Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

NƯỚC GIẾNG và NƯỚC HỒ

NƯỚC GIẾNG VÀ NƯỚC HỒ

(Osho – Hành Trình Nội Tại)

Trong hàng ngàn năm, con người đã có cái ảo tưởng rằng người ta có thể đạt được kiến thức (trí tuệ) bằng cách tích lũy những tư tưởng của người khác.



Điều này hoàn toàn sai lầm. Chưa từng có ai có thể đạt được trí tuệ bằng cách tích lũy những tư tưởng của người khác cả. Trí tuệ đến từ bên trong, còn tư tưởng đến từ bên ngoài. Trí tuệ là của chúng ta, còn tư tưởng thì luôn luôn là của người khác, luôn luôn là vay mượn. Trí tuệ là nhịp đập của sự hiện hữu trong bạn, nó là sự phô bày những gì dấu kín ở bên trong bạn. Còn tư tưởng là tập hợp những gì mà người khác nói – bạn có thể thu thập từ kinh Gita, từ kinh Koran hay từ Kinh Thánh, hay từ những thầy giảng hoặc từ những lãnh tụ tôn giáo …

Những gì thu nhặt từ người khác không thể trở thành kiến thức của ta được, nó trở thành những cách thức nhằm che đậy sự vô minh, ngu dốt của ta. Khi vô minh của con người được che dấu, hắn không bao giờ có thể đạt được kiến thức. Bởi có ý nghĩ rằng đây là kiến thức của ta, ta sẽ bám chặt lấy chúng với toàn bộ con người của ta. Ta bám vào những tư tưởng của ta, ta không đủ can đảm để buông bỏ chúng. Ta hổ trợ, tiếp sức cho chúng vì nghĩ rằng chúng là kiến thức của ta: và nếu ta đánh mất chúng, ta sẽ trở thành vô minh. Nhưng nên nhớ rằng, dù con người có bám víu vào tư tưởng của mình cách nào đi nữa thì cũng chẳng thể nào nhờ chúng mà trở nên thông thái cho được.

Khi ta đào giếng, trước hết phải lấy đất đá đi rồi nước mới rỉ ra từ bên thành giếng. Nước có sẵn đấy rồi, không cần phải đem nước từ nơi khác đến. Chỉ có những lớp đất đá là cần phải lấy bỏ. Có vài chướng ngại, có vài cản trở. Một khi lấy bỏ chúng đi thì nước sẽ xuất hiện. Không cần phải đổ nước vào giếng, nước đã có sẵn đấy rồi – chỉ có một số chướng ngại cần phải lấy bỏ.

Trí tuệ hiện diện trong nội tại, không cần phải lấy từ nơi khác đến. Những nguồn suối của nó ẩn giấu bên trong, chỉ có các chướng ngại chen vào giữa, giống như đất và đá, là phải lấy bỏ bằng cách đào xới – rồi thì những nguồn suối của trí tuệ sẽ bắt đầu xuất hiện.

Nhưng ta có thể tạo ra cái giếng mà cũng có thể tạo ra cái hồ. Làm một cái hồ thì hoàn toàn khắc hẳn. Bạn không cần phải tìm mạch nước để là ra hồ. Cách thức để tạo ra hồ thì hoàn toàn ngược lại với cách thức để tạo ra giếng. Để làm hồ, bạn không cần phải đào bới đất đá, bạn phải đem chúng từ nơi khác đến và xây thành bốn mặt hồ. Khi xây thành hồ xong, thì nước chẳng tự đến, bạn phải lấy nước từ giếng của những người khác rồi đem đổ vào hồ. Nhìn trên bề mặt, hồ cho ta một ảo tưởng trông giống như giếng. Nó dường như trông giống như giếng. Bạn có thể nhìn thấy nước trong hồ cũng như nhìn thấy nước trong giếng, nhưng sự khác biệt giữa một cái hồ và một cái giếng cũng y như như sự khác biệt giữa trời và đất vậy.

Khác biệt đầu tiên là hồ tự thân nó không có nước. Trong thế giới này, không có cơn khát nào có thể được thỏa mãn bằng một cái gì đó không phải của nó. Những gì trong hồ đều là vay mượn và chẳng bao lâu trở nên hư thối – vì rằng những gì vay mượn thì đều không có sức sống, nó đã chết khô. Nước bất động trong hồ trở nên ứ đọng, hư và sẽ nhanh thối.

Nhưng giếng thì có mạch nước riêng của nó, nước không bao giờ ứ đọng. Một cái giếng tự nó có nguồn nước tuôn chảy.

Hai quá trình khác biệt xảy ra giữa hồ và giếng. Cái hồ sợ sẽ có ai đó đến lấy mất nước của mình. – bởi vì nếu bị lấy nước, hồ sẽ trống trơn.Còn giếng thì lại muốn có người đến múc nước đi để có nhiều nước tươi mát hơn đến tràn đầy giếng. – tươi mát và sinh động hơn. Cái giếng kêu lên, “ Lấy nước của tôi đi, tôi muốn chia sẻ”. Còn cái hồ lại bảo, “ Tránh ra! Đừng đụng đến nước của tôi, đừng lấy đi nước của tôi”. Cái hồ muốn có người mang nước đến đổ vào, để cho tài sản của nó được tăng lên. Nhưng nếu có người có thùng chứa, thì cái giếng lại muốn họ đến múc bớt nước đi để nó loại bớt nước cũ và có thêm nước mới. Cái giếng thì muốn chia sẻ, cái hồ lại muốn tích chứa.

Giếng có nguồn mạch được kết nối thông với đại dương. Trông một cái giếng dường như nhỏ bé, nhưng sâu bên trong nó được kết nối với cái vô biên, vô tận. Còn hồ dù lớn đến đâu, nó cũng chẳng có liên hệ gì với ai, nó tự khép kín. Nó chẳng có nguồn mạch nào mà cũng không có cách nào nối kết với cái vô tận được.

          Nếu ta đến nói chuyện với hồ về đại dương, cái hồ sẽ cười mà bảo, “Chẳng có thứ gì là đại dương cả. Tất cả chỉ là hồ thôi. Đại dương ở đâu nào!”. Cái hồ không hề có ý niệm gì về đại dương.

          Nhưng nếu ta khen ngợi nét đẹp của giếng, cái giếng sẽ khiêm tốn nghĩ rằng, “Có gì là của tôi đâu. Mọi thứ ở đây đều đến từ đại dương. Tôi có là gì! Những gì tôi có đều được kết nối với một cái gì nữa từ rất xa.” Cái giếng không có ý tưởng nào về cái “Tôi” của tự nó – “Tôi là”. Nhưng một cái hồ thì có tự ngã – “Tôi là”. Và điều thú vị là cái giếng thì rất lớn và cái hồ thì rất nhỏ. Giếng có tài sản riêng của mình nhưng hồ thì không.

          Tâm trí con người có thể trở nên giống như cái giếng hoặc như cái hồ - chỉ có hai khả năng để tâm trí con người trở nên như thế nào. Với người mà tâm trí của hắn trở nên như cái hồ thì dần dần, từ từ sẽ trở nên điên khùng. Tâm trí của chúng ta thảy đều đã trở thành cái hồ.

           Chúng ta không tạo ra giếng, chúng ta chỉ tạo ra hồ. Ta thu thập những thứ trên khắp thế giới – từ sách vở, kinh thánh, từ những lời giảng – ta thu thập chúng hết thảy và nghĩ rằng ta đã trở thành một người có học thức. Ta đã phạm phải sai lầm của hồ. Cái hồ nghĩ rằng nó là cái giếng – sở dĩ ảo tưởng này hình thành là do ở trong giếng cũng như hồ, người ta đều thấy có nước.

          Bạn có thể tìm kiếm kiến thức từ một học giả, từ một thầy giáo và từ những người hiểu biết, có trí tuệ, nhưng học giả là một cái hồ còn người trí tuệ chính là cái giếng. Có sự khác biệt giữa hai loại người này. Bạn không thể tưởng tượng được sự khác biệt này là căn bản và thâm sâu tới mức độ nào. Kiến thức của một học giả chỉ là vay mượn và là héo mục, thối rửa. Tất cả những chuyện rắc rối xảy ra trên thế giới này đều có nguyên nhân là do kiến thức của những học giả ấy.


Không có nhận xét nào: