CÁI BIẾT KHÔNG SINH KHÔNG
DIỆT TRONG THIỀN TỨ NIỆM XỨ
Kinh Tứ
Niệm Xứ trong Trung bộ kinh 10 và Trường bộ kinh 22 là hai bản kinh thường được
đọc. “Con
đường duy nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, đoạn tận khổ ưu, thành tựu
chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn” còn
được lập lại lần cuối cùng trong kinh Đại-bát Niết-bàn trước khi Thế Tôn nhập
diệt.
“ Này Ananda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn
đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác,
dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa
một gì khác?
“Này
Ananda, ở đời, vị Tỷ-kheo, đối với thân, quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh
niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ... đối với
tâm... đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục
mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn
cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng
Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một
gì khác.” [1]
Qua lời
kinh này, chúng ta dễ dàng nhận thấy “ánh
sáng ngọn đèn” và “chánh pháp” là
cùng một ý nghĩa: Ánh sáng của chân lý. Điều đó cũng đồng nghĩa là mỗi người đều
có khả năng thắp đèn để thấy được chân lý ngay nơi chính mình. Khả năng tự mình là ánh sáng cho chính mình,
còn được gọi là phật tính, ai cũng có
sẵn, nhưng phật tính này cũng giống số
zero, lớn nhỏ tùy nơi bụi trong mắt ít hay nhiều. Người thì bé như hạt bụi chìm
trong bóng tối, người như ngọn đèn, và cũng có người như mặt trời, mặt trăng.
Khi đã
nhận ra mình có ngọn đèn, có khả năng thắp đèn thì việc còn lại chỉ là giữ cho
ngọn đèn cháy mãi. Con đường thiền chính là hành trình điều chỉnh ngọn đèn này
mỗi ngày một sáng hơn để bóng tối mỗi ngày một giảm hơn.
(Dù không cân thiết nhưng cũng xin mở ngoặc nói thêm về hai
từ “phật tính”, ở đây “phật” được viết thường, không phải viết hoa, với ý nghĩa
là tiềm năng giác ngộ, khả năng tỉnh thức)
Đọc
toàn bộ bài kinh Tứ Niệm Xứ, từ nổi bật và quan trọng nhất là Biết, có biết có,
không có biết không có. Cái biết giống như phần nền vô tướng ẩn sâu để các pháp
hữu vi “vô thường, anicca, khổ, dukkha,
không phải là tôi, không phải của tôi, anatta” nổi lên bề mặt và được cái biết này quan sát.
Cái biết
này còn được gọi là Cái biết không sinh không diệt và đối tượng được biết là các
pháp sinh diệt của thân, thọ, tâm, pháp. Nói như thiền sư Achan Chah:
“Tất cả mọi suy nghĩ chỉ là sự dao động của tâm, và
cái biết thì không sinh và không diệt. Cái mà chúng ta gọi là tâm – tất cả những
sự dao động – chỉ là cái tâm thông thường. Nó không phải là cái tâm thật. Cái tâm thật chỉ ở đó, nó
không sinh và không diệt.” [2]
Cốt lõi của thiền
quán là nhận ra được cái tâm thật hay cái biết không sinh không diệt. Cái tâm và cái biết này còn được gọi bằng nhiều cách
khác nhau: người quan sát, người nhận biết,
người chứng kiến v.v…
Ví dụ,
khi quan sát hơi thở, cùng với những cảm giác và suy nghĩ đi theo như “đang thở
vào”, “đang thở ra”, hay “phồng”, xẹp” … Nếu chỉ như thế thôi thì chưa đủ, phải
biết rằng tất cả những pháp này đều được quan sát một cách toàn diện bởi một
nhân chứng vô hình, vô tướng “đang ở đâu đó” nhưng “biết hết mọi sự”. Nhân chứng
“đứng phía sau” này chính là ông chủ, còn pháp sinh diệt hữu vi “phía trước” là
khách. Như đã nói, bí quyết của thiền quán chính là nhận ra ông chủ này.và quan trọng hơn
là duy trì được vị trí bất động của người chủ này như một trung tâm để quan sát
những gì diễn ra ở phần ngoại vi, luôn thay đổi.
Và có phải nhận ra “ông chủ” và luôn an trú
với “cái biết” này là ý nghĩa của “đặt niệm trước mặt” (parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā) mà ngay
từ đầu bài kinh đã được đề cập tới ? Xin trình bày đôi chút về bốn chữ này, tuy
đơn giản về mặt nghĩa đen nhưng rất quan trọng vì nếu “đầu không xuôi” thì sẽ
“đuôi không lọt”.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của cụm từ này trong các
sách chú giải về Kinh Tứ Niệm Xứ của các thiền sư U Silananda, S.N. Goenka, Sayadaw Pa Auk
[3], nhưng hầu hết đều cho rằng “đặt niệm trước mặt” là đặt vào một điểm
nào đó trên gương mặt vật lý như đầu chóp mũi, hay ở bụng tùy theo kinh
nghiệm và phương pháp thực hành riêng biệt của họ.
Thiền sư Ajahn Brahm thì khác hơn khi cho
rằng: “Khi Đức Phật dạy “ngay trước mặt”, Ngài không có ý muốn nói
đặt sự chú ý vào đầu chóp mũi hay môi trên của bạn. Đặt cái gì trước mặt có
nghĩa là xem việc ấy là quan trọng.Vì vậy, lời hướng dẫn trước tiên là thiết
lập chánh niệm bằng cách xem đó là viêc ưu tiên” (Buddha said “in front of you” he didn’t mean
putting attention on the tip of your nose, or on your upper lip, or some place
in front of your eyes. To put something in front means to make it important. So
this preliminary instruction is to establish mindfulness by giving it priority) [4]
Và cách lý giải này của Ajahn Brahm phù hợp với những
ý nghĩa tổng quát của cụm từ “parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā” trong tự điển
Pali-Anh: 1. “Set up his memory in front”
(ưu tiên cho việc thiết lập sự nhớ) và
2. “to set one’s mindfulness
alert” (thiết lập chánh niệm một cách tỉnh thức). [5]
Và khi tu tập “tâm không chấp thủ” hay “tâm
vô trụ” , việc quan trọng ưu tiên của người hành thiền khi “trú niệm trước mặt”
phải là an trú vững vàng vào ‘cái biết không sinh không diệt’ hay cái ‘tâm ông
chủ’ đã có sẵn và đã được nhận ra. Không biết hiểu theo cách này có đúng với
tinh thần “an trú không” và “vô tướng tâm định” thuở xưa của Phật không?
Nếu mở rộng hơn, phải chănh có thể nói “mặt”
ở đây là “gương mặt nguyên thủy” hay “bản lai diện mục”? Hay nếu thay “trước
mặt” bằng “trước mắt” thì mắt ở đây chính là “pháp nhãn” của chân tâm?
Xin dẫn
thêm lời của thiền sư Achan Chah:
“Theo như tôi thấy, tâm như là một điểm trung tâm của vũ trụ, còn những trạng
thái của tâm thì như những người khách tới ở đó trong một thời gian ngắn hoặc dài. Cần tìm hiểu những người khách đó cho kỹ. Làm quen
với những hình ảnh họ gợi ra,
những câu chuyện họ bày ra để lôi kéo
mình theo họ. Nhưng đừng rời khỏi cái ghế mình đang ngồi, chỉ có một cái ghế
thôi. Nếu mình tiếp tục ngồi chắc chắn và –không rời ghế, để tiếp đón những người khách đó khi họ đến, mà vẫn
giữ vững sự thấy biết để đổi tâm mình thành'người giác ngộ', người tỉnh giác, thì những người khách đó sẽ không còn tới
nữa.” [6]
Hai đoạn
pháp thoại của thiền sư Achan Chah chính là nói về cái biết trong kinh Tứ Niệm
Xứ: Cái biết bất biến quán chiếu pháp
sinh diệt vạn biến.
Như vậy,
ta thấy có hai phần rõ rệt, phần tâm và phần trạng thái tâm, tâm thật và tâm giả,
hay ta thật và ta giả. Tâm thật, Ta thật là gì? Tâm giả, Ta giả là ai?
“Bạn là
bầu trời, mọi thứ khác đều là thời tiết (“You are the
sky. Everything else is just the weather”) của
Pema Chodron, một vị thiền sư Tây Tạng, là một câu trả lời hay.
Mà bầu trời hay không gian là gì? Chỉ là sự rỗng không, rỗng
không nhưng tròn đầy. Chẳng là gì cả nhưng dung chứa tất cả. Chưa bao giờ sinh,
không bao giờ diệt. Đó là lý do tại sao để hiểu được cái biết không sinh không
diệt (chân tâm) này, hư không vô sanh bất diệt là một “đối tượng” thích hợp để
cảm nghiệm.
Khi cảm nhận
được chiều kích vô vi của hư không cũng là lúc ánh sáng của tánh biết hòa nhập
được với ánh sáng cội nguồn, nhận ra chiều vô biên, vô lượng “thường chiếu”,
“tịch chiếu” sẵn có của tâm thức thanh tịnh, thuần khiết.
Và khi
hành thiền quán Tứ Niệm Xứ, phải luôn luôn nhớ đến cái biết như hư không này để quan sát “thời tiết” lúc này, lúc
khác của thân, thọ, tâm pháp và không đồng hóa với chúng, cho chúng là ta, là của
ta. Đây chính là mục đích của con đường giải thoát, kinh nghiệm được “tâm không bám víu”, và điều đó đã thể
hiện rất rõ ràng trong lời kinh qua câu nói được Phật lập đi lập lại rất nhiều
lần: “Vị ấy không nương tựa, không chấp trước bất cứ một tướng gì ở trên đời”.
Cặp mắt phân biệt được cái gì là thật, cái
gì là giả, đâu là vô vi thường hằng, đâu là hữu vi hư vọng là yếu tố quyết định
được trí tuệ và an lạc trên đường tu. Vô vi là thật vì không bao giờ mất, tại sao lại không bao giờ mất?
Bởi vì không có nhân duyên thì không thể
có sinh, có diệt, có thể nói là “không có gì để mất”. Cũng như hư không, không
có gì làm sao mất được. Vạn pháp sinh và chết trong lòng của hư không, nhưng hư
không là bất tử.
Chân thật, biết chân thật
Không chân, biết không
chân
Chứng đạt được chân thật
Do chánh tư, chánh hạnh [8]
Chân thật chính
là ánh sáng vô tướng của tánh biết, không
chân là bóng tối của hình tướng qua bao nhiêu kiếp sống đã che mờ tánh biết
chân thật đó. Hay nói cách khác là nhận ra được bản chất chói sáng của tánh biết
là nhận ra cái “ta thật”. Và nói như thế có phải hành trình phá vỡ sự đồng hóa
với bản ngã hay cái “ta giả” sẽ được dễ dàng hơn chăng?
Dù
trong kinh Pali, Phật chỉ nói “Tâm
này là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi
các cấu uế từ ngoài vào. Tâm là sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ
ngoài vào.”[9]. không nói gì đến cái ta thật. Nhưng từ câu kinh trên, cũng
không khó để thấy được hàm ý là có sự hiện hữu của một tâm sáng chói, vô nhiễm
và một tâm mà sự chói sáng bị che mờ, bị ô nhiễm.
Trong nhiều
truyền thống Phật giáo, có những cách nói khác nhau để tạm thời phân biệt được
thật và giả, như nói Ta thật là “Tánh
biết” hay “chơn tâm”, “chơn ngã”,
“chơn tánh”, “tự tánh”, “minh tâm”, “phật tánh” .v..v… hay gì gì đi nữa
cũng không thành vấn đề, quan trọng ở đây là hiểu được ngôn từ, khái niệm chỉ
là những ngón tay (pointer) hay bảng chỉ đường (signpost) và vượt qua nó để
thực chứng chân lý vốn tịch diệt, không lời, chỉ có thể nhận ra bằng tĩnh lặng,
vô ngôn. Kinh nghiệm được vô ngã, vốn bất khả tư nghì, không thể bằng chữ
nghĩa.
Và để dễ hiểu, chúng ta có thể nói thế
này: Cái gì mà ta có thể quan sát được
thì cái đó không phải là ta. Ta chính là người quan sát nên không thể thấy được
chính mình, giống như con mắt có thể thấy mọi vật nhưng không thể thấy được
chính nó.
Mở đầu
bài kinh Tứ niệm xứ, câu “Tinh cần, chánh
niệm, tỉnh giác” khi “quán tánh sanh
diệt” của thân. thọ, tâm, pháp là một lời kinh cốt lõi về thái độ khi đi
vào thiền. Niệm (sati) nghĩa là nhớ (remember), là nghĩ (think), là biết
(know). Nhớ là nhớ đến cái biết chân thật, nghĩ là nghĩ đến chiều kích vô vi của
tâm tỉnh thức và biết là biết rõ cái biết không sinh không diệt.Và chánh niệm
(samma-sati) với ý nghĩa sâu nhất là sự hiện hữu đơn thuần, trống rỗng và thanh
tịnh như hư không. Tỉnh giác là tinh cần gìn giữ kiên cố ngọn đèn quan sát này,
không để bị pháp sanh diệt cuốn đi, lúc nào cũng nhớ, cũng nghĩ đến nhiệm vụ nhận
biết của người chủ nhà.
Với
thái độ như vậy để “nhiếp phục tham ưu ở
đời” , ta sẽ hiểu được sự thảnh thơi, ung dung, nổ lực không cần dùng sức
trong thiền quán nếu biết nghệ thuật điều chỉnh cách nhìn. Chỉ nhìn và không dính mắc với những cái
nhìn được. Không làm gì cả, chỉ hiện hữu với “cái đang là”, “xuôi thuận” với những
gì đang xảy ra, “cắm rễ” và “song hành” với không gian và sự tĩnh mặc ngoài thời
gian của phút giây hiện tại. Dù đi, đứng, nằm. ngồi, tâm lúc nào cũng “tĩnh tọa”
và rộng sáng như bầu trời.
Có phải
đây là nghệ thuật “dừng lại” và “buông bỏ” dành cho những ai muốn “vượt bộc lưu” hay “đặt gánh nặng xuống” mà
Phật đã dạy khi xưa?
QUÁN
PHÁP
Tu là
vượt qua phiền não, phần Quán Pháp trong Tứ Niệm Xứ thể hiện rõ ràng được quá
trình “vượt qua” này.
Phần
này gồm có sáu phần: năm triền cái, ngũ uẩn, sáu nội ngoại xứ, tứ đế, thật giác
chi và bát chánh đạo. Với nội dung của các pháp được nêu ở đây, ta có thấy được
tiến trình thanh lọc của con đường từ chặng đầu đến chặng cuối.
“Vạn sự khởi đầu nan” là vượt qua năm
triền cái. Cửa ải đầu
tiên phải đối diện là cảnh “tắc nghẽn giao thông”, đối diện với “đài
phát thanh không ngừng nghỉ”. Tình trạng đầy gai góc chập chùng này còn
gọi là năm chướng ngại hay năm pháp che lấp. Chướng ngại vì là bức màn che lấp
mất ánh sáng của cội nguồn tâm, làm mờ “bản lai diện mục”. “Gương mặt nguyên
thủy” này không thể hiển lộ, không như thật biết được, thấy được cũng chính vì
năm triền cái.
“Này
Bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay
màu xanh, hay màu vàng, và ở đây một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình,
không có thể như thật biết được, thấy được.”(tham triền cái)
“”Này Bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi
lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm mặt của
mình, không thể như thật biết và thấy được.”(sân triền cái)
“Này Bà-la-môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở
đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và
thấy được.” (hôn thụy triền cái)
“Này Bà-la-môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn
động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể
như thật biết và thấy được.” (trạo cử triền cái)
“Này Bà-la-môn, một bát
nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người
có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. “ (hoài
nghi triền cái) [9]
Khi tâm bị che lấp bởi năm triền
cái được ví như một người bị mắc nợ, người bịnh hoạn, tù nhân, kẻ nô lệ và người
giàu đi qua sa mạc. Khi đã thoát ra được những triền cái này là cảm giác sung
sướng, hoan hỷ của một người trả hết nợ, người khỏi bệnh, người tự do, người đến
được đất lành bình an. [10]
Và cách vượt qua khéo léo nhất vẫn là cách giữ vừng vàng tấm
gương trước thiên hình vạn trạng của hình ảnh đi qua tấm gương đó.
Tấm
gương và hình ảnh phản chiếu là một trong những ví dụ hay để minh họa cho cái
biết và đối tượng được biết. Hình ảnh phản chiếu của tham, sân, hôn thụy, trạo
cử, hoài nghi cứ thế đi qua, không lưu lại dấu vết trong gương. Gương không làm
gì cả, chỉ ghi nhận và buông xả.
Khi qua
được “mịt mù” của ngũ cái, sự hiểu biết về bản chất giả tạm của ngũ uẩn sẽ rất
sâu sắc, cũng như tính chất duyên khởi của vạn pháp phát sinh khi lục căn (sáu
nội xứ) tiếp xúc với lục trần (sáu ngoại xứ), bốn sự thật cùng với cảnh “trời
quang mây tạnh”, gió lặng sóng yên” tràn đầy “vị mặn giải thoát” của thất giác
chi và bát chánh đạo.
QUÁN THÂN – QUÁN THỌ - QUÁN TÂM
Khi bước
vào thiền, giai đoạn khởi đầu bao giờ cũng với hơi thở, “cảm nghiệm toàn
thân” với hơi thở ra, hơi thở vào thực sự là chuyển động của gió khi kết nối
không gian bên ngoài và không gian bên trong thân. Cách quan sát này có thể gọi
vui là “gió vào nhà trống” hay “gió lộng vườn không”. Khi gió hòa với đất, nước, lửa tạo được quân
bình giữa không đại là bước khởi đầu vững chắc gọi là giai đoạn “an tịnh
thân hành”, tạo nền tảng cho những cảm nghiệm tiếp theo như “cảm giác hỷ thọ”, “tâm hân hoan”, tâm định
tĩnh”, tâm giải thoát” v.v..[11]
Xin trở lại
với ví dụ “bầu trời và thời tiết” đã đề cập phần trên.
Bầu trời là không gian vô biên của
tâm nhận biết, gió là hơi thở, mây là suy nghĩ, còn những rung động khác như nhịp
tim, mạch đập, cảm giác dễ chịu, khó chịu là động đất,. Vẫn với nguyên tắc “lấy
tĩnh chế động”, hướng tâm đến sự an bình và tĩnh lặng của bầu trời phải là “ưu
tiên hàng đầu”, còn gió, mây …thuộc về thời tiết đổi thay là “chuyện nhỏ”, dầu
cường độ thế nào cũng giữ cái biết “bình
chân như vại” để quan sát bản chất vô thường của chúng nhưng không “té ngã”.
Khi mới bước vào thiền, “té lên té xuống” là điều không thể tránh khỏi, nhưng
cũng giống như học võ, mối lần té và cố gắng đứng dậy là mỗi lần công lực tăng
lên. Con chim trước khi bay vào không trung cũng “rớt lên, rớt xuống” không ít
lần với đôi cánh còn non yếu.
Để kinh
nghiệm được cội nguồn vô tướng của tâm, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết sự sáng
chói, rỗng không này chính là những khoảng trống vô niệm (no-mind gap), không
có suy nghĩ, chỉ có cái biết thuần túy nhưng không có nội dung. Khi tâm lắng xuống,
trong dần, chúng ta sẽ quán sát và kinh nghiệm được những khoảng trống yên lặng
này (silent gap) giữa hai luồng tư tưởng. Khoảng trống vô niệm và yên lặng này
giống như khoảng trời xanh giữa hai đám mây, hay khoảng cách giữa những giòng
xe khi lưu thông trên đường. Một tâm trí tán loạn, phóng dật, thích suy tư, diễn
dịch, không được tu tập chỉ như mây chập chùng, hay như xe cộ ồn ào, dày đặc,
không thể hiểu được sự vi diệu của trạng thái gọi là “sự im lặng của bậc thánh” này. Đây là một
trong những ý nghĩa sâu thẳm của Trung đạo, con đường ngược dòng đi giữa các tướng
thuộc thế gian!
Hãy
cùng đọc một đoạn ngắn trong phần quán tâm:
“Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống
quán tâm trên tâm? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, tuệ tri:
"Tâm có tham"; hay với tâm không tham, tuệ tri: "Tâm không
tham". Hay với tâm có sân, tuệ tri: "Tâm có sân"; hay với tâm
không sân, tuệ tri: "Tâm không sân".v..v [12]
Giữa dòng tâm thức khi xuất hiện tâm không có tham, tâm không có sân, tâm không có si, tâm được thâu nhiếp,
tâm quãng đại, tâm có định, tâm có giải thoát … chính là những khoảng trống,
có thể nói đó những thoáng nhìn (glimpse) được sự thuần khiết của tâm thức cội
nguồn. Với nhiệt tâm và tỉnh giác, theo thời gian những khoảng trống này sẽ kéo
dài hơn, kinh nghiệm về tâm định vô tướng sẽ sâu hơn. “Satori” (flash of
enlightenment, ánh chớp giác ngộ) là một từ quen thuộc để diễn tả trạng thái
này, khi satori được mở rộng ra sẽ là samadhi.
Hành thiền thực ra không phải để chứng
đạt được cái gì chưa có mà là xả ly tướng để phát hiện lại kho báu đã có sẵn
bên trong. Vàng ròng vốn sẵn đó, chỉ cần loại sắt kẽm đồng chì. Nước trong vốn
sẵn đó, chỉ cần lọc được rong rêu, bùn sình. Vải vốn trắng đó, chỉ cần gội rửa
cấu uế, tạp dơ. Lõi cây vẫn có đó, chỉ cần buông cành lá, vỏ cây. Mặt trăng
sáng vẫn sáng đó, chỉ cần thoát khỏi mây mù. Những hình ảnh quen thuộc này đã
được Phật giảng trong nhiều bài kinh. [13]
Nói
cách khác, chân lý đã có sẵn đó rồi, chỉ cần “hồi đầu” thì sẽ nhận ra thôi.
Viêc cần làm là buông bỏ các tướng, đặt gánh nặng của các tướng xuống thì vô tướng
sẽ hiển lộ, bóng tối sẽ tan dần khi ánh sáng sanh lên.
Để kết
bài, xin mượn hai bài thơ thiền quen thuộc, tuy ngắn nhưng chứa đựng tinh thần
“không chấp trước bất cứ một tướng gì ở
trên đời” của Kinh Tứ Niệm Xứ. Đó cũng là cốt tủy “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang.
1.
"Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh"
"Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh’’
"Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh’’
2. “Nhạn
quá trường không Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.
Nhạn vô di tích chi ý Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.
Namo Buddhaya Dhammaya Sanghaya.
Minh Tuệ
Đỗ Minh
Chú thích.-
[1] Trường
bộ kinh 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn (Mahàparinibbàna sutta)
[2] Achan Chah, Suối nguồn tâm linh ,
Chương 23, Trang 303, Minh Vy dịch
[3] Tham khảo: - 1. Đại Niệm Xứ, U Silananda, Khánh Hỷ dịch, trang 29,
Như Lai thiền viện, 1999. - 2. Đại Niệm Xứ tường giải, Pa Auk Sayadaw, Pháp
Thông dịch Việt, trang 104, NXB Tôn giáo, 2010. - 3. Tứ Niệm Xứ giảng giải,
S.N. Goenka, Pháp Thông dịch, trang 44, NXB Văn hóa Sài gòn, 2006.
[4] Ajahn Brahm, Happiness through meditation,
Chapter 7, p.82, Wisdom Publication, 2006 – và
Từ chánh niệm đến giác ngộ, Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch, chương 7, trang
146, NXB Phương Đông, 2009.
[5] Pali-English Dictionary, Pali Text
Society, Rhys Davids and Steve, p.431.
[7] Kinh Pháp Cú 12.
[8] Kinh Tăng
Chi, Chương Một, Phẩm đặt hướng
và trong sáng
[9]
Tương Ưng Bộ - Tập V - Thiên Ðại Phẩm - Chương II, Phẩm VI.
[10]Trung Bộ Kinh 39, Ðại kinh Xóm ngựa.
[11] Trung
bộ kinh 118, Kinh quán niệm hơi thở.
[12]
Trung Bộ Kinh 10, Kinh Niệm Xứ.
[13] Chẳng
hạn Tương ưng bộ kinh, Tập V, Thiên đại phẩm, chương II, Phẩm IV. Hay Pháp cú
172, 173.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét