Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

ĐỪNG TƯỞNG_Bùi Giáng



ĐỪNG TƯỞNG


mtđm: Mình mới biết thêm bài này của nhà thơ Bùi Giáng, hơi dài nhưng hay, đáng đọc. Loại "Cứ tưởng, cứ ngỡ" chúng ta cũng quen rồi, bây giờ là "Đừng Tưởng"....

Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ cao là sáng cứ tu là hiền.
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù
Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng có của đã sang
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
Đừng tưởng cứ uống là say
Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần.
Đừng tưởng cứ mới là tân
Cứ hứa là chắc , cứ ân là tình
Đừng tưởng cứ thấp là khinh
Cứ chùa là tĩnh, cứ đình là to .
Cứ già là hết hồ đồ
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua.
Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm dền đừng tưởng sắp mưa ngập trời
Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than …..!
Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ Hứa là Thật, cứ Tay là Cầm
Đừng tưởng cứ giặc – ngoại xâm
Cứ Bè là Bạn, cứ Dân là Lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ Đất và Nước là thành Quê Hương
Đừng tưởng cứ Lớn là Khôn
Cứ Bé là Dại, cứ Hôn… là Chồng
Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người
Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn
Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường
Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ Xấu là Ghét, cứ Vương là Tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền
Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ Bên là Gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ
Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ Tranh là Được, cứ Giành thì Hơn
Đừng tưởng Giàu hết Cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua
Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say
Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư
Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người
Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ…
Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…
Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.
Đừng tưởng cứ Thích là Yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may … có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp hạn, ngồi rên một mình.
Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?!!!
Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm
Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn (mần, làm)
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng
Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ Quan là Có, cứ Dân là Nghèo
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạc, cứ Sang là Giàu
Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn
Cứ sang là trọng , cứ tiền là xong
Đừng tưởng quan chức là rồng
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì .
Đời người lúc thịnh lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu , lúc đi lúc dừng
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau .
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu nghĩa bền
Ai ơi nhớ lấy đừng quên …

BÙA MÊ CỦA NGÔN TỪ

NGÔN TỪ MỘT THỨ BÙA MÊ
Eckhart Tolle
(Thức tỉnh mục đích sống, Chương Hai)


Ngôn từ, dù phát thành tiếng trên môi hay đang còn dưới dạng những ý nghĩ, thì vẫn có sức cuốn hút như là một thứ bùa mê. Bạn dễ dàng đánh mất mình trong mớ ngôn từ đó, chúng dễ làm cho bạn mê mẩn đến độ bạn cả tin một cách sai lầm rằng khi gọi tên một vật nào đó thì bạn đã biết được bản chất của vật ấy. Sự thật là bạn không thể nào biết được bản chất của một vật nào cả. Khi gọi tên một sự vật, chỉ là bạn vừa gắn một khái niệm lên một điều gì còn rất bí mật. Suy cho cùng, ta không thể thực sự biết một cái gì hết: dù đó là một con chim, một cành cây, một hòn sỏi và nhất là một con người. Lý do là vì mỗi thứ đấy đều có một chiều sâu vô lượng. Những gì ta suy nghĩ, cảm nhận, hay kinh nghiệm về vật ấy chỉ là một lớp mỏng bên ngoài của thực tại, những điều ta biết ấy thực ra còn ít hơn một cái chóp nhỏ tí teo nhô lên mặt nước của một tảng băng trôi.

Ẩn dưới vẻ bề ngoài đó, mọi thứ không những rất liên quan với những thứ khác mà còn liên quan rất mật thiết với tâm – Cội Nguồn của sự sống – nơi sản sinh ra mọi vật. Thế nên một bông hoa, một con chim, thậm chí là một hòn sỏi cũng có thể dẫn lối cho ta trở về với Nguồn Cội, với Thượng đế, và với chính ta. Khi ta nhìn ngắm một vật hoặc cầm nó lên và để cho nó được hiện hữu mà không gán ghép một tên gọi nào hay một nhãn hiệu nào lên vật đó thì ta sẽ có cảm giác sững sờ, và kinh ngạc dâng trào lên ở trong ta. Bản chất chân thực của vật đó sẽ lặng lẽ truyền đạt đến ta, đồng thời giúp ta phản ảnh bản chất chân thực của chính mình. Đây là điều mà các họa sĩ bậc thầy đã cảm nhận và chuyển tải rất thành công trong những nghệ phẩm của họ. Van Gogh đã không nói: “Ồ, đây chỉ là một cái ghế cũ”. Ông nhìn đi, rồi nhìn lại, không biết bao nhiêu lần. Cho đến khi ông cảm nhận được tính Hiện hữu của chiếc ghế cũ. Rồi ông mới cầm cọ ra ngồi trước khuôn vải và bắt đầu vẽ. Bản thân chiếc ghế cũ ấy hẳn chỉ có giá vài đô la. Nhưng bức tranh về chiếc ghế cũ mà Van gogh đã vẽ đó bây giờ có lẽ phải trên 25 triệu đô la.

Khi bạn không còn che lấp thế giới bằng ngôn từ và nhãn mác thì một cảm giác huyền nhiệm trở lại trong đời sống của bạn, dù cảm giác này đã biến mất từ lâu khi nhân loại, thay vì sử dụng ý nghĩ, thì lại bị ý nghĩ chi phối và chiếm hữu. Đời sống của bạn vừa lấy lại được chiều sâu. Mọi thứ phục hồi lại được sự trẻ trung và tươi mới.

Nhưng điều kỳ diệu nhất là bạn đang chứng nghiệm lại được bản chất chân thật của mình, trước khi bị những ngôn từ, ý nghĩ, hay hình tướng nào đó làm cho lu mờ đi. Điều này chỉ có thể xảy ra khi bạn tách bạch con người đích thực của bạn, ra khỏi mọi thứ hỗn tạp khác mà bạn đã sai lầm tự đồng nhất với mình. 

Khi bạn càng vội vàng gắn những nhãn mác (bằng suy nghĩ trong tâm trí hay bằng cách gọi tên) lên một đồ vật, một người, hay hoàn cảnh nào đó thì đời sống của bạn sẽ càng trở nên nông cạn và tẻ nhạt. Và bạn lại càng dễ trở nên chai lỳ trước hiện thực của đời sống, khiến bạn không thấy được những diệu kỳ của đời sống vốn vẫn luôn trải ra bên trong bạn và chung quanh bạn. Như thế, bạn có thể đạt được chút khôn ngoan lém lỉnh, nhưng sẽ đánh mất sự thông thái cùng với niềm vui, óc sáng tạo, tình yêu và sức sống – chúng như những gạch nối tĩnh tại và thầm lặng, bị chèn lấp giữa những khái niệm và suy luận của bạn. Dĩ nhiên chúng ta cần phải sử dụng ngôn từ và ý tưởng – những thứ có vẻ đẹp riêng của chúng – nhưng chúng ta có cần phải tự trói buộc mình vào những ngôn từ và ý tưởng đó không?

Ngôn từ không thể nói lên được gì nhiều về thực tại vì chúng luôn giản lược thực tại thành một điều gì đó mà trí năng con người có thể nắm bắt được. Ngôn từ trong Anh ngữ chỉ bao gồm năm nguyên âm căn bản: a, e, i, o, u. Còn lại chỉ là các phụ âm tạo nên bởi áp suất của không khí trong vòm miệng như s, f, g,… Vậy sao bạn có thể tin rằng sự kết hợp của những âm thanh như thế lại có thể giải thích được bản chất chân thật của bạn, giải thích được mục đích tối hậu của vũ trụ hay thậm chí giải thích được chiều sâu, hay bản chất của mỗi gốc cây, mỗi hòn sỏi?

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

TÓM TẮT KINH PHẬT?

NI SƯ TRÍ HẢI NÓI VỀ VIỆC 
“KINH KHÔNG BAO GIỜ NÊN TÓM TẮT” 

mtđm:   Đây là một bài viết mình rất tâm đắc. Kinh Phật ngày nay có quá nhiều người gọi là "Luận Sư " mó vào, méo là điều tất nhiên. Ôi thôi, chú giải, phụ chú giải..... hầm bà lằng. Ngày xưa đọc Hiệp Khách Hành của Kim Dung, mình vẫn nhớ chuyện Thạch Phá Thiên giải được bí kíp chân kinh khi nhìn vào bản gốc. 

1) Dẫn nhập 

Qua việc dẫn chứng một trường hợp cụ thể, bài viết sẽ cho thấy quan điểm của Ni sư Thích nữ Trí Hải về việc tóm tắt kinh Phật. Theo đó, tóm tắt kinh Phật là việc làm cần hết sức cẩn trọng, có 2 mặt lợi/hại. Nhưng một người tu hành đạo hạnh, hiểu biết thâm sâu về đạo Phật như Ni sư Trí Hải cũng chỉ làm công việc tóm tắt trong điều kiện ghi rõ là bản tóm tắt, với lời được Ni sư gọi là “Ghi chú quan trọng” trong sách “Toát yếu Kinh Trung Bộ”, nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2010. So sánh điều này với quan điểm của x tăng (xin xem bài ““Xú” tăng!”) sửa, đổi, thêm, bớt, viết xen, cắt cụt, thay tựa, tạo kinh mới ngay cả đối với kinh tụng, thì sẽ thấy x tăng đã phiêu lưu, liều lĩnh, táo tợn đến mức độ nào. Bài “Ghi chú quan trọng” này của Ni sư Trí Hải tôi được đọc đã lâu, luôn ghi nhớ và hết sức tâm đắc. Đến nay, nhân duyên dun rủi tôi trở thành người giữ kinh Phật, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc để chia sẻ những quan điểm mà tôi cho là hết sức đúng đắn. Qua “Ghi chú quan trọng” này của Ni sư Trí Hải, người đọc có thể thấy quan điểm của 2 vị hòa thượng khác về giữ gìn sự chính xác, toàn vẹn của kinh điển, là ý kiến của Hòa thượng Thích Minh Châu và Hòa thượng Thích Chơn Thiện. 

2) Giới thiệu văn bản 

Dưới đây là toàn văn “Ghi chú quan trọng” trích từ “Toát yếu Kinh Trung Bộ”, tập I, nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2010, trang 4: “Ghi chú Quan Trọng Ba tập toát yếu Kinh Trung Bộ I, II và III này, tôi đã làm ít nhất ba lần, và mỗi lần đều làm sau khi đã đọc kỹ bản dịch của Hòa thượng. Thế nhưng mỗi lần tôi đều toát yếu một cách khác, nhất là sau khi được đọc bản phiên dịch và chú thích bằng Anh ngữ của Đại đức Nanamoli và Mahabodhi. Như vậy đủ biết, những lời Phật dạy như núi cao, biển cả, mà sự học hiểu của mình chỉ như một cái xẻng đào đất hay cái muỗng múc canh, mỗi lúc chỉ lấy được một ít và rất phiến diện. Bởi thế mà Hòa thượng thường dạy, Ngài không bao giờ “giải thích” lời Phật dạy, mà chỉ cố gắng dịch cho đúng nguyên văn của Người xưa dù có tối nghĩa đến đâu. Đấy là cái đức khiêm cung của Ngài, trong vô số đức tính mà tôi ngưỡng mộ. Mình là ai mà dám toát yếu lời Phật dạy? Lỡ mình để tuột mất cái điểm cốt yếu trong lời Ngài dạy thì sao? Như vậy sẽ mang tội lớn với Phật, với Thầy, Tổ. Bởi vậy, ngày càng tôi càng miễn cưỡng trong việc phổ biến ba tập toát yếu này, vì sợ công ít mà tội nhiều. Khi làm xong tập thứ hai, đem khoe Thầy Chơn Thiện, Thầy phán rằng: “Kinh không bao giờ nên tóm tắt”. Tôi giật mình, và bỏ dở công việc gần hai năm trời, mặc dù đã gần xong tập cuối, đến kinh Nhất Dạ Hiền Giả. Sau đó, anh Hồ Hồng Phước ở Luân Đôn, người thường gửi cho tôi những sách Phật học bằng Anh ngữ mới xuất bản tại nước ngoài, thúc giục tôi gởi sang tiếp vì có người đã hào hứng in ra biếu không hai tập đầu. Thế là tôi lại hăng hái tiếp tục! Mỗi kinh do Tôn giả Ananda trùng tuyên đều bắt đầu với câu “Tôi nghe như vầy”, mà không nói “Đức Phật đã dạy như vầy” điều ấy rất đáng bắt chước. Vì tôi là ai mà dám làm phát ngôn nhân cho Phật? Lỡ Phật nói một đường, tôi nghe một nẻo thì sao? Cho nên đây chỉ là theo như tôi được nghe, chứ không phải theo như lời Phật dạy. Bản toát yếu này cũng thế, đây chỉ là những gì do tôi hiểu được qua lời kinh, vào một thời điểm nào đó mà thôi. Và tôi đã toát yếu để cho tự mình nhớ được chút ít những lời vàng ngọc của đức Thế Tôn, để tự tu tập cho bản thân mình. Bởi thế người đọc hoàn toàn không thể bỏ qua bản gốc của Hòa thượng Thích Minh Châu đã dày công phiên dịch. Nếu đọc toát yếu này mà bỏ qua Kinh gốc thì cũng như bỏ đại dương để lấy vài giọt nước muối. Vậy, sau hết và trước hết, bản toát yếu này chỉ là một tập sách giúp trí nhớ cho những ai đã nhiều lần nghiền ngẫm Kinh Trung Bộ, và có thể họ đã toát yếu một cách khác, thì sách này sẽ bổ túc cho trí nhớ của họ. Những người mới đọc Kinh Trung Bộ lần đầu, thì qua toát yếu này sẽ nắm được vài ý để hướng dẫn mình trên đường tu tập chứ không chỉ là “chuyên ký danh ngôn” vì kỳ thực Phật không dạy điều gì nếu không phải để đưa người đến chuyển mê khai ngộ. Xin dâng lên Hòa thượng lòng tri ân vô bờ bến. Ni sư Trí Hải”. 

3) Phân tích 

3.1. Về tính chất, việc Ni sư Trí Hải tóm tắt và chú giải Kinh Trung bộ, sử dụng bản Anh ngữ tóm tắt mỗi kinh của đại đức Nanamoli, là việc làm hoàn toàn khác với việc của x tăng làm. Ni sư Trí Hải chỉ trình bày một cách hiểu về kinh, ghi chú rõ ràng đối với bản tóm tắt, đặt hẳn bản tóm tắt tách biệt nguyên bản, nói rõ bản tóm tắt có thể thiếu sót, phiến diện. Bản tóm tắt Kinh Trung bộ của Ni sư Trí Hải được xác định không thể thay thế bản hoàn chỉnh, nguyên vẹn trong mọi trường hợp. Công dụng của bản tóm tắt được xác định rõ ràng: - Cách hiểu cá nhân - “Bổ túc trí nhớ” - “Nắm được vài ý để hướng dẫn mình trên đường tu tập”

 3.2. Bản tóm tắt không phải là một bản kinh khác được cho là làm mạch lạc, rõ nghĩa hơn như việc làm của x tăng. 

3.3. Quan điểm tuy trình bày cách hiểu cá nhân bằng việc tóm tắt kinh Phật, nhưng vẫn đề cao việc giữ gìn sự toàn vẹn và chính xác Kinh Phật của Ni sư Trí Hải là rất rõ ràng. Ở đây, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng từ Hòa thượng Thích Minh Châu: “Bởi thế mà Hòa thượng thường dạy, Ngài không bao giờ “giải thích” lời Phật dạy, mà chỉ cố gắng dịch cho đúng nguyên văn của Người xưa dù có tối nghĩa đến đâu. Đấy là cái đức khiêm cung của Ngài, trong vô số đức tính mà tôi ngưỡng mộ”. Và Hòa thượng Thích Chơn Thiện: “Khi làm xong tập thứ hai, đem khoe Thầy Chơn Thiện, Thầy phán rằng: “Kinh không bao giờ nên tóm tắt”. Quan điểm như thế của Ni sư Trí Hải là rất rõ ràng, xác đáng. Bản tóm tắt, dù thế nào đi nữa vẫn phiến diện và có thể sai sót. Do vậy, bản tóm tắt chỉ là bản tóm tắt, kinh Phật là kinh Phật nguyên tử, không thể lẫn lộn ở điểm này. 

3.4. Vấn đề lợi/hại, công/tội được Ni sư Trí Hải quan tâm. Ni sư viết: “Mình là ai mà dám toát yếu lời Phật dạy? Lỡ mình để tuột mất cái điểm cốt yếu trong lời Ngài dạy thì sao? Như vậy sẽ mang tội lớn với Phật, với Thầy, Tổ”. Từ lời của Ni sư Trí Hải, tôi chắc chắn một điều, nghiệm vào trường hợp của mình. Quan điểm bảo vệ sự toàn vẹn và chính xác của Kinh Phật chắc chắn không sai. Tóm tắt kinh Phật dù dưới hình thức nào, cũng phải đều bận tâm, như Ni sư Trí Hải đã bận tâm, cân nhắc, lo lắng. Còn một đường cứ như nguyên bản kinh điển mà “y giáo phụng hành” thì chắc chắn không thể lạc đường, không lo hiểu lệch ý Phật, vuột mất ý Phật. Vì vậy, bản tóm tắt có thể dùng tham khảo. Nhưng trên đường tu hành, thì chỉ kinh Phật toàn vẹn, nguyên bản mới là sách giáo khoa. Dùng kinh Phật dạng cắt cụt, viết xen mà làm kinh tụng thì đã rơi đúng vào những điều nguy hại mà Ni sư Trí Hải đã ngăn ngừa, cảnh báo. 

4. “Ghi chú quan trọng” của Ni sư Trí Hải rất đáng để suy ngẫm.

 Có thể trình bày Kinh Phật lại từ cách hiểu cá nhân, nhưng cần ghi chú như thế rõ ràng, minh bạch, sòng phẳng, không được dùng làm kinh tụng, văn bản kinh chính thức. “Ghi chú quan trọng” của Ni sư Trí Hải khiến tôi càng vững tin vào nhiệm vụ của mình mà nhân duyên giao phó, là giữ gìn sự toàn vẹn và chính xác của Kinh Phật. Quan điểm của x tăng và từ một số bài viết trên trang Đạo Phật ngày nay cho thấy quan điểm rất khác với Ni sư Trí Hải. Quan điểm coi Kinh Phật là đối tượng có thể sửa, đổi, thêm, bớt, viết chen, ngụy tạo, thay tựa rồi dùng đó làm kinh tụng là quan điểm vong mạng và xấc xược, coi giáo pháp trong mắt họ không ra gì. Mong rằng, ý kiến dẫn trên của Ni sư Trí Hải sẽ chuyển tâm của những người tư duy như thế, khiến họ quay đầu trở lại với con đường tôn trọng giáo pháp. Trong các bài tiếp theo, chúng tôi sẽ đi vào phân tích những việc cụ thể mà x tăng đã làm đối với kinh Phật. Trường hợp đổi tựa kinh thành “Vòng hoa tay người” chỉ là một trường hợp tiêu biểu trong rất nhiều trường hợp, do một quan điểm sai lầm nhưng đã đúc kết rõ ràng đưa lại.

http://cusiminhthanh.blogspot.com/2014/12/ni-su-tri-hai-noi-ve-viec-kinh-khong.html

ƯNG VÔ SỞ TRỤ

Ưng vô sở trú và thiền định
Thích nữ Trí Hải


mtđm: Sư Cô mất lâu rồi, để lại nhiều điều quý giá cho đời. Đây là một bài của Sư Cô làm mình quá bất ngờ. Đệ tử xin đảnh lễ Phật, đảnh lễ Trí Tuệ của Sư Cô.

Ưng vô sở trú

Câu kinh mà Lục Tổ Huệ Năng vừa nghe liền hoát nhiên đại ngộ là “Ưng vô sở trú nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cương. Nay ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu kinh có tác dụng lớn lao ấy.

Bản dịch Pháp văn “Eveiller votre mental sans le fixer sur aucune chose” (Đánh thức tâm linh của ngươi dậy, mà đừng để nó bám vào một đối tượng nào cả.) Bản dịch tiếng Anh: “The mind must operate without abiding anywhere” (Tâm thức phải vận hành không trú vào đâu cả). Cả hai câu Anh và Pháp ấy đã làm sáng tỏ nghĩa câu chữ Hán. “Sinh kỳ tâm” có nghĩa là một sự thức tỉnh của tâm trí[1], tức là một sự chú ý toàn triệt mà không có đối tượng chú ý: không chú tâm trên một sự vật nào[2], không trú vào đâu cả[3]. Nghe qua thật mâu thuẫn khi bảo rằng phải chú ý mà không có đối tượng để chú ý. Ta nhớ lại lời dạy của Lục Tổ trong Đàn Kinh , rằng phép thiền quán của Ngài không quán tâm, không quán không, cũng không quán tịnh. Đúng là tinh thần “ưng vô sở trú”: vì quán không hay quán tịnh thì không và tịnh đó đã trở thành đối tượng để chú ý. Có lẽ ví dụ sau đây giúp ta dễ hiểu vì sao muốn chú ý triệt để thì phải không có đối tượng. Như khi thầy giáo đứng trên bục cao nhìn khắp cả lớp để xem tình hình học sinh, muốn sự quan sát được toàn diện thì ông không được có thành kiến chú ý riêng một vài trò, cũng không riêng để ý tìm nơi họ một thói tật nào mà ông ghét, ví dụ ngủ gật, cóp bài hoặc nói chuyện. Khi ấy có lẽ ông sẽ khám phá nhiều chuyện hơn là nếu ông chỉ lưu tâm vụ ngủ gật, hoặc tệ hơn, chỉ canh xem trò A, trò B, có ngủ gật không. Nhưng đa số chúng ta đều thường làm như vậy. Mỗi khi chú ý ta đều có đối tượng sẵn, hoặc có thành kiến sẵn, như vậy nghĩa là không chú ý gì cả.


Krishnamurti còn đi xa hơn, bảo rằng: “Thiền định mà có đối tượng thì không phải thiền định gì ráo[4]”. Một người chú tâm vào một đối tượng thiền quán đến nỗi quên hết ngoại giới, với một đứa trẻ chăm chú vào món đồ chơi mà nó ưa thích, cả hai giống nhau ở chỗ đều có một đối tượng để chú ý, để quên đi mọi sự khác. Krishmamurti gọi đó là sự “giải trí”, chứ không phải chú ý.


Thiền định chân thực phải là “vô sở trú”: không trú sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp, tức là những ý tưởng. Nếu tâm còn để vào bất cứ một đối tượng nào thì không phải là an trú trong thiền định[5]. Thiền định như vậy là một sự tỉnh giác, sáng suốt, bén nhạy tột độ để có thể thấy rõ cội nguồn của mọi sự. “Tỉnh giác” ở đây chính là “sanh tâm” trong kinh văn. Nhờ không trú vào đâu cả mà tâm mới tỉnh giác để thấy được mọi sự[6]. Ngược lại, cũng nhờ tỉnh giác mới có thể “vô trú”. Người tọa thiền khi đến một mức độ an tịnh cao, có thể nghe cả tiếng tàn hương rơi mặc dù không chú ý: đó là nhờ tâm trạng tỉnh giác bén nhạy khi nó không trú vào đâu cả. Đây là nhờ “vô trú” mà “sanh tâm”. Vô trú là tịch (vắng lặng); sanh tâm là chiếu (soi sáng). Ngược lại, chiếu cũng giúp cho tịch; như có tỉnh giác mới được sự vô trú – không bám víu vào một đối tượng nào, bởi vì một khi đánh mất sự tỉnh giác thì ta rơi ngay vào trạng thái hôn trầm hoặc tán loạn. “Vô sở trú” là phương diện tiêu cực, là thể của thiền, là tịch hay tịnh chỉ; “sanh kỳ tâm” là phương diện tích cực, là dụng của thiền, là chiếu hay tuệ quán. Hai cái không rời nhau mà bổ túc cho nhau. Có vậy mới thấu suốt một cách triệt để như Lục Tổ Huệ Năng rằng“bản lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai” (xưa  nay không một vật thì bụi bám vào đâu), vì còn thấy có bụi có gương là còn chỗ trú trước, còn nhị nguyên đối đãi giữa cái thấy và cái bị thấy. Trong thiền rốt ráo, trái lại, không còn một tư tưởng (pháp) nào để mà đoạn, như câu kệ Lục Tổ trả lời Ngọa Luân thiền sư:


Huệ Năng một cự lượng


Bất đoạn bách tư tưởng


Kiến cảnh tâm sát khởi


Bồ đề tác ma trưởng


(Huệ Năng không sức mạnh


Không đoạn trăm tư tưởng


Thấy cảnh tâm thường sanh


Bồ đề lớn sao được?)


Đây là thiền đến giai đoạn “vô công dụng”, không còn cần phải nỗ lực diệt vọng tưởng mà tâm vẫn thường trú trong đại định, luôn luôn chiếu (sanh kỳ tâm) mà vẫn thường tịch (vô sở trú): đi, đứng, nói, im, làm, nghỉ đều là thiền. Bồ đề của ngài Huệ Năng như vậy đã lớn hết cỡ, nên Ngài mới dạy: “Bồ đề lớn sao được?”


Câu kệ trên còn bao hàm một nghịch lý rất thực là, con người mạnh nhất thì không cần phô trương sức mạnh và cũng không ưa tranh thắng. Phật thường dạy: “Ta không tranh chấp với thế gian, chỉ có thế gian tranh chấp với Ta.” Con người trí tuệ nhất thì trông như ngu si, con người đạo đức tột bực thì có vẻ như không tu hành gì ráo. Cái cực thiện và cái cực ác có một bề ngoài gần giống nhau: đó là cái bề ngoài tiêu cực, lặng lẽ, ngu ngơ. Chỉ khác ở chỗ “sanh kỳ tâm”: Phàm phu thì sanh những tâm gai góc, hiểm độc hại mình, hại người nên nhổ quăng đi là phải. Thánh nhân chỉ thuần sanh những tâm niệm lợi nhân, lợi vật như mảnh đất tốt đã sạch cỏ, chỉ sanh toàn hoa thơm trái ngọt thì cần gì phải nhổ, phải đoạn? Do đó mà ngài Huệ Năng không cần phải “đoạn trăm tư tưởng” và Ngài “thấy cảnh tâm thường sanh”.


Trên phương diện thực tiễn hành động, câu “ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” là phương châm lý tưởng cho tất cả mọi nghệ thuật, mọi công trình xây dựng lớn lao. Con người làm việc lớn phải quên hết danh lợi, tình cảm, tiện nghi hạnh phúc, ngay cả sinh mạng của riêng mình (vô sở trú) mới mong để hết tâm trí vào công việc (sanh kỳ tâm) để đạt kết quả mỹ mãn. Người kịch sĩ đại tài thì phải tuyệt đối không nghĩ đến “cái tôi” đang đóng kịch (vô sở trú) mới có thể “nhập vai”, diễn xuất một cách xuất thần (sanh kỳ tâm). Nhưng đây thuộc về một phạm vi khác, có lẽ nên dành cho một cuộc khảo sát những khía cạnh khác của câu kinh hàm súc trên.


Riêng khía cạnh thiền, trên đây cũng chỉ là một góp ý rất thô thiển, mong sao không sai thánh ý, khỏi đắc tội với Phật tổ mà thôi.


Sanh kỳ tâm


Triết lý hành động của Lục Tổ


Lục Tổ Huệ Năng khi nghe kinh Kim Cương đến câu “ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” thì hoát nhiên đại ngộ, mừng rỡ thốt lên: “Không ngờ bản tánh vốn tự thanh tịnh, vốn bất sinh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không lay động, vốn sanh muôn pháp.”


Với tám chữ cô đọng, đơn giản của kinh văn, Ngài đã hội ý Phật một cách thông minh, đầy sáng tạo để xây dựng một pháp thiền độc đáo sinh động chưa từng có trước cũng như sau ngài. Có thể nói lối hiểu Kinh Kim Cương của Lục Tổ đã “giải oan” cho Phật và lý Bát Nhã rất nhiều.  Thông thường nói tới Bát Nhã (mà kinh Kim Cương đại biểu) là người ta nghĩ ngay tới sự khó hiểu, cao siêu, thiên không, vô vi, hay nói trắng ra là lười biếng, không chịu làm gì cả vì chủ trương “sắc sắc không không.”


Khía cạnh tích cực của Bát Nhã “không tức thị sắc,” “sanh kỳ tâm” thì không mấy ai chú ý, do đó đạo Phật thường bị cho là yếm thế bi quan. Nhưng chính khởi từ căn bản chân không mà vạn pháp có thể xây dựng, như trên mảnh đất trống mới có thể cất nhà, trên tờ giấy trắng mới có thể ghi chép. Ngài Huệ Năng đặc biệt chú trọng điểm ấy. Chủ trương của Ngài là tâm tánh vốn tự thanh tịnh, sẵn đủ muôn pháp lành, chỉ cần vận dụngtâm ấy là thành Phật chứ không cần ngồi thiền, quán tịnh hay bất động (một pháp môn thịnh hành đương thời Lục Tổ và vẫn còn cho đến ngày nay.)


Để thống trách những người chấp vào việc ngồi, như thiền sư Trí Hoàng ngồi tới 20 năm, Ngài còn thú vị dẫn lời kinh dạy: “Nếu ai nói Như Lai hoặc ngồi, , hoặc nằm, hoặc đi hoặc đứng, kẻ ấy không hiểu Phật.” Câu kệ do Ngài dạy như sau:


Đang sống ngồi không nằm


Chết lại nằm không ngồi


Chỉ là cái xác thối


Có gì công với tội?


Cho ta thấy rằng Ngài cực lực phản đối việc ngồi Thiền, quán không quán tịnh. “Không” mà phải quán thì thành có, đâu còn là Không! Vả chăng, đạo chính nghĩa là con đường, mà con đường là để đi chứ không phải để ngồi. Hành đạo không liên quan gì đến chuyện đi, đứng, nằm, ngồi. Chấp chặt một pháp nào trong đó đều sai.


Ngồi thiền tự nó không có gì sai quấy, khi ta chỉ xem như phương tiện để tiếp sức cho ta kéo dài thời thiền định trong cuộc sống rộn ràng. Nó chỉ bắt đầu sai khi ta xem nó như một cứu cánh và chấp vào việc ngồi đến nỗi ngồi tới 20 năm thì thật quá đáng, cho nên bị Tổ quở. Có thể xem ngồi thiền như sự ăn uống. Ăn uống chỉ có ích do tác dụng của sự tiêu hóa thức ăn để bồi dưỡng cơ thể. Ngồi thiền chỉ có ích ở tác dụng phát sinh trí tuệ soi sáng cuộc đời phiền não tối tăm. Nhưng định và tuệ vốn không hai, ví như đèn và sáng: định là thể như đèn, tuệ là dụng như sáng. Nếu chấp định khác tuệ, hoặc định trước tuệ sau, thì sẽ phát sinh cái bệnh chấp tướng, trong bẩn ngoài sạch, nghĩ một đàng làm một nẻo, hoặc suốt ngày ngồi tham thiền nhập định mà mở miệng ra là nói thị phi thiện ác, tốt xấu hay dở của người (theo Đàn kinh). Bởi thế, theo Tổ Huệ Năng, định đâu tuệ đó hay tuệ đâu định đó, không thể phân rời. Hiểu theo đây thì bất luận đi đứng nằm ngồi hễ rớt định là rớt luôn cả tuệ, cho nên luôn luôn phải được định tuệ soi chiếu mới không lạc vào ma đạo. Niệm thứ nhất bị mê muội là chúng sanh, niệm thứ hai có trí tuệ là Phật, niệm thứ ba lại mê thì trở lại làm chúng sanh. Vì vậy tu hành là phải luôn luôn thắp sáng ngọn đèn tuệ giác trong tâm:


Phiền não ám trạch trung


Thường tu sanh tuệ nhật.


(Lục Tổ, Đàn kinh)


(Trong nhà phiền não tối tăm,


Thường nên phát sinh mặt trời trí tuệ.)


Nói khác đi, phải “sanh kỳ tâm” luôn luôn, nghĩa là luôn luôn tỉnh giác, sáng chiếu. Mà tỉnh giác soi chiếu thì sẽ“chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, thấy rõ năm uẩn (gồm thân tâm và cảnh ngoài) đều không phải ta hay của ta, như Tâm kinh Bát Nhã nói. Sở dĩ kinh dạy “ưng vô sở trú” (đừng bám víu cái gì cả) là vì thật sự tuyệt đối không có gì để ta có thể bám víu: “bản lai vô nhất vật”. Bám víu bất cứ gì cũng chỉ như bám víu bào ảnh, mộng tưởng, sương chớp… đặc tính của các pháp hữu vi[7], do đó dễ chuốc lấy khổ đau, tuyệt vọng. “Xưa nay không một vật, thì bụi bám vào đâu?” Tịnh vốn không có tướng, nếu quán tịnh thì bèn thành nhiễm. Do đó ngài Huệ Năng bác luôn cả chuyện quán tịnh hay khán tịnh, một pháp môn dường như Tổ Hoằng Nhẫn vẫn dùng để dạy đại chúng, được ngài Thần Tú trình bày trong bài kệ của ngài, theo đó thì cần giữ tâm cho thanh tịnh, đừng để nó bị mây mờ che lấp. Theo Lục Tổ, tâm đã vốn sẵn thanh tịnh, không cần phải thêm bớt gì cho nó: ở trong động nó không giảm, trong tịnh nó không tăng, nơi thánh nó không sáng hơn, nơi phàm nó không lu bớt. “Sanh kỳ tâm” là luôn luôn sống với cái tâm ấy trong từng hành động uy nghi. Chính vì ngài Huệ Năng sống bằng cái tâm ấy nên Ngài không thấy có gương có bụi, không thấy có phiền não phải trừ, cũng không thấy có Niết bàn phải chứng.


Chính từ căn bản “chân không” của tâm nói trên mà vô số diệu dụng của Phật pháp có thể hiện khởi, nên ngài Huệ Năng mới kinh ngạc thốt lên như khám phá được một kho tàng kỳ diệu: “Nào dè tự tính vốn tự thanh tịnh, vốn không lay động, vốn bất sinh diệt, vốn sanh muôn pháp!” Kho tàng ấy theo kinh mô tả, chính là lục độ[8]của đại thừa giáo, mà tiêu biểu là bố thí[9] và nhẫn nhục[10] được kinh nhắc đến nhiều  hơn cả.

......................
http://thuvienhoasen.org/p20a21663/duong-ve

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

BÀI KINH PHẬT "GÂY SỐC"

Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương V - Năm Pháp


mtđm: bài kinh này thường gây sốc cho nhiều người yêu kinh Phật, nhất là nữ giới. Khi được hỏi về vấn đề này, có vị đã trả lời như sau, gần 2600 rồi, trãi qua bao nhiêu thăng trầm thay đổi, làm sao tránh khỏi thêm, bớt trong những lời kinh xưa. Đĩa cơm quá ngon, thấy hạt sạn thì lấy ra, đừng vì hạt sạn nhỏ mà bỏ đi đĩa cơm đầy bổ dưỡng. Nghe có lý phải không bạn. Mình gởi theo đây link của cộng đồng nói tiếng Anh khi tham gia ý kiến về bài kinh này.



(IX) (229) Rắn Ðen (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen. Thế nào là năm?

2. Không thanh thịnh, hôi thúi, sợ hãi rụt rè, đáng sợ hãi, làm hại bạn.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân. Thế nào là năm?


4. Không thanh thịnh, hôi thúi, sợ hãi rụt rè, đáng sợ hãi, làm hại bạn.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân.

(X) (230) Rắn Ðen (2)



1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen. Thế nào là năm?2. Phẫn nộ, hiềm hận, có nọc độc, lưỡi chia hai, làm hại bạn.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân. Thế nào là năm?

4. Phẫn nộ, hiềm hận, có nọc độc, lưỡi chia hai, làm hại bạn.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nọc độc của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn hay tham đắm. Ở đây, này các Tỷ-kheo, lưỡi chia hai của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn nói hai lưỡi. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nữ nhân làm hại bạn như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn ngoại tình!

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân.


http://budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi05-1926.htm


https://sujato.wordpress.com/2010/12/05/is-this-sutta-true/

ĐƯỜNG KHÔNG ĐƯỜNG XUẤT THẾ GIAN

ĐƯỜNG KHÔNG ĐƯỜNG XUẤT THẾ GIAN

Trong bài kinh này, Ðức Phật khuyên chúng ta phải cẩn thận về các bài giảng từ nhiều nguồn gốc xa lạ và ngoại lai, bởi vì có rất nhiều bài giảng tuy nghe rất hay, rất êm tai, rất hoa mỹ, nhưng có thể không phải là Chánh Pháp của Ðức Phật và không đưa đến giải thoát.



Tương Ưng Bộ kinh, XX.7
Cái Chốt Trống

Trú ở Sàvatthi.
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, dân chúng Dasàrahà có một cái trống tên là Anaka. Khi cái trống Anaka bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasàrahà đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỷ-kheo, cả cái thùng ván của trống Anaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai. Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến tánh Không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.

Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến tánh Không, sẽ đi đến tiêu diệt.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến tánh Không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo".
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

Hòa thượng Minh Châu dịch Việt

Tương Ưng Bộ kinh, tập 5 
Dhammadinna (S.v,406)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Bārānasi, tại Isipatana, ở vườn nai.

2) Rồi cư sĩ Dhammadinna với năm trăm cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, cư sĩ Dhammadinna bạch Thế Tôn:

3) -- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giảng dạy cho chúng con. Thế Tôn hãy giáo giới cho chúng con! Nhờ vậy chúng con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

-- Nếu vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, nghĩa lý thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, cần phải thường thường được tìm đến và an trú (học hỏi). Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.

4) -- Bạch Thế Tôn, thật không dễ gì cho chúng con, phải sống trong những ngôi nhà đầy những trẻ con, sử dụng hương chiên-đàn từ Kāsi, đeo các vòng hoa, hương và phấn sáp, thọ dụng vàng và bạc, đối với các kinh điển do Thế Tôn thuyết giảng thâm sâu, với ý nghĩa thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, có thể thường thường tìm đến những kinh điển ấy và học hỏi. Bạch Thế Tôn, chúng con là những người an trú trên năm học pháp, Thế Tôn hãy giảng cho chúng con các pháp khác!

5) -- Do vậy, này Dhammadinna, các Ông hãy học tập như sau: "Chúng ta sẽ thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: 'Đây là Như Lai, bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định'". Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.

-- Bạch Thế Tôn, bốn Dự lưu phần này được Thế Tôn thuyết giảng, các pháp ấy có mặt ở nơi chúng con. Chúng con thực hiện các pháp ấy.

6) Bạch Thế Tôn, chúng con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Đây là Như Lai... Phật, Thế Tôn... đối với Pháp.... đối với chúng Tăng... chúng con thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định".

7) -- Lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Thật khéo lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Này Dhammadinna, Ông đã tuyên bố về Dự lưu quả”.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

MẮT BIÊC THƠ NGÂY

Đọc thơ Tuệ Sỹ
Vĩnh Hảo

mtđm : mình đã có lần nhắc đến bài thơ này trong blog, một trong những điều mình thích nhất là 'không gian nhìn thấy được' của bài thơ, một 'điểm nhỏ' nằm giữa một 'điểm lớn, đôi mắt trong ngày hội, môi cười trong nắng, cánh cò giữa đồng xanh..........cũng giống như ' cỏ non xanh tận chân trời, một cành lê trắng điểm vài bông hoa' trong Kiều vậy. Đây là điều làm cho những bức tranh thủy mặc hay những bài thơ haiku trở nên hấp dẫn. Nhưng chính cái 'không gian không nhìn thấy được' bao trùm mới tạo nên sự trọn vẹn hoàn hảo của 2 chiều thực tại Âm Dương trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Bài thơ này của Thầy hay nhất vẫn là câu cuối, bất ngờ đầy đạo vị.


Ai có thể tưởng được đây là bài thơ ngắn của một nhà sư?

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

Ở đây không cần phải luận bàn làm gì cái sở học uyên bác và trí tuệ cao thâm của nhà sư tác giả bốn câu thơ ấy. Chỉ nói riêng chút xíu về hồn thơ, hơi thơ của ông qua vài bài thơ mà nhiều người từng đọc và say mê. Trước nhất là bài thơ vừa đọc ở trên (có trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn), tựa đề: Thoáng Chốc.
Bài thơ bắt đầu bằng nhân vật ở ngôi thứ ba: "Em" (cô ấy, người ấy); mà cũng có thể là nhân vật ngôi thứ hai lắm! Em. Vâng, tôi nói với em đấy. Không nói bằng lời mà bằng tâm.

Em: mắt biếc, ngây thơ

Tả một người đẹp chỉ bằng mấy chữ. Mắt biếc: cửa sổ tâm hồn. Ngây thơ: tâm hồn. Chỉ nhìn vào cửa sổ là thấy được cái gì ẩn sâu bên trong. Cửa sổ xanh biếc, xanh như ngọc, mở ra một tâm hồn trong trắng ngây thơ. Không những vậy, cái vẻ ngây thơ còn được xác định thêm bằng khung cảnh chung quanh, bằng sự rộn rịp đông đảo của một ngày hội lớn; qua đó, thi nhân thấy "em" ngây thơ chi lạ giữa chốn lễ hội chen chúc những người là người. Lễ hội nào đây? Phải là lễ hội lớn ở chùa thì mắt biếc mới giao cảm với cái nhìn của thi nhân. Tết thượng nguyên? Lễ Phật Ðản? Không. Những ngày lễ hội này vui lắm. Khí trời ấm cúng, lòng người nô nức hân hoan. Không thích hợp để lòng mình bất chợt nẩy sinh một nỗi buồn vu vơ, hoặc bỗng dưng mà tha thiết yêu người như vậy. Phải là ngày Lễ hội Vu Lan. Mùa thu. Gió lành lạnh. Buồn buồn. Một ngày lễ tuy cũng là hội lớn nhưng không rộn ràng vui tươi như ngày xuân hay Phật Ðản. Ngày ấy, những người con xa gia đình sẽ nhớ cha nhớ mẹ hơn; những nhà tu sẽ dễ chạnh lòng hơn.
Nơi sân chùa, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng mõ, ban kinh sư nhịp nhàng câu kinh tiếng kệ, hàng nghìn người bu quanh đàn tràng chờ đợi giờ phút giành giật thực phẩm cúng cô hồn... Và em bỗng nổi bật giữa chốn lễ hội ấy, với đôi mắt ngạc nhiên quan sát, tìm hiểu quang cảnh lễ hội một cách thú vị. Và rồi một thoáng bất chợt bắt gặp nhà sư thi sĩ.

Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

Nắng lúc ấy không còn gay gắt nữa. Màu nắng bỗng dưng dịu xuống... Dịu không phải vì nắng thu mà vì một khoé môi cười. Khoé môi cười làm cho "nắng quái" hao gầy đi, giảm gắt đi. Nói cách khác, trời nắng gắt bỗng dưng êm dịu đi khi nàng nở một nụ cười. Nụ cười gì đấy nhỉ? Cười với ai? Cười với bạn bè? với người thân? hay với nhà sư thi sĩ? Có lẽ là cười với nhà sư. Em mỉm cười thay một lời chào. Nhưng cười thế nào mà nắng quái cũng gầy hao? Cười thế nào mà lòng bỗng bâng khuâng, dìu dịu... để không kềm được lời ca:

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

Chưa hết. Ngay lúc ấy, ngay ở cái quang cảnh tưng bừng lễ hội ấy, mà tự dưng dáng em bỗng trở thành hiện thân của một con cò trắng giữa đồng xanh. Rõ ràng là em đang đứng giữa rừng người mà sao thi nhân lại thấy khác đi. Thấy em nổi bật lên, không phải như con cò trắng đứng giữa bầy cò đen; cũng không phải như con cò trắng đứng giữa bầy gà, bầy vịt, mà đứng giữa đồng xanh bát ngát. Tất cả mọi người chung quanh đều mất dạng, không hiện hữu. Chỉ có một mình em áo trắng, ngây thơ, mắt biếc, đứng giữa đất trời mênh mông.

Như  cò trắng giữa đồng xanh bát ngát

Mắt biếc, ngây thơ, trong chiếc áo dài trắng (lại áo trắng!), đứng lặng lẽ, nở một nụ cười, giữa đám người chộn rộn. Ôi, đẹp như thế, làm sao mà lòng khỏi bâng khuâng xao động; làm sao mà chẳng thành thơ; làm sao mà khỏi yêu được! Vì vậy:

Ta yêu người

Ðừng vội, hãy đọc ngang đó, ngắt ngang đó thôi. Khoan đọc tiếp mấy chữ cuối. Khoan chấm dứt bài thơ. Hãy dợm một chút ở nơi này. Và hãy mượn bài thơ của thi nhân để diễn tả thể cách yêu bình phàm của chúng ta:

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
Ta yêu người.

Ta yêu người, chấm hết. Rồi bắt đầu bước chân chinh phục, chiếm hữu. Bước chân đó mỗi người có một cách riêng, không cần phải nói ra. Chỉ cần: Ta yêu người, là xong.
Cái trình tự thương yêu của người trần sẽ trôi đi như thế. Thấy em mắt biếc, trong trắng, dịu dàng, cười rất có duyên, nổi bật giữa đám phàm phu tục tử khác... thì phải yêu thôi. Vâng, ta yêu người, tôi yêu cô, anh yêu em. Phải là như thế. Bài thơ của chúng ta, dù theo vần điệu và thể loại thì không muốn cắt ngang đó, tức lắm; nhưng trên thực tế đời sống thì chúng ta cắt ngang đó cái rụp, đâu có  cần suy nghĩ gì nữa. Ðẹp, có duyên như vậy thì... yêu! Bài thơ chấm dứt, có một đoạn kết rất thực tế, rất phổ thông, rất là người.
Nhưng bài thơ của nhà sư thi sĩ thì tiếp tục:

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

Vẫn là yêu, nhưng tình yêu đã được thăng hoa. Từ cái yêu bình phàm của nghệ nhân trước cái đẹp biến thành tình yêu của đạo sĩ đối với lẽ chân của con người và trần gian khổ lụy.
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao
Lý do yêu người được khẳng định. Không phải vì cái đẹp, cái ngây thơ trong sáng, cái duyên dáng mảnh mai thon thả của một thiên thần áo trắng, mà chính vì cái mong manh dễ tan dễ vỡ của màu trắng ấy. Tất cả cái đẹp đều chỉ là cái đẹp trong mộng huyễn vô thường. Nhưng cũng chính vì mộng huyễn vô thường mà tất cả trở nên đẹp.
Tất cả nằm trong một khoảnh khắc chiêm bao. Chính khoảnh khắc chiêm bao này làm đảo lộn tất cả những gì diễn ra tưởng là y hệt con người trần thế trước đó. Ba câu thơ đầu diễn tả cái đẹp của một nàng thơ áo trắng. Ðáng yêu quá. Trùng hợp với tâm trạng chúng ta quá. Nhưng đến câu thứ tư, thi nhân bỗng đổi giọng và nói tiếng nói tỉnh thức của đạo nhân. Ðạo nhân ấy không nói "anh yêu em" như chúng ta, mà nói "Ta yêu người". Lối xưng hô của một kẻ đứng bên ngoài, bên trên, nhìn xuống cuộc đời tạm bợ, huyễn hóa. Ở câu đầu gọi bằng "em" ngọt sớt theo thể điệu của thi nhân, bỗng dưng đổi giọng nghiêm trang, cao vợi của một bậc thầy, một hành giả trên đầu ghềnh tử sinh, gọi người ta bằng "người"! Mà "người" ở đây, cũng chưa hẳn là chỉ riêng cho "em" đâu. Có thể là chỉ chung cho mọi con người khổ lụy trầm luân trên cuộc đời. Như thế, nhìn "em" mà thấy tất cả. Em là hiện thân của tất cả chúng sinh, của chiêm bao mộng mị. Ðổi xưng hô, thay cách gọi, là xoay ngược cái nhìn và thế đứng của mình trước đối tượng cuộc đời.
Một khoảnh khắc đam mê, một khoảnh khắc lấp lánh long lanh của tình thơ lai láng, lâng lâng... bất giác biến thành chiêm bao. Tình yêu cũng chiêm bao. Cái đẹp cũng chiêm bao. Khoảnh khắc thơ mộng nhất, nên thơ nhất cũng chiêm bao...
Cho nên, đừng nói rằng đạo nhân sắt đá không có trái tim. Không có trái tim thì làm sao cứu độ con người, cứu độ cuộc đời? Họ yêu và phấn đấu thăng hoa tình yêu ấy. Họ cảm nhận được cái đẹp không phải chỉ qua những hình hài cụ thể mà còn cảm nhận được cái đẹp trường cửu trong từng hiện hữu chiêm bao. Không ai yêu mà thốt nên lời thơ tiếng ca tuyệt vời như những thi nhân, nhưng chẳng ai yêu mà cảm nhận sâu sắc tận bản thể đối tượng yêu thương như đạo nhân. Tình yêu ấy bập bềnh như chiêm bao nhưng lại bất tử, bởi vì nó được khơi dậy từ một khoảnh khắc và được cảm nhận một cách trọn vẹn trong chính khoảnh khắc ấy.
Bài thơ đẹp một cách bất ngờ. Không biết yêu thì không làm sao có được lời thơ đẹp như thế. Mà không siêu thoát thì cũng không làm sao có được ý thơ thâm viễn thượng thừa như vậy. Khi nào bị dìm xuống đáy vực khổ đau, bạn có thể, nói theo kiểu của nhà thơ Phùng Quán: "Vịn câu thơ mà đứng dậy." Vâng, bạn có thể đọc bốn câu thơ của Tuệ Sỹ để đứng dậy cho một tình yêu bất tuyệt:

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.
..............

Kế tiếp chúng ta sẽ đọc một hơi một số bài thơ của Tuệ Sỹ. Chỉ đọc thôi. Không đủ sức bàn đâu. Bàn thơ ông mệt lắm, thưởng thức thì thú vị hơn. Bây giờ phải nghỉ mệt!

http://www.vinhhao.info/Doctho/t/tuesy.htm

RƠI TỪ RỤNG NGỮ

TỪ NGỮ RỤNG
Viên Minh

mtđm : Tựa Từ ngữ rụng được dùng dựa theo ý của thi sĩ Bùi Giáng (xem bài dưới của Liễu Pháp), khi từ ngữ rụng thì còn lại gì ? Còn lại không chữ như Cụ Nguyễn Du đã từng nói " Vô tự thị chân kinh ". Tâm thanh tịnh sáng trong vốn không có chữ, phiền não che lấp bản chất thanh tịnh đó là do dính mắc vào tướng, tướng thì luôn luôn có tên, có tự. Nên ai muốn thấy được chân lý nằm sẵn trong chính mình thì phải hành theo lời Phật dạy "như lý tác ý" (hướng tâm về cội nguồn) hay nói cách khác là "tác ý không tướng, không tác ý nhất thiết tướng". Giáo pháp của Đức Phật chỉ có ý nghĩa vẹn toàn dành cho những người muốn giải thoát, còn những người muốn "ứng dụng" giáo pháp này để giải quyết chuyện thế gian, giải tỏa chuyện này chuyện nọ thì ...................



...Đức Phật, Lão Tử, Khổng Tử và Đức Chúa Jésus đã tịch diệt và để lại cho đời ngôn-ngữ-chỉ-bày- chân-lý riêng biệt của các Ngài. Hậu thế đáng lẽ phải biết vượt qua ngôn ngữ đó để thấy chân lý, thì lại một lần nữa dùng ngôn ngữ để triển khai ngôn ngữ. Thế là những lời dạy trực tiếp và dung dị đi thẳng vào sự sống của các bậc Đạo Sư được những người “quá thông minh” biến thành những hệ thống tư tưởng đầy ý niệm, biểu tượng và luận lý. Người ta không biết rằng, tư tưởng càng cao siêu bao nhiêu càng xa rời chân lý bấy nhiêu. Ví như có người muốn biết gỗ gì sau lớp sơn mà không chịu cạo bỏ lớp sơn ấy đi lại còn gia công tô phết thêm vào. Cũng vậy, các Luận Sư, Đạo gia, Nho gia và các nhà Thần học tưởng có công triển khai đạo giáo của các bậc Giáo chủ, ngờ đâu chỉ vẽ rắn thêm chân, che mờ đạo lý của các Ngài.
Những bậc Thánh hiền xưa được các bậc Đạo Sư trực tiếp khai ngộ, chỉ cần “từ ngữ rụng” một lần là thấy đạo. Sau thời các Luận Sư thì ngôn ngữ phải rụng tới hai lần mới thấy ra sự thật. Còn thời nay, không biết “từ ngữ” phải “rụng” đến mấy lần mới thấy ra chân lý?
May thay, chân lý luôn luôn hiện hữu nên “người có mắt” vẫn có thể “thấy” bất cứ lúc nào mà không cần qua lăng kính ngôn ngữ hoặc biểu tượng của thế giới lý trí vọng thức. Bấy giờ, mọi dị biệt của ý niệm đều tiêu tan để nhường chỗ cho thực tại hiện tiền vô sinh bất diệt.


KHI NGÔN TỪ RỤNG VỠ
Liễu Pháp

...... Có thể thấy một điều là dù ở Đông phương hay Tây phương, ở thời cổ đại hay hiện đại, chân lý bao giờ cũng hiện hữu như một giòng sông bất tận, nhưng chỉ khi tâm trí thật sự trầm tĩnh, im lặng nhờ sự tự tri, tự giác thì thực tại mới có thể hiển hiện. Và kinh điển sách vở chỉ là ngôn ngữ chỉ bày chân lý. Thi sĩ Bùi Giáng viết:

"Người nằm xuống từ ngàn xưa vang bóng
Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần"

Đức Phật, đức Chúa, Lão Tử, Khổng Tử đã tịch diệt, chỉ còn lại đây giáo lý của các ngài như những tiếng vọng từ ngàn xưa vang lại. Muốn giã từ cái thế giới hư ảo của mình để bước qua cõi sống chân thật muôn đời thì chúng ta phải rụng đi hai lần ngôn ngữ: rụng đi cái mớ ngôn ngữ đầy khái niệm, quan kiến của mình, rồi phải rụng luôn cái ngôn ngữ chỉ bày chân lý của Kinh điển.

Khi ngôn từ rụng vỡ, cũng là lúc mọi ảo tưởng tan tành, chỉ còn lại ánh sáng rực rỡ của mặt trời chân lý vừa xuất hiện.

(Trích Khi ngôn từ rụng vỡ)

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

LUẬN VỀ ÁNH SÁNG

ÁNH SÁNG ĐI TỪ TRONG RA NGOÀI


mtđm : Minh tâm là tâm ánh sáng, với cái nhìn NGOÀI SAO TRONG VẬY nên hiểu sơ sơ về ánh sáng dưới cái nhìn vật lý cũng cần thiết đối với người tu trước khi nhìn thấy được không gian kỳ diệu bên trong. Mình nghĩ vậy...... Ánh sáng là một điều kiện cho nhãn thức phát sinh, ............. trong LƯỚI TRỜI AI DỆT Tiểu Luận Về Khoa Học Và Triết Học của anh Nguyễn Tường Bách, chương 3 gồm 7 mục nói về ánh sáng  là chương mình thích nhất, trích một phần đặt vào đây để mai này có dịp đọc lại. Bạn đọc có thể đọc thêm theo link sau :
 http://thuvienhoasen.org/p21a17442/phan-thu-ba-tu-anh-sang-den-truong-dien-tu

Ta dễ dàng đồng ý, hầu như tất cả tri kiến về thế giới đều thông qua thị giác mà sinh ra. Dĩ nhiên con người có thể qua cái nghe, cái nếm... hay tất cả các giác quan khác để nhận thức, nhưng phần lớn tri thức khoa học về thế giới và vũ trụ đều thông qua cái thấy để đến với con người. 

Hoạt động của thị giác là điều xảy ra hàng giờ hàng phút nhưng thực ra, cái thấy là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Có những quan điểm hẳn hoi về sự thấy, sự nghe, về mọi cảm quan khác.Ta chưa vội đi vào những quan điểm triết học đó. Nơi đây ra chỉ nói đến những điều kiện để cho cái thấy phát sinh. Muốn cái thấy sinh ra con người cần có đôi mắt lành lặn, phải có sự chú ý, phải có nhận thức, phận biệt và nhất là phải có ánh sáng.

Những điều xem ra giải đơn vừa nói đều là những đề tài trọng đại của con người mà nhân loại từ xưa đến nay đều đề cập, từ thời cổ đại Ai Cập ở phương Tây cho đến thời của Phật Thích-ca ở phương Đông. Ngày nay vấn đề phức tạp của cái thấy được phân chia và nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học như quang học, thể chất học, nhận thức học, tâm lý học… Chúng ta sẽ không đủ cơ hội đi vào các lĩnh vực rộng lớn đó; mà trong phần này, ta chỉ nói về ánh sáng. Và ta sẽ biết, phần này sẽ không nói được hết về ánh sáng, mà toàn bộ cuốn sách này cũng không nói hết về ánh sáng. Thực tế là, từ những ngày cổ đại xa xưa đến thế kỷ ngày nay, trong đó con người lý giải được vô số chuyện của trời đất thì ánh sáng vẫn là một bí ẩn chưa ai giải nổi.

Có những khái niệm tưởng chừng hiển nhiên như thời gian, không gian… mà khi ta nghiêm cứu càng sâu thì càng thấy chúng kỳ lạ. Ánh sáng cũng vậy, mức độ kỳ lạ của nó phải nằm ngang tầm với không gian và thời gian.

Ánh sáng là gì? Đến nay không ai trả lời được cả. Trước hết, ta hãy biết rằng, ta không thể thấy được ánh sáng. Chỉ khi nào ánh sáng gặp phải một vật nào, khi một vật bị ánh sàng chiếu rọi, ta mới thấy được vật đó. Điều đó có nghĩa ta không thấy được bản thân ánh sáng, ta chỉ thấy được vật thể nằm trong ánh sáng. Đứng sau một nguồn ánh sáng chiếu trong không gian, ta không thấy được nó. Nhưng khi ánh sáng đụng phải một vật, thí dụ một vì sao, lúc đó ta thấy vật.

Nhiều người sẽ phản đối và cho rằng, nếu ta ngửa mặt nhìn mặt trời, thì tuy không có vật nào được chiếu rọi, đó là võng mạc của ta. Bản thân giải đáp này cũng gây nhiều bất đồng tranh cãi, nhất là trong thể chất học. Ở đây chúng ta chỉ có thể nhất trí với nhau được một điều: một khi ánh sáng chạm vào võng mạc của ta, thì đó là điều kiện để “cái thấy” được phát sinh. Nhưng đó là cái “dụng” của ánh sáng, là sự tác động của nó. Còn ánh sáng “tự nó” là gì, đó là điều chưa ai hiểu hềt và mỗi người hiểu một cách khác nhau.

Quan niệm về ánh sáng thay đổi theo từng thời kỳ một cách hết sức rõ rệt. Từ thời trước công nguyên các nhà khoa học Hy Lạp đã có một quan niệm hẳn hoi về ánh sáng. Theo Empedokles, ánh sáng mặt trời chỉ đóng vai trò phụ thuộc, mắt con người tự phát ra ánh sáng, tiếp cận với vật thể. Sau Empedokles khoảng 70 năm Plato xem mắt người “có lửa”, từ đó phát ra một thứ ánh sáng nội tại. Thứ ánh sáng tự thân này trộn với ánh sáng mặt trời để thành một khối ánh sáng, nó tạo thành thể tính đóng vai trò liên hệ giữa thế giới và con người. Những quan niệm về thị giác này nói lên tính chủ động của con người, kẻ dùng ánh sáng của mắt mình để “soi sáng” thế giới xung quanh.

Khoảng 300 năm trước công nguyên, nhà hình học đầu tiên của nhân loại, Euclid, quan niệm trong mắt phóng ra một “tia nhìn”. Khác với Plato, Euclid cho rằng tia nhìn đó chỉ là một đường thẳng đúng như quan niệm hình học của mình và đưa ra nhiều luận chứng hết sức thuyết phục. Ông ném một cây kim xuống đất và hỏi tại sao người ta không thấy nó ngay khi đưa mắt tìm kiếm nó, mặc dù cây kim nằm trong tầm nhìn. Euclid giải thích là nhờ tia nhìn, khi “đụng” đến cây kim, nó sẽ phản hồi lại và báo cho mắt biết.

Bước khác biệt giữa Plato và Euclid là quan nệm “khối ánh sáng” đã trở thành một tia nhìn có đường thẳng. Thế nhưng ở đây có một chuyển biến quan trọng. Từ một hoạt động của nhận thức, cái nhìn đã bị hình học hóa để trở thành đối tượng của phép giải tích. Quan niệm hình học này đóng một vai trò không nhỏ trong khoa học và triết học nói chung trong vài trăm năm sau. Sau đó, từ “tia nhìn” của Euclid người ta phát triển thêm hệ thống của tầm nhìn nón và qui luật phối cảnh, nó trở thành qui luật quan trọng của hội họa về sau.

Sau Plato vài trăm năm, tính chủ động trong thị giác dần dần mất đi và nhường chỗ cho một quan niệm có tính cơ học hơn về sự họat động của thị giác. Như ta biết, nền văn minh Hy Lạp dường như suy tàn ở vài thế kỷ sau công nguyên. Năm 389 đại thư viện ở Alexandria bị tín đồ Thiên chúa giáo đốt phá. Năm 529 Viện Hàn Lâm Plato bị đóng cửa, đánh dấu cái chết của nền triết học Hy Lạp.

Năm 632 nhà tiên tri Mohamed, giáo chủ Hồi giáo mất, nhưng ngay sau đó tôn giáo này vược lên như một ngọn đuốc và thừa kế nền văn minh Hy Lạp. Khoảng thế kỷ thứ 9, Baghdad – ngày nay là thủ đô Iraq – trở thành trung tâm văn minh và dịhc thuật của Hồi giáo, trong đó các ngành khoa học, cũng như triết học được dịch từ tiếng Hy Lạp và được phát triển mạnh mẽ. Khoảng một ngàn ba trăm năm sau Euclid, một nhà khoa học Hồi giáo có tên là Alhazen ra đời. Trong lịch sử khoa học người ta gọi ông là nhà “quang học”; nhưng thực ra Alhazen có rất nhiều công trình to lớn khác về toán học, thiên văn, triết học và y khoa.

Mới đầu Alhazen học tập kinh điển Hồi giáo và hy vọng tìm ra chân lý từ trong đó. Thế nhưng ông sớm quay sang khoa học vì “đối tượng” của nó (khoa học) có nghĩa và dạng của nó có lý. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là Kitab al – Manazir (Quang học) gồm bảy tập, về sau được dịch ra ngôn ngữ La-tinh và là nền tảng của các nghiên cứu quang học tại phương Tây.

Nói Alhazen thừa kế các nhà khoa học Hy Lạp nhưng thực chất ông đã cho họ đi vào quên lãng trong ngành quang học bằng hai phát hiện quan trọng.

Thứ nhất, Alhazen cho rằng ánh sáng mặt trời là toàn bộ nguyên nhân của sự thấy. Không có một thứ ánh sáng nào đi từ trong mắt ra và đến với sự vật cả. Ông nêu lý do là khi ta nhìn lâu mặt rời, mắt ta sẽ bị đau nhức. Nếu ánh sáng đi từ mắt đến mặt trời thì tại sao mắt ta lại đau. Thế nên chỉ có thể ánh sáng đi ngược lại từ mặt trời vào mắt mới giải thích được sự đau nhức. Ông còn nêu lên một lý do khác rất quan trọng nữa là, khi mắt nhìn thật lâu một tia sáng chói chang hay một cửa sổ và thình lình nhắm lại thì sẽ còn thấy trong bóng tối một hình ảnh lờ mờ của nó, và đặc biệt là thấy một màu sắc dường như ngược lại với màu thật. Qua đó ông kết luận phải có một cái gì bên ngoài tác dụng vào mắt. Các thực tế này được Alhazen nêu lên để phản bác lại quan niệm của Plato về sự thấy. Là nhà toán học, Alhazen vẫn sử dụng quan niệm tia nhìn hình học của Euclid, nhưng đó chỉ là “những đường thẳng trừu tượng, còn quan niệm của ai cho rằng thực có một tia sáng từ mắt xuống đất là đi sai”.

Thứ hai, Alhazen dẫn chứng và trình bày một cái camera obscura (hộp đen) để tìm hiểu đường đi của ánh sáng vào trong mắt. Hãy tưởng tưởng tượng một phòng hón toàn tối chỉ có một lỗ thật nhỏ để ánh sáng lọt vào. Cảnh vật bên ngoài sẽ theo ánh sáng đi vào phòng tối và in lên vách tường đối diện. Ta sẽ thấy hình ảnh trên tường khá rõ nét chỉ duy nhất một điều khác thường là nó ngược chiều với cảnh thật ở bên ngoài. Alhazen dùng chiếc hộp đen này để chứng minh ngoài sánh sáng thì không có gì lọt qua cái lỗ tí hon, thậm chí lỗ càng nhỏ thì ảnh trong phòng càng rõ. Chiếc hộp đen này được Alhazen sử dụng cũng để phản bác các lý thuyết khác; như của các nhà nguyên tử học thời thượngcổ Hy Lạp, các vị này cho rằng có những vật liệu đi từ vật đến người. Alhazen không tin có vật liệu nào chen chúc chui qua cái lỗ tí hon.

Khoảng 400 năm sau, thiên tài người Ý, Leonardo da Vinci, khám phá ra rằng, con mắt của người chẳng qua cũng chỉ là một chiếc hộp đen, trong đó hình ảnh thế giới được tái hiện. Đầu thế kỷ thứ 17, nhà toán học và thiên văn học Kepler – mà ta đã biết trong phần trước – lý giải một cách toàn triệt tính chất toán học của chiếc hộp đen và quả quyết cái thấy sinh ra nhờ “hình ảnh của thế giới được mang lại trên võng mạc của mắt”. Thế nhưng điều mà Kepler cũng như mọi nhà khoa học thời đó hoang mang không giải thích nổi , đó là hình ảnh nọ lộn ngược, ai đã xoay chiều hướng của nó cho đúng để ta thấy cây cối mọc từ dưới đi lên chứ không phải từ trên đi xuống.

Điều quan trọng nơi đây không hề là chiều hướng của hình ảnh trong mắt mà là vấn đề nhận thức đã thay đổi một cách đảo lộn. Đó là nếu người Ai Cập thượng cổ xem con mắt “có lửa”, nếu Empedokles và Plato xem sự thấy là một hoạt động tích cực của con người, chủ động “soi sáng” thế giới thì đến Euclid, con người cũng còn mang tính chủ động nhưng cái nhìn của nó phải tuân thủ những qui định của toán học. Lúc đó thị giác đã bắt đầu nhuốm màu cơ học. Đến Alhazen thì ánh sáng bên ngoài mới là tác nhân “soi sáng”, con mắt từ chỗ “có lửa” trở thành một hộp tối đen, chỉ là nơi để cho hình ảnh bên ngoài in dấu. Sự thấy của con người được hạ giá từ sự chủ động và sáng tạo trở thành nơi thu nhận hình ảnh một cách thụ động.

Phải chăng con người chỉ thụ động tiếp nhận những ấn tượng khách quan bên ngoài? Nhiều người không muốn tin điều này nhưng họ không thể bác bỏ. Nguyên nhân chủ yếu làn những phát hiện vật lý và toán học về ánh sáng, về thể chất, về thần kinh... xem ra đều có lý và buộc ta phải chấp nhận chúng cả. Đó là một trong những lý do mà triết học Descartes ra đời, chủ trương phân biệt chủ thể và khách thể, phân biệt vật chất và linh hồn, mở đầu chủ nghĩa duy lý làm nền tảng cho khoa học, kéo dài cho đến đầu thế kỷ thứ 20.