STEVE JOBS
và
Triết lý sống
Khải Thiên
Ẩn dưới những bề nổi,
Steve Jobs là một Phật tử, thực hành thiền định từ thuở thanh niên.
Là người sở hữu tài
sản rất lớn, nhưng ông luôn sống đơn giản, thiểu dục tri túc, ăn chay. Steve
Jobs từng bộc bạch: “Tâm vắng lặng là chìa khóa của mọi sáng tạo”. Ngày Steve
Jobs tạm biệt thế giới này, cả thế giới thương tiếc ông, dành những lời tốt đẹp
nhất để nói về Steve Jobs.
Trân trọng giới thiệu
cùng độc giả bài viết của thầy Khải Thiên (Thích Tâm Thiện), sáng lập tu viện
Cát Trắng và Cát Sơn, Florida, Hoa Kỳ về những triết lý sống đã hướng đạo cuộc
đời Steve Jobs.
Người viết bài này
chẳng liên hệ gì với Steve Jobs trong mọi lĩnh vực. Mối liên hệ duy nhất với
ông ta đơn giản chỉ là một chiếc máy tính Macbook Air mới vừa mua chưa đầy vài
tháng... Bao nhiêu niềm vui vì tiện ích kỳ vĩ của chiếc máy tính này trong
thoáng chốc đã nhuốm màu u buồn khi hay tin người sáng tạo ra nó đã vĩnh viễn
ra đi!
Càng ngậm ngùi hơn khi
biết rằng người ấy đã nói về sự ra đi của mình 5 năm trước qua bài thuyết trình
nhân lễ tốt nghiệp tại một đại học danh giá bậc nhất thế giới, Stanford
University, cũng là nơi tràn đầy kỷ niệm của tác giả. Bài viết như một lời tri
ân... không phải vì tôn vinh sự lên ngôi của những chiếc máy tính cực mỏng,
iPad, iPhone... mà vì xúc động trước bức thông điệp về triết lý sống “rất Phật”
đến bất ngờ của người sáng lập Apple.
Thông điệp ấy đang
truyền cảm hứng về một đời sống với lý tưởng cao đẹp đến khắp hành tinh này,
nhất là đối với các bạn thanh thiếu niên, những người vốn đang sống vì cái đẹp,
vì tình yêu, và vì lý tưởng. Dưới đây là ba câu chuyện và triết lý sống của
Steve Jobs đã truyền đạt cho các bạn trẻ tại Đại học Stanford, Polo Alto.
|
Định nghiệp như những
dấu chấm...
Câu chuyện đầu tiên mà
Steve Jobs giới thiệu trong diễn văn của mình đó là việc bỏ học nửa chừng của
ông ta. Nghe rất cảm động. Ông ta bỏ học không phải vì lười biếng mà vì cảm
thấy buồn và xấu hổ khi phải tiêu quá nhiều tiền để dành cả đời của bố mẹ nuôi
trong khi bản thân ông lại không thực sự cảm nhận được những điều mà ông cho là
có giá trị thật sự. Ông đã quyết định từ giã ngôi trường chỉ sau sáu tháng theo
học. Tuy nhiên, môn học viết chữ đẹp (calligraphy) đã lôi kéo sự quan tâm của
ông. Ông đã theo học những lớp thư pháp mà ông không hề nghĩ rằng sau này ông
đã áp dụng chúng vào trong các mẫu thiết kế của Apple.
Trong thời điểm của
những quyết định khó khăn ở tuổi học sinh, Steve Jobs đã chọn lòng hiếu kính
với cha mẹ và yêu thích cái đẹp làm động lực dắt dẫn cuộc sống của mình. Nhìn
lại những kinh nghiệm thời thơ ấu, Steve Jobs đã khuyên các bạn trẻ trong lễ
tốt nghiệp của họ rằng, “... Bạn không thể nối kết những dấu chấm khi nhìn về
phía trước; bạn chỉ có thể nối kết chúng khi nhìn lại đằng sau. Cho nên bạn
phải tin tưởng rằng những dấu chấm đó thế nào rồi cũng sẽ nối kết với tương lai
của bạn bằng cách này hay cách khác. Bạn hãy tin tưởng vào điều gì đó ở chính
mình: bản năng, định mệnh, cuộc sống, nghiệp lực, vân vân. Lối tiếp cận này
chưa bao giờ làm cho tôi thất vọng, và nó đã tạo ra những thay đổi quan trọng
trong cuộc sống của tôi”.
Mười năm sau, khi hồi
tưởng lại, Steve Jobs đã nhận ra rằng sự thành công của ông được quyết định bởi
những yếu tố quan trọng đó là: ông đã nhìn đời bằng chính đôi mắt của mình; ông
đã nói với đời bằng chính tiếng nói từ nội tâm của mình, và ông đã sống giữa
đời bằng tình yêu cái đẹp sâu thẳm đến từ trái tim của chính mình. Bạn thử nghĩ
đến một chàng thanh niên vừa từ bỏ một con đường đại học danh giá và tham dự
vào những lớp học viết chữ đẹp nghe có vẻ viển vông và rõ ràng chẳng thực tế
chút nào! Nhưng Chính Steve Jobs, khi nhìn lại, đã khẳng định, “Nó thật là đẹp,
thật kỳ vĩ, và tinh tế một cách điệu nghệ trong một cách thức mà khoa học không
làm sao nắm bắt được, và tôi đã thấy nó quả thực là quyến rũ.
Tuy nhiên, những điều
này thậm chí không hề có chút hy vọng nào đến những ứng dụng thực tế trong đời
sống của tôi. Nhưng mười năm sau, khi chúng tôi thiết kế chiếc máy tính
Macintosh đầu tiên, tất cả đã trở lại với tôi”.
Thật vậy, tâm sự của
ông là những kinh nghiệm sống quý giá vô bờ. Câu chuyện đầu tiên mà Steve Jobs
đã chia sẻ với chúng ta đó chính là những lời khuyên chân tình cho những ai
đang bước vào ngưỡng của của cuộc đời: Hãy để tâm chiêm ngưỡng cái đẹp, dù rất
bình thường, ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất, vì chính nó sẽ đem lại sự
tươi mát để nuôi dưỡng cuộc sống. Và hãy để lòng hiếu kính với cha mẹ, sự quan
tâm đến nỗi khó nhọc của những người chung quanh, và lòng yêu thích cái đẹp dắt
dẫn bạn trước những quyết định khó khăn nhất. Rõ ràng, đây là một quan điểm,
một thái độ sống rất vị tha bên cạnh tình yêu tha thiết đối với cái đẹp.
Nhẹ nhàng trong sự
thành, bại...
Câu chuyện thứ hai
cũng thật là cảm động. Nó nói rõ về ý nghĩa của tình yêu và sự mất mát. Trong
căn nhà đậu xe của bố mẹ nuôi, Steve Jobs và người bạn đã lần đầu tiên thành
lập Hãng Apple. Lúc ấy ông chỉ vừa 20 tuổi. Đến 10 năm sau, Công ty Apple trong
căn nhà để xe của ông đã phát triển thành một đại công ty với tổng trị giá hai
tỷ đô la và hơn 4.000 nhân viên làm việc. Nhưng rồi, trong lúc đang ở đỉnh cao
của sự thành đạt, lúc ông vừa 30 tuổi, ông đã bị buộc thôi việc vì bất đồng
quan điểm về tầm nhìn tương lai với người mà ông đã thuê làm điều hành. Ông
phải ra đi vì toàn ban điều hành đứng về phía người ấy.
Ông đã thực sự đau khổ
vì thất bại này. Nhưng từ trong đáy thẳm của con tim, ông ta đã nhận ra một
phép lạ, đấy là, ông vẫn chưa mất tình yêu đối với công việc của mình. Thế là
ông đã khởi sự thành lập một công ty mới là NeXT và tiếp sau đó là Công ty
Pixar gắn liền với người phụ nữ, mà sau này trở thành vợ của ông. Điều kỳ thú
là chẳng bao lâu sau sự thành đạt của NeXT, chính Apple đã mua lại Công ty
NeXT, một công ty đã tạo ra những sản phẩm then chốt cho sự phục hưng của Apple
như hiện nay. Thế là Steve Jobs đã trở lại với Apple.
Về sau ông đã phát
biểu rằng, “Bị thôi việc ở một công ty do chính mình sáng lập quả là điều tốt
đẹp nhất đã đến với tôi. Cái nặng nhọc của thành công được thay thế bằng cái
nhẹ nhàng trong trạng thái của người mới khởi sự, ít có bám chắc vào bất cứ cái
gì. Nó đã cởi trói cho tôi đi vào một giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời”.
Những gì Steve Jobs
nói quả thật là chẳng khác gì giọng điệu của một thiền sư chính thống. Vâng,
ông đã nói với chúng ta bằng sự kiện, chứ không phải bằng ngôn ngữ rằng: thất
bại không phải là điều đáng sợ mà đánh mất tình yêu vào cuộc sống mới là điều
đáng sợ! Trong những lúc thất bại và não nề như thế, ông đã bám lấy tình yêu
vào công việc thay vì sống với phiền muộn khổ đau hay tự đồng hóa mình với
những cảm giác buồn vui, thương ghét... Là một người Phật tử, Steve Jobs đã rất
tinh tế khi sống lời Đức Phật dạy bằng cách cố vượt ra khỏi sự bức bách của tám
nhân duyên ám ảnh trần thế - được, mất vui, buồn, khen chê, danh vọng và không
danh vọng - để khơi dậy tình yêu và lý tưởng của mình.
Nếu bạn cứ tiếp tục
chạy theo tám nhân duyên này, cho dù bạn được phép sống thêm một trăm năm nữa
thì bạn vẫn mải miết trong phập phồng, đau khổ. Vì chân lý của cuộc sống là sự
thay đổi không ngừng. Chỉ có cách, hãy tự mình vượt lên trên các nhân duyên đối
đãi này và an trú sâu xa trong tĩnh lặng, bạn mới có thể sáng tạo và làm mới
cuộc sống của chính mình. Sống như Steve Jobs, tĩnh tâm trước thành hay bại,
chắc chắn bạn sẽ được an bình, hạnh phúc.
Quán niệm về vô thường
(sự chết) để sống tốt đẹp hơn...
Câu chuyện thứ ba đã
khép lại cuộc đời trần thế của Steve Jobs. Và lạ lùng thay, đây lại là một bài
giảng về vô thường, về cái chết cho hàng ngàn sinh viên trong ngày lễ ra trường
tại Đại học Stanford. Tất nhiên bài thuyết trình trong một bối cảnh quan trọng
như thế được phô diễn trên văn bản với một quan điểm sống rõ ràng chứ không
phải là một cảm hứng ngẫu nhiên. Steve Jobs đã giảng về vô thường như thế nào?
Ông bắt đầu câu
chuyện: “Mỗi buổi sáng khi soi gương tôi đều hỏi chính tôi rằng “Nếu như hôm nay là ngày cuối cùng của đời
tôi, thì tôi có muốn làm những gì mà tôi sắp sửa làm hay không?”. Nếu như câu
trả lời là ‘Không’ suốt nhiều ngày như vậy, thì tôi biết rằng tôi phải thay đổi
một điều gì đó”.
Một lối sống cẩn thận
và có ý thức từng ngày, từng giờ như thế xuất phát từ căn bệnh ung thư tụy tạng
(lá lách) mà ông đang cưu mang. Chính căn bệnh của ông cũng đã giúp ông phần
nào tỏ ngộ chân lý vô thường. Nhưng căn bệnh đó không giúp ông tìm đến Phật
giáo. Vì Steve Jobs đã đến với Phật giáo ở ngay vào độ tuổi thanh xuân, ở một
lứa tuổi mà hầu như chẳng ai bận tâm đến chuyện sinh lão bệnh tử.
Mặc dù phải đối diện
với bệnh tật nhưng tâm ông đã không hề chùng xuống mà trái lại nó lại sáng suốt
và mạnh mẽ hơn bao giờ. Ông nhấn mạnh: “Quán
niệm rằng nay mai tôi sẽ chết là một công cụ quan trọng nhất mà tôi đã đương
đầu để có thể giúp tôi quyết định những lựa chọn lớn lao. Bởi vì hầu như
tất cả mọi thứ - lòng mong đợi từ bên ngoài, niềm kiêu hãnh, nỗi sợ hãi về sự
thất bại hay bẽ bàng - những điều này sẽ bị rơi rụng trước cái chết, chỉ còn
lại những gì thật sự quan trọng.
Ghi nhớ rằng bạn sẽ phải chết là cách
tốt nhất mà tôi biết để có thể tránh được cạm bẫy của ý tưởng rằng bạn có cái
gì đó để mất!”
Dường như Steve Jobs
đã rất tâm đắc pháp môn quán niệm về sự chết. Một trong những pháp môn quán
niệm mà Đức Phật đã giảng dạy trong mười pháp tùy niệm đó chính là niệm Chết
(niệm diệt). Câu chuyện của Steve Jobs dường như vô tình cũng đã mang theo bóng
dáng của cô bé quay tơ 16 tuổi, cư dân làng Alavi, được ghi lại trong chuyện
tích Kinh Pháp Cú. Cô bé làm nghề quay tơ cũng đã thành tựu về mặt tâm linh nhờ
vào pháp niệm này; và cũng đã từ giã thế giới rất sớm...
Thế nhưng có lẽ Steve
Jobs đã cảm nhận về một dự báo rất gần khi ông ta phát biểu bằng một ngôn ngữ
bộc trực và mãnh liệt rằng, “Không ai
muốn chết cả. Thậm chí người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để đến
đó. Tuy nhiên, chết là điểm đến chung cho tất cả chúng ta. Chưa bao giờ có ai
trốn thoát nó được. Và rằng, rất có thể Chết là một tạo phẩm tốt đẹp của đời
sống. Nó là điểm thay đổi cuộc sống. Nó dọn sạch cái cũ và mở đường cho cái
mới. Ngay bây giờ, cái mới là bạn, nhưng rồi ngày nào đó, không mấy lâu đâu,
bạn sẽ từ từ trở thành cái cũ, và sẽ bị dọn sạch. Xin lỗi, vấn đề trở nên quá bi
thương, nhưng nó là sự thật”.
Lối chỉ thẳng vào sự
thật của cuộc sống biến chuyển vô thường rõ ràng nghe có vẻ ảm đạm và u buồn
thật đấy! Nhưng đó không phải là một quan điểm bi quan mà là sự thật cho dù bạn
muốn nói ra hay là không. Nên nhớ rằng, quán niệm về chết không phải để chết;
quán niệm về chết là để sống tốt đẹp hơn và làm cho chính cuộc sống trở nên tốt
đẹp hơn trong mọi lĩnh vực và giá trị của nó.
Điều này được khẳng
định khi Steve Jobs đánh giá về kẻ đồng hành của mình: “Vấn đề duy nhất của
Hãng Microsoft là họ không có cái cảm thức thẩm mỹ. Họ tuyệt nhiên không có cảm
thức thẩm mỹ. Tôi không nói điều đó theo lối hẹp, mà tôi nói điều đó trong một
phương diện lớn lao, trong ý thức rằng họ không nghĩ đến những ý niệm ban sơ,
và họ không đem nhiều yếu tố văn hóa vào trong những sản phẩm của họ”. Lời bình
phẩm này cho thấy Steve Jobs quan tâm đến đời sống thẩm mỹ như thế nào và dĩ
nhiên nó cũng lôi kéo chúng ta về với triết lý của những dấu chấm và nét chữ
đẹp mà ông đã kể với chúng ta trong câu chuyện ban đầu.
Quán niệm về Chết theo
tinh thần Phật giáo mà Steve ứng dụng vào đời sống của mình hẳn không hề mang
dấu ấn bi quan nào hết. Trái lại, nó mở ra một con đường thênh thang với biết
bao cơ hội chuyển hóa và thăng tiến theo giấc mơ lý tưởng của mình, bỏ lại đằng
sau tất cả những vướng bận vào được mất, hơn thua cho cuộc sống nhị nguyên.
Vâng, đấy chính là sức công phá vĩ đại của một tâm thức đã vượt lên trên thế
giới vô thường vì đã “tỏ ngộ” về vô thường. Hẳn bạn không cần phải chờ cho tới
khi già chết rồi mới hiểu được những giá trị chân thật của cuộc đời!
Chỉ một phút tĩnh tâm
với một trang kinh, Steve Jobs đã hiểu được những giá trị thực thụ khi quán
niệm về chết. Từ đó, ông đã ra sức sống hết mình với những gì tốt đẹp nhất và
đeo đuổi mục tiêu của mình cho tới cùng. Động lực của của sự đeo đuổi này, dĩ
nhiên, không phải vì hơn thua mà chính vì tấm lòng trân trọng cuộc sống, trân
trọng những giá trị chân thật, và trân trọng cái “Mỹ” bên cạnh cái Chân và cái
Thiện.
Có lẽ, bạn sẽ thấm
thía hơn khi nghe Steve Jobs nói về cội nguồn hạnh phúc thật sự của đời mình
trong mối tơ duyên nhọc nhằn của sống và chết: “Làm người giàu có nhất nằm
trong nghĩa địa đối với tôi không thành vấn đề... Mỗi đêm khi đi ngủ và nói với
mình rằng chúng ta đã làm điều gì đó thật là tuyệt vời... đó mới là vấn đề quan
trọng với tôi.
Khải Thiên (HT Thích Tâm Thiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét