Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

CHÓI SÁNG CỘI NGUỒN TÂM (Lời nói đầu)

CHÓI SÁNG CỘI NGUỒN TÂM
Minh Tuệ Đỗ Minh


Lời nói đầu
Tựa sách "Chói sáng cội nguồn tâm" dựa theo câu kinh Phật trong Tăng chi bộ kinh: “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào” và  “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào”; (Tăng chi bộ kinh, Chương I, Một pháp, V. Phẩm đặt hướng và trong sáng) còn “cội nguồn” là ý nghĩa của từ  yoni (origin, source, foundation)  trong yoniso manasikara  (xem bài Như lý tác ý).

Sau câu này, còn có thêm lời kinh Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập.” và “Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, có được tu tập”. (Kinh Tăng chi, Chương I, Một pháp, VI. Phẩm búng ngón tay).

Phải chăng chỉ có những người một lòng tầm đạo, ít bụi trong mắt, nghe nhiều, khao khát với chân lý mới có thể nhận ra cái “minh tâm” vốn sẵn có này? Còn những ai trong mắt nhiều bụi, ít nghe,  không tha thiết với chuyện thoát khổ thì “tâm chói sáng” là điều rất xa vời, thậm chí còn buông câu "làm gì có chuyện đó”?

Để cảm nhận được ý nghĩa hai từ “chói sáng”, ta có thể liên tưởng đến ánh sáng bên ngoài. Ánh sáng thực sự là gì? Xin mượn lý giải chuyên môn của một nhà vật lý : “Ánh sáng  là gì? Đến nay không ai trả lời được cả. Trước hết, ta hãy biết rằng, ta không thể thấy được ánh sáng. Chỉ khi nào ánh  sáng gặp phải một vật nào, khi một vật bị ánh sáng chiếu rọi, ta mới thấy được vật đó. Điều đó có nghĩa ta không thấy được bản thân ánh sáng, ta chỉ thấy được vật thể nằm trong ánh sáng. Đứng sau một nguồn sáng chiếu trong không gian, ta không thấy được nó. Nhưng khi ánh sáng đụng phải một vật, thí dụ , một vì sao, lúc đó ta thấy vật.”(Nguyễn Tường Bách, Lưới trời ai dệt,Chương 3, trang 93, NXB Trẻ, 2004)
Điều này cũng đúng cho “tâm chói sáng”, nó có đó nhưng ta không thể thấy được tâm này, chỉ có thể nhận ra khi “sự chói sáng” đó “đụng” vào thế giới của hình tướng hữu vi .

Và để có thể nắm bắt phần nào về cái tâm vô hình, vô tướng này, ta có thể “mượn” nhục nhãn và nhục nhĩ để hình dung.

 Khi hướng tầm nhìn ra bên ngoài, chúng ta thấy vật thể chuyển động, nhưng bao trùm lên những vật thể ấy là ánh sáng, là không gian vô hình, bất động. Ánh sáng trong không gian là hình ảnh “bất khả tư nghì” của tâm chói sáng.

Khi hướng tầm nghe ra bên ngoài, chúng ta nghe được những âm thanh đang rung động, nhưng dung chứa những tiếng động này là tĩnh lặng vô biên. Sự tĩnh lặng mênh mông cũng là hình ảnh “ngôn bất khả thuyết” của tâm chói sáng.

Ánh sáng giữa không gian, tĩnh lặng giữa không gian cũng giống như  “tự tánh vốn thanh tịnh, vốn không sanh diệt, vốn đầy đủ, không dao động”, còn vật thể, âm thanh .v..v… là vạn pháp sinh diệt, vô thường: “tự tánh năng sanh vạn pháp”. (Kinh Pháp Bảo Đàn)
Cũng như vậy đối với bên trong, khi hành thiền, chúng ta “đặt niệm trước mặt”, lấy không gian vô biên của tâm làm nền tảng để quan sát những gì sinh khởi trong không gian đó như cảm giác, cảm thọ, suy nghĩ (thân, thọ, tâm, pháp). Tất cả những chuyển động đó như phần tiền cảnh (foreground) đều không qua khỏi được tầm mắt của cái biết “đang đứng âm thầm, yên lặng phía sau” như phần hậu cảnh (background). Có thể nói vui vui là dù cho vạn pháp có hiện biến cách nào cũng “chạy trời không khỏi nắng” hay “Tề thiên có bay nhảy cách nào cũng không ra khỏi bàn tay Phật”, một hình ảnh trong phim Tây du ký.
 Các pháp hữu vi vốn như dòng đời vạn biến này khi được quan sát với thái độ buông xả của tâm bất biến thì không gian, hay gốc rễ của ánh sáng cội nguồn sẽ dần dần hiện ra, ngày một rõ hơn.

Khi chúng ta có thể nhận ra nhân chứng vô hình, vô tướng, không sinh không diệt  này đang quan sát tất cả những gì sinh diệt đang nổi lên liên tục, thì ta có thể hiểu được thế nào là tâm chói sáng, vốn luôn luôn có mặt như mặt trời, mặt trăng. “Đôi vầng nhật nguyệt” này vẫn “rọi suốt trăm năm” nhưng do ta không khéo để mây mù của uế nhiễm che lấp nên ánh sáng của trăng trời vẫn mãi bị nhiễm uế lấp che.
“Do những uế nhiễm này làm ô nhiễm mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.” (Kinh Tăng chi, Chương IV, Bốn pháp, V. Phẩm Rohitassa)
Tâm chói sáng còn được ví như một bát nước trong, khi nhìn vào nước trong người ta có thể thấy rõ gương mặt thật của mình, hay nói cách khác là nhận ra được “bản lai diện mục” (original face) của chính mình.
“Ví như một bát nước không trộn lẫn với thuốc gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được.” (Kinh Tương ưng, Tập V, Thiên đại phẩm, Chương II, Tương ưng giác chi, VI. Phẩm Tổng nhiếp giác chi)

Nếu tạng Pali được xem là những lời dạy gần như nguyên thủy của Đức Phật thì đây là những lời kinh nói về “minh tâm kiến tánh” “bản lai diện mục”cổ xưa và rõ ràng nhất. Và hai khái niệm này được mở rộng rất sâu trong các tông phải Phật giáo phát triển về sau, với nhiều cách nói khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa như: chân tâm, tự tánh, giác tánh, phật tánh  v.v..

Bát nước trong và uế nhiễm, vàng ròng và tạp chất, mặt trăng và mây che … là những ví dụ thường được Phật sử dụng để nói về sự chói sáng của tâm vô vi và những pháp che lấp (triền cái) thuộc hữu vi đã làm mờ bản chất chói sáng đó. Đây là hai tầng của thực tại, một tuyệt đối, một tương đối.
Thực tại hai tầng, twofold reality, gồm vô vihữu vi hay vô tướnghữu tướng.  Vô tướng là hư mà thực, hư vì không thể nhận biết bằng giác quan, thực vì không có tuổi thọ nên không già không chết, không diệt không sinh. Hữu tướng là thực mà hư, thực vì có thể nhận biết bằng giác quan, hư vì có tuổi thọ nên phải chịu sự chi phối của qui luật vô thường sinh diệt.
Dù cụm từ “tâm chói sáng” cũng chỉ là một khái niệm để chỉ cho bản chất chân thật, không sinh không diệt của Tánh Biết, nhưng ánh sáng là một “ngón tay” rất tuyệt vời để dễ nắm bắt được ý nghĩa của cái tâm rỗng không, có khả năng đâm thủng vô minh này. “Ánh sáng” vốn “không có gì”, cũng giống như “hư không” hay “tịch lặng”, nên những khái niệm này có thể được dùng thay thế cho nhau để chỉ về một thực tại tuyệt đối, thường hằng, vốn nằm sẵn nơi mỗi chúng sanh như kho báu.

Hai chiều của Thực tại này  - Thực tại tuyệt đối, vô vi giới, hay thực tại tương đối, hữu vi giới – cũng đã được Phật giảng rõ ràng cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm :’Này, Ananda, có hai giới này: hữu vi giới và vô vi giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được hai giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: ‘Tỷ kheo thiện xảo về giới’. (Kinh Trung bộ 115, Kinh Đa giới). Như vậy, một người ‘khéo tu’ muốn thành tựu được pháp cao thượng chắc chắn phải có cái nhìn chính xác và toàn diện cả hai thực tại này, phân biệt đúng đâu là thực, là chân thật, đâu là hư, là không chân thật để biết cách đặt tâm đúng hướng.

Không chân, tưởng chân thật
Chân thật, thấy không chân
Chúng không đạt chân thật
Do tà tư tà hạnh
(Pháp cú 11)
Chân thật, biết chân thật
Không chân, biết không chân
Chúng đạt được chân thật
Do chánh tư, chánh hạnh
(Pháp cú 12)
    Pháp chân thật là pháp bất tử, không sinh không diệt, là cội nguồn để khởi sanh pháp sanh diệt, vốn không thật, không chân. Pháp sinh diệt là tấm thân ngũ uẩn, vốn vô thường, khổ và vô ngã, còn pháp bất tử là tâm chói sáng bất động, đang quan sát, nhận biết pháp sinh diệt ấy.

Ai sống một trăm năm
Không thấy pháp sinh diệt
Tốt hơn sống một ngày
Thấy được pháp sinh diệt
(Pháp cú 113)

Ai sống một trăm năm
Không thấy câu bất tử
Tốt hơn sống một ngày
Thấy dược câu bất tử 
(Pháp cú 114)
Nếu chiều vô biên vô lượng của vô tướng  vi tế này không được ‘thấy biết’ bằng pháp nhãn, nếu chỉ nhìn được chiều hạn lượng hữu biên của hình tướng không thôi thì bức tranh  tròn đầy hoàn hảo vốn sẵn có của thực tại sẽ không được cảm nhận đầy đủ khi tâm với nhục nhãn, nhục nhĩ, … thật giới hạn, chỉ biết hướng về những đối tượng thô thiển của giác quan. Phải chăng cách nhìn chỉ “một nửa thực tại”  chính là “phi như lý tác ý” ? là “không chơn chánh hướng tâm” ?
Không gian vô hình vô tướng không dễ để ghi nhận, nhưng khi có thể ‘cảm’ được chiều kích ‘ẩn tàng’, chìm sâu’ và ‘tĩnh lặng’ này, chúng ta sẽ có được một góc nhìn quân bình, thuần tịnh từ một nơi không có tướng. Cách nhìn này giống như cách nhìn của loài chim khi bay trên cao hay cách vận hành của vệ tinh khi quan sát thời tiết khí tượng trên trái đất. Tâm biết cách chánh niệm là tâm không trú trên bất cứ ‘tướng chung, tướng riêng’ nào khi quan sát toàn diện tiến trình sinh diệt vô thường của danh sắc hữu vi : chuyển động của thân, rung động của thọ, dao động của tâm và vận hành của pháp.

Chánh niệm an trú theo cách này là chánh niệm mang hình ảnh của mặt trời , vừa sinh động vừa bất động, vừa tỏa sáng vừa đứng yên. Đó cũng là tinh thần của câu kinh Vị ấy không nương tựa, không chấp trước bất cứ vật (tướng) gì ở trên đời’ (Kinh Tứ niệm xứ), được lập lại rất nhiều lần trong kinh Đại niệm xứ. Và khi quán pháp, hành thiền với góc nhìn khách quan không dính mắc này, tiến trình buông bỏ, nhàm chán, ly tham sẽ tự động xảy ra.
Tâm thiền quán phải là tâm mở rộng, không phải mở rộng đối tượng mà là mở rộng ‘bầu trời’ bao trùm tất cả các đối tượng đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Đây chính là  tuệ tri,  cái biết không có khái niệm chen vào để bóp méo thực tại, không bị pha tạp bởi sắc màu rối ren của vọng tưởng, hý luận. Tâm được đặt đúng theo hướng này rất dễ dàng nhận ra ‘bộ mặt thật’ của các pháp hữu vi.

Khi nói đến giây phút hiện tại  là nói đến chiều kích không-thời-gian (akaliko, timeless), vô sanh bất diệt. Thời gian quy ước chỉ gồm quá khứ và tương lai, chiều kích của ảo tưởng, có diệt có sanh. Tâm hướng về không gian, tịch lặng vô tướng mới chính là tâm hiện tại trong ý nghĩa sâu thẳm phi-thời-gian của nó.

Trên đường học pháp, người viết tâm đắc nhất với định nghĩa của Eckhart Tolle về phút giây hiện tại: “Phút giây hiện tại là không gian trong đó mọi thứ đang xảy ra(The now  is the space in which everything happens) (Sức mạnh của tĩnh lặng, chương 4, trang 61, NXB Tổng hợp, 2012); hay khi nói về quan hệ giữa nhận biết và suy nghĩ: Nhận thức là không gian mà qua đó ý nghĩ có thể xảy ra, là không gian khi không gian ấy có ý thức về chính nó” (Awareness is the space in which thoughts exist when that space has become conscious of  itself )(Thức tỉnh mục đích sống  chương 9, trang 332, NXB Trẻ, 2013)
Chữ quan trọng ở đây  là “không gian”, thuộc chiều sâu vĩnh hằng, phi-thời-gian, dung chứa “những gì đang xảy ra” thuộc hữu vi, sinh diệt, đang xuất hiện trên bề mặt.
Con đường xuôi về Niết-bàn giải thoát bao giờ cũng là hướng về hiện tại, hướng về vô tướng, hiện hữu ngoài thời gian:

          Quá khứ đã qua rồi
          Tương lai lại chưa đến
          Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây
(Kinh Trung bộ 131, Kinh Nhất dạ hiền giả )

          Pháp triển “trí tuệ trực giác”, nhận biết “cái đang là” không có khái niệm,  là mục tiêu của thiền quán. Để kinh nghiệm được cái biết không khái niệm (non-conceptualized awareness), nhận ra được những khoảng trống giữa những tư tưởng (gap/interval between thoughts)  là một cách rất hay. Chương V của sách dành cho kỹ thuật này.   

Bậc trí theo tuần tự
Từng sát na trừ dần
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình
(Pháp cú  239)
          Kinh nghiệm được những khoảng trống giữa dòng tâm thức là chúng ta đang bước vào cảnh giới của “ly ngôn”, “ly tự”.
Ước vọng pháp ly ngôn
Ý cảm xúc thượng quả
Tâm thoát ly các dục
Xứng gọi bậc Thượng lưu
(Pháp cú 218)
Và phải chăng khi Đức Phật dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” chính là khuyên chúng ta nên nhận ra được “tâm cội nguồn chói sáng” này? Hay “Hãy lấy mình làm nơi nương tựa…Hãy lấy Pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa vào bất cứ gì khác” (Kinh Trường bộ 16, Kinh Đại Bát Niết Bàn) cũng là ý như vậy, Pháp là chân lý, hãy nương tựa vào ánh sáng của chân lý đã có sẵn bên trong của mỗi chúng ta ?
Ngoài những lời vàng của Phật trong kinh tạng Pali và những bài pháp ngắn nói về  hai thực tại của một số vị thiền sư có nhiều kinh nghiệm trong cách nhìn này,  Tập sách này còn có những bài viết của chúng tôi biên soạn nói lên cách hiểu kinh Phật, nhất là kinh Tứ Niệm Xứ  bằng con mắt nông cạn của riêng mình. Do không có điều kiện để xin phép tác giả cùng dịch giả, nhưng vì lợi ích chung,  xin được quý vị  lượng thứ cho.
Trên đường về lại cội nguồn chói sáng của tâm,  người viết có những lúc ngất ngây nên “nghêu ngao” vài bài hát kỷ niệm cho chuyến hành trình, cũng đưa vào trong sách để ghi lại những phút giây cao hứng “ngứa cổ hát chơi”.
Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất là thấy được điểm chung cốt lõi trong tất cả các truyền thồng Phật giáo, cũng như gốc rễ của các truyền thống tâm linh nói chung; giống như những chiếc bánh kem, bên ngoài màu sắc khác nhau nhưng chất kem của bánh thì như một.
Cầu mong cho tất cả những ai mong muốn “thoát khỏi rừng rậm” đều cảm nhận được ánh sáng của cội nguồn tâm, sớm thấy được “nước trong trăng hiện”.
Namo Buddhya Namo Dhammaya Namo Sanghaya.
Đồng Nai, Việt Nam
15 – 01 - 2018
Minh Tuệ Đỗ Minh




CHÓI SÁNG CỘI NGUỒN TÂM (Mục lục)



MỤC LỤC
Lời nói đầu

Lời giới thiệu



I. CỘI NGUỒN TÂM CHÓI SÁNG




1. Tâm chói sáng và một số hình ảnh về cội nguồn tâm trong kinh tạng Pali



2. Bản chất đích thực của tâm (Ajahn Thate)



3. Cốt lõi thực sự của tâm (Ajahn Maha Bua)



4. Chân tâm và tâm trí (Ajahn Thate)



5. Cái biết không sinh không diệt (Ajahn Chah)



6. Tâm nguyên thủy (Ajahn Chah)



7. Tâm sáng chói và thuần khiết (Ajahn Mun)



II. HƯỚNG TÂM VỀ CỘI NGUỒN VÔ TƯỚNG: NHƯ LÝ TÁC Ý




1. Như lý tác ý trong kinh tạng Pali



2. Như lý tác ý (Minh Tuệ Đỗ Minh)



3. Tứ Niệm Xứ: Con đường về lại cội nguồn tâm (Minh Tuệ Đỗ Minh)



III. CỘI NGUỒN VÔ VI: NỀN TẢNG VÔ TƯỚNG CHO VẠN PHÁP HỮU VI SINH KHỞI




1. Pháp vô vi và pháp hữu vi (Minh Tuệ Đỗ Minh)



2. Pháp vô vi và pháp hữu vi (Ajahn Sumedho)



3. Bản chất thực sự của pháp hữu vi (Ajahn Sumedho)



4. Rỗng không – Không điểm tựa (Ajahn Chah)



5. Không gian – Ngoài sao trong vậy (Eckhart Tolle)



6. Hướng về pháp vô vi (Ajahn Chah)



7. Không gian và tĩnh mặc (Eckhart Tolle)



8. Ghi nhận không gian (Ajahn Sumedho)



9. Sự yên tĩnh và im lắng (Eckhart Tolle)



10. Lắng  nghe tiếng vô thanh trong nhạc Trịnh Công Sơn (Minh Tuệ Đỗ Minh)



11. Đi vào bầu trời trong veo (B.S.Rajneesh)



12. Trung tâm yên lặng giữa âm thanh (B.S.Rajneesh)



13. Tâm như bầu trời (Jack Kornfield)



IV.: KẾT NỐI VỚI CỘI NGUỒN BẰNG KHOẢNG TRỐNG GIỮA HAI TƯ TƯỞNG




1. Khoảng trống vô niệm (Eckhart Tolle)



2. Khoảng trống giữa hai ý nghĩ (G.Rinpoche Padmasambhava)



3. Không gian chung quanh những ý tưởng (Ajahn Sumedho)



4. Khoảng trống giữa hai tư tưởng (Krisnamurti)



5. Nhìn không gian (B.S.Rajneesh)



6. Lỗ hổng và ý nghĩ (B.S.Rajneesh)



7. Tạo ra khoảng hở bằng hơi thở (Eckhart Tolle)



8. Những câu nói hay về khoảng hở



9. Tỉnh giác im lặng (Ajahn Brahm)



V. CẢM HỨNG VỀ NGUỒN QUA 20 
    CA KHÚC




1. Đường về cõi mênh mông



2. Dạ khúc mênh mông



3. Đường chim không dấu



4. Nước trong trăng hiện



5. Em cười nắng lên



6. Dấu lặng trăng rằm



7. Mắt biếc một trời thơ



8. Ngọn nến trong đêm



9. Dạ khúc đường xưa mây trắng



10. Hạnh phúc là khi



11. Cám ơn cuộc đời



12. Bình an chốn này



13. Đâu chốn bình yên



14. Thơm nụ sen hồng



15. Con mắt bình tâm



16. Xuôi dòng về biển



17. Lời hát thiên thần



18. Gia trung hữu ngọc



19. Mây trời sóng biển



20. Rộng cánh chim bay



VI. VĂN BẢN PHÁP THOẠI TIẾNG ANH




1. The true essence of the mind (Bản chất đích thực của tâm - Ajahn Thate)



2. The true essence of the mind (Cốt lõi thực sự của tâm - Ajahn Maha Bua)



3. The heart and the mind (Chân tâm và tâm - Ajahn Thate)



4. The knowing is not born and does not die (Cái biết không sinh không diệt - Ajahn Chah)



5. The natural state of the mind (Tâm nguyên thủy - Ajahn Chah)



6. The radiant mind (Tâm sáng chói - Ajahn Mun)



7. The unconditioned and the conditioned (Pháp vô vi và pháp hữu vi - Ajahn Sumedho)



8. The true nature of conditions (Bản chất thực sự của pháp hữu vi - Ajahn Sumedho)



9. Emptiness – No abiding (Rỗng không – Không điểm tựa - Ajahn Chah)



10. Toward the unconditioned (Hướng về pháp vô vi – Ajahn Chah)



11. The space – as without so within (Không gian – Ngoài sao trong vậy - Eckhart Tolle)



12. Space and silence (Không gian và tĩnh mặc - Eckhart Tolle)



13. Noticing the space (Ghi nhận không gian - Ajahn Sumedho)



14. Silence and stillness (Sự yên tĩnh và im lắng - Eckhart Tolle)



15. Enter the clear sky (Đi vào bầu trời trong veo - B.S.Rajneesh)



16. The center of sound (Trung tâm yên lặng giữa âm thanh - B.S.Rajneesh)



17. Mind is like sky (Tâm như bầu trời - Jack Kornfield)



18. The no-mind gap (Khoảng trống vô niệm - Eckhart Tolle)



20. The space around thoughts (Không gian chung quanh những ý tưởng - Ajahn Sumedho)



21. The interval between thoughts (Khoảng trống giữa hai tư tưởng - Krisnamurti)



22. Look in the sky (Nhìn không gian - B.S.Rajneesh)



23. 19. The gap between thoughts (Lỗ hổng và ý nghĩ - B.S.Rajneesh)



24. Creating gaps with the breath (Tạo ra khoảng hở bằng hơi thở - Eckhart Tolle)



25. Silent awareness (Tỉnh giác im lặng - Ajahn Brahm)