PHÁP HỮU VI VÀ PHÁP VÔ VI
Ajahn
Sumedho
Tâm và Đạo
(Chương 8)
Giáo lý của Đức Phật rất đơn giản vì Đạo Phật xem tất cả càn khôn vũ trụ
hay vạn pháp được chia làm hai: pháp điều kiện và pháp không điều kiện. Pháp
điều kiện hay pháp hữu vi là pháp sinh rồi diệt. Pháp điều kiện gồm tất cả
những gì chúng ta thấy và biết được qua sáu giác quan, qua sự tiếp xúc của cơ
thể, cảm thọ, tư tưởng, và trí nhớ. Chúng là những điều kiện hay duyên; chúng
bắt đầu rồi chấm dứt, sinh rồi diệt. Trong tiếng Pali, từ sankhara hay hành
(các pháp do các điều kiện hay duyên hợp lại và tạo thành) được dùng để chỉ các
pháp điều kiện hay pháp hữu vi. Sankhara bao gồm tất cả những gì sinh
rồi diệt, cho dù đó là vật chất hay tâm. Chúng ta không nên thắc mắc nghi vấn
là các pháp được sinh ra ở đó hay ở đây, các pháp sinh rồi diệt trong chớp mắt
hay trong nhiều đời nhiều kiếp. Trong khi hành thiền, vấn đề nầy không quan
trọng và sẽ không có sự khác biệt nào cả vì tất cả pháp hữu vi đều bị giới hạn
bởi thời gian.
Pháp không điều
kiện hay pháp vô vi là cái mà phần lớn chúng sinh đều không nhận thức được. Lý do chính là vì họ vẫn mãi mê trong các pháp điều kiện hay pháp hữu vi.
Muốn nhận thức hay chứng ngộ được pháp không điều kiện chúng ta phải dứt khoát
và triệt để buông bỏ các pháp điều kiện.
Pháp không điều kiện hay pháp vô vi là cái mà phần lớn
chúng sinh đều không nhận thức được.
Các pháp không điều kiện giống như không gian trong một căn phòng. Khi bạn
bước vào một căn phòng, bạn chú ý đến phần không gian hay khoảng trống của căn
phòng hay bạn bị thu hút bởi những đồ đạt trong phòng? Dĩ nhiên, bạn sẽ chú ý
đến bức tường, cửa sổ, con người, bàn ghế, màu sắc, và các đồ vật trang trí.
Nhưng không gian của căn phòng thì ít ai nhận thấy mặc dù nó luôn có mặt ở đó.
Và khi bận lo ngắm nhìn người và đồ vật trong phòng, chúng ta sẽ không thể nào
ghi nhận được khoảng không gian trong phòng. Chỉ khi nào chúng ta buông bỏ tất
cả những tư tưởng, lời nói, lo toan, và tưởng tượng, thì lúc đó chúng ta mới có
thể ý thức và nhận ra được không gian trong căn phòng. Khi để tâm chú ý đến nó,
chúng ta sẽ thấy rằng không gian là rất bình yên và bao la. Ngay cả bức tường
của căn phòng cũng không thể chia cắt được không gian ấy.
Tâm chúng sanh cũng như thế ấy. Tâm
là vô biên và vô hạn; nó có thể chứa đựng tất cả mọi vật. Nhưng chúng ta
lại tự trói buộc mình vào những điều kiện hữu hạn của tâm như tư tưởng, quan
điểm, và ý kiến. Tâm luôn có chỗ dành cho mọi lý thuyết, ý kiến, và quan điểm;
Tất cả những cái nầy là những điều kiện sinh rồi diệt, và không có cái nào là
trường tồn và vĩnh cửu. Do đó, tâm luôn có chỗ cho tất cả mọi người và mọi vật,
cho tất cả tôn giáo, quan điểm chính trị, tư tưởng, và tất cả loại người. Nhưng
con người luôn muốn kiểm soát, giới hạn, và tuyên bố: "Chỉ có những người
nầy mới được chấp nhận, còn những người kia không có quyền ở đây." Trong
quá trình sở hữu, chiếm đoạt, và bám víu, chúng ta tự trói mình vào những điều
kiện và chính những điều kiện nầy sẽ dẫn chúng ta đến chỗ diệt tận và phiền
não.
Tâm là vô biên và vô hạn; nó có thể chứa đựng tất cả
mọi vật.
Bất cứ cái gì mà chúng ta hy vọng và mong đợi, nếu chúng ta bám víu vào
chúng, sẽ đưa chúng ta đến chỗ thất vọng và sầu não. Lý do chính là những gì mà
chúng ta bám víu và dính mắc đều sinh rồi diệt. Không có cái gì được sinh ra mà
sẽ tiếp tục sinh ra mãi mãi; nó có thể sinh ra và tồn tại trong một thời gian
nào đó nhưng rồi sẽ hoại diệt. Vì thế nên khi bạn bám víu vào bất cứ điều kiện
nào đang sinh khởi, chắc chắn nó sẽ đi cùng với bạn đến chỗ hoại diệt. Khi bạn
bám víu vào cái gì đang sinh khởi như thân thể của bạn hay bất cứ điều kiện tự
nhiên nào, nó sẽ đưa bạn đến chỗ diệt tận. Và vì thế, sự hoại diệt hay sự chết
là điểm cuối cùng của cái được sinh ra, và nỗi tuyệt vọng sầu não là mặt trái
của niềm hy vọng và mong đợi.
Khi một cái gì đó bắt đầu trở nên khó chịu hay bất toại nguyện, chúng ta có
khuynh hướng chạy đi tìm một điều kiện khác, đang sinh khởi và thoải mái hơn.
Điều nầy khiến cho cuộc sống của con người trở thành một cuộc tìm kiếm và săn
đuổi không ngừng chạy theo những khoái lạc, những mối tình lãng mạn, và những
cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Con người luôn luôn chạy theo những gì hấp dẫn và
lý thú, làm cho họ mê đắm và trốn chạy khỏi những gì đối nghịch lại họ. Chúng
ta trốn tránh sự nhàm chán, tuyệt vọng, già, bệnh, và chết vì đây là những điều
kiện mà chúng ta không muốn xảy đến cho chúng ta. Chúng ta muốn chạy trốn, quên
bẵng đi, và không để ý đến chúng.
Nhưng trong khi hành thiền, thái độ chính là sự chấp nhận, nhẫn nhục và
nhẫn nhục đến tận cùng với những điều kiện, cho dù những điều kiện nầy đang trở
nên khó chịu và nhàm chán. Nếu chúng ta luôn muốn đi tìm một cái gì đó lý thú
và hấp dẫn hơn, chúng ta sẽ tiếp tục đi vòng vòng. Đây chính là vòng luân hồi
sinh tử (Samsara) mà Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét