Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

TỰ NGÃ (ATTA) TRONG KINH PALI

 

 

 

 

 

TỰ NGÃ

trong

 

KINH PALI

 

]

 

Minh Tuệ Đỗ Minh

 

 

 

 

 TỰ NGÃ TRONG KINH  PALI

Nếu chúng ta hỏi “Có Tự Ngã không?” thì có lẽ 99% những người theo đạo Phật sẽ trả lời là “Không” chắc nịch!

Điều này cũng dễ hiểu vì ai học Phật cũng biết một điều rất căn bản là: Ngũ Uẩn là vô thường, khổ  và vô ngã. Nói rộng hơn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức này là vô thường, khổ, vô ngã.

Có lẽ chữ “vô ngã” thường được hiểu là “không có tự ngã” nên ai nói rằng “có tự ngã” thì đương nhiên là người ấy nói sai.

Trong khi đó, ý nghĩa của “vô ngã” này trong rất nhiều bài kinh Phật đều là “không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta”. (netam mama, neso hamasmi, na meso atta’ti). Mở rộng hơn nữa thì đó chính là: Ngũ uẩn này vốn “không phải là ta THẬT, không phải là của ta THẬT, không phải là tự ngã THẬT của ta”

Vậy thì “Cái gì THẬT là ta, cái gì THẬT là của ta, cái gì THẬT là tự ngã của ta”?

Và cũng với cách hiểu “không có tự ngã” phổ biến như trên thì chắc chắn câu trả lời sẽ là:

“Chẳng có gì thật là ta cả, chẳng có gì thật là của ta cả, chẳng có gì thật là tự ngã của ta cả”

-------------

Đức Phật có bao giờ nói về “tự ngã” không?

Chúng ta hãy cùng nghe lại một số câu kinh trong Kinh Pháp Cú, phẩm Tự Ngã:

 

Ai biết yêu tự ngã

Phải khéo bảo vệ mình

Người trí trong ba canh

Phải luôn luôn tỉnh thức (Pháp Cú 157)

 

Hay

 

Tự mình y chỉ mình

Không có y chỉ khác

Nhờ khéo điều phục mình

Được y chỉ khó được (Pháp Cú 160)

 

Nếu không có cái gì đó gọi là ‘tự ngã’, tại sao Phật lại bảo mình ‘yêu’?

Nếu không có cái gì đó gọi là ‘chính mình’, tại sao Phật lại khuyên mình phải khéo ‘bảo vệ’?

Nếu không có cái ‘tự ngã’ này, cái ‘chính mình’ này, tại sao Phật lại dạy ta phải ‘y chỉ’ vào nó?

Và qua những lời kinh này, chúng ta không thể nói rằng ‘không có tự ngã’ được, không có ‘chính mình’ được.

Vậy Atta – tự ngã – mà Phật bảo mình yêu quý, bảo vệ, y chỉ, nương tựa ấy là cái gì trong chúng ta?

----------------

Nếu chúng ta thấy được hai thực tại vô vi và hữu vi vốn hiện hữu bên trong mỗi chúng sanh thì có thể hiểu lời Phật như thế này:

- Atta (tự ngã) chỉ cho thực tại vô vi

- Anatta (không phải là tự ngã) chỉ cho thực tại hữu vi.

Mà ngũ uẩn hữ vi là anatta, là vô ngã (không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta) thì Atta ở đây là cái gì? Phải chăng là cái có khả năng biết được, quan sát được sự vân hành của ngũ uẩn sinh diệt, thấy biết được những hoạt động của tấm thân ngũ uẩn hữu vi này? Cái đó gọi là ‘ngoại uẩn’ (bahira-khandha) đồng nghĩa với Niết-bàn hay pháp vô vi.

Nếu ai đó nói rằng ‘ngũ uẩn này là ta, là atta’ thì đương nhiên là người đó nói sai. Nhưng nếu nói rằng Atta chính là Tâm Biết Vô Vi hay Pháp Ngoại Uẩn Niết-bàn thì chắc chắn rằng người ấy đã nói đúng!

-------

Bên cạnh những câu kinh Pháp Cú vừa mới đề cập ở trên, bây giờ chúng ta cùng đọc lại một lời kinh nổi tiếng khác mà ai cũng biết là:

"Hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, làm ngọn đèn cho chính mình (atta-dipa viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (atta-sarana), chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm hòn đảo, làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm nơi nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác."

Vậy cái gì bên trong chúng ta có khả năng làm hòn đảo, làm ngọn đèn, làm chánh pháp để chúng ta có thể nương tựa vào nó?

Và chúng ta không thể không đồng ý rằng khái niệm Atta khi được Đức Phật sử dụng trong những kinh trên chính là muốn nói đến cái Tánh Biết Vô Vi hay bản thể thật sự bất tử, không sinh không diệt vốn có sẵn nơi mỗi chúng sanh.

Có phải Tâm Biết ấy cũng đồng nghĩa với Chân Tâm, Chân Ngã, Chân Tánh, Tự Tánh, Giác Tánh, bản Tâm, Tâm Nguồn mà chúng ta vẫn thường hay nghe hay không?

 

(TỰ NGÃ TRONG KINH NIỆM XỨ)

 

Bây giờ chúng ta nói thêm một chút về Kinh Đại Niệm Xứ.

Trong bản kinh này, chúng ta sẽ gặp được rất nhiều chữ “Tôi”: “Tâm Tôi”, “Tôi Biết” v.v..

“Khi Tâm Tôi có tham, Tôi biết Tâm tôi có tham”, “Khi Tâm tôi có sân, Tôi biết Tâm tôi có sân”, “Khi thở ra Tôi biết Tôi đang thở ra”, Khi thở vô, Tôi biết Tôi đang thở vô” v.v..

Rất nhiều, rất nhiều những lời kinh như thế. Vậy Tôi ở đây là Tôi nào đây? Tôi nhận biết hay Tôi được nhận biết? Tôi chủ thể hay tôi khách thể?

Một lần nữa, chúng ta thấy rõ ràng rằng có hai pháp: “Một pháp là Tôi và một pháp không phải là tôi”.

Do phần lớn chúng sanh đang sống trong vô minh lầm tưởng “cái không phải là tôi” lại là “tôi” (bản ngã) nên có phải vì thế Đức Phật mới nhấn mạnh đến cái Atta thực này để phá tan ngộ nhận?

Chúng ta có thể tạm gọi là “Tôi lớn và tôi nhỏ”, “Tôi thật và tôi giả” để phân biệt hai thực tại Vô vi và Hữu vi mà chúng ta vừa phân tích ở trên.

Trong Phật Giáo, không hiểu được ý nghĩa thật sự của từ “Ngã” hay “Tự Ngã”, làm sao chúng ta có thể cảm nhận được những câu như thế này:

 

Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sanh lão bệnh tử

(Trên trời dưới trời

Ta là trên hết

Tất cả thế gian

Sanh già bệnh chết)

Hay

Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai.

(Nếu dùng sắc thấy Ta

Dùng âm thanh cầu Ta

Người đó hành đạo tà

Không thể thấy Như Lai)

Khi hiểu được ý nghĩa thâm sâu của từ “Tự Ngã”. “Atta” như vậy, tâm chúng ta sẽ mở rộng phóng khoáng hơn rất nhiều , nhất là khi tiếp nhận những lời giảng của các vị đạo sư đương thời, tất nhiên là đôi khi không cùng truyền thống với chúng ta.

Vì nếu không hiểu đúng, chúng ta lại quy chụp cho họ là “ngoại đạo”. “tà kiến” mà không biết rằng “kẻ ngoại”, “kẻ tà” có vấn đề lại chính là mình. Nếu chuyện đó xảy ra thì thật là đáng tiếc !

 

Namo Buddhaya

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào: