PHÁP HỮU VI VÀ PHÁP VÔ VI (2)
Ajahn
Sumedho
Tâm và Đạo
(Chương 10)
Chúng ta phải biết rằng những lo sợ và nhận thức của chúng ta chỉ là những
điều kiện hay những gì do nhân duyên tạo thành. Chúng không phải là sự thật
tuyệt đối. Trong quá trình phát triển tâm linh, chúng ta sẽ tiến đến một trạng
thái quân bình khi nhận ra rằng những gì sinh khởi trong tâm chỉ là những điều
kiện do nhân duyên tạo thành; điều nầy có nghĩa là chúng bắt đầu rồi chấm dứt.
Cho dù chúng là những điều kiện vật chất hay tinh thần, chủ thể hay khách thể,
chúng đều có cùng những tính chất, đó là vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã.
Pháp vô vi hay pháp không điều kiện là cái mà bạn không thể hiểu bằng khái
niệm vì tất cả những khái niệm đều thuộc về các pháp hữu vi hay các pháp điều kiện.
Pháp vô vi là cái mà bạn phải trực nhận. Niết Bàn là pháp không điều kiện, vì
thế nên khi nói chúng ta hướng về Niết Bàn, điều nầy có nghĩa là chúng ta hướng
về các pháp vô vi hay các pháp không điều kiện.
“Pháp vô vi là cái mà bạn phải
trực nhận”
Thế thì pháp vô vi là gì? Bạn không thể thấy, ngửi, nếm, xúc chạm, nghe,
hay suy nghĩ về pháp vô vi nhưng nó là nơi mà tất cả pháp hữu vi hội tụ về. Nó
không thuộc về cảm giác. Nó là sự an tịnh. Nó không sinh khởi hay hoại diệt,
không có sự bắt đầu hay chấm dứt. Chính nó là cội nguồn mà từ đó tất cả các
pháp hữu vi được sinh khởi. Khi để tất cả sự việc hiện lên trong tâm và ra đi,
bạn đang để cho chúng trở về với pháp vô vi hay pháp không điều kiện.
Thế thì mục tiêu tối hậu của con người là thấy và biết rằng các pháp điều
kiện chỉ là những điều kiện, và pháp không điều kiện chỉ là pháp không điều
kiện. Mục tiêu tối hậu của con người là trở thành chính sự biết và thấy đó. Nói
khác đi, mục tiêu tối hậu của chúng ta là chánh niệm. Đó không phải chỉ là một
niềm tin tôn giáo, đó là cái mà chính bạn phải thực hành -- và không ai có thể
làm thế điều nầy cho bạn. Và đạo Phật là chiếc xe, là quy ước, là cách thức, là
truyền thống giúp bạn phá vỡ và đi xuyên qua những ảo tưởng, thoát khỏi những
trói buộc của những điều kiện của thế giới luân hồi sinh tử. Khi thấy được pháp
không điều kiện, hay pháp vô vi, hay Niết bàn, lúc đó, bạn đang ở trạng thái vô
sanh và bất tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét