Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

KINH PALI_Tại sao nên đọc

LÀM BẠN VỚI KINH PALI
Tác giả: Thanissaro
Dịch Việt: Thanh Nguyen

Befriending the Suttas
Tips on Reading the Pali Discourses
by Thanissaro



Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập. (Tương ưng bộ kinh)

Kinh điển Pali bao gồm hàng ngàn bộ kinh, và đang được phổ biến rộng rãi trên mạng. Đứng trước kho tàng đồ sộ đó, tự nhiên bạn sẽ bối rối: Tại sao tôi nên đọc những kinh này? Đọc kinh nào bây giờ? Đọc như thế nào?
Không có một câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi đó. Nhưng ở đây có một điều chắc chắn : câu trả lời phù hợp nhất cho bạn, là câu trả lời của chính bạn. Mặc dù như thế, ở đây, tôi xin khuyên bạn vài lời khi bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu kinh điển. Đó là những điều tôi thấy bổ ích trong những năm tu tập và tìm hiểu kinh. Có lẽ, bạn cũng sẽ tìm được một vài điều bổ ích.


Tại sao tôi nên đọc kinh Pali?

Bởi vì kinh Pali là nguồn gốc mọi giáo pháp của Phật giáo Nguyên Thủy.

Nếu bạn cảm thấy có hứng thú tìm hiểu những lời dạy của Phật giáo Nguyên Thủy, thì tam tạng Pali (bao gồm kinh tạng ) là tư liệu gồm những lời khuyên và hỗ trợ có thẩm quyền nhất. Bạn không cần lo lắng là liệu có phải chính Đức Phật lịch sử nói câu kinh đó hay không (Dù sao cũng không ai có thể chứng minh điều đó…). Nhưng hãy nhớ rằng, những lời dạy này đã được thực hành – và có hiệu quả rõ ràng- bởi vô số Phật tử trong suốt 2600 năm qua. Nếu muốn biết thực sự liệu những bài giảng này có hiệu quả thật không, vậy thì bạn hãy học kinh, thực hành và chứng thực.

Bởi vì kinh tạng thể hiện toàn bộ giáo pháp

Những bài giảng trong kinh, khi xem một cách tổng thể, sẽ cho bạn thấy một bản đồ hướng dẫn hoàn chỉnh đường đi từ điểm bắt đầu là mức độ tâm linh hiện tại của bạn đến mục đích cuối cùng là giải thoát hoàn toàn. Cho dù mức độ tâm linh của bạn là như thế nào- người vô thần, nhà huyền học, cư sĩ, hay tăng lữ, hay đơn thuần chỉ là một người ngoài cuộc muốn xem “Phật giáo có gì hay”… trong kinh chắc chắn sẽ có những điều giúp bạn tiến thêm một bước trên con đường đến hạnh phúc. Càng đọc nhiều kinh, bạn càng không cần phải tìm hiểu tư tưởng từ các truyền thống tâm linh- tôn giáo khác. Bởi vì, kinh Pali đã bao gồm hầu hết những gì bạn cần biết.

Bởi vì kinh tạng thể hiện sự toàn diện nhất quán của giáo pháp

Những bài giảng trong kinh Pali rất nhất quán, nhất quán ở một điều – đó là vị giải thoát (1). Nhưng đôi khi, bạn có thể gặp một số kinh dường như trái ngược với hiểu biết về Chánh pháp của bạn. Đừng lo lắng, khi suy ngẫm cẩn thận về chướng ngại đó, những mâu thuẫn sẽ tự tan rã, mở ra một chân trời hiểu biết mới.
Ví dụ như, bạn kết luận rằng nên thực hành từ bỏ mọi tham muốn sau khi đọc Kinh về dục (2) .Nhưng khi đọc một kinh Bà-La-Môn (3), bạn lại được dạy rằng, sự tham muốn tự chính nó là một nhân tố cần thiết trên con đường tu học. Chỉ sau khi quán chiếu bạn mới có thể hiểu Đức Phật dạy rằng có nhiều loại tham muốn, và có một số đáng để tham muốn – sự giải thoát khỏi tất cả mọi tham muốn. Và khi đó, sự hiểu biết của bạn sẽ tiến thêm một bước mới và mâu thuẫn giữa 2 kinh sẽ không còn.
Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng những “mâu thuẫn” như thế không phải là sự không thống nhất của kinh điển mà là gợi ý rằng, kinh mà đang đọc đã đưa bạn đến ranh giới sự nhận biết của chính bạn. Việc bước qua ranh giới đó tùy thuộc vào bạn.

Bởi vì kinh cung cấp rất nhiều lời khuyên thực tế

Trong kinh điển, bạn sẽ tìm thấy một kho tàng lời dạy thực tế áp dụng cho cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn như: làm thế nào để mọi người trong nhà hòa thuận với nhau [DN 31], làm thế nào để giữ gìn của cải [AN 4.255], cái gì nên nói và cái gì không nên nói [AN 10.69], khi đau khổ nên làm thế nào [AN 5.49] và thậm chí, khi sắp chết nên làm như thế nào [SN 22.1] và còn rất nhiều, rất nhiều… Tóm lại, cho dù hoàn cảnh của bạn như thế nào, cho dù bạn có tự gọi mình là Phật tử hay không, trong kinh Pali luôn có rất nhiều lời khuyên thực tế cho việc tìm kiếm hạnh phúc cho bạn. Và tất nhiên, ở đây còn có rất nhiều hướng dẫn về thiền định.

Bởi vì kinh củng cố niềm tin của bạn vào Chánh Pháp.

Khi đọc kinh, đôi lúc bạn sẽ gặp những điều đã biết là đúng từ kinh nghiệm của riêng bạn. Có lẽ, bạn đã quá hiểu nguy hiểm của chứng nghiện rượu [DN 31], hoặc, bạn đã cảm nhận niềm vui tao nhã khởi lên khi tâm tập trung[AN 5,28]. Nhìn lại kinh nghiệm của bản thân dưới ánh sáng của kinh -ngay cả trong những điều nhỏ nhặt thường ngày – sẽ khiến cho bạn dễ chấp nhận những kinh nghiệm thâm sâu mà Đức Phật mô tả là không quá xa vời, rằng một số bài giảng trừu tượng và khó hiểu, có thể, thực tế không quá lạ lẫm. Điều xác nhận này (kinh nghiệm của bạn so với kinh) có thể truyền cảm hứng cho thiền định và đưa niềm tin và sự hiểu biết của bạn đến một chân trời mới.

Bởi vì kinh hỗ trợ và động viên thực hành thiền định

Khi đọc về kinh nghiệm thiền định của người khác trong kinh, bạn sẽ có nhận biết về những gì bạn đã đạt được trong khi thực hành, và những gì cần phải được thực hiện. Sự hiểu biết này sẽ đưa đến động lực mạnh mẽ khiến bạn toàn tâm thực hành giáo lý.

Bởi vì, đơn giản: đọc kinh là điều tốt.

Toàn bộ lời dạy trong kinh đều mang tính bổ ích, và tất cả những lời dạy đó đều giúp bạn tu tập những phẩm chất đáng quý như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, chánh niệm, v.v…. Khi đọc một bài kinh, bạn đã bỏ vào kho tâm trí những bổ ích. Khi suy ngẫm về những điều độc hại và rác rưởi mà các phương tiện truyền thông vẫn thường đổ vô tội vạ vào chúng ta mọi lúc, một chút tu tập Chánh Pháp hằng ngày có thể trở thành một hòn đảo cho tâm trí lành mạnh của bạn trong một vùng biển đầy bão tố. Hãy chăm sóc tốt của tâm trí của bạn – đọc một bài kinh và hãy thực hành nó bằng tất cả tâm trí.

Chú thích:

(1)  Ud 51 http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo1/tb13-ptt2.htm#chuong5
(2)  http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo1/tb15-kt4.htm
(3)  Ba-La-Mon (S.v,271) http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-51.htm
DN: Kinh trường bộ
AN: Kinh Tăng chi bộ
SN: Kinh Tương ưng bộ

Không có nhận xét nào: