Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

BÙA MÊ CỦA NGÔN TỪ

NGÔN TỪ MỘT THỨ BÙA MÊ
Eckhart Tolle
(Thức tỉnh mục đích sống, Chương Hai)


Ngôn từ, dù phát thành tiếng trên môi hay đang còn dưới dạng những ý nghĩ, thì vẫn có sức cuốn hút như là một thứ bùa mê. Bạn dễ dàng đánh mất mình trong mớ ngôn từ đó, chúng dễ làm cho bạn mê mẩn đến độ bạn cả tin một cách sai lầm rằng khi gọi tên một vật nào đó thì bạn đã biết được bản chất của vật ấy. Sự thật là bạn không thể nào biết được bản chất của một vật nào cả. Khi gọi tên một sự vật, chỉ là bạn vừa gắn một khái niệm lên một điều gì còn rất bí mật. Suy cho cùng, ta không thể thực sự biết một cái gì hết: dù đó là một con chim, một cành cây, một hòn sỏi và nhất là một con người. Lý do là vì mỗi thứ đấy đều có một chiều sâu vô lượng. Những gì ta suy nghĩ, cảm nhận, hay kinh nghiệm về vật ấy chỉ là một lớp mỏng bên ngoài của thực tại, những điều ta biết ấy thực ra còn ít hơn một cái chóp nhỏ tí teo nhô lên mặt nước của một tảng băng trôi.

Ẩn dưới vẻ bề ngoài đó, mọi thứ không những rất liên quan với những thứ khác mà còn liên quan rất mật thiết với tâm – Cội Nguồn của sự sống – nơi sản sinh ra mọi vật. Thế nên một bông hoa, một con chim, thậm chí là một hòn sỏi cũng có thể dẫn lối cho ta trở về với Nguồn Cội, với Thượng đế, và với chính ta. Khi ta nhìn ngắm một vật hoặc cầm nó lên và để cho nó được hiện hữu mà không gán ghép một tên gọi nào hay một nhãn hiệu nào lên vật đó thì ta sẽ có cảm giác sững sờ, và kinh ngạc dâng trào lên ở trong ta. Bản chất chân thực của vật đó sẽ lặng lẽ truyền đạt đến ta, đồng thời giúp ta phản ảnh bản chất chân thực của chính mình. Đây là điều mà các họa sĩ bậc thầy đã cảm nhận và chuyển tải rất thành công trong những nghệ phẩm của họ. Van Gogh đã không nói: “Ồ, đây chỉ là một cái ghế cũ”. Ông nhìn đi, rồi nhìn lại, không biết bao nhiêu lần. Cho đến khi ông cảm nhận được tính Hiện hữu của chiếc ghế cũ. Rồi ông mới cầm cọ ra ngồi trước khuôn vải và bắt đầu vẽ. Bản thân chiếc ghế cũ ấy hẳn chỉ có giá vài đô la. Nhưng bức tranh về chiếc ghế cũ mà Van gogh đã vẽ đó bây giờ có lẽ phải trên 25 triệu đô la.

Khi bạn không còn che lấp thế giới bằng ngôn từ và nhãn mác thì một cảm giác huyền nhiệm trở lại trong đời sống của bạn, dù cảm giác này đã biến mất từ lâu khi nhân loại, thay vì sử dụng ý nghĩ, thì lại bị ý nghĩ chi phối và chiếm hữu. Đời sống của bạn vừa lấy lại được chiều sâu. Mọi thứ phục hồi lại được sự trẻ trung và tươi mới.

Nhưng điều kỳ diệu nhất là bạn đang chứng nghiệm lại được bản chất chân thật của mình, trước khi bị những ngôn từ, ý nghĩ, hay hình tướng nào đó làm cho lu mờ đi. Điều này chỉ có thể xảy ra khi bạn tách bạch con người đích thực của bạn, ra khỏi mọi thứ hỗn tạp khác mà bạn đã sai lầm tự đồng nhất với mình. 

Khi bạn càng vội vàng gắn những nhãn mác (bằng suy nghĩ trong tâm trí hay bằng cách gọi tên) lên một đồ vật, một người, hay hoàn cảnh nào đó thì đời sống của bạn sẽ càng trở nên nông cạn và tẻ nhạt. Và bạn lại càng dễ trở nên chai lỳ trước hiện thực của đời sống, khiến bạn không thấy được những diệu kỳ của đời sống vốn vẫn luôn trải ra bên trong bạn và chung quanh bạn. Như thế, bạn có thể đạt được chút khôn ngoan lém lỉnh, nhưng sẽ đánh mất sự thông thái cùng với niềm vui, óc sáng tạo, tình yêu và sức sống – chúng như những gạch nối tĩnh tại và thầm lặng, bị chèn lấp giữa những khái niệm và suy luận của bạn. Dĩ nhiên chúng ta cần phải sử dụng ngôn từ và ý tưởng – những thứ có vẻ đẹp riêng của chúng – nhưng chúng ta có cần phải tự trói buộc mình vào những ngôn từ và ý tưởng đó không?

Ngôn từ không thể nói lên được gì nhiều về thực tại vì chúng luôn giản lược thực tại thành một điều gì đó mà trí năng con người có thể nắm bắt được. Ngôn từ trong Anh ngữ chỉ bao gồm năm nguyên âm căn bản: a, e, i, o, u. Còn lại chỉ là các phụ âm tạo nên bởi áp suất của không khí trong vòm miệng như s, f, g,… Vậy sao bạn có thể tin rằng sự kết hợp của những âm thanh như thế lại có thể giải thích được bản chất chân thật của bạn, giải thích được mục đích tối hậu của vũ trụ hay thậm chí giải thích được chiều sâu, hay bản chất của mỗi gốc cây, mỗi hòn sỏi?

Không có nhận xét nào: