Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

TRỐNG RỖNG

Trống rỗng

Thầy có biết tôi là ai không?



Không thưa ngài, chẳng biết chút nào. Bởi vì bạn không hiện hữu. Bạn là cái trống rỗng - anatta. Trên bề mặt bạn có thể là ai đó, nhưng tôi không quan tâm tới bề mặt của bạn. Trong cốt lõi sâu nhất, bạn đơn giản là không ai cả, thậm chí không là không ai cả - mà là sự không ai cả. Làm sao tôi có thể biết bạn được?

Và đó là cái đẹp, bởi vì nếu tôi có thể biết được bạn thì tôi đã xác định ra bạn, tôi đã làm cho bạn bị giới hạn bởi tri thức của tôi. Nếu bạn có thể được biết, thì ngay lập tức bạn trở thành một vật, bạn không còn là tâm thức nữa. Nếu bạn có thể được biết thì bạn không thể là vô hạn được. Làm sao tôi có thể biết được bạn? Ngay cả bản thân bạn cũng không thể biết được. Không tồn tại cái gì giống như việc biết về cái ngã. Khi bạn đi tới nhận ra nó, nó là việc biết về vô ngã. Khi bạn đi tới lắng đọng với nó, bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết rằng người biết và cái được biết đã biến mất - chỉ có cái trống rỗng, không gian bao la, vô thuỷ, vô chung - cái vô hạn. Đó là điều bạn thực sự là gì - làm sao điều đó có thể được biết?

Không có khả năng nào cho tri thức. Và cũng tốt là bạn không thể được biết, bằng không thì khoa học sẽ biết bạn, và một khi bị biết tới thì bạn là một vật, một thứ đồ. Thế thì bí ẩn bị mất. Đó là lí do tại sao tôi cứ nói đi nói lại rằng khoa học sẽ không bao giờ có khả năng biết được cốt lõi bên trong nhất của hiện hữu, bởi vì cốt lõi bên trong nhất là không hiện hữu. Bạn chỉ giống như củ hành - cứ bóc mãi các tầng ra. Cứ bóc mãi các lớp vỏ ra, lớp vỏ mới tới, lớp nọ tiếp lớp kia, lớp nọ tiếp lớp kia, và thế rồi bỗng nhiên toàn bộ củ hành đi tiêu: cái trống rỗng trong tay. Đó là bạn.

Nhưng cái trống rỗng này là không tiêu cực, cho nên đừng hiểu lầm tôi. Chính từ "cái trống rỗng" có vẻ như thiếu vắng cái gì đó. Không, nó không phải vậy. Nó là sự hiện diện của cái gì đó vô hạn. Nó không phải là thiếu vắng, nó không phải là tiêu cực, nó không giống như bóng tối; nó là hiện tượng tích cực. Bạn là cái vô ngã. Cái tích cực này phải được ghi nhớ bởi vì từ "trống rỗng" có thể cho bạn khái niệm sai về nó, bạn có thể nghĩ nó là sự trống rỗng đơn giản. Tôi không nói có sự thiếu vắng cái gì đó - không. Nó là tính trống rỗng, nó là chính cái trống rỗng, nó là bản thân cái trống rỗng. Cái trống rỗng được dùng như một từ tích cực; khi nó là tích cực thì nó hoàn toàn khác.

Bạn đã biết cái trống rỗng chỉ theo cách tiêu cực. Bạn đi vào trong phòng, không có đồ đạc và bạn nói căn phòng trống rỗng, không có gì. Bạn đi ra và nếu tôi hỏi bạn, bạn thấy gì trong phòng, thì bạn sẽ nói nó là trống rỗng - không đồ đạc, không tranh ảnh trên tường, chẳng có gì - rỗng tuếch. Bạn đã đi vào trong phòng nhưng bạn đã chỉ thấy phần tiêu cực. Căn phòng đầy sự rộng rãi, căn phòng có nghĩa là không gian. Cái gì đó có thể được đem vào bởi vì có chỗ, có sự trống rỗng. Đồ đạc có thể được đem vào - có không gian. Bạn đã không thấy nó theo cách đó. Bằng không thì bạn sẽ tới và bảo tôi rằng căn phòng là đầy; không có cái gì, chỉ cái trống rỗng là tồn tại, căn phòng sẵn sàng đón nhận bất kì cái gì - nó có không gian. Thế thì bạn đã nhìn vào cái trống rỗng tích cực.

Nhìn lên bầu trời. Bầu trời là cái trống rỗng tích cực khi không có mây. Nếu bạn nhìn lên trời như việc thiếu vắng mây thế thì bạn đang nhìn vào nó từ quan điểm tiêu cực. Nếu bạn nhìn nó như sự hiện diện của không gian, của cái trống rỗng mầu xanh, và từ cái trống rỗng mầu xanh đó mọi thứ đã nảy sinh, thế thì nó không thể nào tiêu cực được. Nó là cái tích cực nhất trên thế giới này, chính nền tảng của sự hiện hữu. Mọi thứ đều tới từ nó và mọi thứ dần dần đi lại vào trong nó. Bạn được sinh ra từ nó và bạn sẽ chết đi trong nó.

Làm sao tôi có thể biết bạn được? Tri thức sẽ trở thành định nghĩa còn bạn là không thể định nghĩa được. Không tôi không biết bạn. Tôi không biết bản thân mình.
Tôi muốn kể cho bạn một giai thoại. Chuyện xảy ra, và tôi thích nó, và tôi đã kể nó biết bao nhiêu lần, nhưng bất kì khi nào tôi nhớ tới nó thì nó mới mẻ thế và tươi tắn thế.

Bồ đề đạt ma tới Trung quốc - con người đem sự trống rỗng của Phật trong tay mình. Bồ đề đạt ma mang tinh hoa Phật giáo sang Trung quốc, để cho hiện tượng vĩ đại nhất xảy ra tại đó. Bởi qua Bồ đề đạt ma, toàn bộ quan điểm của Lão Tử - cách sống của Lão Tử - và chứng ngộ của Phật đã gặp gỡ, và một trong những điều đẹp đẽ nhất đã được sinh ra. Không có gì giống điều đó tồn tại ở bất kì đâu trên thế giới - đó là Thiền. Thiền là sự gặp gỡ, sự đan chéo giữa Phật và Lão Tử. Bồ đề đạt ma là bà đỡ, người mang hạt mầm tới bụng mẹ của Lão Tử.

Khi ông ấy tới Trung Quốc, ông ấy đã là một nhà huyền môn rất nổi tiếng, tên tuổi ông ấy đã vang lừng khắp phương Đông. Khi ông ấy tới Trung Quốc, đích thân hoàng đế ra đón ông ấy tại biên giới. Hoàng đế hỏi vài câu hỏi. Hoàng đế hỏi, "Ta đã làm nhiều chùa chiền Phật giáo - cả nghìn chùa. Ta có được công đức nào không? "

Nếu như hoàng đế nói cũng điều đó cho bất kì sư Phật giáo bình thường nào khác, người đó sẽ đáp lại, "Tâu hoàng thượng, bệ hạ đã được công đức vô lượng - cõi trời của bệ hạ là tuyệt đối chắc chắn, đảm bảo." Nhưng hoàng đế đã hỏi sai người. Bồ đề đạt ma nói, "Công đức sao? Chẳng có gì cả! Ngược lại, ông tích luỹ nhiều tội đấy."
Hoàng đế sửng sốt, ông ta không thể nào tin nổi vào điều đó. Ông ta nói, "Sao vậy? Ông nói cái gì vậy? Ta đã làm nhiều chùa chiền Phật. Ta đã cho ấn tống và phân phát lời của Phật cho hàng triệu người. Mọi ngày ta đều nuôi hàng nghìn sư Phật giáo và ông nói ta tích luỹ tội sao? Ông muốn nói gì?"

Bồ đề đạt ma nói, "Chính ý tưởng là ông đã tích luỹ công đức là tội lỗi, nó chính là bản ngã. Địa ngục của ông là chắc chắn, thưa hoàng thượng. Ông sẽ sa xuống tầng thứ bẩy địa ngục - tầng thứ nhất thì chưa thấu."
Hoàng đế không thể nào tin được vào điều đó. Ông ta cảm thấy chút ít giận dữ nữa. Và ông ta nói, "Ta có một câu hỏi để hỏi đây. Bên trong ta là cái gì? Ta là cái gì?" - cùng câu hỏi mà bạn đã hỏi: "Thầy có biết tôi là ai không?"
Bồ đề đạt ma nói, "Sự trống rỗng bao la, cái không."
Bây giờ hoàng đế mới thực sự giận dữ. Trong cơn giận ông ta hỏi Bồ đề đạt ma, "Thế thì ông là ai? Ai đang đứng trước ta đây?"
Bồ đề đạt ma nói, "Ta không biết, thưa bệ hạ."

Tôi không biết. Làm sao bạn có thể biết được cái trống rỗng? Bạn có thể là nó, nhưng bạn không thể biết nó. Việc biết nghĩa là bạn tách biệt khỏi nó, việc biết cần khoảng cách. Làm sao bạn có thể biết tới bản thân mình? Nếu bạn biết thế thì bạn bị phân chia thành hai, người biết và cái được biết. Và tất nhiên cái được biết không bao giờ có thể là bạn được, chỉ người biết, cho nên bất kì cái gì bạn biết cũng không bao giờ là bản thân bạn, người biết. Và người biết là không thể rút gọn được, nó không thể được làm thành cái được biết. Làm sao bạn có thể đặt bản thân mình ra trước bản thân mình được? Bạn không thể làm được, điều đó là không thể được. Và nếu bạn có thể làm được thế thì nó là cái gì đó khác ở trước bạn, không phải là bạn. Bạn bao giờ cũng ở sau - người biết. Bao giờ cũng là người biết, chưa bao giờ là cái được biết.

Tôi không biết bản thân mình... và đây là việc biết về cái ta. Nó có vẻ mâu thuẫn, nghịch lí, nhưng đây là cách nó hiện hữu. Chẳng điều gì có thể được làm về nó cả, đây là bản chất của mọi vật. Đó là lí do tại sao người biết về cái ta sẽ không bao giờ công bố rằng mình biết. Bởi vì ai sẽ công bố? Người đó trở nên giống như người dốt nát. Người đó nói, "Tôi chỉ biết rằng tôi không biết."

Đi vào nội tâm đi. Một ngày nào đó bạn sẽ đi tới cái trống rỗng này, cái trục của bánh xe. Cái trục là trống rỗng nhưng nó giữ cho cả bánh xe trong nó; cái trục là trống rỗng nhưng không có trục thì bánh xe sẽ biến mất, nó sẽ tan thành từng mảnh. Bạn chỉ biết mỗi bánh xe - đó là cá tính của bạn cho tới nay, nama-rupa của bạn, danh sắc của bạn; cái bánh xe của bạn mà bạn đã biết. Bạn càng đi vào sâu bên trong thì một ngày nào đó bạn sẽ đi tới cái trục: đó là anatta, vô ngã, cái trống rỗng. Nhưng nhớ: nó không là tiêu cực theo nghĩa trống rỗng cái gì đó. Nó là bản thân cái trống rỗng. Nó là cái tích cực nhất trong sự tồn tại. Nó là bản thân sự tồn tại. Người Hindus đã gọi nó là sat-chit-anand: sat - đó là sự hiện hữu; chit - đó là nhận biết; anand - đó là phúc lạc. Nhớ lấy, nó không là hạnh phúc; bằng không thì nó sẽ không trống rỗng. Nó là phúc lạc, không hạnh phúc. Bạn sẽ không được tràn đầy với phúc lạc, bạn sẽ bất ngờ thấy mình là phúc lạc.

Trống rỗng có bản chất của phúc lạc, có bản chất của sự tồn tại, có bản chất của tâm thức. Không phải là tâm thức rót đầy nó: nó không giống như ngọn đèn cháy sáng trong phòng cho nên ánh sáng rót đầy căn phòng. Bạn có thể tắt đèn đi và ánh sáng ra đi; bạn không thể tắt tâm thức đi được. Nó là chính bản chất của cái trống rỗng bên trong đó - không phải là nó rót đầy cái trống rỗng. Bạn không thể phá huỷ được nó. Làm sao bạn có thể phá huỷ được cái trống rỗng? Bạn có thể phá huỷ mọi thứ trên thế giới; bạn không thể phá huỷ được cái trống rỗng. Đó là lí do tại sao bạn không thể bị sát hại, bạn không thể bị giết. Không có khả năng nào, bởi vì bạn không hiện hữu. Lưỡi kiếm có thể giết chết bánh xe, nhưng cái trục thì sao? - cái trục sẽ vẫn còn không bị động tới. Nó không thể bị phá huỷ; nó không có đó ngay chỗ đầu tiên.

Sự hiện hữu là bản chất của cái trống rỗng bên trong; tâm thức là bản chất của cái trống rỗng bên trong; phúc lạc là bản chất của cái trống rỗng bên trong. Đó là nỗi sợ mà mọi người cảm thấy khi họ đi vào trong thiền. Khi họ đi vào trong thiền họ trở nên sợ hãi, họ bắt đầu run rẩy. Run rẩy bên trong sâu sắc nảy sinh. Lo lắng và phiền não sâu sắc nảy sinh. Tại sao nó phải như thế? Bạn đang đi tới gần trạng thái sung sướng hơn, gần tới tâm thức tỉnh táo, nhận biết hơn, gần với sự tồn tại hơn. Tại sao bạn kinh hoàng đến chết? Bạn kinh hoàng bởi vì bạn không biết cách để là trống rỗng. Bạn chỉ biết cách được rót đầy, bạn không biết cách để là trống rỗng. Bạn không biết cách chết, cách làm chết đi cá tính, cách để vẫn còn trong sự trống rỗng bên trong. Bạn không biết. Khi bạn đi vào nội tâm và ý nghĩ bắt đầu rơi rụng khỏi bạn, bỗng nhiên nỗi sợ nắm quyền sở hữu. Bạn đang đi đâu? Bạn cảm thấy mình đang biến mất, bạn cảm thấy giống như mình đang chết. Một loại không tồn tại nắm lấy bạn - cứ dường như bạn đang đứng cạnh vực thẳm và bạn nhìn xuống và nó không đáy. Và bạn bắt đầu run rẩy, mồ hôi túa ra từ mọi lỗ chân lông trên thân thể. Bạn đang đương đầu với cái chết.

Nếu bạn chạy trốn từ điểm này, bạn sẽ không bao giờ có khả năng thiền nữa. Do đó thầy là cần tới. Khi bạn bắt đầu thấy sợ, thầy có thể khuyên nhủ bạn đừng sợ, thầy có thể giúp bạn: "Nhìn vào ta đây. Ta đã trải qua điều này vậy mà ta vẫn đây. Ta đã trở thành cái trống rỗng vậy mà ta vẫn đây." Ai đó được cần tới để bạn có thể nhìn vào người đó, nhìn vào mắt người đó bạn có thể có thoáng nhìn về cùng cái trống rỗng mà bạn đang tới bên trong chính mình. Và vậy mà bạn có thể thấy rằng người đó vẫn hiện hữu, và người đó là toàn bộ và tuyệt đối. Cho nên đừng sợ. Sự hiện hữu của người đó cho bạn dũng cảm, sự hiện diện của người đó cho bạn dũng cảm. Trong thực tế thầy không làm gì cả. Thầy là tác nhân xúc tác, chỉ sự hiện diện của thầy là đủ. Một khi bạn rơi vào trong cái trống rỗng đó thì bạn sẽ bắt đầu cười và bạn sẽ nói, "Không có cái chết. Mình đã sợ hãi không cần thiết, cái sợ vô căn cứ." Trải qua cái chết bạn trở thành bất tử.

Nhiều nhất điều này tôi có thể nói với bạn: bạn là vô ngã. Trở thành vô ngã đi. Và vô ngã không là trống rỗng theo bất kì nghĩa tiêu cực nào, nó là cái tích cực lớn lao nhất.


Osho - Đạo: Ba Kho Báu - Tập 1 - Chương 4.

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

BẢN CHẤT CHÂN THẬT CỦA BẠN

BẢN CHẤT CHÂN THẬT CỦA BẠN
Eckhart Tolle


Ở cấp độ sâu xa nhất, bạn chính là Phút Giây Hiện Tại, hai điều này không thể phân cách nhau.

§

Có nhiều thứ trong cuộc đời bạn rất quan trọng, nhưng chỉ có một thứ quan trọng một cách tuyệt đối.

Bạn thành công hay thất bại trong cuộc đời là một điều quan trọng. Bạn khoẻ mạnh hay ốm đau cũng là một điều quan trọng, có học thức hay không học thức; bạn giàu hay nghèo là một điều quan trọng – điều này chắc chắn giúp bạn thay đổi cuộc đời mình. Vâng, tất cả những điều ta vừa nêu ra ở trên đều quan trọng, trong cách nhìn tương đối, nhưng những thứ đó không có tầm quan trọng một cách tuyệt đối.
Nhưng có một thứ quan trọng hơn hết: đó là tìm cho ra được bản chất chân thực của chính bạn, vượt lên trên thân phận bọt bèo ngắn ngủi của một kiếp người, vượt lên trên cảm nhận về tự thân như một cá thể biệt lập, đợi ngày chết.
Bạn tìm ra được niềm an bình không phải nhờ vun tém, xếp đặt lại những tình huống trong đời sống của bạn, nhưng bằng nhận thức được bản chất chân thực của mình ở một cấp độ sâu xa nhất.


§

Tái sinh sang một kiếp khác cũng không giúp được gì cho bạn, nếu trong đời kiếp tới, bạn vẫn không biết bản chất chân thật của mình là gì!



§

Tất cả những khổ đau trên hành tinh này đều phát sinh từ một cảm nhận rất sai lầm rằng “có một cái Tôi, một cá thể biệt lập với người khác và với thế giới chung quanh”. Cách nhìn này che lấp đi bản chất chân thật của chính bạn. Khi bạn không còn nhận ra được bản chất cao quý ở trong mình, thì bất kỳ điều gì bạn làm, cuối cùng cũng sẽ tạo thêm khổ đau, cho chính mình và cho kẻ khác. Chỉ đơn thuần như thế! Khi bạn không nhận thức được bản chất chân thực của bạn là ai, bạn sẽ cố tạo cho mình một cá tính, một nhân cách(1) do sự sáng tạo vô vọng của trí năng để thay thế cho con người thần thánh, chân thật, sáng chói, tuyệt vời vẫn luôn sẵn có ở trong mình. Từ đó bạn chỉ còn biết bám víu vào cái bản ngã nhỏ bé, đầy sợ hãi và tội nghiệp ở trong đầu bạn.

Lúc đó, bảo vệ và chăm sóc cho cái Tôi nhỏ bé, giả tạo đó sẽ trở thành một động lực thúc đẩy phía sau tất cả những việc bạn làm.


§

Tự thân cấu trúc của ngôn từ đã cho thấy rằng con người không thực sự nhận thức được bản chất chân thực của chính mình. Cách nói quen thuộc: “Cuộc đời của tôi/anh ấy/cô ấy” khiến chúng ta dễ hiểu lầm rằng sự sống là một cái gì mà bạn, hay một ai đó, có thể sở hữu hay đánh mất. Sự thật là bạn không thể có một đời sống riêng lẻ, nhỏ bé; vì bạn chính là Sự Sống thênh thang. Một Sự Sống Duy Nhất từ xưa đến nay, trong giây phút này đang biểu hiện ở khắp mọi nơi trong vũ trụ, chưa bao giờ từng sinh, chưa bao giờ từng diệt. Bạn chính là khả năng nhận biết, đang bàng bạc khắp cả vũ trụ, và tạm thời biểu hiện qua hình tướng, để kinh nghiệm tự thân của chính mình qua một viên sỏi, cọng cỏ, con thú hay một con người, một ngôi sao, một thiên hà…

Bạn có thể cảm nhận sâu lắng ở bên trong rằng bạn thực đã biết rõ điều này? Bạn có thể cảm nhận rằng mình thực đã là Cái Đó?


§

Đa số mọi chuyện trên cuộc đời đều cần có thời gian để hoàn tất: học một kỹ thuật mới, xây một căn nhà, trở thành một chuyên gia, pha một tách trà,… Nhưng thời gian là điều không cần thiết cho một chuyện chủ yếu, chuyện quan trọng nhất trong đời sống: Đó là nhận thức được bản chất chân thật bạn là ai, đó là nhận thức được cái chân thật nhất, vượt lên trên nhân cách bề ngoài của mình, vượt lên trên tên họ của mình, hình dáng, thể chất, tiểu sử về chính mình,…

Bạn không thể tìm ra được mình trong quá khứ hoặc tương lai. Nơi duy nhất mà bạn có thể tìm ra được chính mình là trong Phút Giây Hiện Tại.
Những người đang dấn thân vào con đường tâm linh, đi tìm giác ngộ ở một tiêu điểm ở tương lai – là một người dấn thân, điều này ám chỉ rằng bạn rất cần đến tương lai. Nếu đây là điều bạn tin chắc thì điều đó sẽ xảy ra đúng như bạn nghĩ: bạn sẽ cần thời gian cho đến khi bạn nhận ra rằng bạn không cần thời gian để nhận ra bản chất chân thực của mình.


§

Khi bạn nhìn vào một thân cây, bạn có ý thức về thân cây. Khi bạn có một ý nghĩ hay một cảm xúc, bạn có ý thức về ý nghĩ hay cảm xúc đó. Khi bạn có một kinh nghiệm khóai lạc hay đớn đau, bạn có ý thức về kinh nghiệm đó.

Những mệnh đề này thoạt nghe có vẻ hợp lý và hiển nhiên, nhưng khi bạn nhìn kỹ lại, bạn sẽ nhận ra rằng trong tự thân cấu trúc của ngôn ngữ đã chứa đựng một ảo tưởng, một ảo tưởng không thể tránh được khi ta sử dụng ngôn từ. Ý nghĩ và ngôn từ tạo ra một đối cực nhị nguyên, một cá thể biệt lập cảm nhận một đối tượng: một thân cây, một ý nghĩ, một cảm xúc, mà trong thực tế không thể có. Sự thực là: Bạn không phải là một con người có ý thức về một thân cây, một ý nghĩ, một cảm xúc hay một kinh nghiệm. Mà bạn chính là ý thức hay sự nhận biết, trong đó tất cả những thứ đó được biểu hiện.
Trong đời sống hằng ngày, bạn có thể thực tập để nhận thức chính mình như là một trường nhận thức trong đó toàn thể những tình huống trong đời sống của bạn được phơi bày?


§

Khi bạn nói: “Tôi muốn hiểu thêm về mình”. Bạn chính là chủ thể “Tôi”. Bạn chính là Cái Biết. Bạn chính là Tâm(2) qua đó mọi vật được nhận ra. Và cái đó không thể biết về nó; vì nó đã chính thực là nó rồi.

Không còn điều gì đáng biết hơn điều này, vì từ cái Tâm đó mọi hiểu biết được phát sinh. Chủ thể “Tôi” không thể tự biết nó thành một đối tượng của tri thức, của Tâm.
Do đó bạn không thể trở thành một đối tượng cho chính mình. Đó chính là cái lý do ảo tưởng về bản ngã ở trong bạn được phát sinh – vì trong đầu bạn, bạn vô tình xem mình là một đối tượng. Cho nên bạn mới nói “Nhìn kìa, Tôi đó”(3). Rồi bạn tự tạo ra một quan hệ với chính mình, và rao truyền với mọi người và với chính bạn huyền thọai về mình.


§

Bằng nhận thức sâu sắc rằng bạn chính là ý thức, là sự nhận biết trong đó mọi hiện tượng trong đời sống được phát sinh, thì bạn sẽ thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào mọi hiện tượng của đời sống và thoát ra khỏi nỗ lực đi tìm một nhân cách cho chính mình qua những tình huống sống, nơi chốn và hoàn cảnh sống của bạn. Nói một cách khác: Những gì xảy ra, hay không xảy ra, không còn quan trọng đối với bạn. Mọi chuyện sẽ bớt đi sự nặng nề và nghiêm túc. Có một cảm giác thư thái, vui tươi trong những việc bạn làm. Bạn bỗng nhận ra rằng: thế giới này như là một cuộc khiêu vũ của vũ trụ, một cuộc khiêu vũ của muôn vàn những hình tướng – không hơn không kém.



§

Khi bạn nhận biết bản chất chân thực của mình, bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác an bình sống động, và không hề bị gián đoạn. Bạn có thể gọi đó là niềm vui, vì đó chính thực là cảm giác sống động của niềm an bình. Đó là niềm vui của một con người nhận thức được rằng mình chính là tinh hoa của sự sống, trước khi sự sống ấy trở thành hữu hình. Đó là niềm vui của an nhiên tự tại – an nhiên tự tại vì đã biết được bản chất chân thực của mình.



§

Cũng như nước, có khi được biểu hiện dưới thể rắn, thể lỏng, thể hơi, Tâm cũng có thể được biểu hiện dưới dạng “đông đặc” khi trở thành vật chất, trở thành những sinh vật…; hoặc ở “thể lỏng” khi biểu hiện ra dưới dạng những ý nghĩ, tâm tư; hay không biểu hiện ra, không mang hình tướng gì cả, khi Tâm ở trong trạng thái thuần khiết, tinh chất của nó.

Trạng thái thuần khiết của Tâm: Tâm chính là Sự Sống trước khi nó được biểu hiện thành hình tướng, và Tâm kinh nghiệm thế giới qua “đôi mắt” của bạn vì bạn chính là Tâm. Khi bạn nhận thức rằng mình chính là cái Tâm đó, thì bạn sẽ nhận ra mình trong tất cả. Đó là một trạng thái ý thức tỉnh táo, hoàn toàn sáng tỏ. Lúc đó bạn sẽ không còn là một thực thể nhỏ bé với một quá khứ nặng nề, kinh nghiệm và diễn dịch đời sống qua một tấm màn giới hạn của khái niệm, với một quá khứ đầy thương tích.
Khi bạn cảm nhận, mà không đi qua quá trình diễn dịch của trí năng ở bên trong, thì lúc đó bạn mới có thể cảm nhận được cái phần sáng suốt ở trong bạn đang ý thức và cảm nhận những gì bạn đang cảm nhận. Điều mà chúng ta có thể diễn tả qua ngôn từ là có một chiều không gian rất yên tĩnh nhưng tràn đầy sự tỉnh táo và cảnh giác ở trong bạn, trong đó, những suy tư và khái niệm của bạn được hình thành.
Qua “bạn”, cái Tâm vô hình tướng(4) ấy đã tự ý thức được chính nó.


§


Đa số mọi người ai cũng bị chi phối bởi lòng tham đắm và sợ hãi.
Lòng tham đắm(5) là nhu yếu để thâu gặt thêm một cái gì đó cho chính mình để cho mình cảm thấy toàn vẹn hơn. Sợ hãi(6)là sợ đánh mất một thứ gì, từ đó tự cảm thấy mình trở nên mất giá trị hoặc thiếu thốn.
Cả hai thái cực này đều che mờ một sự thực là: an nhiên tự tại, là một thứ bạn không thể thâu tóm hoặc đánh mất được(7). Vì an nhiên tự tại, trong trạng thái toàn vẹn nhất, đang hiện diện ở trong bạn, ngay trong giây phút này.

 Chú thích:


(1) Tạo cho mình một cá tính, một nhân cách: Có những điều chúng ta làm được lặp đi lặp lại nhiều lần nên lâu ngày đã trở thành một thói quen ở trong ta. Ngay cả những thói quen như hút thuốc, uống rượu, nói phét, bài bạc… là những thói quen không hữu ích gì cho chúng ta, chúng ta vẫn không muốn từ bỏ, có thể vì yếu đuối hoặc khi bạn nghĩ đến chuyện bỏ đi những thói quen này thì bạn sợ phải đối diện với câu hỏi “Tôi thực sự là cái gì?” cho nên trong vô thức, bạn cố bám vào những thói quen này để tạo cho mình một cá tính, một nhân cách, dù đó là cá tính hay nhân cách rất tiêu cực.

(2) Tâm: Khả năng nhận biết, không hình tướng ở trong ta. Đây là bản chất chân thật của mình.
(3) Nhìn kìa, Tôi đó: Đó là khi bạn chỉ vào một công xưởng, một cao ốc, một chiếc xe hơi lộng lẫy,… và nói với người đối diện rằng bạn là người sở hữu những tài sản này. Hoặc khi bạn khoe với người khác về chức vụ, những điều bạn đã thành công,… trong đời. Tất cả đều là một nỗ lực để xác định rằng có một “cái Tôi” hiện hữu.
(4) Cái Tâm vô hình tướng: Khả năng nhận biết, bản chất chân thật của bạn.
(5) Lòng tham đắm: Vì cảm nhận sai lầm rằng có một “Cái Tôi biệt lập với người khác và thế giới chung quanh”, nhận thức này làm phát sinh trong ta một khoảng trống cô đơn ở trong tâm hồn. Nhưng vì không ý thức được cảm giác hụt hẫng, cô đơn này nên chúng ta dễ rơi vào cạm bẫy của sự tham đắm qua chuyện thèm khát chung đụng xác thịt, nghiện ngập rượu chè, ma túy, bài bạc,… để lấp đầy khoảng trống, cảm giác cô đơn này. Nhu yếu tích luỹ của cải, tiền bạc cũng là để bảo đảm một tương lai cho “cái Tôi” này.
(6) Sợ hãi: Tương tự như thế, vì nghĩ rằng bạn có một “Cái Tôi biệt lập với người khác và thế giới chung quanh” nên bạn đâm ra sợ chết, sợ bệnh tật, sợ đánh mất tiếng tăm, đánh mất tài sản… của mình.
(7) An nhiên tự tại là thứ bạn không thể thâu tóm hoặc đánh mất được: Vì an nhiên tự tại chính là bản chất chân thực của bạn, là một cái gì bạn đã luôn sẵn có ở bên trong, nên bạn không thể thâu tóm hoặc đánh mất như là một vật gì ở bên ngoài bạn như tiền bạc, tài sản, địa vị xã hội…

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

NHÌN MÀ KHÔNG NHÌN

NHÌN MÀ KHÔNG NHÌN



(Osho - The root problem)

Nhận ra tánh không khi chăm chú về không gian yên lặng. Điều này chính là phương pháp thiền tuyệt vời: “Nhìn không gian, nhìn bầu trời mà không nhìn gì cả. Nhìn với cặp mắt trống không” Nhìn mà không tìm kiếm. Đơn giản chỉ là cái nhìn trống rỗng.

Nhìn bầu trời mà không tìm kiếm bất cứ gì. Khi tìm kiếm cái gì đó, một vầng mây sẽ xuất hiện không thể tránh; “Cái gì” nghĩa là một vầng mây. “Không có gì” là cái rỗng không rộng lớn của bầu trời xanh.

Đừng tìm kiếm bất cứ vật thể nào. Nếu tìm kiếm một đối tượng, cái nhìn sẽ tạo đối tượng như một vầng mây, bạn nhìn và bám chặt vào nó.

Đừng nhìn những vầng mây, kể cả khi có những vầng mây. Đừng dùng cái nhìn bám vào chúng. Chỉ đơn giản nhìn, hãy để tất cả trôi qua. Vì nó chỉ hiện diện trong thoáng chốc (vô thường).

Đột nhiên, giây phút nào đó, khi cách nhìn mới đã được điều chỉnh với “Cái nhìn không nhìn” Những vầng mây biến mất chỉ còn lại bầu trời bao la. Thật khó khăn vì đôi mắt bạn đã quen tập trung vào một đối tượng, quen hướng vào vật thể.

Đây là một trong những kỹ thuật thiền độc đáo: Chúng ta nhận thấy tánh không;  khi nhìn xuyên suốt không gian. Thế nên đừng tìm kiếm cái gì để thấy, cứ thản nhiên nhìn. Những ngày đầu, bạn thấy cái gì đó. Đơn giản chỉ do thói quen. Chúng ta nghe, thấy, hiểu sự việc tất cả đều do thói quen.

Ban đầu, bạn không thành công và cứ lãng quên. Bạn không có khả năng liên tục nhớ, nhưng đừng thất vọng. Điều này tất nhiên do quán tính dài lâu. Mỗi khi nhớ lại hãy ngưng tập trung đôi mắt vào vật thể, thư giản và đơn giản nhìn bầu trời. Hãy đơn giản nhìn mà không làm gì cả. Chắc chắn đến một lúc nào đó, bạn có thể nhìn bầu trời mà không cần cố gắng bất cứ một hơi sức nào.

Sau đó, hãy thử nhìn bầu trời bên trong. Với tâm thức, chúng ta quan sát bầu trời tâm thức... Bạn nhắm mắt và nhìn vào bên trong, trong trạng thái không tìm kiếm bất cứ thứ gì. Đơn giản giữ cái nhìn vắng bặt đối tượng (suy nghĩ).

Những tư tưởng đi qua, không cần tìm kiếm hay lưu tâm. Không cần để ý - bạn chỉ thản nhiên nhìn. Chúng đến, tốt; không đến cũng tốt. Chẳng gì phiền toái. Như vậy bạn sẽ có khả năng nhìn những khoảng cách: Một tư tưởng đi qua, một tư tưởng khác đến - và ở giữa là khoảng lặng. Thế là từ từ, bạn có khả năng nhìn với tư tưởng trong suốt. Khi tư tưởng đi qua, bạn vẫn nhìn vào khoảng lặng. Có nghĩa vẫn tiếp tục nhìn bầu trời ẩn núp sau những vầng mây.

Khi cách nhìn này đã được điều chỉnh, tư tưởng càng không thể tồn tại. Chúng ít dần, ít dần. Khoảng lặng ngày càng rộng hơn. Những giây phút trọn vẹn trôi qua không còn những ý tưởng.

Tất cả đều yên lặng và bên trong bạn hòa điệu lần đầu tiên với tổng thể. Tất cả hoàn toàn phúc lạc, không dao động. Và nếu cái nhìn này trở thành tự nhiên với bạn thì nó sẽ là một trong những điều tuyệt vời nhất của sự vận hành.

Bạn chỉ cần không tập trung vào một điểm. Có nghĩa cắt hết những điều kiện tạo thành sự chú tâm vào một điểm. Như thế, tất cả phân biệt tự hủy diệt và tan biến. Vậy, không có gì thiện ác hay  xấu đẹp. Thế là trạng thái Phật được đạt đến.

Trạng thái Phật có nghĩa đạt đến trạng thái tỉnh thức cao nhất không còn phân biệt. Mọi chia chẻ không còn hiện diện. Sự thống nhất hiện hữu duy chỉ cái một còn giữ lại. Cũng không thể nói là một vì nói thế có nghĩa còn thuộc về tính nhị nguyên.

Cái một giữ lại nhưng không thể nói một. Vì làm sao có thể nói một khi hai được thành hình tự bên trong? Không, đừng nói chỉ còn một ở lại. Hãy đơn giản nói hai đã biến mất. Cái hằng sa đã biến mất. Bây giờ chỉ là cái bao la không biên giới (bất nhị).

Một thân cây tự hòa vào thân khác, đất được hòa tan vào những thân cây, thân cây được hòa tan trong bầu trời, bầu trời hòa tan trong cái vượt khỏi tư lương. Bạn, bạn được hòa vào tôi và tôi được hòa vào bạn... Tất cả hòa tan vào nhau.

Những dị biệt đã biến đi, tất cả tuôn chảy, hòa trộn vào nhau như những ngọn sóng tan hòa vào lượn sóng khác. Cái bao la rung chuyển, sống động không biên giới, không định danh, không thích nghĩa, và không đồng dị.

Nhà hiền triêt hòa vào lão ngư phủ. Lão ngư phủ hòa vào nhà hiền triết... Cái thiện ác biến thành trung tính. Đêm là ngày ngày cũng là đêm vì chỉ là đơn vị thời gian trong tổng thể.

Duy chỉ giây phút này trạng thái Phật được đạt đến. Thiện, ác, tội lỗi hay đức hạnh không còn hiện hữu. Không bóng tối cũng chẳng đêm thâu. Không gì cả. không còn định danh phân biệt. Vì tất cả đều trong trạng thái trung tính.

Những khác biệt hiện hữu từ đôi mắt bạn hình thành. Sự khác biệt là sự việc được huân tập. Sự khác biệt không có chỗ trong hiện hữu. Sự khác biệt do tri thức phóng chiếu. Sự khác biệt do bạn cho nó thâm nhập vào cuộc sống; vì nó không thể tự hiện hữu.

Đây là mẹo vặt phát sinh từ cái nhìn của mắt. Có nghĩa đôi mắt bạn đang lừa dối bạn.
Nhưng khi bản ngã hay tâm thức được quan sát. Tất cả phân biệt ngưng bặt. Như những vầng mây đang lảng đảng trên bầu trời. Tương tự tư tưởng bạn; tương tự bầu trời bên trong bạn. Những tư tưởng không gốc rễ cũng không xuất xứ như những vầng mây, chúng chỉ lang thang đâu đó. Không cần thiết chiến đấu, đối kháng hay cố ngăn chận chúng.

Trong không gian, những hình thái và những màu sắc đến và đi… Trong không gian không tô điểm trắng hay đen... Và, dù có gì xảy ra, bầu trời vẫn tinh khiết không tỳ vết. Ban ngày, bầu trời rực lửa, ánh lửa đỏ chói từ mặt trời, nó hoàn toàn đỏ rực. Nhưng đêm xuống, màu đỏ này ở đâu? Bầu trời hoàn toàn tối, đen và ban ngày, những bóng tối thì ở đâu? Bầu trời vẫn trinh khiết, không tỳ vết.

Khi đức Phật đạt đến sự tối thượng, tình thức tối ưu. Có người hỏi ngài: “Ngài đã đạt được gì? “Ngài cười và đáp: “Không gì cả - vì tất cả những gì gọi là đạt đến đã sẵn có trong tôi. Tôi không đạt được gì mới cả. Điều này đã hiện diện từ lâu, đây đã là bản chất sâu sắc của tôi. Nhưng tôi không chú ý đến điều này, tôi đã không rõ biết về nó. Kho tàng vẫn luôn hiện diện. Nhưng tôi đã quên nó “

Bạn đã quên, thế thôi – Và đây là vô minh. Giữa Phật và bạn, không hiện hữu bất cứ phân biệt nào về bản chất. Sự phân biệt nằm trong việc bạn đã quên bạn là ai - riêng ngài lại nhớ. Bạn và ngài hoàn toàn như nhau nhưng ngài nhớ, bạn quên. Ngài tỉnh thức và bạn mê ngủ.

Hãy thử sống như thế - hiện hữu trên thế giới như bạn là bầu trời, hãy xem nó như phương cách hiện hữu thật sự của bạn. Nếu ai đó nỗi giận và chưởi bạn. Hãy quan sát; nếu cơn giận dữ hình thành và đang dâng cao trong bạn - Hãy quan sát; hãy như là người quan sát trên ngọn đồi cao, chỉ đứng nhìn và quan sát.

Khi nhìn mà không nhìn vào bất cứ gì riêng biệt. Không bị bất cứ điều gì ám ảnh. Khi trực nhận trở thành thông suốt. Đột nhiên, ngay giây phút vượt thời gian, bạn hoàn toàn tỉnh thức. Bạn là một vị Phật, bạn trở thành một nhà huyền môn đầy tỉnh thức.


Và Phật đã đạt được những gì? Ngài chẳng đạt được gì cả. Ngược lại, ngài đã mất đi rất nhiều thứ: Đau khổ, u buồn, lo âu, phiền não, tham vọng, ganh tỵ, thù hận... Ngài đả mất tất cả những điều này. Có nghĩa ngài chẳng đạt đến điều gì. Vì rất đơn giản ngài chỉ nhớ lại.

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

TẠI SAO CHÂN LÝ KHÔNG THỂ NÓI ĐƯỢC

TẠI SAO CHÂN LÝ

KHÔNG THỂ NÓI ĐƯỢC
Osho

Đạo có thể nói ra, không là Đạo thường hằng
(Đạo khả đạo phi thường đạo)
Lão Tử


Đây là điều đầu tiên Lão Tử muốn nói: rằng bất kì cái gì có thể được nói ra đều không thể đúng được. Nó đơn giản làm cho bạn tỉnh táo: bây giờ lời sẽ tiếp theo, chớ trở thành nạn nhân của lời. Nhớ lấy cái vô ngôn, không lời. Nhớ cái không thể được truyền trao qua ngôn ngữ, qua lời.
Tại sao chân lí không thể được nói ra? Khó khăn là gì? Chân lí không thể được nói ra bởi nhiều lí do. 
Lí do đầu tiên và cơ bản nhất là: chân lí bao giờ cũng được nhận ra trong im lặng. Khi việc nói bên trong của bạn đã chấm dứt, thế thì nó được nhận ra. Và cái mà bạn nhận ra trong im lặng, làm sao bạn có thể nói nó qua âm thanh được? Nó là kinh nghiệm. Nó không phải là ý nghĩ. Nếu nó là ý nghĩ thì nó có thể được diễn đạt, sẽ không có rắc rối trong nó. Dù ý nghĩ có tinh vi hay phức tạp đến đâu, người ta vẫn có thể tìm ra cách để diễn đạt nó. Lí thuyết phức tạp nhất của Albert Einstein, lí thuyết tương đối, cũng có thể được diễn đạt theo kí hiệu. Không có vấn đề gì về điều đó cả. Người nghe có thể không có khả năng hiểu nó; đấy không phải là vấn đề. Nó có thể được diễn đạt.
Người ta nói rằng khi Einstein còn sống chỉ một vài người trên toàn thế giới là hiểu ông ấy và điều ông ấy nói. Nhưng như vậy là đủ. Nếu thậm chí một người có thể hiểu được, thì nó đã được diễn đạt. Và cho dù một người không thể hiểu được ngay bây giờ, thì có thể sau nhiều thế kỉ sẽ có một người có thể hiểu nó. Chính khả năng rằng ai đó có thể hiểu được nó, và nó đã được diễn đạt.
Nhưng chân lí không thể nào được diễn đạt bởi vì chính việc đạt tới nó là thông qua im lặng, vô âm thanh, vô ý nghĩ. Bạn đạt tới nó qua vô trí, tâm trí bị vứt bỏ. Và làm sao bạn có thể dùng cái gì đó như một điều kiện phải bị vứt bỏ trước khi chân lí có thể được đạt tới? Tâm trí không thể nào hiểu nổi, tâm trí không thể nào nhận ra được, làm sao tâm trí có thể diễn đạt được? Nhớ điều đó như qui tắc: nếu tâm trí có thể đạt tới, tâm trí có thể diễn đạt; nếu tâm trí không thể đạt tới được nó, tâm trí không thể diễn đạt được nó. Tất cả các ngôn ngữ đều vô tích sự. Chân lí không thể nào được diễn đạt.
Thế thì tất cả các kinh sách để làm gì? Thế thì Lão Tử đang làm gì? Thế thì Upanishad đang làm gì? Tất cả chúng đều cố gắng nói điều gì đó không thể nào được nói với hi vọng rằng ham muốn có thể nảy sinh trong bạn để biết về nó. Chân lí không thể nào được nói nhưng trong chính nỗ lực để nói nó, ham muốn có thể nảy sinh trong người nghe để biết cái không thể nào được diễn đạt đó. Cơn khát có thể được gợi ra. Cơn khát có đó, nó cần chút ít khêu gợi. Bạn đã khát rồi - làm sao nó có thể khác được? Bạn không phúc lạc, bạn không cực lạc - bạn đang khát. Trái tim bạn là ngọn lửa bùng cháy. Bạn đang tìm kiếm cái gì đó có thể làm dịu đi cơn khát này, nhưng không tìm thấy nước, không tìm thấy suối nước, dần dần bạn đã cố gắng kìm nén bản thân cơn khát của mình. Một bậc thầy như Lão Tử biết rõ rằng chân lí không thể nào được nói ra, nhưng chính nỗ lực để nói nó sẽ gợi ra cái gì đó, sẽ đem cơn khát đang bị kìm nén trong bạn lên bề mặt. Và một khi cơn khát này trồi lên bề mặt, thì việc tìm kiếm, việc truy tìm bắt đầu. Và ông ấy đã làm bạn chuyển động.
Đạo có thể nói ra
Không là Đạo thường hằng
Chẳng hạn, chúng ta có thể nói điều gì đó về ánh sáng cho người mù, vẫn biết rõ rằng không thể trao đổi được gì về ánh sáng cả bởi vì người đó không có kinh nghiệm về điều đó. Nhưng cái gì đó có thể được nói về ánh sáng - lí thuyết về ánh sáng có thể được tạo ra. Thậm chí người mù có thể trở thành chuyên gia về lí thuyết ánh sáng; với toàn bộ khoa học về ánh sáng người đó có thể là chuyên gia - không có vấn đề gì trong đó cả - nhưng người đó vẫn sẽ không hiểu ánh sáng là gì. Người đó sẽ hiểu ánh sáng bao gồm cái gì. Người đó sẽ hiểu vật lí của ánh sáng, hoá học của ánh sáng, người đó sẽ hiểu thơ ca của ánh sáng, nhưng người đó sẽ không hiểu chính ánh sáng, ánh sáng là gì. Kinh nghiệm về ánh sáng người đó sẽ không hiểu. Cho nên tất cả những điều được nói với người mù về ánh sáng chỉ là tương đối: nó là cái gì đó về ánh sáng, không phải là bản thân ánh sáng. Ánh sáng không thể nào được trao đổi.
Lí do thứ hai mà chân lí không thể nào được diễn đạt là bởi vì nó là kinh nghiệm. Không kinh nghiệm nào có thể được trao đổi cả... kinh nghiệm gạt chân lí sang một bên. Nếu bạn chưa bao giờ biết đến yêu, khi ai đó nói điều gì đó về tình yêu, bạn sẽ nghe lời đấy nhưng bạn sẽ bỏ lỡ nghĩa. Lời là trong từ điển. Cho dù bạn không hiểu, bạn vẫn có thể nhìn vào trong từ điển và bạn sẽ biết nó là gì. Nhưng nghĩa là ở bên trong bạn. Nghĩa tới qua kinh nghiệm. Nếu bạn đã yêu ai đó thì bạn biết nghĩa của từ "yêu." Nghĩa đen là trong từ điển, trong ngôn ngữ, trong văn phạm. Nhưng nghĩa theo kinh nghiệm, nghĩa theo sự tồn tại là ở trong bạn. Nếu bạn đã biết tới kinh nghiệm đó, ngay lập tức từ "yêu" không còn trống rỗng nữa; nó chứa cái gì đó. Nếu tôi nói điều gì đó, nó là trống rỗng chừng nào bạn chưa đem kinh nghiệm của bạn vào cho nó. Khi kinh nghiệm của bạn đi tới nó, nó trở thành có ý nghĩa; bằng không nó vẫn còn trống rỗng – chỉ có lời, lời và lời.

Làm sao chân lí có thể được diễn đạt khi bạn còn chưa kinh nghiệm nó? Thậm chí trong cuộc sống bình thường một điều chưa kinh nghiệm cũng không thể nào được nói ra. Chỉ lời sẽ được chuyển tải. Bình chứa sẽ đạt tới bạn nhưng nội dung sẽ bị mất. Lời trống rỗng sẽ đi tới bạn; bạn sẽ nghe nó và bạn sẽ nghĩ bạn hiểu nó bởi vì bạn biết nghĩa đen của nó, nhưng bạn sẽ lỡ. Nghĩa thực, đích thực tới qua kinh nghiệm tồn tại. Bạn phải biết nó, không có cách khác. Không có lối tắt.