vật quý mến ta đi biệt mà
Ta đi với nghiệp của ta
Dầu cho tốt xấu tạo ra tự mình
Theo ta như bóng theo hình
Nhân nào quả nấy phân minh kết thành

(2) S.v,420 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-56a.htm
(3) S.iii,66 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22c.htm
(4) S.iv,19 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu4-35a.htm
(5) S.iii,5 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22a.htm
______________

Không có nhận xét nào: