Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

TÓM TẮT KINH PHẬT?

NI SƯ TRÍ HẢI NÓI VỀ VIỆC 
“KINH KHÔNG BAO GIỜ NÊN TÓM TẮT” 

mtđm:   Đây là một bài viết mình rất tâm đắc. Kinh Phật ngày nay có quá nhiều người gọi là "Luận Sư " mó vào, méo là điều tất nhiên. Ôi thôi, chú giải, phụ chú giải..... hầm bà lằng. Ngày xưa đọc Hiệp Khách Hành của Kim Dung, mình vẫn nhớ chuyện Thạch Phá Thiên giải được bí kíp chân kinh khi nhìn vào bản gốc. 

1) Dẫn nhập 

Qua việc dẫn chứng một trường hợp cụ thể, bài viết sẽ cho thấy quan điểm của Ni sư Thích nữ Trí Hải về việc tóm tắt kinh Phật. Theo đó, tóm tắt kinh Phật là việc làm cần hết sức cẩn trọng, có 2 mặt lợi/hại. Nhưng một người tu hành đạo hạnh, hiểu biết thâm sâu về đạo Phật như Ni sư Trí Hải cũng chỉ làm công việc tóm tắt trong điều kiện ghi rõ là bản tóm tắt, với lời được Ni sư gọi là “Ghi chú quan trọng” trong sách “Toát yếu Kinh Trung Bộ”, nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2010. So sánh điều này với quan điểm của x tăng (xin xem bài ““Xú” tăng!”) sửa, đổi, thêm, bớt, viết xen, cắt cụt, thay tựa, tạo kinh mới ngay cả đối với kinh tụng, thì sẽ thấy x tăng đã phiêu lưu, liều lĩnh, táo tợn đến mức độ nào. Bài “Ghi chú quan trọng” này của Ni sư Trí Hải tôi được đọc đã lâu, luôn ghi nhớ và hết sức tâm đắc. Đến nay, nhân duyên dun rủi tôi trở thành người giữ kinh Phật, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc để chia sẻ những quan điểm mà tôi cho là hết sức đúng đắn. Qua “Ghi chú quan trọng” này của Ni sư Trí Hải, người đọc có thể thấy quan điểm của 2 vị hòa thượng khác về giữ gìn sự chính xác, toàn vẹn của kinh điển, là ý kiến của Hòa thượng Thích Minh Châu và Hòa thượng Thích Chơn Thiện. 

2) Giới thiệu văn bản 

Dưới đây là toàn văn “Ghi chú quan trọng” trích từ “Toát yếu Kinh Trung Bộ”, tập I, nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2010, trang 4: “Ghi chú Quan Trọng Ba tập toát yếu Kinh Trung Bộ I, II và III này, tôi đã làm ít nhất ba lần, và mỗi lần đều làm sau khi đã đọc kỹ bản dịch của Hòa thượng. Thế nhưng mỗi lần tôi đều toát yếu một cách khác, nhất là sau khi được đọc bản phiên dịch và chú thích bằng Anh ngữ của Đại đức Nanamoli và Mahabodhi. Như vậy đủ biết, những lời Phật dạy như núi cao, biển cả, mà sự học hiểu của mình chỉ như một cái xẻng đào đất hay cái muỗng múc canh, mỗi lúc chỉ lấy được một ít và rất phiến diện. Bởi thế mà Hòa thượng thường dạy, Ngài không bao giờ “giải thích” lời Phật dạy, mà chỉ cố gắng dịch cho đúng nguyên văn của Người xưa dù có tối nghĩa đến đâu. Đấy là cái đức khiêm cung của Ngài, trong vô số đức tính mà tôi ngưỡng mộ. Mình là ai mà dám toát yếu lời Phật dạy? Lỡ mình để tuột mất cái điểm cốt yếu trong lời Ngài dạy thì sao? Như vậy sẽ mang tội lớn với Phật, với Thầy, Tổ. Bởi vậy, ngày càng tôi càng miễn cưỡng trong việc phổ biến ba tập toát yếu này, vì sợ công ít mà tội nhiều. Khi làm xong tập thứ hai, đem khoe Thầy Chơn Thiện, Thầy phán rằng: “Kinh không bao giờ nên tóm tắt”. Tôi giật mình, và bỏ dở công việc gần hai năm trời, mặc dù đã gần xong tập cuối, đến kinh Nhất Dạ Hiền Giả. Sau đó, anh Hồ Hồng Phước ở Luân Đôn, người thường gửi cho tôi những sách Phật học bằng Anh ngữ mới xuất bản tại nước ngoài, thúc giục tôi gởi sang tiếp vì có người đã hào hứng in ra biếu không hai tập đầu. Thế là tôi lại hăng hái tiếp tục! Mỗi kinh do Tôn giả Ananda trùng tuyên đều bắt đầu với câu “Tôi nghe như vầy”, mà không nói “Đức Phật đã dạy như vầy” điều ấy rất đáng bắt chước. Vì tôi là ai mà dám làm phát ngôn nhân cho Phật? Lỡ Phật nói một đường, tôi nghe một nẻo thì sao? Cho nên đây chỉ là theo như tôi được nghe, chứ không phải theo như lời Phật dạy. Bản toát yếu này cũng thế, đây chỉ là những gì do tôi hiểu được qua lời kinh, vào một thời điểm nào đó mà thôi. Và tôi đã toát yếu để cho tự mình nhớ được chút ít những lời vàng ngọc của đức Thế Tôn, để tự tu tập cho bản thân mình. Bởi thế người đọc hoàn toàn không thể bỏ qua bản gốc của Hòa thượng Thích Minh Châu đã dày công phiên dịch. Nếu đọc toát yếu này mà bỏ qua Kinh gốc thì cũng như bỏ đại dương để lấy vài giọt nước muối. Vậy, sau hết và trước hết, bản toát yếu này chỉ là một tập sách giúp trí nhớ cho những ai đã nhiều lần nghiền ngẫm Kinh Trung Bộ, và có thể họ đã toát yếu một cách khác, thì sách này sẽ bổ túc cho trí nhớ của họ. Những người mới đọc Kinh Trung Bộ lần đầu, thì qua toát yếu này sẽ nắm được vài ý để hướng dẫn mình trên đường tu tập chứ không chỉ là “chuyên ký danh ngôn” vì kỳ thực Phật không dạy điều gì nếu không phải để đưa người đến chuyển mê khai ngộ. Xin dâng lên Hòa thượng lòng tri ân vô bờ bến. Ni sư Trí Hải”. 

3) Phân tích 

3.1. Về tính chất, việc Ni sư Trí Hải tóm tắt và chú giải Kinh Trung bộ, sử dụng bản Anh ngữ tóm tắt mỗi kinh của đại đức Nanamoli, là việc làm hoàn toàn khác với việc của x tăng làm. Ni sư Trí Hải chỉ trình bày một cách hiểu về kinh, ghi chú rõ ràng đối với bản tóm tắt, đặt hẳn bản tóm tắt tách biệt nguyên bản, nói rõ bản tóm tắt có thể thiếu sót, phiến diện. Bản tóm tắt Kinh Trung bộ của Ni sư Trí Hải được xác định không thể thay thế bản hoàn chỉnh, nguyên vẹn trong mọi trường hợp. Công dụng của bản tóm tắt được xác định rõ ràng: - Cách hiểu cá nhân - “Bổ túc trí nhớ” - “Nắm được vài ý để hướng dẫn mình trên đường tu tập”

 3.2. Bản tóm tắt không phải là một bản kinh khác được cho là làm mạch lạc, rõ nghĩa hơn như việc làm của x tăng. 

3.3. Quan điểm tuy trình bày cách hiểu cá nhân bằng việc tóm tắt kinh Phật, nhưng vẫn đề cao việc giữ gìn sự toàn vẹn và chính xác Kinh Phật của Ni sư Trí Hải là rất rõ ràng. Ở đây, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng từ Hòa thượng Thích Minh Châu: “Bởi thế mà Hòa thượng thường dạy, Ngài không bao giờ “giải thích” lời Phật dạy, mà chỉ cố gắng dịch cho đúng nguyên văn của Người xưa dù có tối nghĩa đến đâu. Đấy là cái đức khiêm cung của Ngài, trong vô số đức tính mà tôi ngưỡng mộ”. Và Hòa thượng Thích Chơn Thiện: “Khi làm xong tập thứ hai, đem khoe Thầy Chơn Thiện, Thầy phán rằng: “Kinh không bao giờ nên tóm tắt”. Quan điểm như thế của Ni sư Trí Hải là rất rõ ràng, xác đáng. Bản tóm tắt, dù thế nào đi nữa vẫn phiến diện và có thể sai sót. Do vậy, bản tóm tắt chỉ là bản tóm tắt, kinh Phật là kinh Phật nguyên tử, không thể lẫn lộn ở điểm này. 

3.4. Vấn đề lợi/hại, công/tội được Ni sư Trí Hải quan tâm. Ni sư viết: “Mình là ai mà dám toát yếu lời Phật dạy? Lỡ mình để tuột mất cái điểm cốt yếu trong lời Ngài dạy thì sao? Như vậy sẽ mang tội lớn với Phật, với Thầy, Tổ”. Từ lời của Ni sư Trí Hải, tôi chắc chắn một điều, nghiệm vào trường hợp của mình. Quan điểm bảo vệ sự toàn vẹn và chính xác của Kinh Phật chắc chắn không sai. Tóm tắt kinh Phật dù dưới hình thức nào, cũng phải đều bận tâm, như Ni sư Trí Hải đã bận tâm, cân nhắc, lo lắng. Còn một đường cứ như nguyên bản kinh điển mà “y giáo phụng hành” thì chắc chắn không thể lạc đường, không lo hiểu lệch ý Phật, vuột mất ý Phật. Vì vậy, bản tóm tắt có thể dùng tham khảo. Nhưng trên đường tu hành, thì chỉ kinh Phật toàn vẹn, nguyên bản mới là sách giáo khoa. Dùng kinh Phật dạng cắt cụt, viết xen mà làm kinh tụng thì đã rơi đúng vào những điều nguy hại mà Ni sư Trí Hải đã ngăn ngừa, cảnh báo. 

4. “Ghi chú quan trọng” của Ni sư Trí Hải rất đáng để suy ngẫm.

 Có thể trình bày Kinh Phật lại từ cách hiểu cá nhân, nhưng cần ghi chú như thế rõ ràng, minh bạch, sòng phẳng, không được dùng làm kinh tụng, văn bản kinh chính thức. “Ghi chú quan trọng” của Ni sư Trí Hải khiến tôi càng vững tin vào nhiệm vụ của mình mà nhân duyên giao phó, là giữ gìn sự toàn vẹn và chính xác của Kinh Phật. Quan điểm của x tăng và từ một số bài viết trên trang Đạo Phật ngày nay cho thấy quan điểm rất khác với Ni sư Trí Hải. Quan điểm coi Kinh Phật là đối tượng có thể sửa, đổi, thêm, bớt, viết chen, ngụy tạo, thay tựa rồi dùng đó làm kinh tụng là quan điểm vong mạng và xấc xược, coi giáo pháp trong mắt họ không ra gì. Mong rằng, ý kiến dẫn trên của Ni sư Trí Hải sẽ chuyển tâm của những người tư duy như thế, khiến họ quay đầu trở lại với con đường tôn trọng giáo pháp. Trong các bài tiếp theo, chúng tôi sẽ đi vào phân tích những việc cụ thể mà x tăng đã làm đối với kinh Phật. Trường hợp đổi tựa kinh thành “Vòng hoa tay người” chỉ là một trường hợp tiêu biểu trong rất nhiều trường hợp, do một quan điểm sai lầm nhưng đã đúc kết rõ ràng đưa lại.

http://cusiminhthanh.blogspot.com/2014/12/ni-su-tri-hai-noi-ve-viec-kinh-khong.html

Không có nhận xét nào: