THẤY ĐƯỢC BẢN CHẤT THẬT SỰ CỦA
CÁC PHÁP HỮU VI
Ajahn Sumedho
The mind and the Way (Chapter 7)
Đức Phật dạy cho chúng ta thấy là tất cả điều kiện hay các pháp hữu vi là
vô thường (tiếng Pali là sabbe sankhara anicca). Khi nói đến từ
"điều kiện", "duyên", hay "hành" (tiếng Pali là sankhara),
chúng tôi muốn nói đến một cái gì đó được thiết lập trong tâm hay sự thành hình
của một trạng thái tâm, chẵng hạn như sự thành hình của một tư tưởng hay ý kiến
trong tâm thức chúng ta.
Đàn ông và đàn bà là những điều kiện hay duyên. Người Do Thái và người
Gentiles, tín đồ Phật giáo và tín đồ Thiên chúa giáo, người Á châu và người Âu
châu, người Phi Châu, giai cấp công nhân, giai cấp trung lưu, giai cấp thượng
lưu -- tất cả những cái nầy chỉ là những điều kiện hay những duyên đi qua tâm
chúng ta. Chúng không phải là những sự thật tuyệt đối. Chúng chỉ là những
phương tiện mà con người dùng để truyền thông với nhau. Trong cuộc sống, chúng
ta phải sử dụng những phương tiện truyền thông nầy, nhưng chúng ta cũng phải
biết rằng chúng chỉ là những cái được con người chế đặt chứ không phải là những
sự thật tuyệt đối. Biết được điều nầy, tâm của chúng ta sẽ không bị kẹt hay
dính mắc vào những quan điểm hay ý kiến. Quan điểm hay ý kiến sẽ chỉ được nhìn
như là những điều kiện hay duyên được sinh khởi rồi diệt đi trong tâm chúng ta,
vì bản chất thật sự của chúng là sinh và diệt. Tất cả duyên hay điều kiện là vô
thường, đều sinh rồi diệt.
Đức Phật cũng dạy rằng tất cả các pháp là vô ngã (tiếng Pali là sabbe
dhamma anatta). Điều này có thể hơi khó hiểu cho người bình thường,
nhưng khi hành thiền nhiều hơn và khi thấy được bản chất của các pháp, chúng ta
sẽ thấy rõ rằng tất cả các pháp là vô ngã. Chúng ta sẽ thấy không cần phải đồng
hóa và tùy thuộc vào một điều kiện hay một địa vị nào đó. Chúng ta sẽ thấy
không cần phải tìm hiểu xem chúng ta là ai, phải đặt cho chúng ta một tên gọi,
hay phải đồng hóa với bất cứ cái gì ở trên đời nầy. Đây chính là sự tự do, sự
giải thoát khỏi những dính mắc và luyến ái và sự tự do nầy sẽ đưa chúng ta đến
Niết Bàn.
Càng tiếp tục hành thiền, chúng ta sẽ ngày càng ý thức nhiều hơn về sự thật
đang hiển lộ và phơi bày trong hiện tại. Trong đạo Phật, chúng tôi gọi sự thật
này là Pháp và Pháp sẽ ngày càng có nhiều ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Quán
tưởng Pháp là rất hữu ích vì Pháp là bao gồm tất cả, cả pháp hữu vi lẫn pháp vô
vi, cả pháp hữu hạn lẫn pháp vô hạn hay pháp bất tử. Khi hiểu được Pháp, chúng
ta sẽ không đứng về phía bên nầy hoặc bên kia: Chúng ta không chối bỏ Pháp hữu
vi để bám vào Pháp vô vi. Tuy nhiên, khi không còn chấp vào Pháp hữu vi, thì
cái còn lại với chúng ta sẽ là Pháp vô vi hay Pháp bất tử. Do đó, người có trí
tuệ sẽ nhận chân được rằng bản chất của Tục đế hay cái thực tế mà con người chế
đặt ra là vô thường, bất toại nguyện, và không có tự ngã (đây là ba tính chất
của tất cả những hiện tượng do duyên sinh hay các pháp hữu vi) và vị đó sẽ đủ
tỉnh giác để buông bỏ các pháp hữu vi nầy.
Samsara hay Luân hồi là tình trạng trong đó con người bị dính mắc, chấp trước, và
đau khổ. Khi còn kẹt trong luân hồi, chúng ta sẽ thường thốt lên những câu như,
"Ước gì tôi đã không nghĩ như thế. Ước gì tôi không gặp những khó khăn
nầy. Tôi ghét điều nầy. Tôi lo sợ điều nọ. Tôi không thích cái nầy. Tôi không
nên như thế nầy. Anh không nên như thế đó." Những tiếng nói nho nhỏ nhưng
đầy rên xiết, đầy khát vọng chiếm đoạt và kiểm soát, đầy lo âu và sợ hãi, và
tham đắm nầy chính là Luân hồi. Khi bị dính mắc với tất cả những thứ ấy, bạn
đang ở trong Luân hồi. Luân hồi là cảnh giới của khổ đau. Niết Bàn là cảnh giới
của tự do và giải thoát xuất phát từ trạng thái không dính mắc và buông bỏ. Khi
chúng ta quán sát và nhận ra được những gì đang xảy ra trong tâm, cho dù đó là
tiêu cực hay tích cực, phê phán hay tán dương, như chỉ là những điều kiện sinh
rồi diệt, thì đó chính là Tâm Phật, Phật tính, hay Tánh giác; đó cũng chính là
Niết Bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét