TINH THẦN CỞI MỞ TIẾP THU CÁC TRUYỀN THỐNG TÔN GIÁO
Ajahn Sumedho
Tâm và Đạo (Chương 1)
Các bạn đến từ các tôn giáo khác đôi khi cảm thấy không thoải mái với những
biểu tượng của đạo Phật. Tình cảm nầy không nhất thiết xuất phát từ niềm tự hào
về tôn giáo hay thái độ cố chấp mà chỉ vì các bạn ấy chưa quen với các biểu
tượng Phật giáo. Trong một vài trường hợp, có bạn cảm thấy là khi đảnh lễ Tam
Bảo, họ đang phản bội lại truyền thống tôn giáo của họ như Ky Tô giáo chẳng
hạn. Nhưng tôi hy vọng cách trình bày về ý nghĩa của việc lễ bái Tam Bảo trên
đây sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về bất cứ truyền thống tôn giáo nào. Sự
hiểu biết nầy sẽ giúp bạn xử lý đúng đắn những truyền thống của Phật giáo và Ky
Tô giáo. Đối với tôi, tinh thần của tất
cả tôn giáo đều là một. Tôi không cho Đạo Phật là truyền thống tôn giáo duy
nhất. Theo tôi, ý nghĩa tối hậu của tôn
giáo là -- và phải là -- hướng về chân lý tuyệt đối và giúp loài người cởi mở
và tiếp thu được chân lý tuyệt đối ấy. Nhưng người đời thường lẫn lộn và
làm rối rắm vấn đề vì họ đã quên mất ý nghĩa tối hậu nầy, và bị kẹt vào các
truyền thống tôn giáo như thể tự nó là cứu cánh thay vì chỉ là phương tiện giúp
con người tiếp cận với chân lý tuyệt đối. Thay vì dùng các truyền thống và nghi
thức lễ bái để mở rộng tâm thức và tiếp thu chân lý, họ lại sử dụng và bám chặt
vào đó.
Khi đã bị dính
mắc và ràng buộc vào đạo Phật, tâm bạn sẽ bắt đầu khép lại. Rồi bạn sẽ trở thành tín đồ của một tông phái mang tên là Đạo Phật. Trong
đạo Phật lại có nhiều hệ phái và bạn có thể trở thành Phật tử Đại thừa để đối
lại với Phật tử Tiểu thừa, hay Phật tử Kim cang thừa, hay Phật tử Thiền tông
Trung Hoa hay Nhật Bản. Đạo Phật có đủ loại biến dạng của nó. Ở nước Anh, chúng
ta có tất cả các loại: Tín đồ Ky tô giáo theo đạo Phật, Tín đồ Phật giáo theo
Ky tô giáo, Tín đồ Do Thái giáo theo đạo Phật, Tín đồ Phật giáo theo Do Thái giáo,
các nhà khoa học hiện đại theo đạo Phật, người Anh theo đạo Phật vân vân… Rồi
lại có Phật tử nhưng thật ra không phải là Phật tử vì họ không chịu quy y Phật
và Tăng mà chỉ quy y Pháp. Chúng ta có thể gọi họ là tín đồ của Pháp
(Dhammaist).
Vì thế, sự quyến luyến, trói buộc, và dính mắc sẽ dẫn đến chia cắt; nó sẽ
dẫn đến phân liệt và chia rẽ. Những gì bạn quyến luyến và dính mắc sẽ trở thành
pháp môn mà bạn sùng bái. Khuynh hướng bè phái chia rẽ là một trong những vấn
đề lớn của nhân loại, cho dù đó là bè phái về tôn giáo hay chính trị hay bất cứ
cái gì khác. Khi có người nói, "Cách của tôi là đúng và những cách khác là
sai," hay "Cái của tôi là tốt nhất và những cái khác là tồi," đó
chính là sự trói buộc và dính mắc. Ngay cả những gì bạn đang có là cao cả và
tốt đẹp nhất, nhưng nếu bạn bám chặt vào cái cao cả và tốt đẹp nhất nầy, bạn
vẫn là người vô minh và mê muội. Vì thế, bạn có thể có tất cả mọi cái tốt đẹp
nhất và thanh cao nhất trên đời nhưng bạn sẽ vẫn bị đắm chìm trong mê muội và
không thể giác ngộ được.
Tôi không bao giờ muốn tạo cảm tưởng Phật giáo nguyên thủy là con đường hay
nhất và là cách duy nhất. Bởi vì "hay nhất" và "duy nhất"
là những tính chất mà chúng ta thường dính mắc. Phật giáo nguyên thủy cho chúng
ta một quy ước, một truyền thống, một cái gì đó để giúp bạn tự khai mở, suy
tưởng và học tập cách sử dụng nó trên đường tu tập. Cho dù bạn thích nó, không
thích nó, phản đối nó, bực bội vì nó, thật sự yêu thích nó, hay lãnh đạm với nó
-- xin bạn hảy ghi nhận những trạng thái tâm nầy khi nó sinh khởi trong tâm bạn
thay vì đứng về pháp môn nầy hoặc pháp môn kia và chống đối lẫn nhau. Và rồi
bạn có thể quán tưởng về các trạng thái tâm nầy. Nó cho bạn một cái gì đó để
bạn có thể quán tưởng ngay trong chính con người của bạn. Nó là cơ hội để bạn hướng
về chân lý tối thượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét